GN - Nếu nhà tỷ phú 83 tuổi này thực sự đúng thì một trong những bài học quan trọng nhất ở các trường đào tạo về kinh doanh có vẻ như sai hoàn toàn.
Có phải tất cả những giá trị vật chất đều được gom về cho những cổ đông của doanh nghiệp? Theo tỷ phú Kazuo Inamori thì hãy quên nó đi. Ông là một doanh nghiệp, một nhà quản trị và là một tín đồ của Phật giáo với khuyến nghị “Thay vì thế, hãy dành thời gian tạo ra những hạnh phúc cho nhân viên của bạn”.
Kazuo Inamori - nhà sáng lập và là chủ tịch danh dự của Kyocera Corp
Inamori đã dùng triết lý này để thiết lập nên Tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản Kyocera Corp. Hơn 5 thập kỷ qua, nhà sản xuất điện thoại này đã có một cơ ngơi với 90 tỷ đô-la và hiện tại đang được biết đến với tên gọi KDDI Corp. Inamori cũng đã cứu Hãng Hàng không Nhật Bản vượt qua giai đoạn phá sản vào năm 2012.
Từ trụ sở của Kyocera hướng tầm mắt về những ngọn đồi và những ngôi chùa của thành phố cổ Kyoto, Inamori thể hiện sự nghi ngờ về những con đường của các nhà tư bản phương Tây.
“Nếu bạn cần trứng, bạn phải chăm sóc những con gà mẹ”, Inamori nói. “Còn nếu bạn ngược đãi hay giết những con gà mẹ, chúng sẽ không làm được công việc đẻ trứng của mình”.
Đây là quan điểm góp phần quan trọng vào sự thành công của Inamori. Nhờ thế mà KDDI và Kyocera đã có một sự liên minh giá trị thị trường tạo nên khối tài sản 115 tỷ đô-la. Khi được mời làm điều hành Hãng Hàng không Nhật Bản vào năm 2010, Inamori không có bất cứ một kinh nghiệm nào trong các lĩnh vực của nền công nghiệp này.
Tuy vậy, một năm sau đó, ông đã mang về lợi nhuận và đưa hãng hàng không này thoát ra khỏi tình trạng phá sản. Năm 2012, Hãng Hàng không Nhật Bản đã trở lại thị trường chứng khoán Tokyo.
Quản trị kiểu “Amoeba” - phân chia thành những đơn vị nhỏ
Có một bí mật theo Inamori là phải thay đổi được tinh thần của người lao động. Sau khi đảm nhiệm vai trò của một CEO không lương, ông đã in một cuốn sách nhỏ về triết lý làm việc của mình phát đến từng thành viên trong công ty, trong đó tuyên bố về những gì mà công ty có thể cống hiến cho sự phát triển của họ.
Ông cũng giải thích về những ý nghĩa xã hội từ những việc làm của người lao động và ghi chú những lời dạy mang tính tạo cảm hứng của Phật giáo, chỉ dẫn cách sống mà người lao động nên trải nghiệm, như việc cần khiêm tốn hơn và sống chuẩn mực. Những điều này làm cho các nhân viên cảm thấy tự hào về hãng hàng không và sẵn sàng làm việc tận tụy, tạo nên thành công cho hãng, Inamori khẳng định.
Ông đưa ra học thuyết tăng kết dính này bởi sự phân định giữa công việc và cuộc sống đời thường của một người ở Nhật dường như mờ nhạt hơn so với các nước phương Tây. Nhưng không phải tất cả những phương cách của Inamori thiên hết về tinh thần. Vì “Nguyên lý quản trị kiểu Amoeba” của ông chú trọng đến việc chia nhân viên thành những đơn vị nhỏ có tính mở để thực hiện chính các kế hoạch của họ và quản lý giờ giấc hiệu quả nhờ hệ thống kiểm tra ban đầu.
Theo đó, cách thức quay vòng của ông cũng đã cắt giảm 1/3 trong tổng số nguồn nhân lực của hãng hàng không, khoảng 16 ngàn người.
“Nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tìm cách để tạo cho nhân viên của mình được hạnh phúc, cả về tinh vật chất lẫn trí tuệ,” Inamori khuyến nghị. “Đó là mục đích cao nhất. Và không nên buộc thuộc cấp chỉ làm việc vì lợi ích của các cổ đông”.
Điều này không mấy ấn tượng với các nhà đầu tư, nhưng nhà quản lý có niềm tin Phật giáo này cảm thấy không có gì mâu thuẫn. Nếu nhân viên hài lòng và hạnh phúc, họ sẽ làm việc tốt hơn và doanh thu sẽ được cải thiện, ông khẳng định. Và ông cho rằng doanh nghiệp cũng không nên cảm thấy hổ thẹn khi tạo nên các lợi nhuận nếu họ đang theo đuổi con đường làm lợi cho xã hội.
Không ích kỷ
“Chúng ta là những cổ đông và không được là những cổ đông ích kỷ,” Fischer, một trong những nhà đầu tư chính tại Oasis, Hồng Kông, tuyên bố khi bổ sung cho quan điểm của Inamori.
Inamori nói về việc tạo dựng hạnh phúc cho người lao động, điều đó không có nghĩa là những nhân viên này được nâng lên ở tầm khác. Quan điểm về hạnh phúc của ông đến từ cách làm việc chăm chỉ hơn bất cứ một người nào khác. Nó thiên về ý niệm trong nhà Phật với tên gọi là “shojin”, nâng cao các giá trị tinh thần thông qua sự tận tụy trong công việc và nhiệm vụ của mình.
Trong một quyển sách phát hành năm 2004 về các triết lý của mình, Inamori đã đặt những câu hỏi về xu hướng có vẻ tăng lên của người Nhật khi chú tâm đến những giá trị của thời gian giải trí.
Quan điểm tư bản ít cực đoan của Inamori là sản phẩm của xã hội Nhật Bản. Ở đó, ông cho rằng mọi người không dễ chấp nhận những khoảng cách giàu nghèo như phương Tây.
“Doanh nghiệp thuộc về cổ đông nhưng hàng trăm hay hàng ngàn người lao động cũng liên đới vào”, Inamori chia sẻ. “Vì thế cũng cần làm cho người lao động được khỏe mạnh”.
Bảo Thiên (theo Bloomberg)