Trẩy hội chùa Keo - Thái Bình

Dân gian có câu ca: Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm. Câu ca đã nói lên sức hấp dẫn của hội chùa Keo. Cùng những bước chân khách hành hương, tôi về chùa Keo vào đúng ngày chùa Keo đang tổ chức lễ hội.

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời. Từ đời nhà Lý chùa đã tồn tại. Vì nằm ở làng Keo nên tục gọi là chùa Keo. Hàng năm chùa tổ chức lễ hội vào tháng 9 âm lịch. Trong đó 3 ngày 13, 14, 15 là đông vui nhất. Đây là lễ hội truyền thống để tưởng nhớ ngày sinh của đức thánh Dương Không Lộ, vị thiền sư có nhiều tài phép và có công dựng nên chùa Keo.

Trẩy hội chùa Keo - Thái Bình ảnh 1
Thi hát chèo và têm trầu cánh phượng

Theo các cụ già ở đây kể lại: Thiền sư Không Lộ, vốn là người ở vùng này, là một vị thánh có nhiều phép biến hóa không biết thế nào mà lường. Lúc sinh thời từng làm nghề đánh cá trên sông Cái (sông Hồng), đến năm 29 tuổi mới đi tu. Tương truyền ngài từng chữa bệnh cho vua Lý nên được phong làm Quốc Sư. Sau đó vua Lý đổi tên chùa thành Thần Quang Tự. Ngày nay chùa vẫn giữ tên Thần Quang Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Keo.

Du khách hành hương đến chùa Keo ngoài việc lễ phật, lễ thánh để cầu xin phước, đức, tài, lộc còn được ngắm nghía một không gian kiến trúc độc đáo vào loại hàng đầu trong kiến trúc chùa chiền Việt Nam. Chùa Keo gồm 19 tòa lớn nhỏ với 128 gian nằm trên một khuôn viên rộng rãi phía trong con đê quai sông Hồng.

Nét độc đáo trong kiến trúc chùa Keo là vật liệu dựng chùa chủ yếu bằng gỗ. Và từ thế kỷ 17 đến nay vẫn tồn tại về cơ bản như lúc xây dựng ban đầu.

Gác chuông chùa Keo, một công trình độc đáo
Gác chuông chùa Keo, một công trình độc đáo

Xưa kia ngôi chùa không nằm ở vị trí như bây giờ. Theo sách giới thiệu lịch sử chùa Keo của sở văn hóa thông tin Thái Bình ấn hành năm 1997 thì chùa Keo đã từng bị lũ sông Hồng năm 1611 cuốn trôi. Ngôi chùa hiện còn là ngôi chùa được dựng lại vào năm 1630 do công của một vị quan nhà Lê tên là Hoàng Nhân Dũng.

Trong chùa Keo, nét đặc sắc nhất là gác chuông. Đây là một công trình kiến trúc thể hiện bàn tay khéo léo và tinh tế của những người thợ điêu khắc, kiến trúc thế kỷ 17. Tòa gác chuông cao 11m gồm 3 tầng được làm hoàn toàn bằng gỗ theo lối chồng diêm, hoàn toàn bằng gỗ chứ không dùng gạch vữa.

Toàn bộ tòa gác chuông tạo thành hình bông sen đang nở trên mặt nước. Trên tầng 2 và tầng 3 của gác chuông có treo những quả chuông cổ, đúc từ thế kỷ 17, 18. Tuy nhiên vào những ngày hội thế này lối lên bị khóa để tránh việc quá nhiều người lên gác sẽ làm hỏng công trình. Ngay tầng 1 có treo một khánh đá. Khách tham quan đến đây thường thích thú dùng những mảnh gỗ nhỏ đánh vào để nghe những âm thanh mang cung bậc khác nhau phát ra từ khánh.

Lễ hội chùa Keo
Lễ hội chùa Keo
Lễ hội chùa Keo

Còn đang thích thú với những kiến trúc độc đáo, du khách lại như bị hút hồn khi nghe thấy những giọng hát chèo vang vọng. Năm nào cũng vậy, cứ đến hội chùa Keo là người ta lại tổ chức thi hát những giọng hát chèo hay và thi têm trầu cánh phượng. Trong cuộc thi không chỉ có những người biểu diễn chuyên nghiệp mà du khách nào biết hát đều có thể đăng ký lên hát.

Những lời ca giản dị đệm nhịp bằng tiếng trống da quen thuộc cùng đàn tranh, phách tre không biết sao có sức quyến rũ lớn đến thế. Khách hành hương chẳng mấy chốc đứng xúm quanh để xem hát chèo. Cạnh đó, các đội thi têm trầu cánh phượng cũng đang thao tác thoăn thoắt tạo nên những miếng trầu cánh phượng nhìn đã muốn ăn.

Tai nghe tiếng trống chèo đều đều đệm nhịp, mắt nhìn những bộ áo mớ ba mớ bảy, áo the khăn xếp và miếng trầu cánh phượng, du khách như bị say trong một không gian vừa xa xôi vừa gần gũi.

Hầu bóng cùng chiếc thuyền giấy trong đền thờ thánh Không Lộ
Hầu bóng cùng chiếc thuyền giấy trong đền thờ thánh Không Lộ

Lễ hội chùa Keo cũng có hầu bóng. Nhưng hầu bóng ở đây người ta đem một chiếc thuyền bằng hàng mã ra hầu. Trên có hai người múa hát, hai bên có hai hàng cầm mái chèo mô tả động tác chèo thuyền theo nhịp trống, tiếng đàn. Một vài người khác ngồi xung quanh thuyền giấy cũng nghiêng ngả theo nhịp thuyền chèo và đưa thuyền tiến dần lên.

Đây là một nét riêng có của lễ hội chùa Keo.

Nguyên là hội chùa Keo chỉ tổ chức từ 13 đến 15 tháng 9 âm lịch. Nhưng ngày nay lễ hội kéo dài bắt đầu từ mùng 10 cho đến hết tháng, còn hoạt động hành hương, cúng lễ thì diễn ra hầu như quanh năm.

Đi hội chùa Keo, du khách thường qua sông Hồng sang cả bên Trực Ninh, Nam Định để dự lễ hội chùa Cổ Lễ (hội này cũng tổ chức vào thời gian tương đương bên hội chùa Keo). Ở lễ hội này du khách cũng có thể chọn được một vài món đặc sản địa phương để làm quà khi trở về như bánh nhãn Hải Hậu hay bánh cáy Thái Bình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày