Từ kinh Đại thừa nhìn lại kinh Nguyên thủy

(Bài giảng tại Học viện Phật giáo  VN - TP.HCM, ngày 31-7, 18-9, 25-9 và 16-10-2016)

GN - Theo Đại thừa, Phật thành đạo xong, Ngài cũng nghĩ không thể nói cho mọi người hiểu được chân lý, nên Ngài muốn vào Niết-bàn. Nhưng sau đó, Phật nghĩ nếu Ngài nhập diệt, làm sao mọi người nương nhờ được Phật pháp để thoát ly sinh tử luân hồi. Đức Phật mới tùy duyên giáo hóa, Ngài xuống Lộc Uyển giảng pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, từ đó chúng ta mới có Phật pháp. Nghe tôi nói tinh thần quan trọng nhất của Phật giáo là tùy duyên, Hòa thượng Um Sum gật đầu thú vị với ý nghĩa phương tiện này.

Ducphat phathoc.jpg

Qua kinh Phổ môn, Phật dạy rằng Quan Âm Bồ-tát đến chỗ cần hiện Phật thân, hay Duyên giác thân, cho đến làm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thậm chí làm đồng tử, Ngài đều làm như vậy, miễn là làm cho người khác phát tâm. Làm người khác thoái tâm là ma đạo.

Nhưng không mặc áo Sa-môn mà làm cho người phát tâm, cũng là Phật đạo. Thực tế cho thấy một số cư sĩ có khả năng giúp người xuất gia tu hành. Hòa thượng Trí Thủ kể rằng ngài học với cụ Lê Đình Thám. Khi phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra, cụ có công làm cho chư Tăng tích cực cầu học và cụ đã đào tạo được lớp lớn như Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Quang…

Như vậy, mang hình thức nào cũng được, là tinh thần Phật giáo Đại thừa và làm người phát tâm, an vui là Phật đạo. Các anh em nên suy nghĩ điểm này để nhận thức đúng đắn về Phật giáo Đại thừa.

Và triển khai tinh thần này rộng hơn nữa, kinh Duy ma nói rằng hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo. Vì vậy, người thông Phật đạo làm trái giáo lý, nhưng làm cho người phát tâm, an lạc là Phật đạo; nếu không hiểu như vậy, trở thành cố chấp, rồi chê bai, dẫn đến phiền não cho mình và cho người, chẳng lợi ích gì.

Tôi nhận ra các kinh điển Đại thừa đã được triển khai từ gốc của kinh Nguyên thủy, mới có các Bồ-tát xuất hiện. Như vậy, có thể nói Bồ-tát cũng từ kinh Nguyên thủy mà ra. Thật vậy, Phật giáo Nguyên thủy chỉ có Bồ-tát Di Lặc, nhưng qua kinh Đại thừa có nhiều Bồ-tát. Và triển khai rộng ra, có Bồ-tát nhân gian là những người ở nhân gian, nhưng có lòng thương người và cứu được nhiều người thoát khổ đau. Xa hơn, chúng ta có các Bồ-tát vô hình. Xa hơn nữa, tới kinh Pháp hoa, xuất hiện Bồ-tát bản địa đóng vai trò rất quan trọng.

Học về Bồ-tát bản địa, tôi có cái nhìn khác hơn người. Có người nói Bồ-tát bản địa từ đất vọt lên, trụ giữa hư không và đảnh lễ tháp Đa Bảo. Tôi nghĩ nói như vậy hơi mê tín. Vì nghiên cứu kinh Đại thừa như Tâm địa quán nói rõ tâm con người được ví như đất. Đất có thể phát sinh đủ thứ, sinh ra cây cỏ, hoa trái nuôi sống con người.

Khi về khu Học viện này, chúng ta thấy từ mảnh đất này đã mọc lên cây Sa la, cây Bồ-đề, vì có người tu ở đây thì phong cảnh phải khác. Thật vậy, trước mùa hạ, ở đây còn hoang vắng, nhưng khi tu hành trang nghiêm, sức sống ở đây phát triển kỳ diệu. Có thể nói trên mảnh đất này sinh ra cỏ dại, mà cũng sinh ra Học viện, sinh ra các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni học ở đây.

Sáng nay, tôi qua thăm khu bên kia, thấy mảnh đất này đã sinh ra nấm để nuôi sống đại chúng. Đẹp nhất là nếu được Phật giáo hóa, gọi tắt là Phật hóa thì cái xấu nhất cũng trở thành tốt. Nói cách khác, được Phật giáo hóa sẽ chuyển Ta-bà thành Tịnh độ. Bằng chứng cụ thể là năm năm trước, bắt đầu giao đất ở đây, tôi thấy cả khu rừng hoang, nhưng được Phật hóa, chẳng bao lâu khu đất này biến thành trường.

Vì vậy, các Bồ-tát Tùng địa dũng xuất thân kim sắc là do Phật giáo hóa. Bồ-tát Di Lặc sanh nghi ngờ, nói rằng Phật mới thành đạo, nhưng các Bồ-tát này đầy đủ đức tướng, làm sao trong thời gian ngắn mà được như vậy.

Theo tôi, có thể hiểu được Phật giáo hóa là đưa vào trong con người những đức tánh tốt. Ngày trước có thể họ sống không tốt, nhưng nhờ được thấm nhuần pháp Phật đã chuyển họ từ người tội lỗi trở thành người tốt, thậm chí trở thành Hiền Thánh.

Bốn vị thượng thủ của Bồ-tát Tùng địa dũng xuất nghĩa là Phật đã được đầu tư viên mãn vào mảnh đất tốt, mảnh đất tâm thuần thiện của những con người siêu việt, mới sanh ra Thượng Hạnh Bồ-tát, Vô Biên Hạnh Bồ-tát, Tịnh Hạnh Bồ-tát, An Lập Hạnh Bồ-tát.

Quý thầy cô học được hạnh tốt của Bồ-tát Thượng Hạnh là thích làm việc khó, cũng là tu theo Đức Thích Ca. Việc dễ để người khác làm. Người Nhật nói dễ thương rằng Đức Phật chỉ đào tạo người cứu đời, không đào tạo người ăn hại. Người lánh nặng tìm nhẹ là người đáng loại bỏ. Nếu xuất hiện ở Ta-bà nhiều người làm việc khó làm thì sỏi đá Ta-bà cũng biến thành gạo trắng nước trong.

Có thể nói Phật giáo mang tính nhất quán, mà ngày nay các nhà trí thức đều công nhận rằng điều đó là đương nhiên và tất yếu, vì nếu Phật giáo cố chấp một pháp môn, hay một định kiến đều đưa Phật giáo đến tan rã. Đó chính là kinh nghiệm hơn hai ngàn năm truyền đạo của tu sĩ Phật giáo trên thế giới, cũng như kinh nghiệm của riêng tôi, hơn 40 năm hoằng pháp và 26 năm làm Trưởng ban Hoằng pháp.  

Từ Phật giáo Nguyên thủy sang Phật giáo Đại thừa, ta coi là một, không phải khác. Và ngược lại, nhìn từ Đại thừa về Nguyên thủy cũng mang tính nhất quán.

Nếu chúng ta chấp pháp môn nào, thường cho rằng chỉ có pháp môn đó là pháp Phật và chống lại các pháp môn khác, làm Phật giáo suy yếu. Lịch sử đã cho thấy bài học đắt giá này.

Khi Phật tại thế, Ngài có mười Đại đệ tử lãnh đạo theo hướng khác nhau, nghĩa là giáo lý Phật là một, nhưng mỗi người hiểu giáo lý và ứng dụng khác nhau, tất nhiên mang lại kết quả khác nhau. Vì vậy, các Thánh La-hán chứng quả không đồng nhau, nên thuyết pháp, giáo hóa cũng không giống nhau.

Tuy nhiên, còn Phật hiện hữu, nên họ lấy Phật làm trung tâm điểm, các La-hán thuyết pháp đều hướng về Phật mà giảng dạy, bấy giờ Phật giáo dễ dàng mang tính thống nhất.

Nhưng Phật dạy rằng sau khi Ngài vào Niết-bàn, Tăng Ni phải tập hợp để thường xuyên kiểm tra việc làm và suy nghĩ của mình đúng hay sai; nếu được đại chúng chấp nhận hoàn toàn là đúng. Không được đại chúng chấp nhận là sai, phải sửa đổi. Vì lấy ý kiến chung của đại chúng mà thi hành, nên có sự thống nhất trọn vẹn.

Vì vậy, nếu ba lần yết-ma phải có sự đồng ý hoàn toàn của tất cả mọi người. Giả sử có 99 người đồng ý, chỉ một người không đồng ý, cũng phải trao đổi sao cho người đó đồng ý. Điều này thể hiện tinh thần thống nhất gọi là Phật thừa.

Còn ý kiến riêng là Thanh văn thừa, Bồ-tát thừa. Nhất là Bồ-tát có đến 84.000 pháp môn, tức mỗi Bồ-tát có tâm nguyện và việc làm riêng, tạo thành kết quả khác nhau, nhưng cũng phải đưa đến thành Phật, không thành cái gì khác, thành cái khác là rơi vào ác ma.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Phật giáo Ấn Độ phân chia nhiều hệ phái, khi hệ phái nào nổi lên cao, được vua chúa, hay quần chúng ủng hộ thì có thể xem thường, khích bác hệ phái khác, đưa đến sự chia rẽ làm Phật giáo suy yếu cho đến diệt vong.

Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc cũng bị hệ lụy này khi bắt đầu phát triển những tông phái, đương nhiên là Phật giáo Đại thừa nổi trội. Phật giáo Nguyên thủy không vào Trung Quốc được, vì người dân nước này coi tu sĩ khất thực là xin ăn, nên những người đầu tiên truyền đạo như ngài Trúc Pháp Lan vẫn không được chấp nhận.

Nhưng Phật giáo Đại thừa truyền vào Trung Quốc được chấp nhận. Thật vậy, bắt đầu từ Tam luận tông lấy triết học Trung quán của Bồ-tát Long Thọ làm chủ yếu. Kiến giải này phù hợp với tư tưởng Lão Trang, Khổng Mạnh đã có từ lâu đời ở Trung Quốc, nên Phật giáo Đại thừa được người Trung Quốc tiếp thu. 

Thiết nghĩ ở thế kỷ XXI, chúng ta có cái nhìn tổng quát và thoáng hơn, khẳng định Phật giáo là đạo của trí tuệ và Đức Phật đạt được đỉnh cao của trí tuệ mới thành tựu quả vị Phật, hay giác ngộ viên mãn.

Nói về trí tuệ, nói rộng là trí tuệ từ con người nguyên thủy cho đến trí tuệ của con người thời Phật tại thế và con người thời hiện đại. Thời nguyên thủy, người ta thấy như thế và thời Phật hiện hữu, người ta thấy khác, cho đến tương lai chắc chắn thấy khác hơn nữa, nên Phật cho phép Tăng Ni thay đổi điều Phật chế. Những điều Phật chế không còn thích hợp, chúng ta không sử dụng. Những điều chưa có, chúng ta đưa vào.

Nhìn xa hơn, mỗi thời kỳ, xã hội có tiến bộ, nên người ta có thể thấy khác, hiểu khác và áp dụng cách sống khác. Từ đó, pháp Phật được áp dụng tùy theo thời kỳ mà có khác. Thứ hai là tùy hoàn cảnh của từng người có hiểu biết khác, nên việc áp dụng pháp tu cũng khác. Thứ ba là không gian khác, nên cái nhìn của con người cũng khác và áp dụng vào cuộc sống cũng khác. Đó là lập trường căn bản của Phật dạy nói lên sự thay đổi thiết yếu của việc ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống con người.

HT.Thích Trí Quảng

______________

* Xem phần 1: Từ kinh Nguyên thủy nhìn về kinh Đại thừa ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày