Tri sự làm sai bị tổn phước

Phước báo hay tội báo tuy xa nhau mà lại gần nhau - Ảnh minh họa
Phước báo hay tội báo tuy xa nhau mà lại gần nhau - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôn giả Đại Mục-kiền-liên (Mahāmoggallāna) là bậc A-la-hán thần thông đệ nhất trong mười Đại đệ tử của Đức Phật. Nhờ thần thông quảng đại nên Tôn giả thấy biết nhiều chuyện mà người phàm chẳng thấy bao giờ.

Kinh ghi, nhiều lúc thấy những chuyện mà chỉ có bậc Thánh mới biết thì ngài không nói mà chỉ mỉm cười. Các Tỳ-kheo tinh ý thấy vậy liền biết có chuyện hay, gặng hỏi thì ngài mới nói thấy việc này chuyện kia, thế này như nọ.

Những chia sẻ về thần thông thấy biết không giới hạn của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cho đại chúng đều được Thế Tôn xác chứng. Trong đó có những chuyện, nghe xong vừa sợ lại vừa buồn. Sợ vì nhân quả thật phân minh, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể mang hậu quả lớn. Buồn vì nhiều khi chỉ vì móng tâm phân biệt, vô minh che lấp mà thiếu sót, thất lễ với chúng Tăng nên chịu quả báo nặng nề.

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-Đà nước Xá-vệ... Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ta ở giữa đường thấy một chúng sanh to lớn, trên đầu đội một cái vạc bằng đồng lớn sôi sùng sục, trào ra rưới khắp thân thể, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào... Phật bảo các Tỳ-kheo:

‘Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia ở chỗ Phật Ca-diếp, làm Tỳ-kheo tri sự. Có nhiều thí chủ đem dầu đến cúng cho các Tỳ-kheo. Bấy giờ, có nhiều khách Tỳ-kheo, vị tri sự này không chia dầu đúng thời, đợi cho các Tỳ-kheo khách đi rồi mới chia. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông cần nên ghi nhớ’.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 526)

Chúng ta đều biết, trong các chùa viện thì vị thầy giữ chức phận tri sự mang trọng trách nặng nề, quán xuyến mọi việc của tự viện, nhất là chăm lo đời sống cho chúng Tăng. Chư Tăng được no đủ, mạnh khỏe, an ổn là nhờ công lao to lớn của vị tri sự này. Dĩ nhiên lo cho chúng Tăng an tâm tu học thì vị tri sự được phước báo vô lượng. Thế nên mỗi vị Tăng sống chung trong các tự viện đều hàm ơn vị viện trưởng hay trụ trì về việc hướng dẫn tu tập, và vị tri sự chăm lo đời sống, bốn vật dụng đều đầy đủ.

Thực tế tại các tự viện hiện nay, tùy theo phước duyên của mỗi trụ xứ mà có các vị tri sự khác nhau. Ngoài những vị toàn tâm toàn lực lo cho đại chúng an ổn tu học, có một số vị, vì những nguyên nhân khác nhau (trình độ, nhận thức, biệt nghiệp) đã không làm tròn chức phận Tăng sai của mình. Nhất là, sơ suất hay phân biệt thiên vị trong việc phân phối bốn vật dụng cho chúng Tăng không đúng theo tinh thần lục hòa mà Thế Tôn đã dạy. Chính những sai sót này đã khiến cho phước đức của vị tri sự bị tổn giảm.

Trong pháp thoại là chuyện vị tri sự ở thời Phật Ca-diếp phạm sai sót trong việc phân chia dầu (để thắp sáng) cho các vị khách tăng. Các vị khách tăng này trong thời gian lưu trú tại chùa phải chịu tối tăm, không có đèn thắp sáng. Đây chỉ là sơ suất, tuy không quá lớn nhưng vẫn chịu quả báo nặng nề. Những chuyện tương tự như thế được Thế Tôn đề cập đến rất nhiều trong kinh pháp khiến cho những người hậu học chúng ta phải suy ngẫm, nhất là những vị mang trọng trách chăm lo đời sống của chúng Tăng.

Mới hay, phước báo hay tội báo tuy xa nhau mà lại gần nhau. Do vậy không nên chủ quan, cảm tính để gây ra sơ thất với chúng Tăng. Lại càng không nên vì thiển cận, hẹp hòi, phân biệt mà có lỗi với chúng Tăng. Những vị có trách nhiệm trong các tự viện hãy phát tâm cúng dường mười phương Tăng, được như thế thì thành tựu phước đức vô lượng, đời này đời sau đều được sống trong Thánh chúng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày