“Trường hương”, nét riêng của hạ trường miền Nam

GN - Nói đến nếp thiền gia hạ trường xưa ở vùng Gia Định - Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, gọi là “trường hương”, ngoài những nơi như tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chùa Phước Hòa (H.Củ Chi) thì không thể không kể đến hạ trường tổ đình Long Thạnh (Q.Bình Tân), do TT.Thích Nhật Ấn làm hóa chủ...

truong huong15.JPG

Giao bê

Về nguồn của tên gọi “trường hương”, HT.Thích Huệ Xướng kỷ yếu “Mấy điệu sen thanh” cho biết: “Sở dĩ gọi như vậy vì thời biểu tham thiền, niệm Phật v.v… đều lấy khoảng thời gian cháy tàn của một nén nhang làm thời hạn”,  cũng theo Hòa thượng, ở “trường hương” chư Tăng được quy định thời khóa tu tập nghiêm ngặt, mỗi ngày chỉ có khoảng thời gian hơn 3 giờ để ngủ nghỉ, thời gian hành trì bắt đầu từ 3 giờ 30 đến 22 giờ. Với thời lượng như thế, hành giả luôn có điều kiện an trú trong giới luật, định lực và tuệ lực, tránh phóng tâm theo ngoại duyên.

Khi đã vào trường hương thì không được phép ra ngoài trừ các trường hợp đặc biệt (thầy tổ, cha mẹ bệnh nặng hay qua đời, hoặc bản thân lâm trọng bệnh), nhưng trước khi đi phải tác bạch trước đại chúng, lúc trở về phải ở phòng trị nhật ba ngày rồi mới được vào thiền đường (nhà thiền), nơi diễn ra mọi sinh hoạt tu tập của hành giả trong “trường hương” như: tụng kinh, bái sám và tọa thiền...

Những quy định của “trường hương” rất khắt khe. Nhằm thanh tịnh thiền môn, tạo môi trường cho các hành giả tinh tấn trong việc thúc liễm thân tâm, nội quy sinh hoạt “trường hương” rất nghiêm mật. Trường hợp phạm nhẹ thì bị trách phạt quỳ từ 1 đến 21 cây nhang; đối với lỗi nặng phải bị phạt bằng cách đánh “bê” trước đại chúng; nặng nữa thì tẩn xuất khỏi chúng - HT.Thích Huệ Xướng cho biết thêm.

truong huong12.JPG

Kinh hành niệm Phật giữa tiếng chuông trống trầm hùng

truong huong09.JPG

Tuần thiền với bê và phướn công đức lâm

truong huong04.JPG
Ngũ thể đầu địa trước Phật đài

HT.Thích Tắc Bình, thiền chủ trường hương tổ đình Long Thạnh năm nay (2013) cho biết về Ban Chức sự của trường hương: ngoài thiền chủ, hóa chủ còn có chủ hương và nội thiền thì có đến 12 chức vụ như: chánh, phó na; chánh, phó chúng; chánh, phó giám; chánh, phó biện; chánh, phó sự; chánh, phó ký. Mỗi hành giả khi vào hạ trường đều được Ban Chức sự cấp cho một quyền trù (ghi tên, chức vụ và chùa mình đang tu học) treo ngay ở đơn nằm; việc sinh hoạt của đại chúng đều có sự giám sát của Ban Chức sự. Đặc biệt cuối ngày là giao bê (bàn giao công việc hàng ngày) tượng trưng gồm bốn cây bê là trị nhật, tán hương, tuần hương và giám hương.

Đặc biệt, vào cuối mỗi tuần đều có lễ cúng dường trai tăng cho đại chúng và chẩn tế chư âm linh cô hồn để cầu cho âm siêu dương thới. Nếu như không khuyến hóa được Phật tử phát tâm thì các vị hóa chủ ở hạ trường đó phải phát tâm hỷ cúng.

truong huong10.JPG
Giây phút lắng đọng tâm tư và an trú trong pháp lạc của hành giả


Theo Hòa thượng, đó là nét đặc thù của hạ trường ở vùng đất mới phương Nam mà các vùng miền khác không thấy có.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày