“Trẻ chăn trâu và ước mơ thành Phật!”

GN Xuân - NT.Thích nữ Tịnh Nguyện đảm nhiệm Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư. Từng dòng cảm xúc từ quá khứ ở chốn thiền môn ùa về như mới ngày nào...

Thuở nhỏ vì bé lại vào chùa sớm nên tôi được u (mẹ) gọi là Chú Bé. Tết xưa ở chùa làng rất đơn sơ, những năm ấy rất khó khăn nhưng tôi may mắn là con trong gia đình thuộc loại trung lưu. Nhà tôi dệt vải. Cứ gần Tết, u mang vào chùa vài khúc vải ú thô, nhà tự dệt, vải tầm khoảng 40 phân để may áo cho tôi và các tiểu khác.

Ấy là những khúc vải trắng xấu nhất để may đồ “nông dân” cho các chú tiểu. Muốn vải có màu thì đem ra ruộng của chùa, giậm xuống bùn sình thật lâu để vải thấm bùn vào có màu xám tro, mặc dù lúc ấy đã có củ nâu rồi nhưng chùa không có tiền để mua. Sau đó, đem vải vào giặt sạch rồi nhờ người biết may, khâu tay cho, mới thành quần áo để mặc.

NT.jpg

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện thời làm y tá thiện nguyện tại bệnh viện ở cố đô Huế - Ảnh TL

Chuyện mặc là thế, còn ăn thì toàn là cơm độn khoai với rau muống luộc, canh thì lấy nước luộc rau cho vào tí muối. Món ăn ngon nhất của chúng tôi là món rau muống xào với bã đậu phụng. Ở ruộng chùa, rau muống rất nhiều nên mỗi sáng khi trời còn tờ mờ sáng, tôi thường đội rau ra chợ bán. Tôi bán chẳng được mấy hào, rất ế ẩm. Vì thế, đi chợ bán rau cũng là nỗi ám ảnh của tôi.

Ở chùa làng, ấn tượng với tôi nhất vẫn là những dấu ấn thân thuộc ở làng quê nghèo. Cứ tối đến, 5-6 chú tiểu chúng tôi ngủ ở đống rơm của chùa. Vào ngày mùa, rơm bắt đầu khô. Chúng tôi đánh thành đống lên. Tối đến, các thầy đi ngủ rồi thì các chú tiểu lấy rơm trải ra cái gian gần bếp rồi nằm xuống, lấy rơm khô đắp lên người cho ấm mà ngủ ngon lành cho đến tờ mờ sáng. Lúc bấy giờ, chú tiểu lớn nhất khoảng 15 tuổi, tôi lúc ấy đã 8 tuổi. Những đêm mùa đông lạnh giá, chúng tôi ngủ vùi như vậy rất ngon lành dù không hề có tấm chiếu, tấm chăn...

Ngày đó, các chú tiểu ở chùa phải tự làm rất nhiều việc: làm ruộng, quét chùa, chăn trâu, cắt cỏ, hái rau, đi chợ… Thường thì hai chú tiểu nhỏ nhất phải đi chăn trâu. Tôi là một trong hai chú tiểu ấy, có trách nhiệm đem trâu ra bãi tha ma cho trâu ăn và phải mang theo một gánh, lội xuống nước cắt cỏ gánh về để tối cho trâu ăn.

Thời ấy, chú tiểu như tôi chưa thụ giới, thường rất đói vì không đủ cơm ăn, thay vì ăn 3 bát cơm độn khoai thì chỉ ăn được một bát nên lúc nào cũng cảm thấy đói. Vì thế, các chú tiểu cùng với trẻ trâu trong làng, lúc dắt trâu đi chăn thường bắt cua, bắt ốc nướng rơm để ăn thêm, cho nên chúng tôi rất thích đi chăn trâu.

Tôi sinh 1931, 8 tuổi đã vào chùa rồi, lúc bấy giờ tôi chưa cạo đầu, mấy năm sau thì nạn đói ở miền Bắc xảy ra. Bấy giờ có một chú tiểu mới vào chùa bị chết đói, chùa chỉ có manh chiếu, bó lại rồi đem ra ruộng chùa chôn. Lúc đó, u tôi dặn có đi đâu thì ghé về nhà ăn chén cháo loãng rồi u gói cho nắm cơm mang theo. Có những hôm từ chùa làng về nhà chứng kiến rất nhiều xác chết đói, người mẹ bế con nằm thoi thóp chỉ có da bọc xương nằm bên đường, bên hè chùa. Thấy vậy, nhưng mình cũng đói, đành chịu, không có gì để cho họ.

Chùa Phúc Điền là chùa làng của tôi, hiện nay thuộc làng Phúc Điền, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Chùa nghèo nên chẳng ai ý thức về Tết. Chùa chỉ có mấy nải chuối xanh ở vườn mang lên cúng Phật, nhưng đêm 30 Tết lại rất vui. Mỗi người (thường là thanh niên vì đêm khuya, trời thì lạnh) ở dưới làng lên chùa mang theo một bó đuốc và một thẻ nhang. Họ tự cắm nhang vào bát nhà chùa rồi gần giao thừa, họ mang về nhà làm lộc cho năm mới. Từ chùa về làng, đường dài hơn 1km, cứ thế thấp thoáng bóng đuốc như đom đóm khổng lồ nhấp nhô trong đêm 30 Tết như một dòng chảy rất ấn tượng.

Anh Tet (5).jpg

NT.Tịnh Nguyện (thứ ba từ trái sang) - chụp ảnh lưu niệm
tại Hội nghị Sakyadhita do Ni giới Việt Nam tổ chức năm 2011 - Ảnh: Bảo Toàn

Hồi nhỏ, ở chùa dù rất khổ nhưng chẳng bao giờ tôi thấy khổ, ngược lại rất thích tu. Lúc ở điệu, tôi có dịp về thăm ông nội, là người thâm Nho và Tây học. Ông có tìm thấy một cuốn sách của ngài Mật Thể (một vị cao tăng nổi tiếng thời những năm 50 thế kỷ trước), cho tôi đem về chùa đọc. Lúc bấy giờ, tôi cứ hay so sánh mình với Đức Phật, lại nghĩ mình tu một đời này thì sẽ thành Đức Phật, Đức Quan Âm thôi.

Nhưng không ngờ khi đọc cuốn sách ấy thì tôi mới biết có khi chúng ta phải tu vô lượng kiếp mới thành Phật thế là tôi cứ ôm cuốn sách mà khóc òa như cha chết, mẹ chết ấy, suốt ngày cũng chẳng muốn ăn gì, tụng niệm cũng giải đãi. Cứ nghĩ tu một kiếp thì thành Phật, ai ngờ… bấy giờ tôi đã thối tâm rồi (cười). Về sau lớn hơn một chút, thầy tôi mới dạy bảo thật sự, nhờ đó mà tôi ngộ ra, hiểu biết hơn…

Mỗi lần nhớ lại những ký ức Tết với nếp chùa làng xưa cũ, tôi càng nhận diện rõ hơn tình thầy trò ở chùa gắn kết, dung dị mà rất đậm sâu. Đó là thứ ký ức “sống để bụng, chết mang theo”.

H.Diệu ghi

* Bài cùng chủ đề:

>> HT.Thích Đức Nghiệp: "Tết là ngày hoan hỷ"
>> HT.Thích Hiển Tu: "Tết là dịp để hướng thượng"
>> HT.Thích Giác Tường: "Xưa Sa Đéc là quê..."
>> HT.Thích Viên Minh: "Món quà thầy tặng - nhân duyên tương lai..."
>> HT.Thích Như Niệm: "Nhớ... gánh hàng bông ngày Tết..."

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày