Trùng tu chùa Phổ Giác: Phải giữ được di tích cấp quốc gia

Ngay khi chùa Phổ Giác được hạ giải vào ngày 21/11 để trùng tu, dư luận đã lập tức quan tâm. Trước khung cảnh toàn bộ ngôi chùa đã bị san phẳng với ngổn ngang gạch ngói, tượng, gỗ, không ít câu hỏi băn khoăn, lo lắng được đặt ra: Phá dỡ tan tành thế này để làm mới có phải là làm hại di tích và như vậy, sẽ tạo tiền lệ cho việc đua nhau phá nát các di tích?Còn nếu thực sự chùa bị xuống cấp và do mới xây được nửa thế kỷ, thì sao lại được Bộ VH, TT&DL công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1991?

Tất cả những ý kiến trong những ngày qua, đều bắt nguồn từ tấm lòng của công chúng đối với các di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để có câu trả lời xác đáng những vấn đề trên, cần một cái nhìn khách quan, thấu đáo.

Chùa Phổ Giác nằm trên mặt con phố nhỏ Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo lịch sử, đây là ngôi chùa cổ, được xây dựng vào thời hậu Lê (1770 - 1774), có văn bia Dương Võ bi kí, thờ ba vị tổ sư công tượng. Cũng có truyền thuyết cho rằng đời Lê, chùa có một vị sư trụ trì tên là Phan Cảnh Diệp có tài dạy voi và đã chinh phục được một con voi sổng chuồng, phá phách, gây hại cho dân, nên đã được Chúa Trịnh trọng thưởng. Sau này, Phan Cảnh Diệp đã cưỡi voi đánh giặc và chiến thắng nhiều trận, nên được phong tước Quận công, nhưng ông không ra làm quan mà tiếp tục vào chùa. Chùa hiện vẫn thờ tượng Phan Cảnh Diệp ở hậu cung.

Đặc điểm nổi bật của ngôi chùa là cửa tam quan bằng đá, nép mình dưới bóng si cổ thụ, tạo nên nét độc đáo riêng có. Tam quan không lớn, được xếp từ những viên đá theo hình vòm cuốn. Đứng từ trong chùa nhìn ra, tam quan có hình con sư tử lớn đang há miệng quỳ. Kiểu tam quan này ghi dấu chùa Phổ Giác từng là một trong những sơn môn lớn của phái Tào Động - một thiền phái du nhập vào Việt Nam thế kỉ XVII. Chùa còn Thần phả ghi công tích của Phan Cảnh Diệp, bia về nghề thuốc và dựng Y Miếu, hoành phi, câu đối, chuông, ngựa đá, ngai, bài vị và nhiều bức tượng được làm từ thế kỷ XVIII - XIX v.v… rất phong phú. Với những giá trị độc đáo, năm 1991, chùa đã được Bộ VH, TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Phổ Giác khi chưa phá dỡ.
Chùa Phổ Giác khi chưa phá dỡ.

Theo sư trụ trì Thích Đàm Tường, chùa Phổ Giác đã qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa. Năm 1951, chùa được trùng tu một lần nữa nên phần mái, xà đều được làm từ xi măng cốt thép. Nóc chùa có biển chùa Phổ Giác, không hề đủ đấu cái, đấu con như kiến trúc cổ.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận Đống Đa cũng xác nhận: "Chùa Phổ Giác được xây mới năm 1951 với kết cấu đơn giản, sử dụng vật liệu thời hiện đại như gạch nung, ngói tây, nền lát gạch hoa, tường xây bằng vôi, vữa, không có trụ đỡ, phía trên vì kèo sử dụng sắt, kết cấu chắp vá, manh mún".

Sau những thăng trầm của lịch sử và thời gian, chùa Phổ Giác đã không còn nguyên trạng. Theo khảo sát vào năm 2008 của đơn vị tư vấn - Công ty CP Xây dựng và Phục chế công trình văn hóa, thì chùa đã bị xuống cấp trầm trọng, "đặc biệt là ngôi tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu và toàn bộ mái ngói đã bị xô lệch, dột nát nhiều chỗ, tường xung quanh cũng đã xuống cấp, nhiều chỗ bị nứt, lớp vữa trát bị bong rộp, rêu mốc, làm ảnh hưởng tới giá trị lịch sử, nghệ thuật của di tích".

Nhìn chung, ngôi tam bảo là một công trình hiện đại và có hệ thống lưới cột, tượng cũng như công năng thờ tự bên trong chưa hợp lý với ngôi chùa cổ của Việt Nam . Hơn nữa, sự xuống cấp của di tích còn gây nguy  hiểm cho bà con đi lễ chùa và mất mỹ quan cho tổng thể di tích. Nền cốt của công trình rất thấp, nên mỗi khi trời mưa, nước ngập vào tận sân, thậm chí, trận mưa tháng 10-2008, nước đã vào tận hiên của Tam bảo, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến việc thờ cúng trong chùa.

Chùa Phổ Giác được phá dỡ ngày 21-11.
Chùa Phổ Giác được phá dỡ ngày 21-11.

Trước tình hình trên, nhà chùa đã có đơn gửi các cấp, đề nghị được trùng tu, để tránh di tích tiếp tục xuống cấp. Ngày 26/10/2009, Sở VH, TT&DL Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ VH, TT&DL và được Bộ VH, TT&DL đồng ý tu bổ, tôn tạo chùa với các điều kiện cụ thể, đồng thời, yêu cầu phải có giải pháp bảo quản các bia đá hiện có tại chùa. Chùa Phổ Giác sẽ được xây mới dựa trên nguyên tắc: Bố cục mặt bằng phù hợp với phong cách truyền thống của chùa Việt Nam , đảm bảo mật độ công trình phù hợp. Vật liệu sử dụng phải đảm bảo truyền thống: gỗ lim, gạch Bát Tràng cổ, ngói mũi hài, đá xanh Thanh Hóa. Vật liệu kết dính thông thường có thể sử dụng xi măng, riêng phần đắp trát phục cổ dùng vữa truyền thống theo quy định.

Như vậy, việc xây dựng lại chùa là cần thiết, mà vẫn đảm bảo tính truyền thống, phù hợp với thực trạng ngôi chùa, cũng như nguyện vọng của bà con phật tử.

Di tích mới xây dựng nửa thế kỷ?

Chùa Phổ Giác được phá dỡ ngày 21/11.
Chùa Phổ Giác được phá dỡ ngày 21/11.

Câu hỏi khiến dư luận băn khoăn chính là: Nếu ngôi chùa mới được xây dựng từ năm 1951, thì tại sao lại được công nhận là Di tích cấp quốc gia? Mang theo câu hỏi này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT&DL và được biết: Phần kiến trúc của chùa Phổ Giác là kiến trúc rất muộn. Do xây dựng vào thời kỳ đất nước còn khó khăn, nên chùa Phổ Giác rất tạm bợ, không có giá trị gì về kiến trúc. Nhưng các pho tượng, chuông, bia cổ, hoành phi, câu đối, đặc biệt là bia Cảnh Hưng năm thứ ba và nhiều hiện vật của chùa lại có giá trị nghệ thuật, lịch sử. Vì thế, năm 1991, chùa Phổ Giác đã được công nhận Di tích cấp quốc gia, nhằm có điều kiện bảo tồn các di sản này.

Ông Hùng cũng cho biết: Có 4 loại di tích quốc gia được xếp hạng là: Di tích khảo cổ, Di tích danh thắng, Di tích lịch sử, Di tích kiến trúc, nghệ thuật. Chùa Phổ Giác thuộc loại Di tích kiến trúc, nghệ thuật, nhưng thực ra, giá trị lớn nhất của chùa Phổ Giác là giá trị nghệ thuật ở các bức tượng cổ, bia cổ cùng nhiều hiện vật khác, chứ không phải ở kiến trúc của ngôi chùa.

Ông Hùng cũng giải thích thêm về một số ý kiến băn khoăn khi thấy ngôi chùa "bị san phẳng": Do đặc điểm về kiến trúc của các ngôi chùa Việt Nam , nên nếu không hạ giải thì không thể tu bổ lớn, mà chỉ có thể sửa chữa nhỏ. Song việc trùng tu sẽ được các cơ quan chức năng giám sát, để đảm bảo đúng yêu cầu chuyên môn. Cục Di sản sẽ tiến hành kiểm tra khi thấy cần thiết

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày