Từ Hòa

Từ Hòa

Vẫn tự nhủ, mình đâu phải là người hoài niệm, song mấy năm gần đây cứ mỗi độ xuân về, lòng lại trào dâng nỗi niềm nhớ thương Thầy khôn tả. Nhớ khi Thầy còn tại thế , đã trở thành "nếp" cứ vào ngày đầu năm mới, thầy trò, anh em "trong nhà" lại tập trung cùng nhau, trước là lễ Phật, lễ Tổ, sau là khánh tuế thầy và chia sẻ, chúc mừng những thành tựu của mọi người sau một năm tu tập. Quây quần cùng "con, cháu", Thầy ân cần hỏi thăm, động viên từng người trong ánh mắt từ hòa, thân thiết. Vậy mà đã 5 năm Thầy đi xa, vẫn biết cuộc đời nào ai tránh được vô thường, thế mà khoảng trống vắng khi xa Thầy thật không gì khỏa lấp. Nay Thầy đã cao đăng Phật quốc, theo giữ "nếp nhà" mỗi độ xuân về, gặp gỡ đầu năm, tới ngày đó nỗi nhớ Thầy càng da diết khôn nguôi. Xuân này con xin phép Thầy, được nhắc lại chút kỷ niệm xưa, hầu chia sẻ với mọi người để mong nguôi ngoai nỗi nhớ:

Nhớ những ngày được theo Thầy về chùa ở Hà Nam trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chùa quê, ngày thường ít người lui tới, chùa chỉ đông người vào dịp lễ hội, giỗ Tổ, ngày tuần tiết, những ngày đó Thầy bận rộn tiếp khách, chúng tôi rất vui líu tíu chạy lên chạy xuống dẫn khách giúp Thầy, pha trà, rót nước... Thầy lúc nào cũng mộc mạc, chân chất nâu sồng, thế mà người nào đến gặp Thầy cũng cung kính. Ngày thường Thầy hướng dẫn anh em tôi các việc trong chùa và công phu tu tập. Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đầu đời vào chùa với Thầy, một hôm Thầy có việc phải đi, chỉ có hai anh em tôi ở nhà trông chùa, gần trưa có mấy đứa trẻ chăn trâu cùng trang lứa với tôi vào chùa chơi, sau một hồi nô đùa chúng biết sau chùa có cây mít đang mùa ra trái. Chúng trèo lên vặt trái non chia cho nhau ăn. Khi đó tôi cũng thấy thèm, phần do đói vì xưa chùa quê nghèo lắm, phần do tính nông cạn của tuổi con nít, tôi cùng bọn trẻ leo lên cây vặt những trái mít non, cho nhau cùng ăn. Khi cây mít hết trái ăn được, nhảy xuống đất mới nhớ ra mình là chú tiểu nhà chùa.

Đã muộn!

Từ bấy tôi cứ nơm nớp sợ Thầy về sẽ phạt vì tội leo cây, a dua cùng trẻ vặt trái non. Cuối chiều Thầy về, tôi nem nép như rắn mồng năm, lí nhí thưa Thầy rồi lẩn đi làm việc. Tối hôm đó và cả ngày sau Thầy không nói gì, tôi mừng thầm, nghĩ chắc Thầy không biết vì Thầy vẫn như mọi ngày, như không hề biết chuyện gì đã xảy ra khi Thầy đi vắng. Hết ngày thứ hai, vẫn mọi việc như thường ngày, trước khi đi ngủ Thầy gọi tôi vào phòng, chỉ ghế cho tôi ngồi và Thầy ôn tồn nói: Hôm qua có việc Thầy đi vắng, ở nhà trông chùa con đã cùng với trẻ chăn trâu trèo cây mít vặt trái non để ăn có đúng không? Nghe Thầy nói tôi giật thót mình, sợ run bần bật. Tôi thoáng nghĩ chuyến này thì khó thoát việc bị Thầy quở phạt vì tôi vẫn nghe mọi người nói Thầy nghiêm lắm. Tôi hoang mang chờ cơn giận và hình phạt nghiêm khắc của Thầy. Nhưng không, Thầy vẫn nhẹ nhàng, ôn tồn: Thầy biết việc con làm từ hôm qua, khi Thầy vừa về tới đầu làng, nhưng Thầy không nói, bởi muốn để xem con có tự thấy sai mà thưa với thầy không, nhưng đã hơn một ngày mà con không tự nói ra việc mình đã làm cho nên Thầy phải dạy con. Thầy không trách phạt con, nhưng con nhớ rằng làm được nhà tu hành phải lấy đức làm trọng, phải trung thực, không a dua theo việc làm quấy, biết ngăn chặn việc làm trái. Thầy dạy con vậy thôi, con về phòng đi ngủ đi. Tôi không nói gì được thêm vì Thầy nói vậy có nghĩa là Thầy đã biết hết. Thầy không nặng lời, không làm tôi phải xấu hổ, không trách phạt nhưng những lời Thầy dạy tôi lần đó và cách xử sự của Thầy tôi mang theo suốt đời để lúc nào cũng tự răn mình mà tránh xa những gì không tốt.

Một lần khác, vào dịp lễ hội nhà chùa có việc, khách thập phương tới chùa khá đông, tôi và sư đệ được Thầy giao đón rước khách và lo việc phụ giúp thầy các khoá lễ, đêm về khuya chùa chưa hết việc nhưng Thầy nhắc anh em tôi ngủ để mai còn dậy để công phu sáng. Sáng anh em tôi dậy, thì thấy mọi thứ còn bừa bộn tối qua đã được thu dọn gon gàng, khi đó tôi mới hiểu, vì thương chúng tôi còn trẻ, đang độ tuổi ăn, tuổi ngủ, Thầy đã cho chúng tôi ngủ còn Thầy thức để tự thu dọn. Ngày hôm sau tiếp tục công việc nhưng đỡ vất vả hơn ngày thứ nhất, tối đến, trước khi đi ngủ Thầy gọi hai anh em tôi vào phòng. Sau khi anh em tôi ngồi yên chỗ Thầy mới nói: Các con giúp Thầy mấy ngày qua là rất tốt, nhưng trong hai con đã có người không niềm nở, xử sự không đúng với khách để có người phải phiền lòng, vì quý mến nhà chùa họ đã góp ý với Thầy, Thầy không biết trong hai con ai đã có sơ suất với khách, Thầy không truy cứu việc đó. Thầy chỉ dạy các con cửa chùa là cửa Phật luôn rộng mở với mọi người, người nhà chùa không có gì cho mọi người ngoài đức độ, trí hiểu biết và sự độ lượng hoan hỉ. Của trong chùa là của bá tánh, nhà chùa không có của nả gì mà sợ mất, nhưng nếu nhà chùa mất sự độ lượng,mất tâm hoan hỉ, mất đạo đức là mất hết đó các con nên nhớ.

Thầy không nói nhiều, chỉ mấy lời như thế nhưng anh em tôi thấm thía. Biết tính Thầy, anh em tôi không giám nói gì thêm, chỉ tự vấn trong lòng, ghi nhớ lời Thầy và mỗi người tự kiểm điểm lại, có thể trong lúc bận rộn, vội vàng anh em tôi đã sơ suất với vị khách nào đó làm cho khách không hài lòng. mỗi chúng tôi tự sám hối và thầm hứa sẽ cố gắng chu đáo hơn để vừa lòng khách, không làm phiền lòng Thầy. Từ ngày đó khách nào tới chùa cũng khen anh em chúng tôi lễ phép, và hạnh đó trở thành truyền thống đẹp trong sơn môn.

Năm tháng ở bên Thầy đã để lại trong tôi những tình cảm đặc biệt bởi lòng từ hoà, bao dung, tính khiêm cung của Thầy đối với học trò và xử sự với mọi người. Suốt thời gian bên Thầy tôi chưa bao giờ nghe Thầy to tiếng với ai kể cả học trò, chưa bao giờ Thầy giận ai dù việc có trắc trở, thế nên ai cũng kính nể, tôn trọng Thầy vì lúc nào Thầy cũng rộng lòng vì mọi người, từ thuở còn khó khăn, còn hàn vi cho tới lúc ở ngôi Pháp chủ, Thầy vẫn là con người giản dị, Vào những năm cuối đời trong ngôi cao nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, điều kiện xã hội khá thuận lợi, kinh tế đỡ khó khăn, nhiều học trò, tăng ni, Phật tử quý mến và kính trọng, muốn cúng dường để Thầy có điều kiện sống tốt hơn, nhưng Thầy vẫn giữ nếp sống đạm bạc, nề nếp với công phu tu trì nghiêm mật. Thầy vốn ít nói, nhưng mỗi lần Thầy nói đều hàm chứa ý tứ và nội dung sâu sắc, có lần Thầy nói: Nên nhớ, Đạo Phật không phải là Đạo của riêng các tu sĩ và tín đồ mà là Đạo của nhân dân, Đạo của xã hội. Xã hội sinh ra đạo Phật và đạo Phật tồn tại, Phát triển là vì đạo Phật có đức, có trí, có hạnh từ bi, hoan hỉ, giúp cho xã hội phát triển và cho mọi người an lạc. Các con phải hiểu rõ đạo Phật nhờ xã hôi mà tồn tại phát triển, vậy thì đạo Phật phải làm sao để xã hội cũng phát triển không ngừng. Tổ tiên cha ông ta từ xa xưa đã biết trọng đạo Phật, lấy đạo Phật để giáo hoá con người, giáo dục lòng yêu nước, cố kết nhân tâm, gắn bó đoàn kết nhau để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước, xưa đã thế, nay càng cần bảo tồn và phát huy hơn thế thì đất nước mới trường tồn, nhân dân mới ấm no, an lạc.

Đối với hàng đệ tử Thầy luôn dạy trong chùa cũng như trong nhà phải đoàn kết, hoà hợp, Thầy còn nói: Trong đạo cũng như ngoài đời ai cũng phải học để có sự tinh tiến, phải cố gắng tu tập để có đạo hạnh. Đạo Phật lấy đạo hạnh làm trọng, lấy giới luật làm cương yếu tự mình phải tự giác tu học, vì thế trước nhất các vị xuất gia phải học phải tu nhiều hơn để có đủ đức, đủ trí để làm gương cho tín đồ phật tử, để hướng dẫn cho tín đồ phật tử tu học đúng chính pháp để xa lìa mê tín dị đoan, tránh điều xấu, làm nhiều điều tốt làm được như thế là tốt cho đạo, đẹp cho đời.

Cả cuộc đời Thầy là một tấm gương mẫu mực về lòng từ hoà, giản dị mà uy nghiêm, sâu sắc. Từ lúc còn trẻ cho tới cuối đời, Thầy không muốn để ai phải bận tâm, phiền lòng vì Thầy, không muốn ai đề cao, ca tụng trong khi Thầy luôn chăm lo và hết lòng vì mọi người vì sự phát triển của đạo Phật, vì đoàn kết, an lạc của nhân dân, vì sự vũng mạnh trường tồn của xã hội. Bởi công lao và đức độ ấy mà trong tâm trí của đông đảo nhân dân và nhiều tăng ni, phật tử Thầy là hình ảnh đẹp, một vị cao tăng chân tu trọn đời vì đạo pháp và dân tộc. Cống hiến và đóng góp của Thầy được nhân dân và Giáo hội tôn vinh, được nhà nước ghi nhận, phong tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý.

Thầy đã đi xa, nhưng tâm, đức và tình cảm của Thầy còn ở lại, còn hiện hữu nơi chúng con, nơi đông đảo nhân dân và tăng ni, phật tử, thêm một mùa xuân, thêm một năm vắng bóng Thầy, trong chúng con thêm chiều sâu chiêm nghiệm về lời dạy về ân đức cao dày của Thầy. Nhớ lời Thầy anh em chúng con luôn đoàn kết chuyên cần tu trì và không quên gắn bó đạo với đời để góp phần vào xây dựng đạo pháp và dân tộc như tâm nguyện của Thầy để danh Thầy sáng mãi và chúng con luôn tự hào với mọi người. Con nhắc lại chuyện xưa biết Thầy có vui không, bởi lúc sinh thời Thầy không muốn thế, nhưng xin Thầy hoan hỉ để lòng con vơi bớt nỗi nhớ thương và cũng là nén tâm hương dâng Thầy nơi Cực lạc tịnh bang.

Lạy Thầy!

Một đời tu đạo

Giản dị, từ hoà

Trí sáng lấp lánh

Đức lành vang xa

Đạo, Đời bền chặt

Muôn lời ngợi ca.

Nặng tình đệ tử

Kính Thầy nơi xa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày