Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang: Một ánh nhìn

GN - Tụi nhỏ thích đứng chờ. Trong lúc đứng chờ thì nhìn. Trong lúc đứng nhìn thì thèm và trong lúc thèm có thể nhón tay lấy một cái bánh hay cái kẹo nào đó. Rồi bắt đầu suy nghĩ, mình có đủ tiền hay không nhưng mắt vẫn dán vào các món đồ trong quán. Quán không lớn nhưng tình yêu lớn. Quán dành cho trẻ con sao? Lúc nào cũng thấy trẻ con ở đây, lúc nào cũng thấy trẻ con lóc nhóc đứng và tính tiền. Trẻ con ham ăn sao? Trẻ con thích mấy quán đồ khô nho nhỏ như thích những gì ngọt ngào và tuyệt vời nhất.

anhminhoa.jpg
Ảnh minh họa

Trong quán nhỏ có gì. Quán đồ khô, người bán hàng mua sẵn những thứ tưởng như nho nhỏ mà bất cứ lúc nào người ta cũng có thể thiếu. Tạp hóa này với người lớn là điểm đến gần nhà tiện lợi khi đi chợ vội vã, quên củ hành, quên trái ớt, quên bịch i-ốt. Nếu đột nhiên khách tới bất thình lình thì mẹ thường sai tụi nhỏ chạy qua quán mua vài quả trứng vịt đổ chả, cái bánh tráng nướng sẵn, miếng dưa hấu cắt sẵn. Quán còn bán mấy thứ nhỏ xíu, bịch xà bông loại nhỏ, vài ký gạo bỏ bì, chai xì dầu, ớt tương. Nơi đây thường là chỗ mua hàng quen thuộc của đám sinh viên tiền chi tiêu chưa rủng rỉnh. Riêng với trẻ nhỏ là một thế giới của màu sắc tưởng như bất tận của bịch đồ chơi bằng dây thun hay mấy viên bi, hình dán ngộ nghĩnh, phồng tôm… Quán đồ khô như khu vườn cổ tích thật sự. Nào là kẹo dẻo, kẹo ngọt, bánh mặn, trái chuối, trái mãng cầu, viên kẹo mút. Phần thưởng danh giá nhất của bọn trẻ con sau một trận chơi đùa là vài ngàn đồng lẻ, nếu được người lớn thưởng thêm sẽ ù chân té chạy ngay đến quán nhỏ mà chiêm ngưỡng, ngắm nghía những thức quà xanh đỏ cho đã mắt.

Thằng nhóc vẫn đứng đấy và kiên trì. Anh vẫn không nỡ thấy thằng nhỏ buồn hiu vì cứ ngóng vào mấy đồ ăn vặt, bịch bánh kẹo của mình. Anh đã gọi nó lại và nói con thích ăn món gì thì chọn đi. Nó đứng tần ngần. Nó chỉ vào món bánh da lợn. Bánh này ngầy ngậy beo béo xinh xinh thơm mùi lá dứa. Nó còn thích cả trái măng cụt. Cứ thế này thì lỗ to.

Thằng bé cứ đứng đó hoài, đứng đó hoài. Từ cái gian hàng nhỏ xí của anh nhìn ra, mỗi lần ngơi tay không bán cho khách là anh lại nhìn thấy nó. Nó nhỏ xí như một viên kẹo. Nó bé tẹo như một que kem. Nó trắng như một cục bột.  Nó hay chờ mẹ ở cái bậc cửa ấy. Và ở đấy nhìn qua quán của anh là gần nhất và cũng là thích nhất. Khi anh cúi xuống lựa gói hàng cho khách, thằng bé thơ thẩn nhặt đất cát phía bên kia nhà. Khi anh thối tiền cho khách thì thằng bé ngồi ngơ ngẩn nhìn trời. Quả thật lạ, thằng bé cứ xuất hiện phía trước quán tạp hóa của anh với gương mặt thèm thuồng. Thằng nhỏ đứng chờ mẹ, đến chiều tối thì mẹ về, mẹ nó dẫn qua chỗ anh mua vài cái bánh tráng và tôi thấy đôi mắt nó vui hẳn lên khi đứng cận kề mâm bánh kẹo. Thằng nhóc có một người đàn ông cho tiền quà bánh mà mẹ nó không biết. Nó vẫn cứ ngóng và họa may anh gọi một đứa nhóc nào đó đem bịch kẹo ra cho nó. Người đàn ông này là ai nhỉ, anh cũng chẳng biết, chỉ biết hình như cũng ở đâu đó xóm nhà trọ kia. Người đàn ông thương trẻ con thường mua bánh tráng ở chỗ của anh.

Những đứa nhóc thường thích thú với quầy tạp hóa nhỏ của anh. Từ ngày về hưu, anh cũng chẳng biết làm gì khi bám vào tạp hóa mà bà vợ quá cố đã gầy từ hồi trẻ. Bà ấy làm sao thì bây giờ anh làm y như vậy. Cũng kê cái mâm lên, cũng sắp xếp bánh trái quanh mâm sao cho bắt mắt, cũng sáng sớm đi chợ mua những thứ lặt vặt bán lại, và cũng tập tành nướng bánh. Cũng vì nướng bánh mà bà vợ đã bỏ anh đi sớm hơn. Bà bị bệnh tăng huyết áp. Ngồi lửa nhiều càng làm bà bệnh trầm trọng hơn. Nhà có hai người vừa đủ căn phòng nhỏ. Một chiếc giường con. Và xung quanh là đồ đạc: ít ký gạo, vài gói mì tôm các kiểu, thùng nước khoáng, thùng nước ngọt. Khách hàng nhí rất nhiệt tình với quầy tạp hóa. Anh thường đứng hàng giờ để chờ chúng lựa chọn. Mà đó cũng là công việc của anh. Từ ngày vợ mất, chỉ có mấy đứa nhóc và mấy hàng hóa, mua mua bán bán, cứ chạy đi đưa đồ, vác thùng nước, rồi mua hàng, xếp hàng, ghi nợ, tính toán, vậy mà hết một ngày. Anh treo thêm tấm biển bán card điện thoại, bán đá, bán đủ thứ.

Bọn nhóc tay cầm chặt mấy tờ một ngàn hai ngàn cứ lâu lâu chạy tới đứng ngắm nghía cái này cái kia. Tiền lẻ thì đủ kiểu. Và chỉ chỏ. Vui nhất là chuyện chỉ chỏ, bọn nhóc thích thì chỉ cái này, ưng thì chỉ cái khác. Khổ vậy, bán hàng cho khách hàng nhí cũng phải “nhí” theo nó. Tức là vừa đứng vừa cười, vừa chờ chúng chọn rồi thối tiền và trả lời cho chúng tên gọi của các món đồ ăn nho nhỏ. Vậy mà chúng cũng quên ngay tức thì, nếu có ai cho tiền thì chúng lại chạy tới và lại chỉ tay vào mấy món quà vặt xanh đỏ. Có khi chúng đi riêng lẻ, đôi lúc chúng túm tụm lại và cùng nhau mua chung, chia chung ăn chung một món ăn vặt. Anh rất ít khi bán chịu. Nhưng với trẻ con thì hay cho chúng nó mua thêm vài ba món, dẫu tiền lời của anh tính bằng bạc cắc.

Cậu nhóc chưa bao giờ có mặt trong đám nhóc đó. Có lẽ chúng chưa kịp làm quen và cho vào nhóm cái thằng nhóc theo mẹ mới chuyển trọ tới, hàng ngày cứ ngồi một mình trước phòng trọ và hình như còn một người dì đang may đồ trong nhà. Chẳng bởi vậy mà cậu chỉ dám đứng ngó qua quầy tạp hóa của anh, một cái nhìn vô cùng háo hức. Mỗi lần thấy tụi nhỏ cùng nhau qua chỗ anh mua bịch bi nhỏ hoặc bịch dây thun, cái dây nhảy, thì thằng nhóc cứ nhìn như muốn lạc vào một thế giới thật khác. Có một hôm mẹ cậu dắt cậu qua chỗ tôi, đứng bần thần một hồi cậu chọn một cái bánh. Nó không dám chỉ nhiều. Chắc biết mẹ nó không có tiền nên dù thích lắm nó cũng đành nhịn.

Cuối cùng, thằng nhóc cũng đã hòa nhập với đám trẻ con trong xóm và người đàn ông vẫn đều đặn đưa tiền quà vặt của nó mỗi tuần cho anh. Thế là dạo này thằng nhóc thường đi ké với lũ bạn. Nó đã không còn vẻ mê đắm ngây ngây trước những món hàng ăn vặt của anh. Khi thối tiền cho khách anh vẫn ghé mắt ngó qua, nó đã hết ngồi một mình. Nó hòa vào nhóm trẻ con chân cẳng đen nhẻm, nhảy nhót, ca hát tưng bừng mấy trò chơi con trẻ, co chân lò cò, rồng rắn lên mây, đá banh. Những món hàng của anh có lẽ sẽ chẳng là gì so với những người bạn mới của nó. 

Rồi dãy phòng trọ trước cái quán nhỏ của anh cũng chuẩn bị đập đi xây lại. Người đàn ông thường cho tiền đứa nhóc trả phòng, dọn đi trước. Người ấy qua đưa cho anh tiền tháng ăn vặt cho thằng bé và tâm sự, ngày còn nhỏ thường ao ước một cái gì đó rất nhỏ lẻ mà không có được, đành đứng nhìn ngậm ngùi. Tiền quà vặt chẳng là bao, nhưng như một món quà tuổi thơ. Một vài ngày sau đó, mẹ thằng nhóc cũng dẫn nó qua chỗ anh và mua cho nó một bịch kẹo. Lúc thối tiền anh có hỏi thăm thì biết hai mẹ con cũng chuyển trọ vài ngày tới. Anh cũng chẳng nói, còn số tiền quà vặt của thằng nhỏ thì sao? Đứa trẻ nào sẽ ngồi ngây người trông ngóng qua quầy tạp hóa? Có lẽ, sẽ còn cơ hội cho anh làm điều đó với đám nhóc còn lại trong xóm. Nhưng từ bao giờ anh có thói quen, cứ thi thoảng lại ngẩng đầu nhìn qua phía nhà trọ đối diện, tìm kiếm ánh mắt khi nào…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày