Trong sáng niềm tin với nghề báo

GN - Lúc còn ngồi ở giảng đường, Nguyễn Thị Nguyên Sương, sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình II, đã nói rằng: “Hầu hết con gái dân báo chí đều cứng cỏi, mạnh mẽ và Sương cũng muốn Sương có tố chất đó”.

Cuối cùng, ra trường, trở thành phóng viên, Sương đã chứng tỏ được sự mạnh mẽ của riêng mình. Khi đương đầu với biết bao khó khăn của nghề, kể cả khi bị tai nạn giao thông, bác sĩ bảo chỉ còn trông vào nghị lực, vậy mà Sương vẫn vượt qua. Trong giai đoạn đầu phục hồi sức khỏe, có những điều nhớ, những điều đã quên nhưng một điều Sương không quên, đó là: “Sương năm nay 25 tuổi, là phóng viên Báo Bưu Điện từ năm 2011”.

ngoctran.JPG

Nguyên Sương tập viết chữ với ước mong sớm trở lại nghề - Ảnh: Hạnh Ý

Năm ngoái, trên đường về quê thăm gia đình ở Long An, Sương bị tai nạn giao thông. Nghe bác sĩ nói: “Tình hình là phụ thuộc vào ý chí của Sương ...”, mẹ Sương khóc ngất. Thế là, ngày nào mẹ và gia đình Sương cũng thì thầm nói với chuyện, động viên, vực dậy ý thức trong Sương.

Ngoài nói chuyện với con, bố Sương chỉ biết cầu nguyện chư Phật, Bồ-tát gia hộ. Đồng nghiệp, bạn bè vào thăm Sương là rỉ tai, kể Sương nghe những bài báo đang nóng, cần Sương viết. Bất tỉnh gần 2 tháng, cuối cùng Sương cũng cử động. Mất thêm 4 tháng điều trị, giờ Sương đã gần như phục hồi hẳn, chỉ còn tập vật lý trị liệu, chân và tay cử động nhanh nhạy hơn là có thể xuất viện. Việc Sương hồi phục nhanh như vậy, với nhiều người, đó được xem là kỳ tích.

Ở bệnh viện, từ ngày phục hồi trí nhớ đến giờ, ngày nào Sương cũng ôm ấp, tiếc những đề tài dở dang và quyết thực hiện khi xuất viện. Ngày nào Sương cũng tập viết chữ, nắn nót từng chữ trên trang giấy trắng. Có khi đang viết, mà đến giờ ăn cơm, Sương vẫn gắng viết cho xong như thói quen, viết xong bài mới ăn cơm.

Sương vạch kế hoạch với mẹ: “Con xuất viện, chỉ về nhà chơi 2 ngày rồi con đi làm. Giờ phải tập viết cho nhanh để đi làm cho sớm”. Mẹ Sương cho biết: “Cơ quan cho nghỉ đến cuối năm, con lo dưỡng bệnh; cứng cáp hẳn rồi hãy đi làm. Mẹ sẽ mua cho con chiếc xe mới để con đi tác nghiệp”. Năn nỉ mãi Sương mới chịu nghe lời.

Trò chuyện với Sương, mỗi lần nhắc đến nghề là mắt Sương sáng lên niềm hạnh phúc khó tả. Sương khoe đủ chuyện, kể rất nhiều kỷ niệm khi đi làm báo. Sương vẫn rất tâm đắc với mảng phóng sự điều tra. Hỏi “Sương không sợ sao”, bạn khẳng định: “Sợ thì không đi nghề báo. Chỉ cần mình sống đàng hoàng với nghề, không viết sai sự thật, không làm việc thẹn với bản thân thì chắc chắn trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có quý nhân giúp đỡ”.

Ngọc Trân


>> Lời cảm ơn của Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày