Trước sự bát nháo của lễ hội…

GN - “Phía bên ngoài tường rào, không ngớt tiếng la ó, kêu gọi phá tường để mở đường vào đền dù giờ khai ấn còn tới 2 giờ nữa. Người sau đẩy người trước nên xảy ra tình trạng xô xát, ngất xỉu do chen chúc diễn ra ở hầu hết mọi điểm vào. Hàng chục người bị ngất, từ thanh niên trai tráng đến người già, phụ nữ”. Đúng một năm trước, ngay sau đêm phát ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra, Tuổi Trẻ Online đã có bài tường thuật cùng những hình ảnh quá bát nháo, gần như nổi loạn của những người tham gia lễ hội như vậy!

ImageView.aspx.jpg

Loạn "cướp" ấn đền Trần - Ảnh: TTO

Kinh hoàng lễ hội

Chỉ có thể dùng từ kinh hoàng để diễn tả về những lễ hội mùa xuân đã, đang và sẽ còn diễn ra ở Việt Nam bởi đằng sau lễ hội ấy là những hình ảnh xấu xí, những phản cảm từ chính nội dung của nó. Dư luận rất lo lắng về những lễ hội như phát ấn đền Trần (diễn ra vào tối 14 tháng Giêng hàng năm ở Nam Định), lễ hội chọi trâu…

Lễ hội phát ấn đền Trần thì như đã trình bày một đoạn ngắn đã ghi nhận ở trên - từ chính “ngày hội” nhận ấn “cầu danh” được thôi thúc bởi một niềm tin mù quáng, sai lệch mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từng phát biểu rõ ràng về ngày hội này như sau: “Từ “mê tín” được Từ điển Wiktionary định nghĩa như sau: 1. (danh từ) Lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa. 2. (động từ) Tin một cách mù quáng. Tôi cho rằng: Mê tín nằm trong một dãy trạng thái tâm lý nhân loại, từ “niềm tin” qua “tín ngưỡng”, đến “mê tín”. Các trạng thái này tất nhiên nương tựa nhau, chuyển hóa nhau. “Mê tín” có thể bị tăng tiến hoặc được thuyên giảm nhờ “niềm tin” được điều chỉnh, mà sự điều chỉnh ấy lại là kết quả tác động của nhận thức, của tri thức”.

Rõ ràng, miếng vải có ấn ở đền Trần không thể quyết định danh phận của một con người nếu người ta hiểu rõ về nhân quả. Họ không hề gieo nhân lành mà mong được quả ngọt và mong mỏi vô lý này được thực thi bởi một niềm tin mù quáng: cướp ấn đền Trần (phải nói là cướp chứ không thể gọi là nhận bởi nó quá bát nháo, được diễn tiến theo cách mạnh được yếu thua, đè bẹp nhau để có được). Và nếu hiểu sâu nhân quả thì hành động giành giật ấn kia là một hành động chẳng dễ thương chút nào bởi nó là biểu hiện của tâm tham lam (nghe nói có ấn là có danh lợi nên cố giành) thì thánh thần nào lại dễ dãi ban phát danh lợi cho những người như vậy?

Còn lễ hội chọi trâu thì sao? Những hình ảnh có thể nói là quá dã man về lễ hội này, thể hiện rất rõ tính chất cổ xúy bạo lực từ chính việc chọi trâu mà nhiều người xem lẫn người tiếp cận lễ hội này đều phải thốt lên: Ghê quá! Những con trâu điên tiết lao vào nhau, lao vào cả người xem đang cổ vũ reo hò cảnh chọi nhau một mất một còn ở xung quanh rõ ràng là hình ảnh thiếu giáo dục cho người trẻ, đặc biệt là trẻ con.

Xã hội đang ta thán về bạo lực lan tràn mà nguyên nhân được xác định là bởi vì người trẻ nghe, thấy, đọc được quá nhiều hình ảnh, tin tức bạo lực, trong đó có game online và những hình ảnh đại loại như vậy thì tại sao lại để cho một lễ hội chứa đầy bạo lực như chọi trâu, đá gà diễn ra hàng năm như một nếp sống tinh thần của nhiều người? Chúng ta cứ hay đao to búa lớn, đưa ra hàng đống những lý luận hàn lâm nhưng những cái rất thực tế được dán mác văn hóa, truyền thống kia lại để cho nó tồn tại một cách nghiễm nhiên? Không phải truyền thống nào cũng là cái có giá trị, bởi có cái là hủ tục, là một thứ sản phẩm không còn phù hợp thì phải bỏ, kiên quyết bỏ.

Cũng năm ngoái, sau hàng loạt hội thảo, hội nghị bàn bạc về hướng đi cho những lễ hội do ngành văn hóa-thể thao-du lịch và các tỉnh có lễ hội tổ chức thì các đại biểu nêu ra hàng loạt “nỗi buồn lễ hội”. Cụ thể là: “Nhiều chuyện phản cảm, khó quản lý” là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong hội nghị trực tuyến “Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011”, diễn ra sáng 28-12-2011 tại ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Những lễ hội gây nhiều phản cảm và bức xúc dư luận nhất được điểm tên vẫn thuộc về miền Bắc: đền Trần, phủ Giày (Nam Định), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Kiếp Bạc (Hải Dương), phủ Tây Hồ, động Hương Tích, chùa Trấn Quốc (Hà Nội)... Trong cơn lốc của lễ hội, đền chùa miếu mạo cũng biến tướng và không còn giữ được vẻ thanh tịnh. “Báo cáo của Bộ VH-TT&DL chỉ rõ: nhiều nơi lập nhiều bàn thờ, đặt hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu khiến du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, đặc biệt là giắt tiền giọt dầu tùy tiện vào tay tượng Phật, thậm chí có nơi người nhà chùa còn dán cả tiền vào đĩa để mồi du khách đặt tiền” (báo Tuổi Trẻ ngày 29-12-2011 tường thuật).

Tiền vàng mã, nên hiểu như thế nào?

Bên cạnh đó, ở hội nghị trên, các đại biểu còn nêu ra việc cấm sản xuất đồ mã cũng như việc sử dụng (rải, đốt) của người dân theo Nghị định 75 là nên hay không? Xét thấy vấn đề này cũng nằm trong nếp sống văn hóa của nhiều người, trong đó có cả người có tín ngưỡng đạo Phật băn khoăn về vấn đề này nên Giác Ngộ đã dành một cuộc trao đổi với TT.Thích Trực Giáo (Ủy viên Hướng dẫn Phật tử của Phật giáo Q.4, TP.HCM; Phó trụ trì chùa Giác Nguyên); thầy là người đã tiên phong diễn thuyết về vấn đề “tiền vàng mã” ở các phường thuộc Q.4 và đã làm cho nhiều người hiểu rõ về tập tục này không phải của Phật giáo, việc đốt, rải vàng mã là việc làm phí phạm…

wTT Truc Giao.JPG

TT.Thích Trực Giáo

Theo đó, TT.Thích Trực Giáo cho biết:

Đạo Phật chủ trương giác ngộ, mang ánh sáng trí tuệ soi rọi cho thế gian, người Phật tử đi ngược với chủ trương này tức là đồng nghĩa với mê tín. Thiết nghĩ, một tôn giáo chân chính, một dân tộc văn minh không cho phép mê tín len lỏi trong tín đồ mình, trong dân tộc mình; tôi muốn nói đến các tệ nạn như: lên đồng lên cốt, lịch số sao hạn, xem tướng đoán số, đốt giấy tiền vàng mã…

Đức Phật dạy “Chúng sanh theo nghiệp mà thọ sanh”, nghĩa là tùy theo nghiệp lành, nghiệp dữ mà sanh vào cõi lành hoặc dữ. Do vậy, người mất sẽ theo đó mà thọ sanh (trong 49 ngày kể từ khi mất) chứ không ngồi chờ chúng ta đốt quần áo, nhà cửa, tiền bạc xuống mà xài. Do vậy, việc đốt giấy tiền, vàng mã là một việc làm mù quáng!

Thưa thầy, vậy tại sao tục đốt vàng mã lại tồn tại và ăn sâu vào tập quán tín ngưỡng của người dân như vậy?

- TT.Thích Trực Giáo: Theo sử sách Trung Hoa, tục đốt giấy tiền vàng mã bắt đầu từ thời nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Khổng Tử: “Sự sanh như sự tử, sự vong như sự tồn” (nghĩa là thờ phụng người đã chết như thờ phụng người sống). Theo ý này, người ta quan niệm người mất vẫn có nhu cầu như người sống… và do vậy, khi vua băng hà (mất), lúc mai táng đã chôn theo tiền thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó, các quan lại bắt chước và việc này lan nhanh đến dân chúng, ai ai cũng chôn tiền thật cho người đã mất. Song, việc đó là nguyên nhân gây ra tệ đào mộ lấy của cải, tiền bạc (mộ của vua Hán Vũ Đế bị quân trộm khai quật lấy vàng bạc); đồng thời nhận thấy việc chôn tiền thật tốn kém nên mới cắt giấy làm tiền giả. Đến năm Khai Nguyên thứ 26, đời Đường Huyền Tông mới có sắc dụ cho phép dùng tiền vàng giả để thay thế tiền vàng thật trong việc cúng tế, cầu siêu…

Tích xưa, tục cũ là như vậy, và nó đã được chấp nhận, ứng dụng sâu rộng từ Trung Hoa tới Việt Nam qua quá trình đô hộ, hòa nhập văn hóa… nên sự ảnh hưởng, ăn sâu trong tâm thức người dân cũng là lẽ đương nhiên thôi!

Có người cho rằng, đốt vàng mã tuy không phải là văn hóa có nguồn gốc Phật giáo, nhưng việc làm đó ít ra cũng làm “an lòng người sống”, thầy thấy thế nào?

- Nếu nói là làm an lòng người sống, lợi lạc cho người chết thì thay vì bỏ tiền ra mua giấy tiền vàng mã, người sống nên dùng tiền ấy vào những việc khác có lợi ích cụ thể hơn như cúng dường, bố thí, giúp những mảnh đời cơ nhỡ, neo đơn… Những việc phước thiện này phù hợp với lời Phật dạy là “làm tất cả các việc lành”, và sau đó hồi hướng phước lành cho người đã mất, thì chắc chắn kẻ còn người mất được lợi lạc.

Thử hỏi, đốt vàng mã với việc làm thiện lành ấy, việc nào nên hơn?

Được biết thầy đã nói về đề tài “tiền vàng mã” này ở 15 phường thuộc Q.4?

- Đúng là tôi đã được lãnh đạo Q.4 tín nhiệm mời nói chuyện với cán bộ và nhân dân các phường sở tại về vấn đề đốt giấy tiền vàng mã. Bước đầu, khi thói quen của người dân chưa bỏ được tập tục này (vì nó là tín ngưỡng dân gian lâu đời) thì mình đề nghị họ “đốt có nơi, rải có chỗ” (có thể đem tới huyệt mộ, nhà hỏa táng) để tránh việc rải đầy phố làm xấu bộ mặt đô thị, ảnh hưởng tới môi trường. Bước thứ hai, tôi trình bày về việc làm này là không đúng theo quan điểm của Phật giáo, là việc làm mê tín để họ hiểu mà tự giác điều chỉnh thói quen và hành động “xưa bày nay bắt chước”.

Không phải tất cả những cái xưa bày đều đúng và nay không phải cái gì cũng bắt chước… Những cái không đúng, không phù hợp thì phải bỏ, phải kiên quyết bỏ, một trong số đó là tục đốt tiền vàng mã!

Kết quả thu được từ chủ trương “Nói không với tiền vàng mã” mà Q.4 thực hiện, và thầy là người tham gia diễn thuyết như thế nào, bạch thầy?

- Rất khả quan. Cụ thể như ở P.8, khi có người báo tử thì lãnh đạo phường đưa cho tang chủ giấy cam kết không đốt, rải tiền vàng mã. Đồng thời, kêu gọi tổ chức mai táng cũng cam kết yêu cầu gia chủ không dùng giấy tiền vàng mã “lót đường hối lộ?!”… Nhìn chung, tôi thấy vấn đề này cần thay đổi, và cần có thời gian để thay đổi. Và quan trọng hơn, sự tương hỗ trong việc này - điều kiện để dẫn tới sự thay đổi tư duy, hành động của mọi người chính là lãnh đạo địa phương tạo điều kiện để tu sĩ Phật giáo nói về vấn đề này trong nếp văn hóa Phật giáo!

Cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian trao đổi với GN.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày