(Bài giảng tại trường hạ chùa Sắc tứ Linh Thứu, tỉnh Tiền Giang)
GN - Tôi có nhân duyên với chùa Linh Thứu. Từ khi còn là học tăng, tôi đã nghe nói về ngôi chùa này. Nhưng mãi đến khi tôi được giao trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, chùa này là nơi đầu tiên tôi đến thuyết giảng.
Sau đó, tôi đi giảng dạy ở nhiều nơi, nhất là sau khi Hòa thượng Thiện Hào viên tịch, ngài đã dạy rằng tôi phải quan tâm đến sinh hoạt của Phật giáo phía Bắc. Vì phía Nam đã thành lập Ban Trị sự các tỉnh thành, trong khi phía Bắc, ngoài Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, còn rất nhiều tỉnh thành chưa có Ban Trị sự Phật giáo.
Vì vậy, tôi quan tâm và dành thì giờ ra miền Bắc nhiều hơn. Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc theo đó đã phát triển nhanh chóng. Thật vậy, nhờ có căn lành sâu dày với Phật pháp, đã có trên một vạn Phật tử có thể hỗ trợ cho sinh hoạt Phật giáo phía Bắc.
Trụ pháp Phật, thân tâm tự tại, thấy đúng, làm đúng... - Ảnh minh họa
Sau thành quả tốt đẹp về hoằng pháp, tôi lại được giao trách nhiệm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, phụ trách vấn đề liên hệ với tổ chức Phật giáo các nước, thay cho Hòa thượng Minh Châu và chuẩn bị Lễ Vesak 2008. Từ đó, công việc hoằng pháp được giao cho Hòa thượng Bảo Nghiêm.
Phụ trách công việc đối ngoại, tôi nghĩ mỗi nước có truyền thống và pháp môn tu khác nhau. Vì vậy, cần phải hài hòa các hệ phái Phật giáo. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là làm cho Phật giáo Bắc truyền công nhận Phật giáo Nam truyền và ngược lại, Phật giáo Nam truyền cũng hòa hợp với Phật giáo Bắc truyền. Có được mối quan hệ hỗ tương sâu sắc giữa Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo mới giúp Phật giáo Việt Nam vững mạnh. Còn cứ chê nhau là ngoại đạo, chắc chắn đưa Phật giáo đến chỗ diệt vong.
Ngoài ra, trong Phật giáo Bắc truyền còn kẹt tông môn, hệ phái. Người tu Thiền, người tu Tịnh độ, hay tu Mật tông, tu theo tông phái nào thỉ chỉ biết tông phái mình, coi tông phái khác đối nghịch, sẵn sàng tìm kẽ hở nói xấu nhau. Thử nghĩ như vậy, có đúng không, có lợi lạc gì cho Phật giáo hay không.
Và riêng trong Thiền lại phân chia, người theo Lâm Tế, người theo Tào Động. Ít nhất trong Thiền đã chia thành năm nhóm khác nhau và hành trì khác nhau. Thiết nghĩ càng xé nhỏ, sinh hoạt Phật giáo càng suy yếu.
Tôi may mắn nghiên cứu kinh Pháp hoa, nhận thấy kinh Pháp hoa là Viên giáo dung nhiếp tất cả pháp môn. Trên chân thật môn chỉ một, nhưng phương tiện có đến tám mươi bốn ngàn pháp tu để ứng vào căn cơ, trình độ của chúng sanh ở những quốc độ và những thời kỳ khác nhau.
Vì vậy, Phật dạy lấy trí tuệ làm nền tảng. Đối với người chấp giới luật, lấy giới luật làm thầy. Nhưng người không coi giới luật là chính thì nói rằng trong mười hai năm đầu Phật giáo hóa độ sanh, Ngài không nói giới, nhưng người theo Phật tu vẫn đắc quả La-hán. Sau đó mới có luật Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni…, luật của cư sĩ. Có giới luật nhiều như vậy, nhưng có ai đắc quả không.
Từ lý giải này, tư tưởng Đại thừa lấy giáo pháp làm thầy, nương vào giáo pháp tu hành để phát sinh trí tuệ. Phật khác với chúng sanh ở điểm Ngài có trí tuệ chỉ đạo. Nếu có trí tuệ chỉ đạo cho suy nghĩ, lời nói và hành động, chúng ta là Phật, là pháp, không phải chấp pháp.
Nếu chấp pháp, sẽ bị pháp ràng buộc, không giải thoát, nên huệ không sanh. Đó là tinh thần của Phật giáo phát triển theo kinh Duy ma, lấy giáo pháp làm thầy, áp dụng giáo pháp vào cuộc sống để phát triển trí tuệ. Vì vậy, người tu chọn Văn Thù Sư Lợi là thầy. Ngài là thầy của ba đời chư Phật, dùng ngũ trí nghiêm thân. Tu theo Đại thừa, hành giả lấy trí tuệ làm thân, làm sinh mạng, chỉ đạo tất cả việc làm của mình.
Trí của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai cộng với trí của thế gian gọi là ngũ trí. Nếu chúng ta theo xuất thế, không hiểu biết thế gian là chúng ta đi trên mây, nhưng Phật dạy Phật pháp nằm trong con người, trong suy nghĩ của con người. Nếu con người còn suy nghĩ về Phật, suy nghĩ Phật pháp thì đạo Phật còn tồn tại. Nếu suy nghĩ của con người về Phật pháp không còn, Phật giáo phải suy yếu.
Và khi Phật giáo suy yếu, chư Tăng không có trí tuệ để chỉ đạo quần chúng, nên không được kính ngưỡng. Như vậy, theo tinh thần Pháp hoa, Phật giáo mất trong lòng quần chúng, trong xã hội là Phật giáo hoại diệt.
Trở lại việc tôi cố tìm điểm chung giữa Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Đại thừa, nhờ đó tôi tạo được mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam theo Đại thừa và Phật giáo Thái Lan theo Nam truyền. Thiết nghĩ hai mối quan hệ này phải tốt đẹp, vì chúng ta và họ là láng giềng, mà chống đối nhau sẽ làm cho Phật giáo suy yếu.
Chúng ta có trí tuệ, phải hợp tác, không nên chia cắt, đúng theo tinh thần của Giáo hội đề ra là thống nhất tất cả hệ phái thành một Giáo hội. Các nước nghĩ rằng tại sao Việt Nam thống nhất Phật giáo được. Vì chia ra thì dễ, nhưng thống nhất thì khó, hai chùa tách ra là việc đơn giản, nhưng hợp lại hai chùa thật khó.
Nghiên cứu kinh Pháp hoa, tôi thấy có câu chuyện thú vị là “Hiện Bảo tháp”. Khi Phật thuyết kinh Pháp hoa đến phẩm Hiện Bảo tháp thứ 11, bấy giờ, tháp Đa Bảo từ dưới đất tự nhiên vọt lên trụ giữa hư không. Đó là ý quan trọng mà tụng kinh phải nhận ra, không phải tụng kinh thuộc lòng văn tự.
Tại sao tháp trụ giữa hư không. Điều này phát xuất từ phẩm thứ 10 dạy rằng người tu phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Đó là cốt lõi của kinh Pháp hoa mà người tu không lên tòa Như Lai được, tức không tiếp nhận nghĩa lý sâu xa của Phật, thì phải nâng mình lên hư không, nghĩa là chúng ta không còn kẹt đói, khát, nóng, lạnh. Nói cách khác, mặc dù có thân tứ đại, nhưng không bị tứ đại chi phối. Vào định, hành giả quên đói, khát, nóng, lạnh, tức là vào hư không.
Thể nghiệm pháp này, trời nóng, tôi đắp y, ngồi thiền, vẫn cảm thấy bình thường. Vào thiền, thấy nóng là chưa có Phật, chưa lên hư không, chưa thấy Bồ-tát. Người tu không thể nghiệm được pháp này coi như chưa bước chân vào đạo.
Xưa kia, Pháp sư Ấn Tông giảng kinh Pháp hoa nhiều năm, nhưng không ngộ, vì còn kẹt pháp, phải đợi ngài Huệ Năng đến khai ngộ, mới nhận được yếu chỉ của kinh. Phải nâng mình lên hư không, nhưng chưa lên được, mà vẫn thấy tháp là Tổ Thiên Thai dạy chúng ta tu làm sao thấy Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật, thấy Bảo tháp xuất hiện.
Và bước thứ hai, đại chúng thấy tháp cao, nhưng không lên được. Phải nhờ thần lực của Phật nâng chúng ta lên hư không. Thực tế cho thấy nhiều người tu thiền, thường nghĩ tự lực là chính. Riêng tôi, kết hợp tự lực và tha lực để nhấc tôi lên hư không. Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ Phật không hộ niệm, mình không làm được.
Phải nỗ lực tu hành và cũng nhờ tha lực nâng mình lên hư không, chúng ta thấy được tháp Đa Bảo, đó là cái thấy toàn diện của Phật giáo. Trước chúng ta chỉ thấy phiến diện, tu Thiền thì thấy Thiền, tu Tịnh độ thấy Tịnh độ… ví như người mù rờ voi.
Tôi nhắc quý vị đừng làm người mù rờ voi, phải sáng mắt, thấy được kho tàng quý giá của Phật để lại là tháp Đa Bảo. Làm sao mở tháp. Phật nói điều đó đơn giản, vì thệ nguyện của Phật rằng Phật nào muốn chỉ Pháp thân của Phật cho đại chúng, phải tập trung các phân thân thuyết pháp trong mười phương, mới mở tháp được. Điều này gợi ý gì.
Theo Phật giáo Nam truyền, chỉ có một Đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở Ta-bà. Nhưng theo tinh thần Đại thừa Viên giáo, “Phật Thích Ca thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ, thuyết pháp, giáo hóa vô số chúng sanh, thọ mạng sai khác, tùy theo loại hình mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu. Nếu thấy chúng sanh ưa pháp Tiểu thừa, đức mỏng, tội nặng, không thể thấy xa. Ta phải thị hiện thân hình giống nó, bỏ tục, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, rồi nhập Niết-bàn…”. Đó là cốt lõi kinh Pháp hoa.
Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ là một trong những thị hiện thân của Phật Thích Ca trên cuộc đời và sau khi độ những người đáng độ, làm những việc đáng làm, Ngài nhập Niết-bàn. Và hơn thế nữa, Đức Phật không phải chỉ thị hiện một chỗ, mà Ngài còn hiện thân ở nhiều chỗ khác.
Vì vậy, nhận thức sâu sắc yếu nghĩa này, tôi nói Phật Di Đà, Phật Dược Sư và mười phương Phật cũng là hiện thân của Phật Thích Ca và muốn mở tháp Đa Bảo, Phật Thích Ca phải tập trung phân thân.
Phật nói rằng khi thị hiện ở chỗ này, Ngài có tên này, thị hiện chỗ khác, Ngài có tên khác. Vì dân tộc Thái Lan thích hợp với việc khất thực, nên đối với họ, tu hạnh khất thực là chính. Nhưng ở Trung Quốc, phải làm mới được ăn, nên Tổ Bách Trượng hiện hữu với chủ trương nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực. Ở Nhật Bản, người dân cần người có sức mạnh phi thường và trí tuệ siêu việt, nên xuất hiện Kubo Daishi, ngài vừa sáng tác chữ viết của người Nhật, vừa mở trường dạy các ngành nghề và tất nhiên, ngài cũng thể hiện năng lực huyền bí.
Trên bước đường tu theo Phật, hành giả hiện thân theo đúng yêu cầu của người dân, chắc chắn việc làm đạt hiệu quả cao, làm sáng danh Phật giáo. Ở mỗi chỗ đều có việc làm khác nhau phù hợp và nâng cao đời sống của dân chúng.
Trong mùa an cư, các Ni sư suy nghĩ xem tại đây nên hành đạo thế nào được quần chúng kính ngưỡng, để đạo Phật còn trong lòng quần chúng. Trong thời kỳ đầu, nhờ cứu được vua Gia Long, Phật giáo tỉnh Mỹ Tho được phục hồi, nhưng sau đó, Phật giáo suy yếu, cho đến phong trào chấn hưng Phật giáo, các Ni sư đã mở trường đào tạo Ni chúng, sinh hoạt Phật giáo tỉnh nhà mới phát triển. Đến thời đại chúng ta là thời hội nhập, phải đổi mới hơn nữa, Phật giáo mới thích nghi và tồn tại, phát triển.
Cầu mong đại chúng nỗ lực tu, phước sanh và phát huy trí tuệ, thấy đúng chân lý, áp dụng đúng pháp trong việc truyền bá Chánh pháp Như Lai còn mãi trên thế gian, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.