Truyện ngắn Y Nguyên: Bà cố tôi

GN - 1. Họ nội nhà tôi nhỏ, năm đời xuất thân làm ruộng, chẳng chữ nghĩa văn vật gì. Mãi tới đời ông cố, nhờ dành được chút của ăn của để, ông cao mới cho đi học. Ông cố sáng dạ, thầy đồ khuyên ráng cho theo đòi nghiên bút, có cơ may làm rạng rỡ tông môn. Ông cao nghe lời, cầm cố ruộng vườn, quyết chí cho con ăn mày cửa thánh hiền. Học mãi, học mãi; cuối cùng ông cố lều chiếu đi thi cũng lấy được cái… tú tài - vừa vặn đến lúc ông cao tôi gia tài khánh kiệt!

Chẳng hoàn toàn như ý; nhưng được tú tài trong tổng Hòa Đa cái thời đến chín chín phần trăm dân số không ai có nửa chữ lận lưng vẫn cứ là… ghê. Ông cố tôi lập tức được bổ nhiệm xã trưởng do bằng cấp, trí thức đứng đầu hàng xã. Mát mặt. Và, kệ cho gia tài khánh kiệt, ông cao tôi vẫn nở nụ cười mãn nguyện trước lúc nhắm mắt xuôi tay…

Bà cố tôi về làm dâu - đúng ngay cái thời điểm ông cố vừa bước được một chân lên đài vinh quang (còn chân kia xuống vũng bần hàn)…

a baco.jpg

2

. Bà cố gốc con nhà khá giả. Ông Hương Tám (cha bà cố) vẫn biết ông cố nghèo nhưng mê chức sắc, học vị nên gả. Trai tài gái sắc, ông Hương nói, nó có tài năng, chức tước thì sẽ thoát nghèo nhanh thôi…

Ông Hương nói không sai. Cái sai là bất cứ chân lý nào - dù hiếm hoi - cũng luôn có ngoại lệ. Ông cố tôi là một ngoại lệ: có chức sắc nhưng hiền như Bụt, có chữ nghĩa nhưng không thạo việc đem chữ kiếm tiền. Bổng lộc nhà nước cấp cho ông Xã hàng năm may lắm chỉ đủ nuôi cơm. Còn lại cái “gánh giang san” nhà ông cố coi như… giao mình bà cố gánh trọn! Bà cố khá giả, của hồi môn mang về không ít; nhưng tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống, biết bao nhiêu cho đủ? Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, bà Tú danh giá, bà Xã sang cả phải cắn răng ngược xuôi xoay xở. Vừa để tồn tại, vừa để bảo vệ cái danh giá của một bà Xã: không được để người ta dòm ngó, chê bai chuyện gia cảnh bần hàn! Ở nhà dấm dúi cơm rau mắm mặc lòng, ông Xã ra đình, ra nhà việc vẫn được vợ lo khăn áo mũ mãng chỉnh tề. Cảnh nhà ông Xã ai vô cũng thấy ngăn nắp khang trang, ngõ sân quét tước dọn dẹp thường xuyên; gian giữa bình phong, câu đối, liễn thờ, chân đèn, lư hương (còn sót từ thời ông cao) tất tật sáng choang, không mảy may vướng bụi! Còn nữa: gian bên quây một bồ lúa to đùng, bên trên lúa đầy có ngọn. Nhà quê, cái bồ lúa chính là dấu hiệu thực tế báo tin gia chủ đang bần hàn hay no đủ. Những kẻ ong ve đồn đoán nhà ông Xã đang rơi cảnh nghèo mạt chắc chắn phải  “thay quan điểm” ngay khi tận mắt chứng kiến cái bồ lúa to nơi nhà ngang. Miệng đồn miệng, tin nhà ông Xã còn bồ lúa to tới tai cha con lão trộm Chích chuyên đào tường khoét ngạch khét tiếng tổng Hòa Đa. Hay tin, cha con quyết tâm làm một mẻ lớn. Hì hục suốt mấy đêm ròng, trộm bố trộm con xúm khoét địa đạo từ ngoài vườn đâm ngang chân tường, trổ thẳng lên… đáy bồ lúa nhà ông cố! Lớp đất nền nhà vừa được xoi thủng, cha con trộm Chích đã tối mặt tối mày bởi thứ “của nả” tuôn xuống đường hầm tối đen không phải những vốc lúa chắc mẩy như chúng hằng mơ mà toàn là… trấu! Toi công mấy đêm trường ròng rã, cha con trộm Chích được mẻ tức lộn gan mà không dám hé răng cùng ai, đành bấm bụng chửi thầm…

Tất tật, mọi công quả sơn phết cho cái “mặt tiền” phong lưu của một ông Xã-trưởng-đương-chức-học-vị-tú-tài đương nhiên chỉ mình bà cố tôi cáng đáng!

Mùa gặt, để có thêm gạo ăn cho gia đình, bà cố tôi phải lén đi… mót lúa. Tiếng bà Xã danh giá sao dám chường mặt mót lúa công khai giữa thanh thiên bạch nhật; bà cố cứ phải đợi chen trưa vắng người mới cắp thúng ra đồng. Mắt trước mắt sau, bà rảo bước, cố nhặt nhạnh những gì mà đám thợ gặt và người mót trước bỏ sót. Tranh thủ được chừng nào hay chừng ấy, còn phải mau mau trở về trước buổi gặt chiều…

Không ai biết bà cố tôi đã khổ đến mức nào ngoại trừ ông cố. Thương vợ, nhưng ông cố bất lực. Chân tay học trò mềm yếu xưa nay chỉ quen đèn sách bút nghiên, có biết gì đến lúa má, ruộng đồng? Làm quan không biết kiếm chác, làm dân không biết cấy cày. Xót vợ vất vả, ông cố tôi nhiều lần phẫn chí, nói liều: Hay tui… nghỉ chuyện làng xã, phụ làm nuôi con với mình?? Lần nào bà cố cũng nạt: Đừng nói bậy! Cha nó cứ lo việc quan đi; dễ được làm ông Xã lắm na? Nhà cửa, con cái tui lo…

3

. Ông cố số độc đinh, sinh mình ông nội. Nội chưa kịp trưởng thành thì cố lâm bạo bệnh, mất.

Vậy là xong, hết Tú hết Xã. Từ chút danh phận “ăn theo” (hão; nhưng dù gì có cũng hơn không. Được chòm xóm nể nang), mẹ con bà cố chớp mắt rớt oạch xuống hàng thứ dân không kèn không trống! Gia tài khánh kiệt giờ càng khánh kiệt, lo ăn không đã mướt mồ hôi, học hành gì. Vậy nên ông nội… dốt. Con một ông Tú tài mà chữ nghĩa không thông là điều đại sỉ nhục. Nhục đành chịu nhục. Cha làm thầy con bán sách, người ta nói mỉa. Cha con trộm Chích - giờ không phải sợ ai - đi tung hô khắp xóm dưới làng trên cái giai thoại bi hài “trên lúa dưới trấu” nhà bà Xã. May, sinh thời ông cố hiền lành nên roi vọt thế gian nhằm vào mẹ góa con côi còn có chút nương tay. Vậy nhưng, chừng đó cũng đã đủ quá ê chề…

Ông nội trưởng thành, lo tối mặt làm thuê để kiếm gạo.

Khác với ông cố thư sinh, gầy yếu, nội cao to, khỏe mạnh, bữa ăn bay luôn bơ gạo không cần thức ăn. Ăn khỏe làm khỏe, lại siêng năng chịu khó chịu thương, coi như nội (tạm) đủ sức cáng đáng cái gia cang xập xệ đang (có nguy cơ) đè bà cố oằn lưng lúc tuổi già. Nói vậy, cũng còn nhờ tài thu vén của bà cố. Còn phải hỏi: từng ấy năm đồng hành cùng ông cố, công phu xoay xở sao cho nghèo mà không đói của bà cố kể như đã đến mức… thượng thừa! Dù sao cũng tạ ơn trời: có áo mặc cơm ăn giữa một chốn quê người nghèo đói còn bề bề ra kia đã là may…

*

Bà cố mãn nguyện; nhưng ông nội thì không.

Không ai biết trong những ngày dài nhẫn nhục vác cuốc làm thuê, trong những đêm dài mất ngủ vì đau câu nói mỉa (“… chữ nghĩa như cha còn tiêu, thằng con dốt thì làm được gì??”), nội đã âm thầm bấm ngón tay thề rằng: sẽ ĐỨNG LÊN, LẤY LẠI TẤT CẢ NHỮNG GÌ ĐỜI CỐ TÔI ĐÁNH MẤT! Nội không nói chơi. Dốt; nhưng thông minh, quyết đoán, thực tế; thêm tính cách mạnh mẽ đến gần như hung bạo; nội chính là tấm phim âm bản (triệt để đến mức khó tin) của ông cố. Vậy nhưng, cái tố chất đặc biệt ghê gớm giúp nội “làm nên lịch sử” lại chính là ý chí. Một ý chí thép. Đã quyết là nhất định làm. Đã làm là làm tới nơi, hùng hục không buông, quyết cắm đích bằng một nghị lực phi thường đến mức sống chết! Cuốc mướn cày thuê không ngày nghỉ, ăn nhịn làm ráng, hà tiện xà xẻo từng đồng xu, sẵn sàng “bóc lột” cả người thân và cả… bản thân; tất cả chỉ nhằm phục vụ cho một mục tiêu duy nhất: làm giàu!

Tích cóp được chút vốn liếng, nội bắt đầu nghiên cứu cách khiến tiền đẻ ra tiền: mua lúa non, cho vay nặng lãi, cầm cố (tiến sang mua đứt) ruộng đất… Chẳng mấy chốc mà khấm khá. Người quê không ai biết cách làm ăn “mau thấy” như nội. Hạn hán, mất mùa ư; ai mất kệ riêng nội tôi “trúng mùa”. Ruộng bỏ hoang giá như bèo, nội tung tiền ra lớp mua lớp cầm cố. Đã cầm cố thì sớm muộn cũng thành bán đứt. Chưa đầy hai mươi năm, từ bạch đinh nội nghiễm nhiên thành điền chủ, ruộng liên dây liên sở. Nhà nước đắp đập, khai mương, dẫn thủy nhập điền. Ruộng chuyển sang trồng lúa nước, hiệu quả canh tác hóa gấp bốn gấp năm. Hoa lợi hàng năm ùn ùn đổ về nhà nội. Còn nữa; giá ruộng bây giờ lên cao, tài sản trong tay nội ước tính thành con số “khủng”. Có tiền, nội bỏ ra mua chức tước. Cho mình. Cho con. Có chức đương nhiên có quyền. Tiếng tăm nhà ông Hương Bảy (tức nội tôi) dần thành lừng lẫy trong cả xã, cả tổng. Giờ thì chỉ có nhà nội tôi hiếp đáp người khác. Ân oán thuở hàn vi nội lôi ra, “tính sổ” sát rạt khiến những kẻ dại miệng một thời run như cầy sấy; gặp nội là lem lép, chực vãi cả ra quần…

4

. Khó ai biết được chuyện “làm nên lịch sử” của ông nội tôi khiến bà cố buồn hay vui. Phu tử tòng tử (chồng mất theo con) trong lý “tam tòng” được cố tôi im lặng thực hiện. Nội chưa đủ lông đủ cánh thì cố tảo tần bươn chải. Nội lấy vợ, thành trụ cột gia đình, cáng đáng nổi việc ngoài việc trong, cố “rửa tay gác kiếm”, im lặng lui về lấy việc trông cháu, đi chùa gõ mõ tụng kinh làm vui. Ai hỏi sao siêng đi chùa, cố bảo, đi để sám hối lỗi lầm, giải bớt nghiệp chướng cho mình, cho con. Nội phụng dưỡng cố không đến nỗi nào nhưng rất “sát phạt” với con cái. Hà tiện, ki bo chuyện ăn uống; đánh, phạt (nặng) mỗi khi con phạm lỗi lầm là nếp cư xử thường nhật của nội. Bà nội xót con; nhưng sợ chồng không dám ho he; chỉ có cố là “bất tuân thượng lệnh”! Nội đánh cháu cố xông vô, lấy thân mình đỡ roi. Mười lần như một, hễ nội đi khỏi nhà cố lập tức triệu tập lũ nhỏ: đồ ăn thức uống nội cất ở đâu cố cũng mang tất tật ra cho ăn. Mắt trước mắt sau canh chừng, cố hối đám cháu đang trợn mắt phùng mồm đứa nuốt đứa nhai: ăn nhanh ăn nhanh! Không nó về bắt gặp nó cho ăn đòn…

Nội dữ tính nên cố ít dám can thiệp chuyện làm ăn, giao thiệp của nội bên ngoài. Quá lắm cố mới nhẹ nhàng: con một vừa hai phải thôi, để đức cho con… Nội nổi xung: đức, đức cái gì! Cha tui hiền đất cục, sao “để cho con” toàn khổ nghèo, không thấy đức??? Cố im lặng, buồn rượi. Lại khăn áo đi chùa, gõ mõ tụng kinh…

Ngày cố lâm chung, nội cầm tay cố, khóc: mẹ có gì dặn con? Cố thều thào: làm người, ai cũng chỉ sống một đời. Sống sao đừng để hối…

5

. Chiến tranh. Thay thế đổi thời. Cha, chú, bác tôi lần lượt qua đời vì bệnh tật, đạn bom. Bà nội đau buồn cũng đổ bệnh, ra đi. Tiền bạc, gia sản cứ vậy mà tiêu tán theo bệnh tật, tai ương. Cái hào quang “ông Hương Bảy, cự phú tổng Hòa Đa” lừng lẫy rạng lên chưa lâu đã lụi dần, rồi tắt ngấm. Cuối đời, còn mình nội cô đơn lầm lũi vào ra trong ngôi nhà ngói cổ năm gian. Trời cho nội một cơ thể thép, một ý chí thép để tai ương đổ trút xuống đầu như mưa vẫn không chịu ngã. Có lần chuyện về nội, anh tôi bảo: tính ra, nội vẫn còn may; sống thọ… Mẹ buồn buồn: may gì mà may; bất hạnh đó con…

Sau này tôi mới hiểu ra ý mẹ. Thấy vô cùng thương nội. Lầm mê chốn nhân gian phải đâu riêng mình nội vướng. Cái giá nội trả vậy đã đủ; đủ đến mức… dư thừa; có điều chẳng biết nội còn đủ sức mang bài học nhân sinh nghiệt ngã ấy về thế giới bên kia??

Tôi tin là nội đủ sức. Nội vốn thông minh, mạnh mẽ. Quan trọng hơn, nơi ấy còn bà cố tôi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày