GN - Báo Tuổi Trẻ ngày Chủ nhật vừa qua, 12-10, trên mục “Cà-phê Chủ nhật” có bài viết với tựa đề “Khi một tài xế được tôn vinh” - tôi đọc thấy hay, vì cách nhìn tinh tế của tác giả cũng như sức gợi của bài viết.
Trong công việc đừng chỉ nghỉ đến tiền bạc - Ảnh minh họa từ internet
Ở đó, tác giả Nhật Huy nhắc lại triết lý của Ray Kroc - người sáng lập McDonald’s, một trong 10 doanh nhân vĩ đại nhất nước Mỹ mọi thời đại và là một trong 100 nhân vật kiệt xuất của thế kỷ XX: "Nếu bạn làm việc chỉ vì tiền thì không bao giờ bạn có tiền, còn nếu làm việc với tình yêu công việc thì bạn sẽ thành công".
Từ đó tác giả rút ra: Một đất nước mà có những công dân luôn làm đúng việc và làm tốt việc, đất nước đó chắc chắn sẽ thịnh vượng. Một con người làm việc với một tình yêu và trách nhiệm, con người đó chắc chắn sẽ thành công.
Sự rút ra ấy đáng suy nghĩ cho mỗi người và nó cũng như "tiếng chuông" vừa được cung thỉnh để mỗi người có dịp nhìn lại động cơ làm việc của mình, vì mình yêu công việc, muốn trải lòng với công việc hay trong đầu chỉ chăm chăm lo nghĩ tới tiền bạc, danh vọng...
Động cơ làm việc tức ý niệm làm việc đó là gì! Trong nhà Phật, có nói “ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo” là ở chính chỗ này.
Hôm qua, có bạn trẻ gọi hỏi tôi sự việc tương tự như thế này, liên quan tới Phật pháp và tôi cũng chia sẻ với bạn ý “ý niệm của việc làm”. Khi chúng ta làm việc thiện mà xuất phát từ ý có sự hơn thua thì chắc chắn “lợi thì có lợi mà răng không còn”, nghĩa là mất gốc, mất đi sự chuyển hóa theo hướng tốt đẹp từ bên trong mình - thì làm để làm gì?
Ngược lại, đôi khi, có những người thể hiện chống phá hay khó chịu nhưng lại xuất phát từ niệm thiện là nhằm đưa tới sự thực tập tốt hơn, đưa tới việc giữ gìn để tránh xuôi theo bản năng, tránh sống buông thả... thì đó cũng là một vị Bồ-tát. Chính vì thế, việc thiện theo nhà Phật là “lợi mình lợi người ở hiện tại lẫn tương lai”.
Trở lại chỗ tuyên dương một tài xế lái xe buýt là “công dân ưu tú” và triết lý thành công như Ray Kroc nói để thấy sự thành công chính là chỗ chúng ta hết mình vì công việc chứ không phải từ những tính toán vặt vãnh, nhìn trước ngó sau trong cơ quan để so bì từng chút một.
Thực tế, trong cuộc sống, giả sử nếu bạn bị “đì” đến mức “được” sai làm rất nhiều việc (không tên) mà bạn chịu làm và làm được thì bạn sẽ học được nhiều thứ quý giá từ đó. Hạnh nhẫn của bạn sẽ tăng lên và kỹ năng của bạn sẽ thuần thục hơn, để tới lúc nào đó, nếu có làm “sếp” thì bạn cũng biết được cách thương nhân viên của mình, từ đó sẽ thành công hơn nhờ có người cảm mến, yểm trợ. Nghĩa là thêm tay thêm mắt từ chính cách mình sống chân thật, nghĩa tình với mọi người.
Tôi nhớ có một sư cô kể, hồi mới vô chùa, sư phụ sai quá trời việc, khó với mình quá trời; lúc ấy có lúc buồn, cũng khóc thê thảm, nhưng chưa bao giờ có ý niệm... về nhà, bỏ tu hay oán ghét sư phụ. Sau ít năm, sư cô ấy biết được rất nhiều việc, thuần thục rất nhiều kỹ năng từ đối nội tới đối ngoại và được giao trọng trách trong chùa, làm nhiều việc lợi ích. Giờ sư cô đã trụ trì, nuôi chúng, thâu nhận đệ tử, nên hiểu việc “đì” của thầy thực ra là giáo dưỡng mình tốt hơn.
“Bây giờ có gặp khó nhiêu cô cũng thấy bình thường, vì những cái... khó nhất, khó hơn thế nhiều mình đã vượt qua, đã được sư phụ mình dạy rồi” - Sư cô nói như một sự tri ân sâu sắc.
Tất nhiên, đó là một trường hợp đặc biệt, một cách dạy đặc biệt và được soi sáng bởi “mắt thương” chứ không phải bằng “mắt giận” nên người học trò đã rút ra được bài học giá trị, không thể nêu ra được... trị giá. Tất nhiên, dạy người hay phản biện không phải lúc nào cũng cần gay gắt, cũng nâng quan điểm hay tạo ra chướng này chướng nọ... nhưng nếu có duyên gặp phải những trường hợp như thế thì việc nhẫn (vì hiểu và thương) để từng bước vượt qua chướng ngại, mạnh mẽ đối mặt thử thách cũng là cách trau dồi bản thân, không hề vô ích.
Tấn Khôi
___________
* Bạn nghĩ như thế nào về sự tử tế? Bạn đã từng tử tế? Trân trọng mời bạn chia sẻ suy nghĩ, câu chuyện của mình hoặc của ai đó mà bạn là người trong cuộc, có dịp chứng kiến với Giác Ngộ online. Địa chỉ gửi bài: phatgiaovatuoitre@gmail.com.