TT-Huế thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Trung tâm Thánh tích Quán Thế Âm

Giác Ngộ - Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm lấy tượng đài Quán Thế Âm làm trung tâm, tọa lạc trên núi Tứ Tượng, bên bờ sông Hương thơ mộng đoạn chảy qua địa phận thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngôi tượng đã được Phật giáo Thừa Thiên Huế cho xây dựng vào năm 1968. Thời điểm mà cuộc chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đang diễn ra ác liệt. Khi mà vùng đồi núi phía Tây Thừa Thiên Huế (trong đó có núi Tứ Tượng) là nơi thường xuyên có những trận đánh lớn. Tương truyền, nơi đây có hiện tượng tâm linh mầu nhiệm, dân gian thường gọi là chuyện linh ứng “Bồ tát Quán Thế Âm báo mộng”, đem lại sự an lành cho cả quân lính và người dân trong vùng.

wwwQTA.JPG

Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Phật tử Thừa Thiên lúc bấy giờ, ban đầu chư tôn lãnh đạo Phật giáo Thừa Thiên Huế thời kỳ đó đã cho xây dựng một ngôi tượng Bồ tát Quán Thế Âm có chiều cao tương đối trên núi Tứ Tượng với tâm nguyện đem lại sự an lành cho người dân, niềm mong ước một sự hòa bình an lạc cho quê hương Việt.

Sau năm 1975, Ban Trị sự THPG Bình Trị Thiên đã cho sửa chữa và xây dựng ngôi tượng cao lớn hơn bằng xi măng cốt thép bền vững như ngày hôm nay. Tượng rất cao (so với thời điểm ấy là cao nhất Việt Nam , khoảng gần 30m) nhưng được thiết kế rất đẹp, rất cân đối. Nét mặt Bồ tát hiền từ độ lượng, tay trái cầm bình cam lồ, tay phải bắt ấn cam lồ, toàn thân khoác y trắng lượn sóng mềm mại, đứng trên tòa sen lớn có đường kính hơn 10m. Tượng được đặt trên một bệ lớn 2 tầng; tầng trên làm chỗ thờ tự, tầng dưới làm nơi ở của người lưu trú cũng như nơi nghỉ tạm thời của Tăng, Ni mỗi khi lên hành lễ.

Mãi cho đến trước năm 1990, ngôi tượng cũng chỉ là một biểu tượng cho sự hòa bình tọa lạc giữa rừng thông bát ngát, chỉ có người bảo quản, và một số Phật tử thuần thành thỉnh thoảng vượt hàng chục cây số từ thành phố Huế lên chiêm ngưỡng đảnh lễ chứ rất ít có các khóa lễ diễn ra ở đây. Thỉnh thoảng có những vị Đại đức có tâm nguyện “nhập thất thiền định” đến đây tu trì, tụng kinh niệm Phật.

Năm 2001, khi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chọn ngày vía Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm (19- 6 âm lịch) hàng năm để tổ chức kỳ lễ hội, từ đó mỗi kỳ lễ hội hoặc các ngày vía của Ngài có đông đảo người dân trong tỉnh và khắp nơi về đây đảnh lễ, cầu nguyện sự an lành.

Đặc biệt khi ngành du lịch phát triển, khái niệm “du lịch tâm linh” ra đời, những “trung tâm du lịch” đã được “gắn mác” thì tượng đài Quán Thế Âm trên núi Tứ Tượng thực sự đã trở thành “Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm” của người dân Thừa Thiên Huế nói riêng và của những người Phật tử khắp nơi nói chung theo tín ngưỡng “Quán Thế Âm” hàng năm về dâng hương. Không những các kỳ lễ hội mà hàng ngày cũng đã có hàng chục, hàng trăm người dân, khách hành hương đến chiêm ngưỡng, đảnh lễ cầu nguyện.

Ban Trị sự THPG Thừa Thiên Huế nhận thấy cần phải có sự quy hoạch tổng thể khu tượng đài và hình thành “Trung tâm Du lịch Tâm linh Quán Thế Âm” là rất cấp thiết nên đã có những cuộc họp liên ngành và có văn bản đề xuất, trình chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cấp đất, cấp giấy phép xây dựng để Ban Trị sự tiến hành cải tạo, chỉnh trang, quy hoạch. Năm 2006, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế đã có thư trình chính quyền tỉnh TT-Huế xin phép mở rộng diện tích sinh hoạt thuộc khu vực tôn tượng và xây dựng một trung tâm du lịch tâm linh với nhiều hạng mục chi tiết, và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2886 ngày 19-12-2008 với diện tích quy hoạch xây dựng là 16,36ha.

wwwQTA (1).jpg
 
Mỗi dịp lễ vía Đức Quán Thế Âm, đông đảo người dân đến chiêm bái,
cầu nguyện dưới chân tượng đài Ngài tại núi Tứ Tượng - Ảnh: T.N

Theo bản thiết kế quy hoạch chi tiết của Viện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế vẽ có tổng cộng 21 hạng mục: 1. Tượng đài Quán Thế Âm; 2. Tháp chuông; 3. Tháp trống; 4. Điện Tam bảo; 5. Giảng đường; 6. Tăng đường; 7. Kim Cang điện; 8. Tăng, khách đường; 9. Trai đường; 10. Bồ đề quán; 11. Thiền trà; 12. Vườn thiền; 13. Quảng trường Liên Hoa; 14. Quảng trường tượng La Hán; 15. Quảng trường bậc thang; 16. Khu vực cắm trại; 17. Cầu thiền hành; 18. Hồ tịnh tâm; 19. Thất của Tăng Ni; 20 cổng tam quan; 21. Bãi đỗ xe, với tổng dự toán kinh phí xây dựng công trình là hơn 100 tỷ đồng.

Bản vẽ quy hoạch chi tiết xây dựng cho thấy công trình xây dựng “Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm” rất tôn trọng giá trị của tự nhiên. Mặc dù có đến 21 hạng mục xây dựng, nhưng vẫn cam kết giữ đến 67,28% rừng thông tự nhiên.

“Việc xây dựng Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm này với nhiều mục đích và ý nghĩa, bao gồm: xây dựng niềm tin, thể hiện gìn giữ và phát huy nền văn hóa Phật giáo đóng góp vào nền văn hóa Thần kinh của Thừa Thiên Huế, đánh thức năng lực vô ngã vị tha trong lòng mọi người, bảo vệ phát triển môi trường xanh-sạch-đẹp, sự thể hiện mong ước thiết tha nhất về an lạc, hạnh phúc cho nhân dân và mong cầu cho quốc thái dân an...” - HT. Thích Giác Quang, Phó ban Thường trực Ban Trị sự THPG nói về ý nghĩa của dự án văn hóa - du lịch tâm linh này.

Tại phiên họp của Ban Trị sự ngày 16-3 vừa qua, HT.Thích Khế Chơn, Trưởng ban điều hành cho biết tiến độ thi công được thúc đẩy để dự án sớm hoàn thành, phục vụ nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân.

Dự án được khởi động từ tháng 3-2010, đến nay đã hoàn thành quảng trường - làm nơi cử hành lễ chính thức với tổng diện tích mặt bằng tầng trên khoảng 1.500m2, và mặt bằng bên dưới khoảng 1.200m2. Hệ thống giao thông rộng thoáng chạy ven theo triền đồi thông từ phía sau khu Thánh tích có chiều dài khoảng 1km và đã hoàn thiện. Tổng kinh phí xây dựng đến nay của các hạng mục là 6,4 tỷ đồng.

Hy vọng trong tương lai gần, với dự án và với truyền thống mộ Phật của người Huế, một trung tâm văn hóa - du lịch tâm linh với quy mô đầy đủ sẽ hình thành, là nơi đến của những ai có tín ngưỡng và nguyện học theo hạnh nguyện cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm, để không chỉ cầu nguyện mà còn được tham dự các khóa tu đặc thù để nâng cao hơn nữa đời sống tâm linh làm căn bản cho cuộc sống thăng bằng, an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày