GN Xuân - Bây giờ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, khoảng cách nhớ nhung đã vơi, vì công nghệ phát triển, chỉ cần có internet, rồi vào các phần mềm, có thể nói chuyện với nhau, thấy rõ mặt nhau. Bây giờ cuộc sống bộn bề, trong cuộc mưu sinh, mọi người trong gia đình thường lên đường mưu sinh khắp nẻo, dẫu vẫn liên lạc nhau thăm hỏi nhau như thế, nhưng Tết luôn cần được trở về.
Cuối năm nơi sân ga - Ảnh minh họa
Trong những ngày cuối năm đã bàn chuyện về ăn Tết. Mấy người lớn tuổi gặp nhau, hỏi thăm: “Mấy đứa nhỏ có về không?”. Bạn bè đi làm hỏi nhau: “Mày mua vé về Tết chưa”. Ngay trên Facebook, tôi đã gặp những caption (lời đề) rất rộn ràng: “Mình đã mua được vé về quê ăn Tết rồi. Hẹn gặp cả nhà nha”. Vài dòng đơn giản vậy thôi mà cả tâm tình của sum họp, của đoàn viên. Về ăn Tết kiểu công nhân thì đã tích trữ “quà Tết” cho nhà từ khi thời tiết vào hè, trông ngóng lương tháng 13 và sau đó là người chen cùng người ở bến xe, bến tàu chỉ để trở về cho kịp Tết. Nhiều hội đoàn, đơn vị, cơ quan của người Việt, đã tặng vé tàu xe cho công nhân nghèo, cho sinh viên nghèo được trở về trong ngày Tết, thấu hiểu sự cần thiết đoàn tụ linh thiêng.
Trong cuộc đời mỗi người đã bao lần đón Tết, và đã bao lần vui, cũng lắm lần buồn. Mọi người chen vai cùng nhau ra chợ, cảm nhận cái chộn rộn bán mua, cảm nhận cái cò kè giá cả, xem thử túi tiền của mình như thế nào mà “mua Tết” về trong căn nhà của mình, trong cái rất riêng tư gia đình. Con cái lớn lên, đi làm ăn xa, có khi con cái tụi nó cũng đã lớn. Nhưng cội nguồn chính là nơi đã sinh ra và lớn lên, là thời thơ ấu ra con ngõ cùng bạn bè khoe phong bao lì xì. Về nhà lắng nghe nồi măng nấu Tết, đòn bánh tét bánh chưng, hũ dưa kiệu ngày Tết. Ngày Tết bữa cơm cũng khác, không phải món ăn Tết mà sự đoàn tụ, rộn rã cùng chén đũa, reo vui cùng bếp lửa hồng.
Ngày Tết của người dân Việt vô cùng thiêng liêng. Sự thiêng liêng ấy không một dân tộc nào có được, mà trong thẳm sâu trái tim của mỗi một con người thì chính là những ngày mà gia đình phải cùng có mặt.
Sáng mùng một dậy sớm để cùng nhau đi trẩy mộ, thắp cho ông bà một nén nhang ngày đầu năm. Cả con đường của nghĩa trang chen kịt người, những ngôi mộ được dọn cỏ, sơn vôi mới. Ai cũng mua hoa cho người đã khuất, thắp nén nhang cho người thân mình và chia cùng cho những người bên cạnh. Ngày Tết là ghé thăm cậu Hai, cô Ba, thím Tư… Ngày Tết là cắn hạt dưa đỏ môi, chỉ nói lời tốt đẹp.
Trong cuộc đời, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu cái Tết, và chắc hẳn rằng cũng đã từng có những cái Tết vì lý do nào đó, ở một nơi chốn lạ, không có người thân. Chắc lúc đó trong lòng sẽ buồn, sẽ có nỗi nhớ khôn ngôi. Cũng có cái Tết xa nhà, tôi cứ lang thang qua không biết bao nhiêu con đường ở một thành phố lạ, chỉ để ngắm nhìn cái rộn ràng không khí Tết trong từng căn nhà, để tai nghe những tiếng cười, để ngửi mùi hương trầm đốt trong đêm cùng tận của năm.
Lạ cho trái tim người, thì cũng là ngày, là đêm. Và Tết cũng chỉ là sự dịch chuyển của thời tiết, là giáp một vòng quay của đất trời. Mà sao những ngày đó ta lại cần vùi trong chăn ấm của ngôi nhà, dẫu chỉ là mái tranh nghèo. Là tại sao lúc đó ta cần mở cánh cửa vào sân nhà, dẫu cánh cửa chỉ là những thân tre non cột lại, và sân nhà chỉ có những cây điệp vàng đang trổ hoa. Tết, mở toang tất cả cánh cửa kỷ niệm, bỗng dưng nhìn thấy những dấu chân hằn trên bờ sông thời thơ ấu mà ta từng để lại. Bỗng dưng nhớ những lần theo bà nội đi lễ chùa, cũng tập tành chấp tay khấn vái, mà trong miệng thật ra chỉ lắp bắp những âm thanh.
Tôi đã từng đợi ở sân ga chiều cuối năm. Những hành khách cứ áp tai vào điện thoại mà nghe. Hành lý của họ là nhành mai, vài hộp bánh mứt và có khi là đòn bánh tét, hộp trà… Rồi chuyến xe lửa dùng dằng dừng lại, những đứa con xa quê leo lên. Chuyến xe lửa ấy và biết bao nhiêu chuyến xe lửa cứ thế lao về phía trước. Mỗi một giờ trôi qua là mỗi một giờ sum họp gần thêm. Tôi đã nghe tiếng cười của ngôi nhà hàng xóm khi xe dừng lại, con cháu trở về. Rồi ngày Tết ngập tiếng cười vui, tiếng ly chén va vào nhau, là tiếng của trùng phùng, tiếng những bước chân cùng đi ra ngõ, là tiếng của đoàn viên.
Tôi yêu những phút giây trùng phùng của mùa xuân Việt. Những giây phút trùng phùng ấy đã làm nên một mùa Tết mới.