Từ bi âm: Diễn đàn dầu tiên của Ni giới trong hoạt động Hoằng Pháp

Từ bi âm: Diễn đàn dầu tiên của Ni giới trong hoạt động Hoằng Pháp
Bán nguyệt san Từ Bi Âm được thống đốc Nam Kỳ ký giấy phép thành lập vào ngày 31-4-1931, và ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1932, là cơ quan ngôn luận của Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội.

Bấy giờ, chính quyền thực dân hạn chế việc thành lập hội đoàn và xuất bản báo chí, nên các sư phải nhờ Trần Nguyên Chấn - Comis ở dinh Đốc lý cùng đứng đơn xin phép. Lợi dụng thế lực của mình, Comis Chấn buộc Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội phải chấp nhận con rể của ông ta là Phạm Ngọc Vinh  là chủ nhân sáng lập tạp chí Từ Bi Âm, Hòa thượng Khánh Hòa làm chủ nhiệm.

Trụ sở tờ Từ Bi Âm đặt ở số 149 đường Douaumont (nay là đường Cô Giang) Sài Gòn. Tờ báo này phát hành vào ngày mồng 1 và 15 mỗi tháng. Nhờ phần đông độc giả là các chùa và đồng bào Phật tử nên số lượng xuất bản khá nhiều, đồng thời tờ báo có nhiều mạnh thường quân là hội viên Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội ủng hộ tài chánh.

Nội dung tờ Từ Bi Âm khá phong phú. Số lượng trang chiếm nhiều nhất trong mỗi kỳ là những đoạn dịch kinh, luật và luận, đăng nhiều kỳ liên tiếp. Bên cạnh có nhiều bài viết bàn về giáo lý hoặc nghi lễ Phật giáo như: Lược thuật lý Niết bàn của Liên Tôn, những bài vấn đáp về đạo Tiên và đạo Phật, Nghĩa lý kinh pháp... của Hòa thượng Bích Liên; Những bài Biện nghĩa vô thủy, Phép sám hối... của Hòa thượng Khánh Hòa; Vọng tưởng chân như của Thích Huyền Ý. Trên Từ Bi Âm còn có Sự tích Đức Phật Thích Ca, sự tích các vị Bồ Tát, các vị Tổ sư Tây Thiên, Đông Độ, tiểu sử các vị cao  tăng đương thời... và mục Văn uyển hay một số tiểu thuyết ngắn, nội dung giải thích giáo lý Phật giáo.

Hoạt động được hai năm, một số cao tăng trong Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học cảm thấy có điều bất tường, xin rút ra khỏi Hội. Đến số 45, ra ngày 1-11-1933, Hòa thượng Khánh Hòa từ chức Chủ nhiệm. Thiền sư Chánh Tâm được mời giữ chức Chủ nhiệm Từ Bi Âm.
Từ khi Hòa thượng Từ Phong, Khánh Hòa, Trí Thiền rời khỏi Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội thì chỉ còn Trần Nguyên Chấn và Phạm Ngọc Vinh độc diễn. Tờ Từ Bi Âm tuy tồn tại đến tháng 8 năm 1945 nhưng nội dung nghèo nàn, phải dùng bài vở cũ, hoặc phải in những bản kinh đã dịch sẵn. Tuy nhiên, với hơn 200 số, giai đoạn đầu, tờ báo nhờ sự hợp tác của các Thiền sư Bích Liên và Liên Tôn nên đóng góp đáng kể vào hoạt động hoằng dương Phật pháp. Trong lịch sử báo chí Phật giáo, có thể nói Từ Bi Âm là diễn đàn đầu tiên của Ni giới.

Người xuất hiện đầu tiên trên Từ Bi Âm là Ni sư Diệu Tịnh. Ni sư tên thật là Phạm Thị Thọ, pháp danh Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh, sinh năm 1910, người Gò Công, thuộc dòng họ Phạm Đăng. Năm 1930, Ni sư thọ giới Tỳ kheo ni tại núi Ðiện Bà, do Hòa thượng Như Nhãn Từ Phong chùa Giác Hải làm Ðường đầu. Thời gian đầu sau khi thọ giới, Ni sư dành nhiều thời gian để học và tự dịch kinh Vu Lan, Phổ Môn, Pháp Bảo Ðàn, in ấn tống. Năm 1933, Ni sư viết bài “Lời than phiền của một cô vãi” đăng trên Từ Bi Âm số 27- 1933, tiếp theo là bài “Cái án ngụy truyền Chánh pháp” số 73-1935. Hai bài viết trên đã gây chú ý trong cả Tăng giới và Ni giới. Tất cả các bài đăng về sau của Ni sư trên tờ báo này cũng đều tập trung vào mục đích kêu gọi chấn hưng Ni phái và sự bình đẳng.

Điểm nổi bật và xuyên suốt trong các bài viết hay diễn thuyết (được đăng tải trên Từ Bi Âm) của Ni sư Diệu Tịnh là đánh thức ý thức tự lực, tự cường của Ni giới nói riêng và phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ nói chung; kêu gọi họ tham gia gánh vác những công việc của xã hội... “... ta hô bè rủ bạn, đậu của chung công, mà tổ chức những việc bổ ích cho phần trí dục, thể dục, đức dục của nhơn loại, hoặc lập trường Phật học để hoằng dương Phật giáo mà cứu vớt chúng mê tâm, hoặc lập sở dục anh, hoặc lập nhà dưỡng lão, hoặc khai viện thí thuốc v.v... nhứt thiết những việc nhu yếu của nhơn sanh, ta đều ra sức cung cấp, ta không nên để cho trong xã hội Phật giáo của ta còn một điều gì khuyết điểm, thì ta mới gọi là “người trong đạo Phật” (bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm khai nhóm đại hội của NKCNPH).

Là người rất nỗ lực đóng góp cho Phong trào Chấn hưng Phật giáo, các bài viết của Ni sư Diệu Tịnh gióng lên tiếng chuông tập hợp Ni giới tham gia trùng hưng Phật giáo nước nhà: “Thời kỳ này là thời kỳ Phật ma lẫn lộn, tà chánh chẳng phân, đạo tục xen trò, giả chơn khó biện. Bởi thế nên dầu xuất gia hay là cư sĩ, dầu Tăng lữ hay Ni lưu, ở về thời đại này, nếu ai đã có cái quan niệm đối với Phật pháp, mà muốn duy trì chánh giáo cho tương lai, thì ai lại không đem hết tinh thần nghị lực ra đánh đổ những lối tà thuyết dị đoan mà nắm tay nhau bước lên con đường quang minh chánh đại...” (bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm khai nhóm đại hội của NKCNPH); đồng thời kêu gọi Ni giới dẹp bỏ tính tự ti mặc cảm, tập trung ý chí nghị lực cho việc hoằng hóa, trùng hưng Phật giáo: “... nhưng vì chúng tôi đã phát tâm cầu lấy sự lợi ích chung cho tất cả loài người, thì chúng tôi sẽ thực hành theo bản nguyện, dầu khó, dầu dễ, dầu khen, dầu chê thế nào thì chúng tôi vẫn một lòng hăng hái, để mà đối phó với trào lưu, đặng cho rõ rệt cái “bản lai diện mục”, chớ đừng để “Trưởng tha nhơn chi chí khí, diệt tự kỷ chi oai phong” (Đừng nâng cao chí khí của người mà đem quăng cái oai phong của mình), phải nhớ câu “bỉ kỳ trượng phu ngã diệt nhỉ” (kia đã trượng phu, đây ta cũng trượng phu)...”(Bài diễn văn tại cuộc lễ khánh thành chùa Hải Ấn - TBÂ số 111-1936, tr.42 & 45).

Văn ngôn của Ni sư Diệu Tịnh ngắn gọn, rất đanh thép, mang tính thuyết phục cao, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của tất cả mọi người, kể cả nam giới. “Như trong tỉnh Gia Định, về làng Tân Sơn Nhì có cô vãi Diệu Tịnh, trụ trì chùa Hài Ấn, xuất gia từ nhỏ, nay tuổi gần ba mươi, tánh tình thanh tịnh, giới hạnh nghiêm minh. Hớn tự Quốc văn cả hai đều am hiểu, thường thấy đắp y lên diễn đàn mà thuyết pháp, làm trong phái tòng lâm có nhiều người thấy vậy mà bắt hổ thầm” (Một cuộc điều tra về Ni giới - cư sĩ Minh Ký- TBÂ số 117, ngày 1-12-1936).

Các bài viết của ni sư Diệu Tịnh được đăng tải trên Từ Bi Âm có sức lan tỏa mạnh, đồng thời khởi xướng diễn đàn Ni giới và hoằng pháp trên báo chí Phật giáo về sau. Riêng trong tờ báo này cũng đã xuất hiện nhiều cây bút ni giới khác, gây tiếng vang đáng kể, như Sư cô Diệu Ngôn với bài “Đối với nữ lưu hiện thời, chị em ta có nên ghé mắt không ?” (Từ Bi Âm số 100, ngày 15-1-1936). Sư cô Diệu Minh, bài “Vấn đề hoằng dương Phật pháp bên nữ giới” (Từ Bi Âm số 116, 117 và 118 từ tháng 11 đến tháng 12 -1936). “Nếu chị em có cái quan niệm mật thiết đối với Ni lưu và tín nữ, là những bạn đồng một tánh cách với chúng ta thì cũng nên ráng sức hô hào thêm một phen nữa, làm sao cho Ni lưu cũng có chùa riêng, có am riêng và cũng có Phật giáo hội như bên Tăng già vậy... Phật giáo cũng có thêm một cái quang ảnh vẻ vang ở trên còn đường hoằng hóa là khác nữa...” (Sư cô Diệu Minh - Đối với nữ lưu hiện thời, chị em ta có nên ghé mắt không - TBÂ số 100, tr.40).

Phong trào Chấn hưng Phật giáo đến  cuối năm 1937 đã có ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng, đến nỗi tờ Lục Tỉnh Tân Văn cũng ra phụ trương Phật học. Bấy giờ Ni giới trên diễn đàn Từ Bi Âm cũng đã có tiếng nói mạnh mẽ, đả phá vào những điều cấm kỵ: “Vậy thử hỏi hết thảy Phật giáo đồ trong ba kỳ ngày nay ai là người vào trong nhà đĩ, quán rượu mà thân tâm thanh tịnh như ở chỗ đạo trường được chưa? Ai là người thấy sắc không mê sắc, nghe tiếng mà không mê tiếng được chưa? - Hay là: nhãn bị sắc khiền qui ngạ quỉ, nhĩ tùy thinh khứ nhập a tỳ? (Con mắt bị sắc đẹp dắt đến đường ngạ quỷ, lỗ tai bị tiếng hay dẫn vào ngục a tì)- (Bài Cái tu sơn lâm với cái tu thành thị của Tâm Đăng nữ cư sĩ - TBÂ số 133-1937, tr.28). Và không chỉ có Ni giới, mà bạn đọc nữ lưu gần xa cũng rất quan tâm “Trong thế gian thường có nhiều kẻ mượn danh Phật làm nghề sanh nhai... Chừng nào họ chết xuống âm phủ, Diêm vương hành tội thì họ mới biết, chớ bây giờ trên dương thế này, thì họ cứ làm nghề “mượn Phật làm danh” đó, sung sướng hơn các nghề khác, được ăn trên ngồi trước mà có rượu thịt ăn uống ê hề - Tội lắm! - Tội lắm !...” (Hiện trạng Phật giáo đồ ở nước ta hiện nay. Diệu Quang - TBÂ số140, tr.40).

Tuy tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, nhưng những đóng góp trên diễn đàn của Ni giới ở bán nguyệt san Từ Bi Âm trong giai đoạn này rất đáng trân trọng, không chỉ làm phong phú trang lịch sử báo chí Phật giáo, mà góp phần không nhỏ trong cuộc cách mạng làm thay đổi nhận thức của mọi người về nữ giới nói chung và về Ni giới nói riêng. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày