Truyện ngắn Trung Hữu: Nốt nhạc trầm

GN - Con ngồi chờ ở đây để má lượm ít con ốc về làm mồi cho ba con nhấm rượu nhe?

Nói xong má đặt tôi ngồi vào cái thúng như để chuẩn bị gánh tôi về với đầu gánh bên kia là thúng khoai lang chuẩn bị sáng hôm sau đem ra chợ bán. Nhưng tôi bật dậy như cái lò xo, bước ra khỏi thúng lẽo đẽo theo sau má. Má lội xuống mương, nước ngập quá gối, khom lưng thò tay xuống rồi nắm lên liền một nắm ốc như thể má biết rõ chỗ nào lũ ốc tập trung nhiều nhất vậy.

a dantranh1.jpg

Má cũng không bỏ sót những con ốc đeo trên mấy chà tre, thân rau nhút, rau muống xung quanh đó. Bàn tay má nhanh thoăn thoắt nhưng không hề lẫn lộn ốc to với ốc nhỏ; má chỉ bắt ốc lớn thôi, còn ốc nhỏ má bỏ lại xuống mương “để cho sau này con nhỏ nào lấy Út của má thì bắt lũ ốc ấy về làm mồi cho Út nhậu hỉ!”. Má nhìn tôi cười tươi trong khi bàn tay còn ngắt luôn mấy đọt rau muống mềm mọng nổi lênh đênh trên mặt nước.

Tôi không thể nào quên được nụ cười đó của má. Nụ cười đã ám ảnh tôi, theo tôi suốt cuộc đời như một biểu hiện của tình yêu, sự lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn nhất của đời người. Nó như một sự xóa tan, trút bỏ bao nhọc mệt để vươn lên, như hoa sen vươn lên khỏi mặt nước hồ lạnh lẽo đón nắng mặt trời để mà nở, mà tỏa hương. Tôi tiếc rằng mình không phải là họa sĩ tài ba hay nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp để kịp ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời đó.

Gió lạnh từng cơn thổi rào rào trên đồng vắng. Tôi nói, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập vì lạnh: “Mình về má ơi!”…

Tôi là út trong gia đình tám anh chị em. Ông nội tôi là địa chủ. Ba tôi không quen làm lụng dù sau này đất đai đã không còn như trước nữa. Nhà nghèo, một mình má bươn chải. Tuy cực khổ lắm nhưng đứa nào má cũng dành trọn tình thương như nhau, hết đứa này tới đứa khác, một cách kiên trì nhẫn nại. Đi đâu má cũng toàn đi bộ, uống nước mương ven đường. Đã thế lại còn cõng thêm “cục nợ” là tôi đây nữa (má hay gọi tôi là “cục nợ” một cách trìu mến).

Không hiểu sao từ khi sinh ra tôi đã đeo riết bên má. Hễ vắng chừng năm mười phút là tôi thấy lạc lõng lạ thường. Sau này nghĩ lại tôi tự trách mình. Phải chi hồi đó mình không đeo theo má như vậy thì má đỡ khổ biết mấy, để mỗi buổi chợ sáng má có thêm vài ký khoai lang ở đầu gánh bên kia, để trên đường xa má không phải cõng tôi trên lưng dù chắc lúc đó chân má cũng mỏi nhừ... Nhưng có lẽ nhờ sự vô tư đáng trách đó của trẻ con mà tôi càng cảm nhận thêm thế nào là sự ấm áp của tình mẹ. Chẳng những mẹ không bao giờ phàn nàn phải cõng tôi mà có khi má còn nói đùa, gọi tôi là “ông con”.

Má cứ miệt mài làm lụng nuôi chồng, nuôi con. Má còn lo lắng chạy thầy chạy thuốc cho chị Năm hay trong nhà có ai bị bệnh. Ngày anh Bảy đi nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia, tôi nhớ như in cảnh má nhào ra xe, rồi ngất xỉu khi chiếc xe chở anh chạy qua... Sau này khi có dịp đọc kinh Bổn sanh Bổn sự nói về tiền thân Đức Phật, tôi càng hiểu thêm tâm trạng của má tôi lúc đó. Chuyện rằng có một con nai mẹ đứng liếm vết thương cho nai con vừa bị trúng tên của gã thợ săn nào đó. Liếm một hồi thì nai mẹ cũng lăn ra chết luôn, vì đau lòng đến đứt ruột.

Tôi nghe người ta nói, ông nội ngày xưa là địa chủ. Do ăn ở ác với tá điền nên bây giờ con cháu phải chịu quả báo nghèo hèn. Tôi không biết thực hư chuyện đời trước thế nào, nhưng gia đình tôi nghèo là có thật. Một số anh chị của tôi dù có gia đình nhưng chẳng những không phụ giúp gì cho mẹ tôi mà trái lại, có khi còn chạy qua xin gạo, nước mắm, muối... Má tôi đều vui vẻ đưa cho, để rồi sau đó nghe ba tôi chửi mắng. Tuy nhà nghèo nhưng ba tôi rất sang. Mỗi bữa cơm phải có đồ nhấm và một xị rượu. Nếu không thì ông sẽ cằn nhằn, mắng mỏ. Có lần ba đem đốt cả một bó lá dừa to giữa nhà để ăn cơm chỉ vì mẹ tôi đốt đèn bóng (để tiết kiệm dầu) cho ba ăn cơm. Lận đận là vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy má khóc cả. Hay má muốn giữ vững tinh thần trước mặt chúng tôi mà khóc lén cũng không biết chừng?

Càng lớn tôi càng nhận thức được những khổ đau của má. Đối với tôi, không có người phụ nữ nào trên đời này chịu thương chịu khó bằng má. Sau một lần má ngã bệnh, tôi thấy má già hẳn di. Tôi nghĩ thầm chắc má không thể cõng tôi đi đâu được nữa rồi. Hình như má biết tôi đang nghĩ gì nên xoa đầu tôi nói: “Mai mốt đi đâu Út cõng má hén?”. Tôi “dạ” một tiếng rất ngoan, làm má vô cùng hài lòng. Lúc đó tôi chỉ có một ước muốn là làm sao cho mau lớn để... cưới vợ, đặng có thêm người làm phụ má mà thôi. Tôi không sợ ế vợ, vì tôi thường nghe mọi người khen tôi dễ thương, rằng “sau này lớn lên sẽ có nhiều con (con gái)... chết vì thằng Út cho mà coi!”.

Má tôi vốn là một tiểu thư trâm anh đài các, nên được học đủ các loại nữ công gia chánh, cũng như âm nhạc, hội họa - nhất là ngón đàn tranh thì thật tuyệt. Vì khi tôi mới sinh ra, má thấy tôi “dễ thương như một nốt nhạc” nên đã dạy tôi dánh đàn những khi rảnh rỗi. Có thể nói tôi là niềm an ủi duy nhất của má, gợi nhớ một thời con gái tươi đẹp nhưng ngắn ngủi (má lấy chồng năm mười sáu tuổi). Tôi không nghĩ được “vợ” tôi sau này phải như thế nào, nhưng phải giống như má và phải biết thương má như tôi mới được...

Nhưng sự đời ít ai biết trước. Càng không ai có thể ngờ tôi sẽ trở thành một tu sĩ!

Lần nọ, trên đường đi học về, tôi bị quẹt xe. Người lái xe là một ông... thầy chùa. Ông chở tôi tới chùa băng bó vết thương rồi đưa tôi về tận nhà, kèm theo rất nhiều quà. Ông cũng gửi tiền cho má tôi, nói là để mua thuốc cho tôi uống thêm. Từ đó trong tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh ngôi chùa tráng lệ. Trong tôi hình thành ý muốn xuất gia với ý nghĩ rằng chỉ có cách đó mới… giàu được, mới có điều kiện đem lại sự sung sướng cho má, bù đắp những tháng ngày cực khổ. Và tôi đã đi tu với lời hứa rằng: “Má ráng sống đến mười năm nữa con sẽ mua xe du lịch chở má đi chơi!”.

Thời gian trôi qua nhanh quá, mười năm, rồi mười năm nữa, nhưng đứa con “chí hiếu” của má vẫn là một Tăng sinh nghèo. Chẳng những tôi không thể mua xe du lịch chở má đi chơi như đã hứa mà có khi còn để cho má phải lo lắng khi thấy “ông thầy” ăn mặc sao lam lũ quá. Má thỉnh thoảng còn nhét vào túi tôi ít tiền mỗi khi tôi về thăm nhà... Mấy đứa bạn học chung với tôi hồi phổ thông bây giờ đều giàu có cả. Phải chăng, chọn con đường đi tu để mong thoát nghèo là một chọn lựa sai lầm? Hỏi không phải để hối hận, mà là để trêu cái thằng nhóc tôi năm xưa sao mà ngây thơ quá đỗi! Có ai chọn con đường đi tu để làm giàu bao giờ!

Thời gian tu học ở chùa cũng là thời gian chuyển hóa dần cách nghĩ trẻ con ấy của tôi. Tôi dần dần nhận ra một cách chân thành rằng vật chất chỉ là gánh nặng trên đôi vai trần, không hề đem lại hạnh phúc gì cho con người cả, có chăng chỉ là bóng hình huyễn ảo, chập chờn như bóng đèn trên tường và phù du còn hơn cả con phù du sống trên mặt nước nữa. Được quy y Tam bảo và được sống theo chân lý của Phật-đà mới là hạnh phúc tối thượng, dù cho vẻ bề ngoài có lam lũ và đạm bạc đến đâu. “Đại phú do mệnh, tiểu phú do cần”.

Má à, giả sử như nhờ phước kiếp trước mà con của má được giàu có thì chắc con cũng không mua xe du lịch đâu... Cho đến lúc này, tôi phần nào hiểu được nụ cười giữa hoàng hôn ngày nào của má. Tuy cực khổ nhưng do thấy được ý nghĩa việc làm của mình là nuôi chồng nuôi con nên cực về vật chất mà vẫn vui về tinh thần. Cũng như tôi bây giờ, là người nghèo nhất trong đám bạn, nhưng để thấy đời mình có ý nghĩa thì chưa chắc ai đã hơn ai?

Ngày má bệnh, tôi về thăm và cho má xem bài báo đầu tiên của tôi được đăng và tặng má tiền nhuận bút. Coi như số tiền đầu tiên do chính sức lao động của tôi có được. Bài viết về ý nghĩa của chữ hiếu trong đạo Phật. Má đọc xong rồi nhìn tôi cười, nói: “Xe du lịch của thầy đó à?”. Tôi bỗng lúng túng, vì không ngờ má còn nhớ lời hứa ấy và đã nhắc lại trong giờ phút này. Tôi không hiểu má đang khen hay chê, yêu hay trách tôi khi hỏi vậy, nên đã trả lời bâng quơ: “Ai bảo hồi đó má cho con đi tu chi?”.

Tôi chợt nhớ hình ảnh má dắt tay tôi rời khỏi con đường làng gập ghềnh sỏi đá. Má con chia tay nhau trước cổng chùa vì má không nỡ nhìn thấy tôi xuống tóc. Hơi ấm từ bàn tay má xa dần, xa dần... theo năm tháng. Chợt má nhìn tôi mỉm cười: “Sau khi hết bệnh, má sẽ lên chùa quy y Tam bảo”. Má nắm lấy bàn tay tôi. Ôi, lâu rồi tôi mới cảm nhận lại hơi ấm từ bàn tay ấy. Nhưng có hơi khác một chút, vì ngoài ý nghĩa yêu thương ra, còn hàm ẩn một lời cảm ơn, rằng “má đã giác ngộ được đạo Phật, nhờ con đó”. Tôi hiểu được những gì má muốn nói và vui mừng khôn xiết. Tôi tặng má kinh sách, băng đĩa về Phật giáo... gọi là để xem, nghe “mỗi khi buồn hay nhớ con”. Tôi chỉ có thể giáo hóa má bằng cách gián tiếp mà thôi chứ đâu dám nói thẳng là mẹ đã lỡ tạo những nghiệp không lành trong đời. Bởi vì dù đó là nghiệp xấu gì đi nữa thì cũng chỉ vì con cái chứ vì ai! Tôi nắm chặt tay má và nhìn vào mắt như thầm cảm ơn má đã hiểu tôi và không trách tôi không giữ lời (mua xe) như đã hứa.

Tôi lấy chiếc đàn tranh xuống dạo một khúc. Má con nhìn nhau mỉm cười. Tôi đã không thể đem đến cho má sự vinh hoa phú quý, không có nhà cao cửa rộng, không có xe hơi để chở má đi chơi giữa phố phường, giữa bà con lối xóm cho má được nở mặt nở mày như tôi đã từng mơ ước. Nhưng những gì tôi có thể làm cho má hôm nay còn quý hơn những điều đó rất nhiều, đó là “con đường giác ngộ” mà tôi đã “vô tình” thấy được, đã “hiến dâng” cho má một nơi nương tựa không chỉ đời này mà đời đời kiếp kiếp đến tương lai: Quy y Tam bảo.

Tiếng đàn vẫn réo rắt, khi lên cao, khi lắng đọng... Nghĩ lại đời má nghèo nhưng không khổ, vì lúc nào má cũng có niềm vui tinh thần, trước đây là niềm vui được lo cho chồng con, bây giờ là vui với Chánh pháp. Tôi ví niềm vui đó của má như nốt nhạc trầm vậy. Không ồn ào nhưng sâu xa, nuôi dưỡng lòng người trong sáng mãi không thôi...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày