GN - Hạnh Phổ Hiền là một hạnh lớn trong kinh Đại thừa, đặc biệt nhất là Phật dành một phẩm cuối trong kinh Pháp hoa là phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát và kinh Hoa nghiêm cũng có một phẩm cuối nói về Bồ-tát Phổ Hiền và ca ngợi hạnh Phổ Hiền, nhưng có điểm khác là kinh Hoa nghiêm, Phật ca ngợi nhân và hạnh của Phổ Hiền, trong khi kinh Pháp hoa, Phật ca ngợi quả và đức của Phổ Hiền. Tu hành có nhân hạnh quả đức là bốn phần quan trọng, dù tu pháp nào hay hạnh nguyện nào cũng không ngoài bốn điều này.
Trước nhất là phát khởi nhân tu hành. Trong kinh Hoa nghiêm, Phổ Hiền nói: Nhứt giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai… Trên bước đường tu, tôi được như ngày nay là nhờ kính trọng, lễ kính chư Phật. Nhưng lễ kính thế nào? Phổ Hiền nói ba đời mười phương Phật, chúng ta phải lễ hết: “Tất cả chư Phật trong ba đời. Vô lượng thế giới khắp mười phương. Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh. Thành kính lễ lạy không hề sót”.
Điều này nhắm vô ba nghiệp thanh tịnh. Chúng ta lễ Phật không có công đức vì tu nhân sai, nếu chúng ta dùng ba nghiệp thanh tịnh hoàn toàn thì kết quả phải tốt. Muốn ba nghiệp thanh tịnh, tu Thanh văn, chúng ta phải giữ giới để thành đức. Đức Phật đưa ra giới luật nhằm rèn luyện cho chúng ta được ba nghiệp thanh tịnh; nhưng ba nghiệp không thanh tịnh, không lễ Phật được.
Ba nghiệp không thanh tịnh, chúng ta chỉ lễ được Phật cốt, Phật bằng giấy, bằng đá. Ba nghiệp thanh tịnh rồi, Phổ Hiền dạy rằng không gì không phải là Phật, nếu chúng ta đứng giữa hư không thì khắp hư không đều là Phật. Ba nghiệp không thanh tịnh, lạy Phật không có kết quả, mà mong cầu nhiều, nhưng kết quả ngược lại. Quan trọng là làm sao cho ba nghiệp thanh tịnh.
Muốn biết ba nghiệp thanh tịnh hay không, chúng ta phải căn cứ trên ba điều ác mà thân nghiệp làm là sát sanh, trộm cắp và tà dâm, thân nghiệp như vậy là không thanh tịnh. Người tà dâm, gian tham trộm cắp và sát hại các loài mà lễ Phật thì làm sao sanh công đức. Vì vậy, Phật khuyên đầu tiên Phật tử phải giữ năm giới cấm, tránh sát, đạo, dâm và như vậy, mới thân nghiệp thanh tịnh thôi. Chúng ta không tạo tội của thân, nên luật pháp không bắt. Và muốn tu khẩu nghiệp thanh tịnh thì phải biết nghiệp ác của miệng là nói dối, nói thêu dệt, nói lời hung ác, nói lời gây chia rẽ làm chúng ta không thanh tịnh.
Chúng ta mắng chửi người thì sao họ quý trọng được, nên ác nghiệp này phải đoạn. Phật dạy nên nói lời ôn hòa, nhẹ nhàng là ái ngữ. Từ ác ngữ làm người buồn phiền, Phật bảo phải dùng lời nói từ hòa làm người an vui, mát lòng. Khi nào muốn nói phải suy nghĩ xem người nghe có vui không; đương nhiên nói thật, nhưng nói thật dễ mất lòng, nên chúng ta cũng không nói.
Chúng ta làm người không vui, họ không đến với ta, vì đến mà họ buồn khổ nặng lòng thì sao đến được. Đến với ai thấy vui, chúng ta nên thân cận làm pháp lữ. Nghe nặng lòng, chúng ta bỏ. Tu tập ái ngữ, nói sao cho êm tai mát lòng. Bồ-tát chỉ nói lời mà người nghe vui, thấy an, không phải kích động họ buồn phiền, bực tức; đó là tu khẩu nghiệp.
Điều thứ hai của khẩu nghiệp là người ta thích thêu dệt, chuyện không có nói cho có là nước lã khuấy nên hồ. Việc bình thường nhưng người thêu dệt làm thành quan trọng. Anh em bạn đạo có thể đụng chạm là bình thường thôi, vì nghiệp không đồng nhau, nên gặp hay đụng nhau, không bằng lòng nhau. Nhưng Phổ Hiền dạy chúng ta tu tìm những điều bằng lòng, không tìm cái không bằng lòng, nói cái bằng lòng. Nói điều không bằng lòng dễ làm mất lòng thì nghiệp ta và nghiệp người không thanh tịnh, đưa đến khổ đau.
Vì vậy, tìm bạn mà chúng ta bằng lòng và tìm lời mà người bằng lòng, Phổ Hiền dạy: “Những người cùng tôi đồng một hạnh. Cầu được sanh chung các cõi nước. Thân khẩu ý nghiệp đều đồng nhau. Tất cả hạnh mầu cùng tu tập”. Chúng ta tìm tri thức hợp tác làm việc mà ba nghiệp đồng nhau thì càng làm càng vui. Nghiệp không đồng, gây mâu thuẫn, chống phá, hại nhau thì càng tu càng đọa. Trên bước đường tu, chúng ta biết điều chỉnh, nghiệp phải lần lần đồng nhau.
Trong xã hội, nếu chúng ta tu hạnh Phổ Hiền, chuyển biến những điều không đồng trở thành đồng nhau. Ngày đầu xây dựng giảng đường này, có nhiều ý kiến không đồng là giảng đường lớn, làm sao có người tu, nên người không đồng lòng cũng có khi khởi công. Người đồng lòng, hằng tâm hằng sản góp vô xây dựng, vì muốn có giảng đường để hội họp, sinh hoạt, vì tu mà mượn nhà hát thì không thích hợp, không vui.
Người bằng lòng xây dựng Nhà truyền thống này quan trọng nhất là cựu Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, vì việc bằng lòng của ông giúp cho tôi rất lớn, tôi coi đó là một phần của hạnh Phổ Hiền, có uy có đức nên làm được việc lớn. Người không có uy đức không làm được, vì khu này là nghĩa địa giải tỏa thì chính quyền cấp cho xây dựng bến xe; nhưng người có uy lớn nhất làm Bí thư Thành ủy lãnh đạo thành phố có cảm tình với Phật giáo và với tôi, nên tôi nói với ông rằng Phật giáo cần có giảng đường sinh hoạt. Ông nói với tôi tìm chỗ thích hợp đề nghị thì thành phố cấp cho. Tôi nói bên cạnh chùa Phổ Quang còn khu đất trống, nếu được thì ông cấp.
Nhờ ông Nguyễn Minh Triết ra lệnh cấp khu đất này xây dựng Nhà Truyền thống Phật giáo, nhân đây chúng ta làm giảng đường. Vì vậy, được thành phố hợp tác và người hằng tâm hằng sản đóng góp, chúng ta mới có giảng đường này, trong khi lúc đầu người không bằng lòng thì nhiều hơn. Làm được giảng đường này, số người bằng lòng đến tu học. Chúng ta thường nghe nói chín người mười ý, nhưng quan trọng là ta đã tìm được mẫu số chung, tất cả chấp nhận và đề nghị của ta bằng tâm huyết cố thực hiện cho được là hạnh Phổ Hiền mà chúng ta tu. Lần hồi chúng ta tập trung được người bằng lòng ta xây dựng các đạo tràng để cùng tu hạnh Phổ Hiền.
Lời nguyện của Phổ Hiền như trên đã nói là những người cùng tôi đồng một hạnh, nghĩa là ai phát tâm tu theo Phổ Hiền thì đến với tôi, được kinh diễn tả là “Nguyện cùng tôi thường chung hội họp. Đối với tôi, lòng luôn hoan hỷ”. Câu này rất hay, các thiện tri thức nhìn về ta khác nhau, những người thấy cái tốt của ta thì hợp tác là thiện tri thức, nhưng người thấy không tốt, chỉ trích cũng là thiện tri thức của ta. Những người không bằng lòng, không hợp tác, chống phá ta, Phổ Hiền dạy ta cũng nên hoan hỷ với họ. Vì sao?
Vì nghiệp của ta và nghiệp họ khác nhau, họ muốn khác, nghĩ khác, ta muốn khác, nghĩ khác, mà họ cho rằng cái nghĩ của họ là đúng, nghĩ của ta là sai, ta cũng phải hoan hỷ.
Bên cạnh chúng ta là Quân khu 7 là người làm quân sự, nên nhìn thấy đâu cũng là địch, họ mới sợ chúng ta cất giảng đường lớn cao thì địch vô dòm ngó. Các người của Quân khu 7 sợ là vậy, đó là cái thấy không đồng nhau. Nhưng mình xây dựng giảng đường, tu tốt, ổn định tình thế, nên Trung tướng Tư lệnh Quân khu đến đây thăm và trồng một cây Sa-la ở chùa Phổ Quang làm kỷ niệm; nghĩa là từ không bằng lòng chuyển thành hợp tác. Mặc dù họ không bằng lòng, nhưng mình biết rằng họ và mình suy nghĩ khác, nhưng lần lần suy nghĩ cũng gặp nhau, gặp nhau ở đây là không có địch và người tới tu hiền lành, tốt ra, mà Phật giáo gắn liền với dân tộc, có truyền thống giữ nước, nên các nhà quân sự yên tâm coi đây là thiện tri thức.
Bồ-tát Phổ Hiền
Bồ-tát Quan Âm khi phát tâm tu là người không tốt, nhưng được gặp Phật khai thị biến thành tốt, vì lúc đó Quan Âm là người lãnh đạo nhìn đâu cũng là giặc, là xấu phải diệt trừ, nên Ngài diệt hết thì người ta sợ, không ai dám gần gũi, người ta bỏ lần, cuối cùng không còn ai. Vì nghi là giết, đưa tới chỗ tru di tam tộc là giết người sợ con cháu họ báo thù nên giết cho tuyệt hậu. Trần Thủ Độ nói nhổ cỏ phải nhổ tận gốc là ý này, nên ai cũng bỏ trốn, cuối cùng tướng giỏi của Việt Nam bỏ trốn, đưa quân sang Hàn Quốc vì sợ Trần Thủ Độ giết.
Quan Âm xưa kia chưa tu cũng ở trong tình trạng đó, giết một người đến chín họ thì Ngài bị cô lập hoàn toàn, từ nhứt hô bá ứng không còn ai, nhưng từ sự tuyệt vọng đó, Ngài thấy Phật. Còn hy vọng thì tham vọng dễ nổi lên. Nhờ thấy Phật, vận mạng thay đổi và nghe được Phật dạy, cuộc đời Ngài thay đổi và làm theo thì càng thay đổi hơn.
Phật dạy Quan Âm điều gì? Rằng trước kia, ông có công đức, tu nhiều, sức khỏe tốt, thông minh, được nhiều người ủng hộ; nhưng vì vô minh nổi dậy ngăn che, nên phá bỏ tất cả cái tốt, bạn bè tốt bị ông triệt, công đức tu cũng dẹp, chỉ còn thân tàn ma dại. Phật mới bảo Quan Âm nên nhớ lại việc tốt và bạn tốt. Những việc cố ý hay vô tình làm mất lòng người, ông nên sám hối cho tiêu tội cũ là tu hạnh Phổ Hiền đòi hỏi thân tâm sám hối và thân thiện với người có duyên.
Trước vì quá ác, nên họ sợ bỏ đi, nhưng nay quá hiền tốt, nên Quan Âm nguyện tu vô ngã, làm vì chúng sanh, vì cuộc đời, không vì mình. Trước muốn gom cho mình, nhưng nay nghĩ tất cả đều thuộc về chúng sanh thì chúng sanh sẽ kéo đến trở lại, do cứu độ chúng sanh nên người hướng tâm và hợp tác với Ngài. Và số người đến càng đông thì Quan Âm có một ngàn tay, một ngàn mắt. Một người tới, Quan Âm có thêm hai tay, mười người tới thì nhơn lên mười lần. Vì vậy, trong Pháp giới, ở đâu cũng có tay mắt của Ngài, Ngài đều biết, nên chìa tay cứu khổ ban vui, là nhờ Phật huệ rọi vào, Ngài điều chỉnh thành tốt.
Phổ Hiền dạy trong kinh Hoa nghiêm rằng ở đâu cũng là Phật, không có gì không thanh tịnh, không là Phật khi ba nghiệp ta thanh tịnh là hạnh Phổ Hiền: “Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh, thành kính lễ lạy không hề sót”. Nhưng muốn như vậy, Phổ Hiền phải trợ lực chúng ta. Ta giữ ba nghiệp thanh tịnh, Phổ Hiền sẽ đến làm cho chúng ta lễ khắp chư Phật.
“Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền. Phân thân hiện khắp trước Như Lai. Một thân lại hiện sát trần thân. Mỗi thân lạy khắp sát trần Phật. Sát trần Phật ở trong một trần. Đều có đầy đủ chúng Bồ-tát. Vô tận thế giới cũng như vậy. Thâm tín chư Phật đều sung mãn”. Có bao nhiêu Phật, Phổ Hiền đều dùng oai thần lực để trợ giúp chúng ta lễ lạy đầy đủ, nhưng Phật ở đâu? Phật ở trong chúng sanh, tất cả là Phật sẽ thành, nghĩa là nếu ta có tâm Phật tác động họ thì họ sẽ hành xử theo Phật, nên nói tâm là Thiền, thân là Phật và miệng là Pháp.
Tất cả những người ở trước mặt tôi trong giảng đường này đang nghĩ về Phật, không làm ác, học Chánh pháp thì đều là Phật đối với tôi, đó là hoạt Phật hay hóa Phật. Nhờ có giảng đường nghe pháp tu hành, nhứt thời những người này tốt, nhưng sau đó, rời khỏi giảng đường thì khác là do nghiệp khởi và làm theo nghiệp dẫn chúng ta đi thì trùng trùng duyên khởi là nghiệp cũ tạo nghiệp mới.
Thí dụ, vô tu, tâm thanh tịnh, xuống sân vụt gặp oan trái nào đó tìm tới đòi, vì trước đó mình từng gây lộn với họ, hay thiếu nợ từ trước, nay gặp lại, họ ghét mình, kiếm chuyện, nên mình mới gây gổ. Thật vậy, tôi thấy có người ở giảng đường rất hiền, nhưng ra giảng đường gây liền là oan gia, vì túc nghiệp tác động vô trở thành hung dữ.
Vì vậy, Phổ Hiền dạy phải nhờ thần lực của Ngài là quan trọng. Khi Phổ Hiền lực gia bị, ta nương được lực này của Bồ-tát, mà Bồ-tát quan hệ tốt với người ở thế gian, nên họ thấy mình qua Phổ Hiền, thì nghiệp chướng nhiều đời bỗng lắng yên, họ không thấy nghiệp của mình nữa. Lúc đó, họ thấy mình qua Phổ Hiền, nên sanh kính trọng.
Thí dụ tôi nương vào đức của Phật, nên tôi xuất gia, thọ giới đúng pháp, nhờ vậy người nhìn tôi qua hình ảnh Phật, họ không thấy hình ảnh tôi, họ nghĩ về tôi, nghe tôi qua lăng kính Phật, nên họ nghĩ tôi tốt; đó là tôi nương được lực của Phật. Không nương được Phật thì không ai nghe tôi. Nương được lực của Phật, ở giai cấp nào của xã hội cũng lên được.
Tất cả các thầy ở đây nhờ nương oai thần của Phật, mặc áo Phật, tụng kinh Phật, nên người thấy các thầy là Phật, nên cúng dường và nhờ cầu nguyện siêu độ cho gia đình. Vì mặc áo Phật, nói lời Phật, tâm tưởng Phật, nên họ nghĩ tất cả việc là Phật sự, không nương được lực Phật thì mất trắng. Có thầy tu mặc áo Phật, nhưng không nói lời Phật, dùng lời thế gian thì quý vị thấy họ là người thế gian, không phải là Phật. Người nương được Phật, nương được Bồ-tát thì việc của họ là của Phật, của Bồ-tát.
Ngay như người tu hành không có tiền, nhưng phát tâm đại bi muốn cứu người sẽ làm được việc mà người thường không làm được. Thật vậy, Thành hội Phật giáo tổng kết việc làm từ thiện đến mấy trăm tỷ đồng. Tiền ở đâu ra? Vì lúc đó, các thầy nghĩ về Phật, nói việc Phật, mặc áo Phật, được Phật lực gia bị, nên làm việc người thường không làm được.
Mượn lực của Phổ Hiền là thay đổi tất cả thành tốt đẹp. Phổ Hiền có bao nhiêu Bồ-tát, bao nhiêu Phật hỗ trợ, chúng ta nương được thì được tất cả và nhận được sự gia bị của các Ngài. Thật vậy, “Trong một trần có trần số cõi. Trong mỗi cõi có nan tư Phật. Mỗi Phật đều ở giữa chúng hội. Tôi thấy hằng giảng hạnh Bồ-đề”. Đây là thế giới tâm thức khó hiểu, nhưng là của Phật. Nếu chúng ta tu hành, giữ ba nghiệp thanh tịnh, nghĩ đến Phật thì từng bước sẽ được Phổ Hiền gia bị, làm được việc không thể nghĩ bàn.