Truyện ngắn: Lên núi mùa xuân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Khi những cánh đào bích cuối cùng rơi xuống mảnh sân chênh chếch trước nhà thì Thuần nhét quần áo vào ba lô chuẩn bị lên núi. Người nhà nghĩ chắc Thuần đi hẹn hò ai đó, một cô gái chẳng hạn. Mà thiếu gì nơi hẹn hò sao phải lôi nhau lên núi?

Họ đôi lần gặng hỏi nhưng Thuần chỉ cười. Xứ này núi vây quanh. Núi che khuất cả tầm nhìn vạn vật. Núi bao bọc lấy ngôi làng bé nhỏ và bình yên này. Sáng mở mắt ra đã thấy núi đứng sừng sững phía xa. Núi đâu có gì lạ để Thuần phải bỏ cả xưởng mộc để đi. Trong khi còn cả chục đơn hàng nhận từ năm cũ vẫn chưa trả được cho khách. Mặc kệ, Thuần cứ thủng thẳng lên núi chẳng vội vàng nhưng cũng không trì hoãn. Đường lên núi trong tâm, cứ thẳng đường mà bước. Mới đến chân núi thôi mà Thuần háo hức như được về nhà. Nhìn cây lá rung rinh trong gió Thuần nghĩ chắc là chúng vui mừng khi thấy mình về. Trên núi không ai trồng gì. Xen giữa những kẽ đá là cây cỏ mọc hoang cằn cỗi. Thuần tìm gì ở một nơi đìu hiu như thế?

Trên núi rất ít người sống, ngoài một vài người bẫy chim, đánh bắt rắn và thu hái những cây thuốc quý. Không có cô gái nào trên núi. Mà Thuần cũng đâu muốn đi tìm tình yêu. Thuần lên đó chỉ để gặp một bà già chuyên bốc thuốc Bắc. Thuần không bệnh. Đúng hơn là Thuần đã khỏi bệnh đau buốt đầu từ mấy năm trước rồi. Nhưng mùa xuân vẫn kiếm cớ lên núi tìm cắt thuốc. Bà già cằn nhằn: “Cậu hút thuốc và uống rượu ít thôi. Giờ chưa thành bệnh nhưng rồi sẽ thành. Cơ thể nó tự chán mình nếu mình không thương nó”. Thuần nghe chỉ cười. Cười hiền khô như nắng. Suốt mấy chục năm lớn lên trong sự cưng chiều của nội khiến Thuần thèm những tiếng cằn nhằn như thế. Nội chưa bao giờ đánh Thuần dù chỉ một lằn roi hay một lời nói gắt. Thuần phá phách nghịch ngợm kiểu gì nội cũng vẫn thương. Mặc kệ ngoài hàng rào người ta rền rĩ vì luống rau bị giẫm nát, mấy cây chuối bị chém cụt, đàn vịt mười con thì bảy con què. Nội đến từng nhà xin lỗi. Moi từ chum gạo tiền tích cóp đem đền của cho hàng xóm. Cũng có khi nội cặm cụi cả ngày cấy lại ruộng lúa, trồng lại luống rau, buộc lại hàng rào trả cho nhà người ta. Nhưng nội vẫn xoa đầu Thuần thương xót: “Tội nghiệp đứa cháu không cha không mẹ của bà”. Thuần dụi vào lòng nội, nguôi ngoai. Năm Thuần mười bảy tuổi thì nội trút hơi thở cuối cùng, khép lại ánh nhìn đăm đăm về phía núi.

Thuần lên núi lần đầu khi vừa tròn hai tư tuổi. Nhiều sáng thức dậy Thuần bị hành hạ bởi cơn đau nửa đầu dữ dội. Dù đã đi khám nhiều nơi và uống đủ thứ thuốc vào người nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Những cơn đau tăng dần và kéo dài hơn. Thuần chỉ biết bo đầu chịu trận nằm co ro trong bóng tối. Trong cơn đau, Thuần thấy mình bé lại như lúc năm tuổi, chỉ thèm một vòng ôm ấm áp từ cơ thể mẹ. Ký ức về mẹ hiếm hoi đến mức nhiều đêm Thuần không dám ngủ. Chỉ sợ sáng mai tỉnh dậy đã quên sạch hình dung về mẹ. Thuần hay gặp mẹ trong những cơn say. Mẹ hay xoa vết bớt đen sì ở mặt Thuần rầu rĩ than “tội nghiệp”. Tay mẹ rất ấm và lúc nào cũng thơm mùi thảo mộc. Hôm bỏ đi, mẹ khóc. Nước mắt mẹ cũng có mùi thảo mộc, chảy mằn mặn trên môi mắt Thuần. Nội không muốn Thuần nhớ mẹ. Mỗi khi Thuần hỏi mẹ đi đâu, nội chua chát bảo “đi tìm nơi giàu sang gửi phận”. Sau này nghe họ hàng kể lại, bố mất sau một cơn cảm lạnh năm Thuần mới hai tuổi rưỡi. Mẹ không chịu được cảnh chăn đơn gối chiếc nên bỏ theo người tình cũ. Nghe nói mẹ giàu lắm vì chuyên lên cửa khẩu lấy hàng về bán buôn dưới miền xuôi. Mẹ không về thăm Thuần bao giờ nhưng thỉnh thoảng lại thấy có người gửi quà về. Nội giận toàn mang chia cho hàng xóm. Thuần đâu cần những thứ đó. Thuần nghèo quen rồi. Đến ký ức còn nghèo…

Thuần luôn ngồi đối diện với bà già. Luôn kiếm chuyện gì đó để kể mong bà già phải nhìn vào mặt mình. Nhưng bà bận quá hoặc là chuyện Thuần kể chẳng có gì lôi cuốn nên chẳng khi nào bà ngẩng lên nhìn. Bà mải mê với những nắm lá thuốc, thái nhỏ, phơi khô, phân loại rành mạch từng loại một. Có hôm vì sốt ruột quá Thuần đã hỏi:

- Bà thử nhìn xem trên mặt con có gì lạ không?

- Khí sắc hồng hào. Thật tốt.

- Ý con hỏi về cái bớt?

- À… cái bớt hả? Về mặt sức khỏe thì ta nghĩ chẳng có vấn đề gì. Còn nếu con muốn hỏi về tướng số thì… ta đâu phải là thầy bói.

- Chẳng lẽ cái bớt của con không gợi cho bà nghĩ đến điều gì sao?

Bà già im lặng vài giây rồi bật cười ha ha. “À… Nghĩ chứ. Cậu nhắc làm tôi bỗng nhiên nghĩ đến món bánh gai. Hồi xưa bé xíu, lần nào gặm cái bánh gai cũng bị dính nhằng nhằng ở má. Trông hệt như cái bớt của cậu”. Thuần ngồi lặng người, tái tê trước vẻ bỡn cợt của bà già. Anh nghĩ có lẽ nào bà già không phải mẹ mình? Ừ thì có ai nói bà già là mẹ Thuần đâu. Đấy là tự anh huyễn hoặc mình. Mùi thảo mộc ấy trên cơ thể bà già y hệt mùi thơm trong ký ức tuổi thơ Thuần. Từ khi mẹ bỏ đi, Thuần không bao giờ ngửi thấy mùi thảo mộc ấy nữa, cho đến khi gặp bà già trên núi. Thuần khỏi bệnh đau đầu mà không hề đụng đến thang thuốc nào của bà. Khỏi ngay khi bàn tay bà chạm vào Thuần. Lần nào lên núi Thuần cũng muốn nán lại vài ngày. Sáng sớm Thuần theo bà già ra núi hái thuốc thong thả với cỏ cây. Thuần thường ngủ quên trên một mỏm đá nào đó. Gió lồng lộng thổi. Mùa xuân nhiều loài chim kéo nhau lên núi tìm nơi kín đáo làm tổ. Thuần nghe tiếng chúng ríu rít mà thèm muốn một sum vầy yên ấm. Đã nhiều khi Thuần định bỏ làng lên núi ở luôn. Nhưng bà già nghe thế thì cười ha hả: “Cậu còn trẻ mà. Cứ sống đi đã. Vội gì tìm nơi ở ẩn”.

Một hôm, lúc đang ngồi đảo thuốc giữa sân, thấy bà già đưa từng vị thuốc lên mũi ngửi, Thuần bất chợt hỏi bà già:

- Bà nghĩ gì về mùi hương ạ?

- Mùi hương là sự đặc trưng của mỗi loài. Mà ngay cả khi nhắm mắt ta cũng có thể nhận ra mùi hương của từng loài riêng biệt.

- Mẹ con bỏ đi đã mấy chục năm. Nhưng con vẫn nhớ như in mùi hương của mẹ. Đó là mùi thảo mộc hệt như mùi hương của bà vậy.

- Ờ thì… Bà suốt ngày quẩn quanh với cây thuốc nên mùi ám vào người.

Thuần đưa tay mình lên mũi, cười bảo:

- Đâu phải ai cầm cây cỏ trên tay cũng có mùi thảo mộc bà ơi? Mấy ngày nay ngay cả lúc ngủ con cũng nắm chặt thuốc trong tay mà chỉ thấy mùi mồ hôi mằn mặn.

- Ờ thì…

Bà già bỏ lửng câu, chống tay đứng dậy đi băm thuốc. Tiếng băm gằn và mạnh hơn mọi khi hoặc là do Thuần nghĩ thế. Đã đôi lần Thuần ướm hỏi về người thân, gia đình nhưng bà già chỉ cười. Có lý do gì để một người đàn bà bỏ lên núi sống một mình? Nếu không phải vì quá chán con người thì hẳn phải có uẩn khúc gì đó ghê ghớm chứ. Đứng trên núi có thể nhìn thấy xóm làng dưới kia. Nhìn thấy cột khói từ nhà Thuần cuộn lên nền trời. Mùa đông thấy sương phủ trắng mái nhà. Mùa xuân tinh mắt cũng có thể nhìn thấy hoa đào nở khắp những rặng rào. Tháng Ba đến, hoa gạo như những chiếc chuông đỏ đau đáu trên nền trời xanh thẳm. Chắc sẽ có lúc bà già mỏi mắt kiếm tìm một chấm người nhỏ nhoi nào đó dưới làng. Nếu bà già là mẹ Thuần thật, hẳn bà sẽ cảm thấy tội lỗi khi bỏ Thuần mà đi theo tiếng gọi tình yêu. Hẳn bà sẽ không đủ can đảm tìm gặp lại Thuần. Chỉ dám đứng từ xa trên núi mà ngóng vọng người thương. Thuần đâu có giận mẹ. Chỉ mong một ngày nào đó bà già khơi khơi nói “ừ đấy. Ta là mẹ cậu thì sao?”. Thì về một nhà chứ sao. Nếu bà không chịu xuống núi thì Thuần lên núi. Sum họp ở đâu cũng được, miễn là có nhau. Thuần có nên mở lời nói với bà già?

Thấm thoát cũng đã đến ngày Thuần xuống núi. Thuần phải về vì anh tắt điện thoại một tuần có lẽ đã làm khách hàng hoang mang, bực bội. Bàn ghế, giường tủ khách đặt đang chờ bàn tay Thuần hoàn thiện. Thuần nấn ná mãi không muốn xách ba lô lên vai. Hình như Thuần đang chờ đợi bà già nói với mình một câu gì đó. Nhưng bà già tiễn khách dửng dưng. Bà vẫn ngồi băm thuốc lạch cạch, miệng than: “Giữa mùa xuân rồi mà sao vẫn lạnh thấu xương”. Thuần quay lưng đi, bỏ lại vài câu khản đặc: “Trước mùa mưa con sẽ lên lợp lại cho bà mái nhà. Bếp để trống huơ trống hoác thế cũng đâu có được. Phải ấm cúng mới giống nhà”. Bà già ngẩn ngơ một lúc rồi bỗng mỉm cười. Bà đâu phải là mẹ Thuần đâu. Người đàn bà bỏ con theo tình cũ ấy chắc giờ đang sum vầy bên con cháu ở một nơi nào đó chứ đâu có đơn độc như bà. Trên đời thiếu gì những người đàn bà có mùi hương giống nhau. Ngày xưa, trước khi làm nghề bốc thuốc, trên người bà toàn mùi bùn đất, mùi tanh nồng của cá, mùi mồ hôi khét nắng. Sau này lang bạt khắp nơi, trời thương cho gặp nhiều người tài nên bà học được biết bao bài thuốc quý. Kể từ khi nghe thấy những âm thanh của cây cỏ diệu kỳ thì cơ thể bà mới bắt đầu có mùi thảo mộc. Mùi hương ấy đã cho bà cơ duyên được gặp Thuần. Với bà, Thuần cũng giống như một vị thuốc quý được bao bọc bởi vẻ bề ngoài xù xì, mộc mạc. Bà có cảm tình với Thuần ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Nụ cười như mùa xuân ấy thật dễ khiến lòng người ấm áp.

Bà cũng từng có một đứa con. Nếu nó không chết vì trận sốt năm lên bốn tuổi thì có lẽ bây giờ cũng trai tráng như Thuần. Bà không sinh đứa con nào nữa vì sợ đứa trẻ sinh ra sẽ có đôi mắt đen láy hay nụ cười nhăn mũi như anh nó. Sợ có đêm nào đó nằm ru con lại nhớ đến hơi ấm cũ và mùi da thịt thơm tho trong ký ức. Sợ mỗi khi nhìn đứa trẻ nô đùa cũng nhấn nhá vào tâm trí mình về một mất mát đã thuộc về ký ức. Làm sao mà sống nổi hả trời? Nghĩ vậy nên bà bỏ chồng, bỏ quê hương đi biệt xứ. Rồi cũng tìm thấy một chốn bình yên, lặng lẽ sống thu mình. Thuần đến, ấm áp như một vòng ôm ruột thịt. Lúc Thuần quay lưng xuống núi đã không thể nhìn thấy đôi mắt bà già bỗng trũng như sông. Đâu chỉ Thuần mới chờ mùa xuân. Bà già năm nào cũng nhìn cây cối đâm chồi nảy lộc rồi ngóng về phía làng. Chờ bóng Thuần nhấp nhô chân núi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày