Truyện ngắn của Tiểu Lục Thần Phong: Hoa khai ngũ diệp

GN - Tiếng thầy tri chúng oang oang:

- Chú Trí Giải đâu rồi? Có mấy mâm dưa chua mà vẫn chưa xong à? Cỏ cũng chưa cắt? Nhà khách chưa lau chùi? Chú làm gì mà cả ngày không xong vậy?

Trí Giải dù nhỏ nhẹ nhưng trong chất giọng vẫn không giấu được sự bất mãn:

- Thưa huynh, ba bốn việc một lúc làm sao kịp? Có ba đầu sáu tay cũng không xong chứ nói gì hai tay!

Thầy tri chúng vẫn không hạ giọng:

- Chú lười quá, có gì khó đâu, tại chú không chịu cố gắng nhanh lên thôi. Ngày trước bằng tuổi chú, tôi còn làm nhiều việc gấp bội kia!

minhoa.jpg


Chấp tác - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Trí Giải im lặng và tiếp tục làm mà không nói gì thêm. Từ ngày nhập chúng đến nay đã hơn mười năm nhưng chỉ toàn làm đồ chay để bán, gây quỹ để góp tiền xây dựng, đi cúng đám… năm thì mười họa mới có một dịp tu học với các bậc thầy danh tiếng từ xa ghé thăm chùa. Còn an cư thì chừng nửa tháng hoặc hai tháng là phải về lại chùa để lo công việc. Sư phụ, sư huynh luôn luôn bận Phật sự phải đi nơi này nơi kia, khi thì dự lễ lạc thành, an vị; khi thì thuyết pháp hoặc họp hành trên tỉnh; có khi về trên bộ bàn thảo công việc cả mấy tuần liền. Hơn mười năm rồi mà chẳng học thêm được tí gì, ngoài mấy bài kinh chú đã thuộc lòng và những nghi lễ căn bản. Nhiều lúc chú nghĩ: như thế này làm sao mà phát triển trí tuệ, nói chi đến khai ngộ! Nếu cứ lo quyên góp, kinh tế để xây chùa thế này thì ở ngoài đời chứ cần gì phải xuất gia. Những tưởng xuất gia để giải thoát, nào ngờ lại sa vào một cái buộc ràng khác.

Càng miên man suy nghĩ, chú càng thấy mình như chìm vào một cõi xa lạ nào đấy, tâm tư tự độc thoại một mình. Chú lại nhớ một điển tích của thiền lâm: có vị tiểu tăng quanh năm cơm bưng nước rót hầu sư phụ mà chẳng thấy thầy dạy bảo điều gì. Một hôm chú xin từ biệt ra đi thì sư phụ hỏi: “Tại sao ngươi muốn ra đi?”. Chú thưa: “Đã hầu sư phụ bao nhiêu năm nay nhưng chẳng thấy sư phụ dạy điều chi cả!”. Sư phụ bảo: “Ta đã dạy ngươi bao nhiêu năm nay, có lúc nào ta không dạy ngươi đâu?”. Vị tiểu tăng chợt ngộ, sụp lạy sư phụ.

Trí Giải đem chuyện ra so sánh với phận mình rồi lẩm bẩm: “Có lẽ nào như thế chăng? Phải chăng thiền từ những việc nhỏ nhiệm này?”. Chú lại miên man nghĩ và khẳng định: “Tuy có giống nhau nhưng vẫn khác. Trường hợp mình nếu có cố gắng nữa thì cũng chỉ được chữ nhẫn chứ trí tuệ thì cùn nhụt; nhẫn và từ bi tuy có nhưng không có trí tuệ thì làm sao khai ngộ, làm sao giải thoát? Chú vẫn nghe các thiền sư vân du khắp nơi cầu đạo, tuy chú không nghĩ mình sẽ là thiền sư, nhưng đi cầu đạo các nơi hoặc giả tìm một đạo tràng phù hợp căn cơ mình có lẽ sẽ hay hơn. Nếu cứ nhẫn nhục nơi đây suốt đời thì cũng chỉ là ông thầy cúng đám hoặc giữ chùa mà thôi. Sau nhiều đêm trằn trọc, chú lấy can đảm lên thưa với sư phụ:

- Bạch sư phụ, cho phép con được rời khỏi chùa này!

Sư phụ chưa nói gì thì thầy tri chúng đã mắng:

- Chú muốn đi chứ gì? Ở đây khổ quá chứ gì? Đi tu mà còn muốn hưởng sướng! Muốn thì cứ đi, nhưng mai kia không vừa ý đừng quay về đây nhé!

Sư phụ gật đầu. Thế là chú khăn gói ra đi. Trải qua hai năm trời, khi thì chùa sơn thôn, khi thì viện thị tứ…, có nơi trú lại vài tuần, có nơi vài tháng nhưng vẫn chưa gặp được cơ duyên như ý. Nơi nào chú đến cũng thấy không khác gì mấy với bổn tự mà chú xuất gia. Có lúc chú nghĩ: “Có lẽ thời kỳ chùa tháp kiên cố nên nơi nào cũng lấy việc xây chùa to Phật lớn làm Phật sự?”. Một hôm, chú nghe một vị huynh trưởng bảo:

- Trên đồi Cổ Châu ở trấn Long Bàng có một ngôi già-lam trông thì vắng vẻ nhưng ở đấy vị thầy trụ trì có phát nguyện: “Độ tất cả những ai xuất gia mà không có nơi tu học”.

Nghe thế, chú liền hỏi tên chùa và đường đi. Hôm sau chú đi tìm chùa, cứ mỗi chặng chú lại hỏi thăm người địa phương về ngôi chùa trên đồi Cổ Châu. Dân cư có người không biết, có người biết mơ hồ nhưng chú cứ dấn bước tiến tới. Sau khi hết đường lộ thì chú lội bộ chừng mươi cây số đường đất nữa thì thấy xa xa một ngọn đồi. Lên đến đỉnh đồi thì thấy một ngôi cổ tự tuy nhỏ, đơn sơ nhưng có gì đó làm cho chú thấy hứng khởi mà chú cũng không biết tại sao, quanh chùa nhiều cây cao bóng cả rợp mát cả một vùng nắng gió. Chú nhìn thấy trên tấm biển đề ba chữ Bản Viên tự, khẽ mở cánh cổng bước vào thì gặp một vị Tăng đang gánh nước tưới rau. Chú đến thi lễ:

- Bạch Hòa thượng, con là Trí Giải từ xa đến đây, xin Hòa thượng cho con tá túc một thời gian.

Vị Tăng ấy hỏi:

- Ngươi từ đâu đến?

Trí Giải thưa:

- Bạch Hòa thượng, con từ Vân Mộng viện.

Ông Tăng lại nói:

- Không, ta không hỏi địa danh. Ta chỉ hỏi ngươi từ đâu đến!

Bất chợt Trí Giải cảm thấy như có một luồng điện chạy xuyên suốt cơ thể, lập tức nói như một cái máy:

- Bạch thầy, con từ mê đến!

- Vậy ngươi đến đây để làm gì?

- Dạ, con xin học pháp giải thoát.

- Ai buộc ngươi mà cần phải giải thoát?

- Dạ, không có ai cả, tự mình buộc lấy mình.

- Ngươi đã xuất gia ắt cũng biết tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhiêu đó chưa đủ sao mà còn cầu pháp?

- Dạ, không cầu thêm mà cầu bớt.

- Ở đây chõng tre, áo thô, cơm hẩm… kham nổi không?

- Dạ, nếu sợ những thứ ấy thì con không dám lên đây quấy rầy Hòa thượng!

 Hòa thượng mỉm cười:

- Ngươi là Trí Giải, ở đây trọn chẳng có gì để giải trí cho ngươi!

- Dạ, Hòa thượng từ bi. Con không cầu giải trí mà cầu giải, cầu trí!

Hòa thượng không hỏi gì thêm mà chỉ bảo vào trong cất hành trang đi. Trí Giải đi vài bước thì quay lại:

- Bạch Hòa thượng, cho con biết pháp danh của người!

Hòa thượng cười to:

- Sư phụ của ta ban cho pháp danh Thanh Đồng Xứng, nhưng pháp lữ và người đời vẫn quen gọi ta là lão Dã Sơn Tăng.

Trí Giải sụp lạy:

- Con xin bái tạ sư phụ lão Dã Sơn Tăng.

Lão Hòa thượng cầm nguyên thùng nước tưới lên người Trí Giải rồi ngửa cổ cười vang vọng cả ngọn đồi.

Tối hôm đó, sau buổi công phu khuya, hai thầy trò đi bách bộ quanh đồi ngắm trăng. Hòa thượng bảo:

- Ta có cả kho pháp bảo, ngươi kham nổi không?

Trí Giải thưa:

- Con mọt tuy bé xíu nhưng tháng ngày có thể đục ruỗng cả ngôi nhà lớn.

 Lão Tăng lại bảo:

- Ngoài pháp bảo ra ta chẳng còn có gì để cho ngươi cả!

- Hòa thượng từ bi, nhiêu đó cả kiếp này cũng dùng không hết - Trí Giải đáp.

- Ngươi hãy nói xem, ta với ngươi chỉ có thân tứ đại ngũ uẩn, còn chư Phật thì có tam thân - tứ trí - ngũ nhãn - lục thông… thế sao bảo là đồng, là bất nhị?

- Bạch sư phụ, đồng ở tánh giác.

- Tại sao chư Phật giác mà chúng ta chưa giác?

- Bạch sư phụ, tại chư Phật sáu căn thanh tịnh, không nhiễm sáu trần.

- Thật sự tại ý căn, ý căn tạo tác, sanh khởi mới lộ qua năm căn kia và từ đó chúng ta mới nhìn, nghe, nói, làm, ngửi, nếm, sờ… Ý căn thanh tịnh thì mình làm đúng, ý căn nhiễm thì mình mê! Vậy làm sao để giác đây?

- Vì cầu giác mà sư phụ trụ ở đây và cũng vì cầu giác mà con tìm đến đây.

- Ngươi khá lắm. Hãy nhớ rằng: người cầu đạo cần có từ bi, trí tuệ và vô úy. Ba điều này như cái kiềng ba chân, thiếu một thì hỏng!

Đến đây thì hai thầy trò ngồi xếp bằng dưới gốc thông, chỉ phút chốc là nhập vào định. Chung quanh lặng im đến độ nhịp đập của tim như làn sóng tỏa vào không gian làm lung lay cả ánh trăng. Ánh trăng bàng bạc xuyên qua tàng lá rơi lấp loáng trên tà áo lam trông như dát bạc lên hai pho tượng. Cả đất trời tĩnh lặng tịch mịch đến vô cùng!

Ngày kia, ba vị huynh đệ Thanh Đồng Nguyện và Thanh Đồng Hành và Thanh Đồng Đắc vừa mãn khóa an cư trở về. Sư phụ giới thiệu Trí Giải với ba người và bảo:

- Năm xưa Thế Tôn chuyển pháp luân và độ năm anh em Kiều Trần Như, giống như “nhất hoa khai bách diệp”. Hôm nay thầy và các con cũng năm người, đều bái Thế Tôn làm thầy. Thầy không dám ví chúng ta với năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như, nhưng ở Bản Viên tự hôm nay cũng có năm cánh hoa nở ra. Trí Giải, thầy ban cho con pháp danh là Thanh Đồng Giải, hãy chào các huynh của con đi!

Bốn vị huynh đệ thi lễ xong đồng thanh quay sang lạy tạ sư phụ:

- Tạ ơn thầy, hoa nở năm cánh cúng dường Thế Tôn, phụng sự chúng sanh!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày