GN - I.
Thói quen của tôi khi bước chân vào nhà - cái căn nhà đo đủ 15 mét vuông sắp hết hạn thuê - là hỏi:
- Có thư của ba không con?
Cô con gái lớn đang học lớp bảy cười, đưa cho tôi lá thư:
- Có đây ba. Lại thư của ông già đó.
Tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Thư tôi mong là thư “mời lĩnh tiền” của ông bưu điện gởi đến. Tôi tính toán thì đến giờ này đã có 17 bài báo của tôi đăng trên các báo - và đã đến chu kỳ nhận nhuận bút. Thế mà không hiểu tại sao vẫn chưa có “thư”, trong khi tôi đã ký sổ “khắp thế gian”: quán cà-phê, sạp báo, tủ thuốc lá lẻ, bà bán xăng lề đường…
Cả tuần nay, lá thư tay đặc biệt của ông già nào đó cứ đem tới nhà khi tôi không có mặt làm tôi khó hiểu, thêm chút bực mình. Thì cũng là một vụ tranh chấp kiện tụng nào đó trong hàng trăm ngàn vụ kiện tụng ấy không phải nhỏ. Những tay làm báo nhờ thời cơ phất lên như diều, đi xe AB, nhà cửa đàng hoàng đầy đủ tiện nghi sờ sờ trước mắt tôi đó. Còn tôi, viết cứ “đụng” lung tung, riết chẳng hội nghị nào dám mời, cho nên khoản phong bì cũng không có luôn.
- Ba uống nước không, con pha - Đứa con gái út 8 tuổi sà bên tôi thỏ thẻ. Ly nước chanh bưng tới, chua loét. Tôi kêu:
- Cho ba thêm tí đường, con.
- Dạ, hết đường rồi ba.
Không khí tự dưng ngột ngạt lạ thường. Mọi ý tưởng về bài báo sắp viết về nạn phá rừng chợt tắc nghẽn trong tôi. Trước mắt tôi vẫn còn vang lên lời nói của tay giám đốc lâm trường:
- Vô ích thôi, anh nhà báo ạ. Anh chỉ là con chim gõ kiến, gõ vô vọng giữa rừng núi bạt ngàn. Chúng tôi phá rừng, chúng tôi bán gỗ… đúng vậy. Không phải tôi thách thức anh, nhưng với kinh nghiệm của một người từng trải, tôi chỉ xin anh nhận một lời khuyên, hãy thực tế một chút, đừng làm khổ vợ con nữa.
Thực tế, có hôm, Hà đã khóc:
- Anh là một nhà báo nổi danh mà không đem nổi cái danh của mình để kiếm một miếng đất cho vợ con nương nhờ à? Tháng sau tiền nhà tăng thêm rồi đó.
- Thì nhuận bút anh đem hết cho em rồi mà.
- Anh cứ tính thử đi. Cái bằng trái cây của em ở chợ lời được bao nhiêu? Tiền anh đưa tay trái thì gặp bạn bè anh lại lấy tay phải…
- Anh không thể bẻ cong ngòi bút.
- Ai biểu anh bẻ bút. Anh cũng biết ở thành phố này ai cũng biết tiếng anh. Cái vụ xin giảm thuế cho vợ, anh cũng không làm được.
Không. Tôi biết tôi không thể làm được việc đó. Bởi lẽ, với tôi, không có gì xấu xa hơn là việc quỵ lụy, xin xỏ. Liệu cho đến lúc nào đó thì tôi sẽ không dám soi gương nhìn lại khuôn mặt mình?
Tôi bưng ly nước chanh thiếu đường lên, uống cạn. Lấy lá thư của ông già nào đó, xé ra đọc…
II.
Mười hai ngày đêm của cuộc hành trình theo dấu vết của kẻ giết người làm tôi kiệt sức. Chiếc xe đạp theo tôi trong chuyến đi cũng biến dạng đi nhiều vì những đoạn đường xấu và bị ném lên, quẳng xuống những chiếc ô-tô.
Trước khi đi, tôi phải năn nỉ cả đêm mới mượn được chiếc nhẫn vàng y một chỉ của Hà. Đó là của hồi môn ngày em về nhà chồng, em đã nhất quyết không bán nó đi dù không phải chúng tôi không trải qua những cơn túng bấn. Tôi phải hết sức tiện tặn trong việc tiêu pha. Nhưng cuối cùng cũng phải bán luôn chiếc đồng hồ đeo tay, món trang sức duy nhất của tôi có được nhờ nhận giải báo chí cách đây hai năm nhờ một bài phóng sự.
Chuyến đi của tôi không hoang phí và đã mang lại kết quả: tôi đã tìm ra dấu vết của kẻ giết người thật sự để thay thế cho kẻ đang nằm trong nhà giam đợi ngày tòa tuyên xử.
Nửa đêm, tôi chỉ kịp húp vội vội vàng vàng tô mì ăn liền nấu dở, chụp bàn máy chữ, gõ vội bài viết mà tôi đã đổ biết bao nhiêu công sức để đem đến tòa soạn báo Y. Tôi tin rằng mình sẽ chiến thắng.
Chiếc máy chữ với những con chữ mòn vẹt bởi bị sử dụng vượt quá thời hạn vẫn hoàn thành sứ mạng của nó. Chỉ tội nghiệp Hà, dù rất buồn ngủ, em cũng thức cùng chồng vì bài viết của tôi chính là một góc giường, tiếng lóc cóc không làm cho em chợp mắt được. Đợi cho đến khi tôi đánh bản thảo đến chữ cuối cùng, em đưa cho tôi chiếc khăn ướt, nói dịu dàng:
- Anh ốm quá rồi đó, Vinh.
Tôi cười với em, hỏi:
- Mấy ngày nay có thư từ gì không?
- Có mấy phiếu nhuận bút độ 300 ngàn, em đã lên phường nhờ ký xác nhận đi lãnh, xài hết rồi. Mỗi phải lo cho hai đứa nhỏ đi học nữa.
- Anh sẽ chiến thắng.
- Em biết. Nhưng có cần thiết không?
Không trả lời Hà, tôi với tay tắt đèn, kéo chiếc mền trùm nửa người nhắm mắt lại. Làm sao em hiểu được mười lăm ngày qua tôi đã thấy gì, cũng như làm sao em biết được tôi đã thấy nỗi khổ tâm của ông lão kia. Lá thư viết cho tôi như lời cầu cứu đến công lý, dù công lý không hề đặt ra, không hề có trong căn nhà 15 mét vuông này.
Lá thư viết bằng mực tím, và những lá thư trước cũng bằng thứ mực đó của một cô bé học trò, vẫn viết với nội dung như nhau: “Ông ơi, nội cháu và cháu sẽ chết mất nếu ba cháu bị bắn vì tội giết người. Nhà cháu nghèo lắm ông ơi, ông cố tới nhà cháu coi thử đi. Cháu và ông nội cháu không quen biết ai hết. Ông cháu nói đọc báo thấy nhiều bài của ông bênh vực cho người nghèo. Vậy ông có bênh vực cho nhà cháu không?”.
Họ đã kiệt sức khi tôi tìm đến. Ông già tóc bạc trắng chỉ trả lời được với tôi: “Tôi biết nó không giết người, tôi chỉ nói được thế!”.
Một chứng cứ bằng lòng người làm sao bứt bỏ những hồ sơ, bằng chứng?
III.
Bệnh nhức đầu kinh niên đổ ụp lên đầu tôi, đúng vào ngày phiên tòa đưa vụ án giết người ra xét xử. Không báo nào chịu đăng bài viết của tôi với lý do nguồn tin tôi cung cấp không đủ tin cậy. Đến lượt tôi tuyệt vọng.
Sự tuyệt vọng của những người cầm bút thật là ghê gớm. Những viên thuốc không làm chấm dứt nổi cơn co giật trong đầu. Tôi nằm trên giường một mình với những vòng hào quang lóe xanh lóe đỏ trước mặt.
Tôi trừng mắt nhìn chiếc kim đồng hồ nhích lần. Vụ án đã bắt đầu xử. Sáng nay, tờ báo tôi gửi bài cuối cùng cũng không hề đăng. Nhưng có lẽ nào tôi lại thua cuộc?
Tôi cứ chìm ngập trong trạng thái hỗn loạn như thế. Trong cơn mưa nhập nhòe là hình ảnh của cậu thanh niên còn trẻ đang bước dần ra trường bắn, gương mặt bị bịt kín đang gào lên: “Tôi vô tội”.
Tôi đã trực diện với người gây ra tội ác. Tôi đã theo dõi hắn ta từng giờ - đứa con trai của một nhân vật có quyền thế với dáng dấp giống như người bị kết án. Đó có phải là sự ngẫu nhiên cay nghiệt của cuộc đời? Gia tài của tôi hiện có là năm cuộn băng ghi âm, tôi luôn bỏ trong chiếc xách tay nhỏ và luôn giữ chặt bên mình. Trong đó có cả lời tuyên bố của thủ phạm, đó là bằng chứng cụ thể nhất. Tiếc là tôi không đến dự được phiên tòa hôm nay. Không đến được!
Tôi thiếp đi tự bao giờ, cho đến khi bóng nắng đã nhòa nhạt ngoài trời. Rồi tiếng ai đó: “Tử hình”. Tôi chồm người dậy, nhưng cơn co giật đã quật ngã tôi xuống. Tiếng Hà hét:
- Anh Vinh. Anh Vinh.
Trong cơn đau, cảm nhận của bàn tay về 5 cuốn băng ghi âm làm tôi đau lòng.
IV.
Mùa thu năm nay vợ chồng tôi dời nhà. Một căn nhà không lớn lắm nhưng so với căn nhà cũ kia thì hơn bội lần. Tôi đã mua một chiếc xe gắn máy và nhờ khéo xoay xở, tôi cũng đã mua được chiếc máy vi tính. Hà đã có một chỗ bán hàng khá thoải mái ở chợ mới xây lại.
Trước kia, khi nằm chổng mông mà viết trên giường, tôi vẫn mơ ước có căn phòng riêng để làm việc - một cái đầu được đặt đúng chỗ sẽ đạt được nhiều năng suất hơn. Soi gương, tôi mới thấy hai bên thái dương của mình tóc đã có nhiều sợi bạc.
Tôi sẽ viết bài nào đầu tiên trong căn phòng cho mình đây? Tôi tự nhủ sẽ làm bài thơ tặng vợ.
Nhạc. Phải rồi, nhạc luôn luôn là nhu cầu khiến con người hưng phấn. Tôi đặt vào chiếc máy một chiếc đĩa. Trong khi chờ đợi âm thanh, tôi kéo ghế ngồi vào bàn. Lọ hoa có một đóa hồng.
Tôi mở chiếc máy vi tính ra, tôi mặc sức mà bay bổng. Rồi tôi lại rút tập giấy ra, viết. Tôi vẫn có thói quen viết tay như thế.
Nhưng lạ kỳ chưa, chưa bao giờ tôi khó nhọc trong bao nhiêu năm cầm bút để tìm ý tưởng như thế này. Chưa bao giờ.
Tôi đặt bút xuống, cây viết Hero vừa bơm mực. Ngòi bút tự dưng cong xuống trên bàn giấy, và những dòng mực tuôn ra, lan to dần. Mực nhòe như màu máu.
Như trong không gian lại phát ra những âm thanh mà một thời tôi không quên được: “Ông ơi, ba cháu vô tội mà. Chỉ có ông mới cứu được ba cháu thôi”.
Đầu óc tôi bỗng rỗng không như ai vừa lấy đi tất cả những gì có được trong đó. Cơn nhức đầu lại đến thật khủng khiếp.