Trị giá món đồ & giá trị bản thân

GN - Cách đây một tháng, vào ngày 9-7, một video xuất hiện trên mạng đã thu hút sự bàn luận sôi nổi của cộng đồng, đặc biệt là người trẻ.

Video trên trang Sneakers Việt Nam - đơn vị thực hiện - xoay quanh chủ đề: trang phục các bạn trẻ đang mặc có giá trị bao nhiêu. Nhân vật được phỏng vấn đều là những gương mặt trẻ tham gia Sneaker Fest - Impact Con 2018, sự kiện dành riêng cho giới trẻ có niềm đam mê đối với giày đế bằng (sneakers), thời trang đường phố, âm nhạc, mỹ thuật và thể thao.

Anh Tuoi tre 1.png
Bạn trẻ “khai” dùng đồ cả chục, cả trăm triệu trong video khiến dậy sóng dư luận - Ảnh từ video

Chỉ sau 17 giờ, video nhận được 188.000 lượt xem và hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Trong video, các bạn trẻ được phỏng vấn đều đưa ra những con số từ hàng triệu đồng trở lên cho từng món trang phục như quần, áo, giày, túi đến vớ, khẩu trang… Những phục trang đều đến từ các thương hiệu lớn như BAPE, Gucci, Balenciaga, Givenchy..., có bộ lên đến gần 100 triệu đồng.

Sở dĩ có sự quan tâm và dậy sóng dư luận là bởi vì nó liên quan đến đời sống của người trẻ hiện đại, với việc khoác lên mình những món đồ quá đắt, trong khi các bạn tuổi teen đa số chưa làm ra tiền. Nhiều người lo lắng, “phong cách sống” đó sẽ lây lan khiến các bạn khác học đòi; đặc biệt, với xu hướng sống xa hoa lên ngôi sẽ làm cho các bạn ngại khó, ngại khổ, dẫn tới thích hưởng thụ hơn là cúi người xuống sẻ chia, biết đủ với cuộc sống hiện tại của mình…

“Lắng nghe để hiểu”

Suy nghĩ về cách diện đồ hàng chục đến cả trăm triệu của người trẻ - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ (TP.HCM) - đơn vị chuyên tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng nuôi dạy con cùng các kỹ năng cho người trẻ chia sẻ: “Tôi chọn lối sống đơn giản, không theo trào lưu nhưng vẫn có những nguyên tắc nhất định. Giờ mua sắm đồ cùng con lại dựa trên tiêu chí bền đẹp, dễ phối với nhiều món đồ, nhất là những bộ đồ, trang phục, đồ dùng thân thiện với môi trường không chỉ trang phục, trang sức...”.

Nhà văn Văn Thành Lê, người gắn với công tác giáo dục một thời gian và có nhiều tác phẩm được bạn trẻ đón nhận nhận định: “Thực ra thời nào cũng có những bạn trẻ như vậy. Thích hình thức và vật chất, xem vật chất là thứ tạo ra lớp giá trị duy nhất của bản thân. Khác chăng, trước đây chỉ một nhóm bạn biết với nhau thì giờ có mạng xã hội, cả cộng đồng đều biết. Và mạng xã hội thì lan nhanh, dễ đẩy mọi thứ thành trào lưu. Tôi vẫn thấy những người trẻ phản biện và giễu nhại lại trào lưu này”.

Và hiện nay, theo nhà văn Văn Thành Lê, bên cạnh những người trẻ “nghèo vượt khó” thì vẫn có nhiều người trẻ “giàu vượt sướng”, tức là có điều kiện vẫn khẳng định được giá trị của mình bằng năng lực thực chứ không phải sa ngã vào hình thức với vật chất bên ngoài.

Trong khi đó, SC.Chân Thiện Nhật, đang tu tại Pháp, tác giả sách kỹ năng sống “An nhiên như nắng” thu hút độc giả trẻ bày tỏ: “Về sự tiêu thụ trong xã hội hiện đại, nhất là đối với giới trẻ, mình không thể đổ lỗi cho ai, vì đổ lỗi thì hơi tội! Theo cái thấy và cái hiểu của tôi, tình trạng này được phát sinh, tưới tẩm từ nhiều yếu tố, cái chính là từ lối sống, cách giáo dục của gia đình. Ba mẹ, người thân trong gia đình sống như thế nào, làm gì thì đứa trẻ sẽ bắt chước, học theo. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, ảnh hưởng từ tâm thức cộng đồng, tâm thức của đám đông. Đi học, đi chơi với bạn bè, thấy (xúc thực) bạn có món đồ mới thì lòng cũng ham thích. Trẻ dễ có tâm lý hơn thua, không chỉ trong tiêu thụ hàng hiệu mà còn trong học hành, nếu không “hơn được bạn bè” thì cũng phải “bằng bạn bằng bè””.

Sư cô cho rằng, những phương tiện truyền thông (truyền hình, mạng xã hội…) đặc biệt là những chương trình, bảng hiệu quảng cáo đều kích thích nhu cầu tiêu thụ của trẻ nói riêng và tất cả mọi người nói chung.

“Theo tôi, tất cả mọi đứa trẻ, tuy còn nhỏ nhưng đều thể hiện tư chất riêng. Bởi trong tâm thức mỗi đứa trẻ đều có những hạt giống lành hoặc không lành, thể hiện mạnh yếu khác nhau. Những yếu tố bên ngoài sẽ tác động, ảnh hưởng đến những hạt giống này. Ba mẹ nên hiểu con mình và “dạy con từ thuở còn thơ”. Không nên nghĩ rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, rồi phó mặc cho trẻ tự lớn lên trong môi trường nhiều cám dỗ”, SC.Chân Thiện Nhật lưu ý.

“Nhìn lại đ thương…”

Theo đó, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ, mọi người trẻ đều từng là trẻ con. Mà trẻ con thì thời nào, ở đâu cũng vậy, đều bắt đầu từ tinh khôi, vô tư và hồn nhiên. Môi trường giáo dục từ gia đình và nhà trường sẽ quyết định mỗi đứa trẻ lớn lên với tính cách và khí chất như thế nào. Vậy nên lỗi là “phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Gần giống góc nhìn đó, SC.Chân Thiện Nhật bày tỏ: “Tâm lý trẻ nhỏ thì hay bắt chước, tâm lý trẻ tuổi dậy thì dễ nổi loạn, tạo phong cách riêng, chỉ thích làm theo những gì người khác làm được chứ không phải từ lời họ nói”.

Trở lại với việc dạy trẻ, nhà văn Văn Thành Lê kể rằng, vẫn hay nói đùa, cách phụ huynh dạy con tốt nhất là… không dạy gì cả.

“Đùa nhưng thật, không dạy ở đây được hiểu là không nhất thiết phải nói con cái phải sống thế này mới đúng thế kia mới phải, nhưng mỗi phụ huynh phải là một tấm gương với lối sống đẹp, đúng đắn. Một đứa trẻ được sinh ra, lớn lên mỗi ngày với ông bố bà mẹ luôn nói điều hay, làm điều phải, hướng đến những giá trị sống chuẩn mực thì chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ lớn lên với những thang giá trị tốt đẹp và có đủ khả năng miễn nhiễm với những gì đi ngược lại sự tốt đẹp ấy. Sẽ là buồn cười và bất khả, khi bố mẹ sống không ra gì mà lại dạy con phải sống cho ra gì”, nhà văn Văn Thành Lê khẳng định.

Anh Tuoi tre 2.jpg


Nhiều người trẻ đến chùa với phong cách giản dị

Còn SC.Chân Thiện Nhật thì cho rằng việc dạy con cần “Khi nhu khi cương, yêu thương nhưng phải biết cách yêu thương để định hướng nhân cách cho trẻ. Dạy từ trực quan sinh động đến việc thực hành lối sống biết đủ, biết yêu thương, san sẻ”.

Cô nêu ví dụ: dạy con biết giá trị của những gì mà bé đang có, ăn uống biết chừng mực, vừa đủ, nếu ăn quá nhiều thì vừa phí phạm, không tốt cho sức khỏe. Ăn uống vừa đủ để đủ sức khỏe học hành, vui chơi. Đồ đạc, quần áo vừa đủ dùng thì nhà bớt chật chội, thoáng đãng hơn. Dạy con cách tiết kiệm trong nhà, cách sử dụng đồ chơi, bảo quản “yêu thương” đồ chơi. Với hàng hiệu (quần áo, đồng hồ, xe cộ, mỹ phẩm, nước hoa), chia sẻ cho con hiểu vì sao nó đắt tiền. Bên cạnh chất lượng thì nó đắt vì thương hiệu được xây dựng, quảng cáo và tạo được niềm tin, cảm giác tin cậy cho người sử dụng.

Theo Sư cô, xài hàng hiệu không thể hiện được tư chất đạo đức bên trong của mỗi người. Hàng hiệu chỉ là phương tiện, là vỏ bọc bên ngoài của người sử dụng.

“Nếu điều kiện có thể thì cho con xem những hình ảnh, thước phim về những trẻ em đói, hoặc chỉ cho con thấy xung quanh mình cũng còn nhiều hoàn cảnh thiếu kém hơn mình. Để dạy được thì ba mẹ nên làm được điều mình dạy. Dạy từ chính nhân cách sống của mình, mà nhà Phật gọi là “thân giáo””, Sư cô giải thích.

Đng đùa với “lửa”

Qua clip có thể thấy, sự tiêu thụ của một số bạn trẻ hiện đại do được sự cung cấp từ gia đình chứ không phải do các bạn tạo ra.

Lối sống của người trẻ tùy theo sắp xếp, chỉ bảo, hướng dẫn, hoàn cảnh, điều kiện từ người lớn; khi người lớn đưa tới mà không có hướng dẫn, không giáo dục thì sẽ trở thành cung cấp không có nề nếp, và tiêu thụ trở thành theo ý muốn riêng - không kiểm soát bản năng có thể sẽ mang lại thảm họa - y như một đứa nhỏ không biết cái hại của lửa nhưng mọi người cho nó chơi với lửa, khi nó chơi với lửa thì nó bị phỏng - là do nó không được hướng dẫn để biết cái hại của lửa trước đó.

Nên nhớ người ta làm giàu bằng trí lực, sức lực, tâm lực thì người ta sẽ biết sử dụng và trân quý từng đồng tiền. Chỉ người nào không biết giá trị của đồng tiền, không đổ mồ hôi làm ra nó họ mới thờ ơ.

Thiết nghĩ, các bạn trẻ chưa biết đói làm sao biết no được, chưa biết thiếu làm sao biết đủ. Nếu các bạn sống dưới mức mình có, bao giờ cũng sẽ biết đủ. Sống trên mức mình có thì nguy hiểm, lệ thuộc.

TT.Thích Giác Trí
Phó Trư
ởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM
(Như Danh ghi)

 An Lạc

* Bạn có suy nghĩ gì về câu chuyện trên? Bạn đã tìm được giá trị cho mình? Và có thể chia sẻ góc nhìn cũng như cách sống mà bạn cảm thấy tự tin, an lạc trong cuộc sống với Giác Ngộ. Bài viết gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày