GNO - Những bức bích họa Phật giáo lâu đời nhất của Nhật Bản được đặt tại một ngôi chùa ở tỉnh Nara sẽ được trưng bày cho công chúng trong tương lai gần. Đây là lần triển lãm thứ hai kể từ khi bị hư hại trong một vụ hỏa hoạn khoảng 70 năm trước.
Các bức bích họa kỹ thuật số được trình chiếu vào tháng 11 năm 2015
Genmyo Ono, trụ trì ngôi chùa Di sản Thế giới Horyuji, công bố kế hoạch triển lãm 12 bức bích họa từ thế kỷ thứ 7 tại một cuộc họp vào ngày 27-1 của ủy ban có nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng các tác phẩm.
Các bức tranh tường, được chỉ định là một tài sản văn hóa quan trọng của chính phủ, được coi là kiệt tác. Chúng đã được lưu giữ tại phòng lưu trữ của nhà chùa, một cấu trúc bê tông cốt thép được hoàn thành vào năm 1952.
Sư Ono quyết định trưng bày các bức bích họa sau khi chẩn đoán địa chấn gần đây cho thấy nhà kho vẫn có khả năng chịu được trận động đất mạnh trong nhiều thập kỷ tới.
Các bức bích họa không được trưng bày cho công chúng thưởng thức, về nguyên tắc, ngoại lệ duy nhất là vào năm 1994, khi chúng được trưng bày cho một lượng khán giả hạn chế khoảng 10.000 người.
Bộ sưu tập, bao gồm 4 tác phẩm 3,1 x 2,6 mét và 8 tác phẩm 1,5 x 1,5 mét, mô tả nhiều hình ảnh Phật giáo khác nhau, bao gồm Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Dược Sư các vị thánh Phật giáo.
Bức bích họa cảnh giới Tây phương của Đức Phật A Di Đà
Mặc dù ban đầu được thể hiện bằng màu sắc phong phú, nhưng màu sắc của nhựng những bức bích họa đã bị mất trong thiệt hại từ ngọn lửa tại ngôi chùa vào tháng 1 năm 1949.
Yoshitaka Ariga, giáo sư lịch sử nghệ thuật Phật giáo tại Đại học Nghệ thuật Tokyo, chủ tịch ủy ban, nói với cuộc họp rằng ủy ban sẽ biên soạn một bộ đề xuất về triển lãm.
“Horyuji đánh dấu năm thứ 1.400 ngày mất của Shotoku Taishi vào năm 2021”, ông nói, khi nói về vị hoàng tử đã thành lập ngôi chùa. “Chúng tôi sẽ làm việc để thông báo các đề xuất vào thời điểm đó”.
Các quan chức của ngôi chùa dự kiến sẽ trưng bày các bức bích họa sau khi thực hiện các biện pháp để đảm bảo yêu cầu cần thiết của nội thất dựa trên sự giám định của ủy ban.
Một nghiên cứu toàn diện về các bức bích họa đã được tiến hành từ năm 2015 sau khi ủy ban được thành lập với sự hợp tác của Cơ quan Văn hóa và trang Asahi Shimbun.
Văn Công Hưng (Theo The Asahi Shimbun)