- Sư huynh, lại đây em đọc cái này cho nghe nè.
- Không rảnh.
- Chút xíu thôi mà.
- Đang bận.
- Sư… huynh…
Tôi chịu thua Hảo luôn. Nhỏ là như vậy đó, muốn người ta làm cho nó cái gì thì đố ai mà thoát khỏi. Tôi ngưng công việc cắm bông đang dang dở đi tới chỗ Hảo. Nhỏ ngồi vắt vẻo trên lan can như một thiên thần bé nhỏ. Nắng sớm màu hồng nhạt đang nhảy múa trên tà áo lam dịu dàng.
- Em tính viết bài Cảm tạ Vu lan đó sư huynh. Em mới viết có phần mở bài à, em đọc sư huynh nghe thử nhe? Hảo giơ cho tôi coi trang giấy học trò trên đó có chừng năm sáu hàng chữ, những con chữ tròn tròn, xinh xinh.
- Ừ, đọc nghe thử coi.
- Dạ, nhỏ cúi xuống đọc. Đọc xong liền nhìn tôi hỏi: Hay không sư huynh?
Tôi cũng ậm ờ cho qua chuyện để rồi còn phải đi làm việc nữa. Bao nhiêu là việc phải làm cho ngày ra hạ sắp tới. Với lại tôi cũng nghĩ rằng Hảo chỉ viết chơi theo phong trào thôi chứ có hay ho gì với trình độ của một con bé bằng… hạt lúa như nó. Vậy mà không ngờ, bài viết đó lại đoạt giải thưởng xuất sắc giải báo tường hạ năm đó.
- Khao đi chứ, nhà văn. Tôi trêu.
- Sư huynh muốn em khao gì nào? Nhỏ ngoan ngoãn trả lời, không giấu nổi một chút “kiêu”… rất dễ thương.
Nhưng vừa lúc đó thì chị Nhân, thị giả của thầy hớt hải chạy từ phòng thầy xuống, vừa chạy vừa la: Thầy chết rồi sư chú ơi, thầy chết rồi mấy huynh ơi… Hảo đứng như trời trồng, rồi bật khóc …
Như vậy đó, thầy đã viên tịch, thật thanh thản mà cũng thật đột ngột. Sau đám tang của thầy, sư nội gởi tôi làm đệ tử y chỉ của thầy phụ trách nghi lễ trong mấy ngày tang lễ của Thầy tôi vừa qua(vì tôi là Tăng), dù cũng có một số vị thầy khác “xin” tôi nữa. Sau này tôi mới biết ý của sư nội là lo cho tôi, cho tôi theo kinh sư để ít nhất cũng có thể kiếm sống được. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình không thích hợp với nghề kinh sư mấy nên đã xin thầy y chỉ cho tôi đi học lớp Sơ cấp Phật học ở chùa gần đó. Thầy đã hoan hỷ cho phép. Và tôi rất cảm ơn thầy về điều đó. Đúng là tôi có năng khiếu văn chương(học giáo lý) hơn là võ bị (kinh sư) nên việc học của tôi rất tiến triển. Tôi là thủ khoa của lớp. Thầy chủ nhiệm đã cử tôi làm lớp trưởng vì “ thấy chú mày mặt mũi sáng sủa”, Thầy ấy nói. Tôi làm lớp trưởng không thành công cho lắm vì… hiền quá. Nhưng bù lại tôi được bạn bè tưởng nhớ vì biết quan tâm đến đời sống và việc học hành của họ. Do có nhiều công việc ở chùa và ở trường, đi đám và học bài, vì thế nên tôi ít có dịp về thăm lại chùa quê. Ngôi chùa đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Hơn nữa vì là Tăng nên việc về chùa Ni cũng có đôi chút không được tự nhiên. Lớn rồi chứ đâu phải là một chú tiểu loắt choắt như ngày nào. Nhưng mỗi lần tôi về thì người mừng nhất chính là Hảo. Cô ấy chăm sóc tôi rất chu đáo, giăng mùng và dọn cơm. Thông qua Hảo, tôi thấy gắn bó với chùa xưa hơn.
- Từ khi thầy mình mất, rồi sư huynh đi chùa khác nữa làm em cảm thấy rất buồn, không biết nói chuyện với ai, Hảo ngồi nhìn tôi ăn cơm nói. Sư chú thì có đệ tử của chú ấy. Mấy chị thì có công việc riêng của người lớn. Thế là em suốt ngày thui thủi có một mình.
- Như vậy thì có nhiều thời gian để học chứ sao. Chứ như sư huynh đây chỉ học được ban đêm. Nhiều khi lên lớp nghe thầy giảng bài mà cứ gục gặc khen thầy miết à.
- Sư huynh ngủ gục mà được hạng nhất hoài.
- Chắc nhờ kiếp trước có học qua rồi, khì khì.
- Em muốn nghỉ học quá sư huynh à.
- Ủa sao vậy, tôi chưng hửng.
- Không có tiền. Nó thú thật.
- Tưởng chuyện gì. Để sư huynh cho tiền.
Thế là từ đó tôi chu cấp đều đặn cho Hảo mỗi năm hai lần cho học kỳ một và học kỳ hai. Ngoài ra nếu Hảo xin thêm để mua sách… tôi đều cho, mà còn cho dư nữa. Thời gian cứ như thế trôi qua cho đến khi Hảo học xong lớp 12 thì: Em không tu nữa đâu, Hảo nói tỉnh rụi.
- Ủa Sao vậy? tôi hơi bất ngờ.
- Vì: Sông không hiểu nổi mình, sóng tìm ra tận bể.
- Ôi con sóng ngàn xưa, và ngàn sau vẫn thế.
- Sư huynh biết tại sao lúc đó em ra đời không?
- Biết.
- Tại sao?
- Thì: Sông không hiểu nổi mình, sóng tìm ra tận bể.
- Vậy sư huynh có biết Sông đó là ai không?
- Biết… chết liền.
- Là sư huynh đó. Hảo cười bẽn lẽn, rồi kể: Khi sư huynh cho tiền em, em tự nhủ sẽ cố gắng học cho thật giỏi để không phụ lòng của sư huynh. Trên bàn học của em, em để tấm ảnh của sư huynh như là tấm gương sáng của phẩm hạnh tu học, và em đã học được rất tốt. Thế giới của em gần như thu nhỏ vào việc học và một chút liên hệ với tấm ảnh ấy. Khi buồn, em cứ nhìn tấm ảnh mà nói chuyện. Càng ngày em càng có nhiều chuyện để nói với tấm ảnh. Cho tới một lúc em nhận ra rằng em đã yêu… tấm ảnh đó. Đó là năm em học lớp 11. Em biết như thế là không đúng. Là trái với giới luật. Nhưng em cũng biết rằng em không thể không nhớ sư huynh. Em muốn gọi điện cho sư huynh để nói ra tình cảm của mình, như lại sợ sư huynh la. Em đã đứng rất lâu bên điện thoại của chùa, nhưng chỉ đứng khóc chứ không gọi. Em biết rằng ngày nào em còn ở chùa là em còn nhớ sư huynh. Mà ở chùa mà nhớ như vậy là mang tội. Vì vậy sau khi học xong 12 là em ra đời liền. Hảo ngừng một chút để lấy hơi rồi nói tiếp. Em thi vào Cao đẳng sư phạm. Trong thời gian học cao đẳng, anh Sáng đã thương em. Rồi xin cho em được đi dạy sau khi ra trường. Khi sắp tới ngày đám cưới, em càng nhớ sư huynh.
- Vậy có ai biết được Hảo… nhớ sư huynh không?
- Chị Hiếu biết. Bữa đó em viết mấy chữ trên tờ giấy mà quên đem đốt nên chị ấy thấy. Chị ấy méc sư chú. Sư chú dần em một trận nên thân.
- Tội nghiệp chưa!
- Lúc đó em thấy mình có tội thật, và em bị la như vậy là xứng đáng. Nhưng bây giờ em thấy khác.
- Thấy không có tội hả? Tôi cười.
- Không phải, Em thấy rằng trong giáo dục nhà chùa, dĩ nhiên trước hết đó là một nền giáo dục tốt… nhưng có hai chỗ em thấy chưa được. Một là thiếu quan tâm và hai là thiếu giáo dục giới tính. Nếu như lúc đó em được sư chú và mấy chị thương yêu, chăm sóc chu đáo thì em đâu có nghiêng về một bên sư huynh như vậy. Và nếu em được học về những “điều cần biết” về tâm-sinh lý tuổi dậy thì thì có lẽ em sẽ xử lý tình huống của em tốt hơn. Các bậc thầy của chúng ta, nói xin lỗi, không dạy gì được những điều này mà chỉ biết có cấm đoán, la rầy khi sự việc xảy ra rồi. Suy cho cùng thì tuổi trẻ có tội gì đâu. Chúng đâu có muốn như vậy đâu chứ.
- Hên sui. Tôi lại cười. Chưa bao giờ tôi lại “cười” nhiều (mà không nói gì)trong cuộc đối thoại như vậy. Vì quả thật đụng tới vấn đề này thì chúng tôi như cá ra khỏi nước, không biết gì cả. Cũng may là tôi không yêu ai, nếu có chắc tôi cũng không biết phải làm sao nữa.
- Ừ, sư huynh thì hên, còn em thì xui.
Đang lúc đó thì bé Trang đi tới. Từ khi tôi lên thành phố tới giờ cũng trên dưới chục năm, mà cũng chỉ ở một chùa này thôi, nên rất được thầy trụ trì tin cậy. Hơn nữa chỉ có tôi là học giảng sư nên so với mấy huynh đệ kinh sư khác có chổ dùng riêng. Và mùa Vu lan năm nào thầy trụ trì cũng giao cho tôi phụ trách phần trang trí. Trang là một trong những phật tử của chùa đang phụ tôi công việc đó. Cô bé dơ lẳng hoa lên trước mặt tôi hỏi: Thầy ơi, lẳng hoa này phải đặt vào chổ nào mới được?
- Chỗ nào cũng được. Tôi quay sang trả lời.
- Vậy đặt sai chổ là thầy không được rầy Trang đó nghen.
- Ừ, không rầy đâu, chỉ đánh đòn thôi.
Trang ngồi chống cằm nhìn ra cửa sổ. Mấy tháng nay cứ đi chùa về là cô bé hay ngồi một mình như vậy. Vừa nhìn mây bay vừa suy nghĩ vẩn vơ. Có khi ngồi như vậy hàng giờ. Nếu ông Nghiêm, ba cô có hỏi thì cô chỉ trả lời cộc lốc là: Kệ người ta. Nhưng rồi một hôm khi hai cha con ngồi ăn cơm với nhau, cô nủng nịu:
- Ba…à?
- Gì vậy con?
- Con… không được khỏe.
- Vậy thì đi khám bác sĩ.
- Ba…không thương con.
- Kìa, sao con lại nói vậy. Từ khi mẹ con mất tới giờ ba có khi nào không thương con đâu.
- Nhưng mà con…
- Con thế nào?
- Con…yêu…
- Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó có gì khó.
- Nhưng mà không được.
- Có gì mà không được. Nhà mình giàu, con gái ba lại đẹp như Hằng nga. Ai mà không muốn chứ?
- Nhưng người ta là người…, người tu cơ.
- Ý trời đất, vậy đâu có được con. Mang tội lắm đó.
- Thấy chưa, con đã nói là ba không thương con mà. Vy thúc thích. Con tủi thân quá ba à.
- Thôi con đừng có khóc nữa. Ba thì không hề gì, nhưng mà người đó có yêu con không?
- Hình như là không.
- Vậy để ba đi hỏi dùm con được không?
- Dạ… Cô bé gật gật cái đầu. Hai mắt đỏ hoe.
Dĩ nhiên là tôi không đồng ý, không khi nào đồng ý. Ngay từ những ngày đầu học đạo, tôi đã rất thích sự thanh thoát của đời sống xúât gia như được diễn tả bằng những câu kinh: “… Phạm hạnh thanh tịnh, trắng bạch như vỏ óc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Hay là hình ảnh:
Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh trông người thế
Mây trắng hỏi đường qua.
Cái hạnh phúc đó đâu có vật chất nào có thể thay thế được. Hơn nữa tôi còn có nhiều dự định muốn làm cho Phật pháp trong tương lai. Ví dụ như về chế độ trụ trì. Nếu tôi làm trụ trì tôi sẽ không làm vĩnh viễn mà làm theo…nhiệm kỳ. Hể ai mười Hạ trở lên thì đều được luân phiên làm trụ trì. Theo tôi dự án này có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất để cho ngưới không có năng lực được tạm nghỉ ngơi vài năm. Thứ hai để cho người có năng lực có cơ hội cống hiến. Thứ ba tránh được chuyện tham quyền cố vị, cho chùa là tài sản riêng của mình để chỉ muốn truyền thừa cho “người của mình” dù đó là người không có tài đức. Thứ tư thể hiện sự bình đẳng trong Phật giáo, chia sẽ cùng nhau về quyền lợi và nghĩa vụ. Thứ năm sẽ tạo chút cơ hội cho người mà vì ham làm trụ trì quá mà chạy đôn chạy đáo kiếm chùa. Vân vân và vân vân. Cho nên dù biết rằng ông Nghiêm rất có thành ý khi nói với tôi rằng: “ Cháu ơi, Gia đình của bác đều ở bên Mỹ cả, chỉ có bác là còn ở Việt Nam để giử nhà thờ của tổ tiên, với con bé Trang. Nhưng nếu như cháu đồng ý… thì tuỳ ý cháu muốn ở Việt Nam hay cùng con bé sang Mỹ ở với gia đình ở bển cũng được” , thì tôi chỉ biết thầm cảm ơn mà thôi chứ không vì thế mà thay đổi tâm chí của mình đối với đạo pháp. Tôi thấy mình vững hơn bao giờ hết.
Nhưng rồi một sự việc đã xảy ra. Một hôm trong khi tôi đang ngồi đọc sách thì bị nhức đầu kinh khủng. Sau ba ngày điều trị ở bệnh viện, đầu tôi không còn bị nhức nữa, nhưng hai mắt tôi lại bị mù hoàn toàn. Lúc đó ông Nghiêm lại xuất hiện. Ông nắm tay tôi cũng y như lần trước nói: Nếu như cháu đồng ý con bé Trang thì bác sẳn sàng tặng đôi mắt của bác cho cháu…Lần này thì tôi đồng ý. Không phải vì tôi muốn được nhìn thấy, nhưng vì tôi cảm cái tấm lòng của một người cha dành cho con của ông. Lòng tôi nặng trĩu khi nghĩ rằng trong đạo không thể tìm ra một tấm lòng như thế. Không thể tìm ra một người thầy vì đệ tử như một người cha vì con như thế!
Cuối cùng thì tôi cũng đã nhìn thấy cuộc đời trở lại. Nhưng thật bất ngờ là tôi không phải nhìn đời bằng đôi mắt của ông Nghiêm mà là của ông thầy Lam. Trong chúng tôi không ai biết nguồn gốc của ông thầy Lam, cũng không biết ông ở chùa từ khi nào, chỉ biết là khi thầy trụ trì hiện giờ về thì đã có ông rồi. Ông không thọ giới, đắp y như những người khác. Gia tài của ông chỉ có cái áo tràng lam. Nên mọi người gọi ông là ông thầy Lam, lão Lam, ông già Lam, rồi thành ông Già Lam luôn, mà quên bẳn đi tên thật của ông. Dù được gọi bằng tên gì thì ông vẫn hoan hỷ như nhau.
- Tại sao thầy làm như vậy chứ hả? tôi hỏi ông Già Lam.
- Tại sao à? Ông ấy cười khẩy, Chẳng lẽ lão đây lại đi thua một người bình thường hay sao. Hay là, chà chà, Lão quạt lia quạt lịa cái quạt mo nói, hay là lão đệ chê mắt lão không sáng bằng mắt của ông Nghiêm? Rồi ông há hóc miệng cười rất vui. Tôi phát hiện thêm một điều nữa là trong số rất ít cái răng còn lại của ông có một cái răng vàng rất đẹp. Chắc là từ nay tôi phải gọi ông là ông lão răng vàng quá!.