TT.Thích Thiện Thống trả lời phỏng vấn về Tăng sự

GNO - Ngày 24-7 vừa qua, Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tại Hà Nam. Nhân sự kiện này, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với TT.Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư về những vấn đề liên quan đến công tác Tăng sự.

TTT.jpg

TT.Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư - Ảnh: Yên Hà

Xoay quanh những vấn đề trọng tâm được thảo luận và đúc kết tại hội nghị lần này, Thượng tọa cho biết:

- Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam đã thành công tốt đẹp với nhiều nội dung được Ban Trị sự (BTS), Ban Tăng sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thảo luận và đề đạt giải pháp lên Ban Thường  trực HĐTS chỉ đạo, giải quyết. Qua công tác nắm bắt tình hình tại địa phương, các ý kiến phát biểu, tham luận, một số nội dung trọng tâm đưa ra thảo luận gồm:

(1) Sự chuyển biến nhận thức, hiểu biết sâu sắc về chủ trương, đường hướng của Giáo hội, quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni, thực tế vẫn còn hạn chế nhất định; (2) Đối với tinh thần kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước, vẫn còn một vài trường hợp cá biệt chưa chấp hành tốt;

(3) Tinh thần thiếu hợp tác và sự tham gia chưa tích cực của một bộ phận nhỏ tự viện, Tăng Ni nên công tác Tăng sự chưa phát huy hiệu quả tốt để trang nghiêm Giáo hội;

(4) Một vài BTS cấp tỉnh, cấp huyện chưa thể hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý, điều hành; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm trong áp dụng Giới luật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư dẫn đến một vài sự việc đáng tiếc xảy ra, gây bức xúc trong dư luận;

(5) Một số vị trụ trì chưa thể hiện tốt trách nhiệm của mình trong giáo dưỡng đệ tử nên có hiện tượng tiêu cực cá biệt làm ảnh hưởng uy tín của Giáo hội;

(6) Một bộ phận Tăng Ni trẻ chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong tu học, tu dưỡng, rèn luyện, mẫu mực về đạo đức và lối sống dẫn đến sự phê phán của cộng đồng xã hội;

(7) Vướng mắc về mặt pháp lý khi xây dựng mới cơ sở tự viện và một số bất cập khác khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đơn cử như quy định việc sử dụng con dấu của tự viện, quản lý di tích có yếu tố Phật giáo;

(8) Tiêu chuẩn về việc tuyển chọn giới tử thụ giới tại Đại giới đàn, có nơi thực hiện chưa đúng Giới luật và Nội quy Ban Tăng sự T.Ư;

(9) Việc sử dụng phương tiện công nghệ số của một bộ phận Tăng Ni trẻ chưa tương xứng với nền tảng tri thức Phật giáo và sự tiến bộ và văn minh xã hội, đã gây nên nhiều tiêu cực;

(10) Một số Tăng Ni trẻ sinh hoạt tự phát tại cơ sở tự viện bất hợp pháp, gây khó khăn trong quản lý của BTS cấp tỉnh, cấp huyện;

(11) Vấn đề cầu thầy y chỉ chưa đúng luật Phật, đã và đang bị một bộ phận Tăng Ni trẻ lợi dụng trong việc hành đạo, sinh hoạt tôn giáo tại địa phương;

(12) Vấn đề Tăng Ni tự thuyên chuyển không đúng quy định Nội quy Ban Tăng sự T.Ư đã, đang tạo khó khăn trong quản lý của BTS cấp tỉnh, cấp huyện;

(13) Việc tự phát cất mới cơ sở tự viện tuy có chiều hướng giảm, nhưng tình hình chung vẫn còn diễn biến khá phức tạp, với nhiều hình thức khác nhau, gây khó khăn trong quản lý của BTS cấp tỉnh, cấp huyện;

(14) Trong vấn đề bổ nhiệm trụ trì, vẫn có vài địa phương chưa nghiêm chỉnh thực hiện theo Nội quy Ban Tăng sự T.Ư;

(15) Tình trạng giả sư với nhiều hình thức khác nhau vẫn còn diễn biến khá phức tạp;

(16) Vấn đề số lượng tín đồ, cư sĩ Phật tử chưa có số liệu chính thức, dẫn đến nhiều tranh cãi;

(17) Một số nội dung khác được trình bày trước hội nghị.

H  (7).jpg

Hội nghị Tăng sự toàn quốc 2020 thảo luận, đề xuất giải quyết nhiều vấn đề quan trọng - Ảnh: Quảng Hậu

Tăng sự là lĩnh vực rất quan trọng trong các Phật sự của Giáo hội. Với nhân duyên mới, theo yêu cầu từ tình hình thực tế về quản lý Tăng Ni và cơ sở tự viện cũng như luật pháp Nhà nước, Ban Tăng sự T.Ư đã soạn thảo Nội quy Tăng sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) gồm 15 chương, 85 điều, chi tiết nhất trong các văn bản nội quy về Tăng sự từ khi Giáo hội thành lập (1981) cho tới nay, đã được Hòa thượng Chủ tịch HĐTS chuẩn y ban hành. Là vị giáo phẩm theo sát lĩnh vực quan trọng nói trên, Thượng tọa nhận định như thế nào sau 2 năm nội quy này đi vào thực tế?

- Qua gần 8 nhiệm kỳ hoạt động, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư đã được sửa đổi 4 lần (lần thứ 1 năm 1993, ban hành ngày 22-7-1993; lần thứ 2 năm 1998, ban hành ngày 15-9-1998; lần thứ 3 năm 2003, ban hành ngày 15-8-2003; lần thứ 4 năm 2018, ban hành ngày 18-9-2018). Sau khi Hòa thượng Chủ tịch HĐTS ký quyết định ban hành và có hiệu lực thực hiện, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã được Ban Tăng sự T.Ư, BTS và Ban Tăng sự các tỉnh, thành triển khai sâu rộng. Bằng những quy định cụ thể, đi vào thực chất đã giải quyết nhiều vấn đề trong quản lý, điều hành của các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Có thể thấy một số nét trọng tâm của Nội quy Ban Tăng sự T.Ư sửa đổi lần thứ 4:

Quyền và trách nhiệm của Trung ương Giáo hội (TƯGH): TƯGH ban hành Nội quy Ban Tăng sự để công tác quản lý, giám sát và hộ trì được thực hiện một cách đồng bộ.

Thông qua Nội quy Ban Tăng sự, TƯGH xác lập: Quy định việc sinh hoạt, hành đạo, tu học tại tự viện của Tăng Ni trên cơ sở Tam tụ tịnh giới và Tứ chánh cần; Quyền và nghĩa vụ của các tự viện, Tăng Ni được quy định một cách chi tiết; Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trụ trì các tự viện để tăng tính trách nhiệm trong thừa hành Phật sự; Xác lập việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, giám sát và hộ trì như: tổ chức An cư kiết hạ, tổ chức Đại giới đàn, bổ nhiệm trụ trì…; Tự viện và Tăng Ni được quyền thực hiện việc sinh hoạt, tu học, hành đạo phù hợp với các quy định của Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và pháp luật; Xác định các điều kiện làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một hoạt động, một hành vi nào đó; Xác lập chi tiết về trình tự, thủ tục cụ thể trong việc các tự viện, Tăng Ni thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Quyền và trách nhiệm của Giáo hội cấp tỉnh, Giáo hội cấp huyện: Giáo hội cấp tỉnh, Giáo hội cấp huyện được thực hiện quyền và trách nhiệm theo sự phân cấp, phân quyền theo Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự T.Ư trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương.

Thí dụ: Khóa An cư kiết hạ hàng năm do BTS tỉnh, BTS huyện quyết định việc tổ chức; Trong công tác tổ chức Đại giới đàn, BTS tỉnh quyết định việc tuyển chọn giới tử được quy định theo Nội quy Ban Tăng sự T.Ư (Ban Tăng sự T.Ư đang nghiên cứu thống nhất mô hình tổ chức: cung an chức sự, tuyển chọn giới tử, truyền - thọ giới theo hướng: Giới đàn trang nghiêm, Giới sư thanh tịnh, Giới tử chí thành); Việc bổ nhiệm trụ trì, Ban Trụ trì, Ban Quản trị, Ban Hộ niệm sẽ do BTS tỉnh, BTS huyện quyết định.

Đối với một vài Phật sự có độ phức tạp cao, nhạy cảm, BTS tỉnh, BTS huyện khi giải quyết phải đảm bảo tinh thần dân chủ, sâu sát thực tiễn và hiệu quả. Khuyến khích tinh thần hợp tác giữa Giáo hội, tự viện và cộng đồng theo tinh thần Tứ nhiếp pháp.

Quyền và nghĩa vụ của trụ trì tự viện: Căn cứ giáo lý, Giới luật, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư nhiệm kỳ VIII xác lập: Trách nhiệm của trụ trì trong các hoạt động Phật sự; Phát huy tư cách làm Thầy để áp dụng mô hình giáo dục tự viện là nền tảng cốt lõi; Tăng Ni trẻ phải có đầy đủ tăng phong, phẩm hạnh, đạo đức mẫu mực (thành nhân) tại tự viện trước khi được gởi đến các trường Phật học đào tạo (thành tài); Trụ trì có quyền thu nhận đồ chúng theo đúng tinh thần Giới luật; trị phạt đồ chúng trên cơ sở quy định của Giới luật.

Quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni: Phát huy khát vọng vươn lên trong tu học để chuyển tham dục thành công đức; Tinh cần, tinh tấn trong hành trì và tu học; Nỗ lực ôn tầm bối diệp để trở thành một tri thức Phật giáo; Thường xuyên kiểm điểm những lỗi lầm của 3 nghiệp theo tinh thần Bát chánh đạo; Thể hiện Tăng phong phẩm hạnh, sử dụng trang mạng xã hội có chọn lọc, cẩn trọng khi sử dụng Facebook, Zalo… để chia sẻ cảm xúc cá nhân không làm ảnh hưởng đến hình ảnh tu sĩ GHPGVN; Thực hiện quyền và nghĩa vụ để nỗ lực hoàn thành tốt việc tu học, hành đạo; Tâm huyết và tận tụy khi thừa đương Phật sự; Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức, mẫu mực về lối sống.

Có ý kiến cho rằng, Giáo hội cần có sự quản lý Tăng Ni chặt chẽ hơn nữa, bởi trong thực tế việc di chuyển của Tăng Ni từ nơi này đến nơi khác cũng như cư trú thường chỉ báo với cơ quan chức năng mà không thông qua Giáo hội địa phương. Do đó, khi xảy ra một số sự vụ đáng tiếc liên quan đến một số Tăng Ni, Giáo hội địa phương không biết vì những cá nhân đó chỉ đăng ký với chính quyền mà không qua Giáo hội. Ý kiến của Thượng tọa về vấn đề này như thế nào?

- Điều 80 của Nội quy Ban Tăng sự T.Ư quy định khá chi tiết vấn đề thuyên chuyển. Sau 2 năm thực hiện, vấn đề thuyên chuyển từng bước đi vào nề nếp, ổn định, nhưng vẫn còn một ít trường hợp cá biệt tự ý thuyên chuyển không thông qua Giáo hội địa phương. Vấn đề này cần có thời gian để phát huy tốt sự chuyển biến nhận thức, hiểu biết sâu sắc, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni theo quy định.

unnamed.jpg

Hội nghị Tăng sự năm 2020 tại Ninh Bình

Liên quan tới hành vi của Tăng Ni, có người cho rằng Tăng Ni cũng là công dân, nên họ có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm để kiếm tiền sinh sống, kể cả những việc làm mà giới luật người xuất gia không cho phép. Các vị đó đều đã thọ giới, có chứng điệp, giấy chứng nhận Tăng Ni. Trong trường hợp đó, Giáo hội có ý kiến như thế nào không, bạch Thượng tọa?

- Tăng Ni cũng là công dân, nhưng đây là công dân có yếu tố tôn giáo. Do đó với công dân có yếu tố tôn giáo, bên cạnh việc chấp hành pháp luật, còn phải chấp hành các quy định của tổ chức tôn giáo mà họ đang tin theo. Có thể vì một số Tăng Ni trẻ nói trên chưa từng học kinh Di giáo nên mới có hành vi đánh tráo khái niệm như thế.

Để giải quyết trường hợp cá biệt đã nêu, việc giáo dục trong tự viện có ý nghĩa rất quan trọng, bởi khi Tăng Ni được giáo dục vuông tròn từ Giáo pháp và Giới luật Phật chế sẽ hạn chế không nhỏ tình trạng này. Trên phương diện tổng quan, Tăng Ni trẻ hiện nay rất nỗ lực trong việc không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, mẫu mực về lối sống, nhưng về mặt khách quan, trong một tổ chức, không thể tránh khỏi những trường hợp cá biệt xa rời nếp sống đạo đức của một người xuất gia.

Xã hội luôn vận động, thay đổi và có những sự thay đổi với tốc độ vũ bão, ví dụ như trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, mạng xã hội. Có nên chăng, Ban Tăng sự T.Ư soạn thảo bộ quy chuẩn cho Tăng Ni về ứng xử trên mạng xã hội, phù hợp với xã hội hiện nay, thưa Thượng tọa?

- Trong hệ thống GHPGVN, Ban Tăng sự T.Ư là một ban chuyên môn trong 13 Ban, Viện T.Ư. Tại Hội nghị Tăng sự lần này, chư tôn đức đại biểu cũng đặt vấn đề xoay quanh mặt trái của công nghệ thông tin. Giáo hội đã có Ban Thông tin-Truyền thông, do đó vấn đề soạn thảo bộ quy chuẩn trong việc ứng xử trên mạng xã hội thuộc chức năng, quyền hạn của Ban Thông tin-Truyền thông. Ban Tăng sự T.Ư chỉ thực hiện chức năng chuyên môn về công tác Tăng sự.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

Cả nước có 18.471 tự viện Bắc tông; 454 chùa Nam tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 niệm Phật đường, 54 tự viện Phật giáo người Hoa; có 54.773 Tăng Ni (39.459 Tăng Ni Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer; 1.754 Nam tông Kinh - 1.100 chư Tăng, 645 Tu nữ); 4.984 Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ. Tín đồ Phật giáo chiếm 60% dân số trên tổng số 96 triệu dân, tương đương 57,6 triệu người. 61 tỉnh thành đang trong mùa An cư kiết hạ PL.2564 với số lượng 31.727 hành giả Tăng Ni (nội thiền 30.475 và ngoại thiền 1.252) và 380 Phật tử thực tập an cư.

(Trích báo cáo tại Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020)

H.Diệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày