Từ chàng trai hiếu thành nhà sư lành

GN - Cách nay 5 năm (năm 2013), trên Giác Ngộ có bài viết “Mẹ xuất gia, con thành người tốt...” kể câu chuyện xúc động của SC.Liên Đức (tu tại tịnh xá Ngọc Phước, Q.12, TP.HCM) là thân mẫu của bạn Nguyễn Quốc Hoàng Nam (ăn chay t năm 4 tuổi, có hiếu, làm việc thiện). Năm năm sau, PV Giác Ngộ “gặp lại” nhân vật của báo với sự bất ngờ!

anh su tri hai 1.jpg


Nguyễn Quốc Hoàng Nam 5 năm trước, bên người mẹ đã xuất gia - Ảnh: KV

Nguyễn Quốc Hoàng Nam - giờ là sư Hải Trí - lúc 3 tuổi đã biết nắm tay, dẫn mẹ qua chùa lạy Phật, rồi “xúi” mẹ xuất gia. Mẹ của sư đã xuất gia được 22 năm. Năm nay, sư Hải Trí 29 tuổi và cũng đã tiếp nối theo con đường mẹ đang đi.

Chọn thời điểm gần cuối năm, đến đất nước Myanmar xuất gia, tu học, sư đã có những sự trải lòng rất dễ thương, đầy hạnh phúc về sự đổi mới của bản thân từ những ngày quay về làm mới chính mình bằng thực hành thiền chánh niệm.

 Sau 2 tháng đến Myanmar tu học, sư Hải Trí thông báo: “Nơi tu học của mình là thiền viện Kyunpin - một thiền viện nhỏ, nằm bên bờ sông Irrawaddy tại tỉnh Sagaing, Myanmar. Ở đây là ngôi làng nghèo chưa có cả đường dây điện. Bên kia dòng sông mênh mông là núi non trùng điệp, sau lưng đồi là thảo nguyên bao la. Nơi đây, hàng ngày Hải Trí chỉ có làm một việc duy nhất là hành thiền cả ngày và theo dõi thân tâm mình trong hiện tại…”. Cảm nhận niềm hạnh phúc từ dòng “thư” của sư Hải Trí, rất nhiều bạn bè theo dõi Facebook đã bày tỏ sự yêu thích và cũng có không ít bạn bị thu hút bởi lối tìm về hạnh phúc “lạ” như thế này. 

Nhiều bạn hồ hởi hỏi sư, ngày hôm nay của sư có hạnh phúc hơn hôm qua không? Sư vui vẻ bảo: “Cảm thấy hạnh phúc hơn, vì thấy mình đang được thừa hưởng Chánh pháp của Đức Phật. Mình thực sự đang đi đúng con đường thanh lọc tâm khỏi những phiền não, tham ái. Bạn có thấy tôi hạnh phúc không? Nếu có, tôi muốn chia sẻ nguồn năng lượng hạnh phúc đó đến các bạn - những người bạn tiếp xúc với mình có thể cảm nhận được điều tích cực từ việc tu học, từ đó lên kế hoạch tu học cho bản thân, để tìm được an vui trong cuộc sống”.

Trong sự tò mò, có bạn đặt câu hỏi, những ngày tu học, làm mới bản thân của sư có khó không? Sư cũng thiệt thà trải lòng: “Cái tâm mình nó như con ngựa hoang, như con khỉ rừng. Càng muốn nó yên nó lại càng quấy rối mình nhiều hơn. Mình đang phải từng ngày từng giờ từng phút nhận biết và điều phục nó. Nhiều lúc khổ sở đến nản chí. Nhưng nghĩ về nhiều điều tích cực, nghĩ về bạn bè, người thân luôn ủng hộ mình, rồi thiền tập mỗi ngày, dần nhận thấy được thân tâm mình nhiều hơn, thấy rõ được những sự ham muốn dính mắc của mình. Nhờ thấy và ghi nhận kịp thời như vậy nên không bị những ham muốn làm khổ mình nhiều”.

Và, khi một bạn thân của sư hỏi, sao đang yên, đang lành bỗng đi tu vậy? Sư Hải Trí lý giải: “Cuộc chiến để thắng với chính thân tâm mình là cuộc chiến khó khăn nhất mà không phải ai cũng đủ kiên trì theo đuổi. Để tồn tại với cuộc sống, bản thân ta phải luôn biến đổi không ngừng, và theo đó là sự giả tạo, lừa dối, mưu hại lẫn nhau để đi lên. Mình không hợp với những điều đó. Bên cạnh đó, trải qua bao thăng trầm trong tình cảm, dù vui vẻ hạnh phúc đến mấy tất cả rồi cũng nhanh chóng biến mất, cuối cùng chỉ còn mình mình đơn độc. Cuộc đời này nếu không hiểu được sự thật của đạo, thì chúng ta mải miết đi tìm những hạnh phúc dục lạc, rồi chính chúng lại mang đến khổ đau không ngừng cho ta. Vì vậy mình muốn tìm một con đường riêng, làm mới bản thân, biến tình cảm riêng tư ích kỷ cho bản thân thành tình thương rộng lớn hơn, để giúp bản thân bớt đi khổ đau, nếu có thể sẽ trở thành năng lượng tích cực lan tỏa đến người thân, những người bên cạnh mình”.

Người nhận câu trả lời của sư cho biết, câu nói đó đã khiến bạn phải suy nghĩ nghiêm túc lại bản thân và khái niệm về hạnh phúc cũng cần được “đánh giá” lại.

suHaiTri.1.jpg
Và khi đã phát tâm thành nhà sư trẻ (thứ 2 từ phải qua), đang tu tập tại Myanmar - Ảnh: NVCC

Hỏi sư, Tết không về Việt Nam, sư có nhớ Tết Việt không? Có nhớ gia đình không? Sư nói: “Cái nhớ là một trong những đề mục hành thiền khổ sở nhất. Thỉnh thoảng có nhớ mẹ, nhưng biết mẹ cũng đang tu học rất tốt tại tịnh thất, nên cái nhớ nhanh chóng chuyển hóa thành niềm khích lệ, vì mình biết, bản thân mình tu tốt thì mẹ rất hạnh phúc”.

Sư cũng hoan hỷ cho biết: “Những ngày đầu tu học, mình nói thiệt là mình rất nhớ bạn bè thân thiết, nhớ những người anh, chị, những đứa em, nhớ những đồng nghiệp tốt bụng, nhớ những người xa lạ mà thành thân thiết chỉ qua một cái vẫy tay trên Zalo, Facebook, tất cả là gia đình của tôi dù không chút họ hàng, ruột thịt. Mùa này, sương mù giăng ngập lối, càng làm cho cái nhớ thêm da diết. Mấy ngày Tết có khi cũng muốn về thăm nhà, thăm mẹ, thăm bạn bè, muốn được đón Tết như bao người Việt Nam. Cái xấu hổ nhất là luôn thèm những món ăn Việt Nam, nhất là những món ăn ngày Tết. Nhưng nỗi nhớ ấy dù có làm tâm mình xao động, muốn chùn bước, cũng sẽ là động lực mạnh mẽ để mình tiếp tục bước trên con đường đầy sỏi đá của chính thân và tâm mình”.

Nhờ những cuộc trò chuyện trên, trong dịp cuối năm Đinh Dậu đã có 4 bạn trẻ quyết định dành mấy ngày nghỉ Tết theo chân sư Hải Trí làm mới thân tâm, tìm cho mình chốn thiền môn nào đó, trở về chăm sóc bản thân, tự tạo nguồn năng lượng tích cực để nương tựa. Có bạn chọn trở về ngôi chùa ở quê mình, có bạn chọn một tịnh thất xa quê - nhưng dù nơi đâu cũng hứa hẹn các bạn ít nhiều cũng sẽ tìm được những trải nghiệm mới về tâm linh cho bản thân, tin rằng hạnh phúc cũng từ đây được lan tỏa nhiều hơn. 

Trong một chia sẻ, sư Hải Trí bộc bạch, mẹ là nguồn động viên to lớn cho chí nguyện sư làm mới bản thân. Lời khuyên của mẹ suốt mười mấy năm, mỗi khi gặp mặt, mỗi khi nói chuyện mẹ đều nhắc đi nhắc lại. Mong mỏi lớn nhất cuộc đời mẹ là khi nhắm mắt được thấy con mình là một vị Tăng tướng từ bỏ gia đình, cắt lìa tham ái, đứng bên cạnh để hộ niệm cho mẹ trong thời khắc quan trọng. Những lời nói kiên trì ấy đã giúp cho sư quyết định theo con đường này, và bây giờ, từng thời khắc trôi qua, bản thân sư đều cảm nhận được hạnh phúc - tất cả là nhờ có mẹ.

Khánh Vi

------------

* Trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ chào đón bài vở cộng tác của quý bạn đọc. Bài viết có thể là chân dung một người trẻ sống đẹp, dấn thân chia sẻ, làm nhiều thiện sự; là một tấm gương Tăng Ni phát tâm hành đạo vùng sâu, vùng xa - đem ánh sáng Phật pháp tới bà con nơi heo hút; cũng có thể là những trải nghiệm an lành của bạn từ một khóa tu; câu chuyện "thiên thần quét lá" còn lưu giữ với những bài học ý nghĩa... Bài vở hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày