Tu là phương pháp suy tư và hành động hợp lý

Tu là phương pháp suy tư và hành động hợp lý
Giác Ngộ - Luôn quán chiếu tất cả sự việc xảy ra theo luật nhân quả, nghiệp báo để có quan điểm và hành động hợp lý là người biết tu...

Có người nói vui rằng “chữ tu kia cũng có năm bảy đường”. Đó là cách nói chơi chữ của người thích nói những câu ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác nhau, làm cho người nghe phải buồn cười lẫn suy nghĩ. Xét về mặt học thuật thì chữ tu có nhiều định nghĩa khác nhau. Nếu là sửa chữa và làm thêm cho tốt, cho hoàn chỉnh hơn thì đó là tu bổ. Nếu có ý thức tự sửa mình cho tốt hơn thì gọi là tu chí. Nếu sửa chữa lại những chỗ bị hư hỏng thì gọi là tu sửa. Nếu sửa sang lại cho tốt thì gọi là tu chỉnh. Nếu sửa chữa hoặc xây dựng lại hoặc xây dựng thêm thì gọi là tu tạo. Nếu trau dồi nghiệp vụ thì gọi là tu nghiệp. Nếu nhận ra lỗi lầm của bản thân và tự sửa chữa thì gọi là tu tỉnh. Ăn ở có nhân, làm nhiều việc thiện, để lại cái đức cho con cháu hay cho mình được hưởng phước về sau thì gọi là tu nhân tích đức. Nếu rời bỏ cuộc sống đời thường để tu theo một tôn giáo nào đó gọi là tu hành. Còn tu hành và luyện tập công phu thì gọi là tu luyện (Đạo giáo) v.v…, đó là cách liệt kê về chữ “tu” theo Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học. Trong Phật giáo, tu hành là hai từ thông dụng, có nghĩa là sửa sai, sửa lạc lầm, sửa xấu thành tốt, trau dồi các đức tính tốt, làm các hạnh lành và đoạn trừ phiền não để được an lạc, tiến tới giải thoát vòng sanh tử luân hồi.

Tu hành thì phải có mục đích, đó là hành giả phải biết tu để làm gì? Sẽ thành gì? Khi xả bỏ thân xác này rồi sẽ đi về đâu? Tu hành phải có phương pháp thì mới đạt được mục đích và tự thân hành giả phải chuyên tâm nỗ lực. Thời gian tu hành bao lâu mới đạt được thành quả thì hành giả cũng phải biết.

Pháp Phật dạy rất nhiều, người Phật tử có thể lựa chọn cho mình một pháp môn hành trì để thăng hoa tâm linh và giải thoát. Vì vậy, tu hành được xem là chọn lựa phương pháp suy tư và hành động hợp lý. Thế nào là phương pháp suy tư và hành động hợp lý? Phương pháp suy tư là cách thức nhận thức về sự vật, hiện tượng với mục đích nào đó. Hành động hợp lý là việc làm hợp với lẽ phải, đúng với sự cần thiết của sự việc. Chúng ta không bàn đây là pháp môn tu thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa, đây là pháp cao siêu huyền bí hay thông thường, cũng không bàn đến phương pháp tu của Tịnh độ, Thiền tông hay Mật tông,… mà chỉ trình bày sự chọn lựa phương pháp tu hành như là công cụ cho suy tư và hành động hợp lý, để làm cửa ngõ, làm bậc thang trên con đường tiến đến trí tuệ và giải thoát khổ đau, sanh tử.

Yếu tố tu hành quan trọng nhất của người đệ tử Phật là trí tuệ. Kinh Pháp Cú, phẩm Ngu, kệ số 60: “Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành. Cũng thế, dòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt Chánh pháp”. Không có trí tuệ sẽ nhận giả làm chân, hành động của họ sẽ bị người trí cho là mù quáng, điên rồ vì thiếu tính thiết thực, khoa học. Không có trí tuệ thì sẽ vô tình hay cố ý tạo thêm nghiệp cho mình. Tu hành mà tạo thêm nghiệp thì vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi trong lục đạo. Người có trí tuệ thì khi áp dụng phương pháp tu hành, họ đã suy tư rất nhiều và biết phải làm gì cho phù hợp với hoàn cảnh của họ mà còn giảm bớt nghiệp chướng sâu nặng.

Người Phật tử tại gia và Phật tử xuất gia có rất nhiều điểm khác nhau. Vì vậy, sự lựa chọn phương pháp tu hành cũng khác. Người Phật tử xuất gia sống đời không gia đình, cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp tu hành và hoằng dương Phật pháp, gìn giữ giềng mối của đạo. Còn người Phật tử tại gia đến chùa quy y thọ ngũ giới, học giáo lý và làm phước là căn bản, rồi tự chọn cho mình một pháp môn tu phù hợp với thời gian ít ỏi có được phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Đối với Phật pháp thì người Phật tử tại gia có trách nhiệm hộ trì Tam bảo và tu tập hoàn thiện bản thân mình.

Khi hành giả tu tập một cách hợp lý, đúng đắn thì lời nói và hành động của họ sẽ có năng lực vô biên khiến cho những ai gặp gỡ sẽ cảm thấy an vui, thanh thản, nhẹ nhàng như trút bỏ được phiền não trong tâm. Đơn giản vì họ không vọng ngữ, chân thực và nói những điều người khác muốn nghe. Phật pháp sẽ trở nên tích cực và có ý nghĩa cao đẹp để cho những người khác tìm đến. Một hành giả tu tập với tâm định tĩnh, đầy đủ trí tuệ, giới hạnh, lợi tha, được ví như làn hương thơm bay khắp muôn phương: “Có thiện nam tử hay người thiện nữ nào sống ở thành ấp, tụ lạc, thành tựu pháp chân thật, suốt đời không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Mọi người đều tán thán rằng: ‘Ở phương kia, làng kia, có người thiện nam, người thiện nữ trì giới thanh tịnh, thành tựu pháp chân thật, suốt đời không sát sanh... cho đến không uống rượu’. Này A-nan, đây gọi là thứ hương hoa bay theo chiều gió, bay theo ngược chiều gió và cũng bay theo thuận gió ngược gió”(Kinh Tạp A Hàm).

Có thể liệt kê một số yếu tố căn bản về chữ tu, nó quy vào 3 món vô lậu là Giới, Định, Tuệ trên con đường giải thoát ba nghiệp thân, khẩu, ý của hành giả.

Khi đối trước trần duyên, nghiệp chướng, hành giả có thể nhận thức và tìm ra giải pháp đối trị với chúng trong tinh thần Trung đạo: “Khi những sợi dây đàn tỳ bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá chùng xuống, vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không? Thưa được, bạch Thế Tôn . Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng, rồi tại đấy nắm giữ tướng….”(Kinh Tăng Chi Bộ 3).  Đây là quan điểm tu như lên dây đàn.

Tu tập là đi ngược dòng đời, là xa lánh những gì thế gian cho là vui thú, hạnh phúc. Giữ giới là sự, học kinh là lý, sự - lý phải viên dung. Không màng tới cái xấu, tốt, được, mất, hơn, thua mới là hạnh phúc tuyệt đối. “Quay vào bên trong mà tư duy, quán sát, tự biết trong tâm còn có dục tưởng không? Nếu không tự biết được, thì ở nơi cảnh giới hoặc ở nơi tịnh tướng, ở đó sẽ có ái dục khởi lên, trái với hạnh viễn ly. Giống như người dùng sức chèo thuyền nghịch dòng đi lên, thân nếu hơi mệt mỏi, biếng nhác, thì thuyền quay trở lại, xuôi dòng đi xuống (Kinh Tạp A Hàm, 493). Đây là quan điểm tu là lội ngược dòng đời.

Tu tập là rõ biết pháp đúng và sai. Pháp sai gồm tham với các tướng, sân hận gây tai hại, si đưa đến mê lầm, hận thù diệt hận thù, lấy ái dục để thụ hưởng, phạm giới mà không biết hổ thẹn, v.v… “Có pháp sai và pháp đúng. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Những gì là pháp sai, là pháp đúng? Tà kiến là pháp sai; chánh kiến là pháp đúng… cho đến tà định là pháp sai; chánh định là pháp đúng” (Kinh Tạp A Hàm, 782). Đây là quan điểm tu là biết phân biệt đúng và sai.

Tu tập là quán sát để nhận ra dục là nguồn gốc khổ đau. “Dục là vô thường, hư ngụy, giả dối. Đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, khi cuống, ngu si.. Dầu là dục của đời này hay là dục của đời sau. Tất cả đều là cảnh giới của ma, là miếng mồi của ma. Nhân những thứ ấy mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại cho sự tu học của Thánh đệ tử” (Kinh Tịnh Bất Động Đạo). Đây là quan điểm tu là biết rõ nguồn gốc của khổ đau.

Tu tập là làm chủ khi căn duyên trần, không để tâm thức tán loạn. Khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức truy cầu sắc tướng, bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, bị cột chặt bởi vị của sắc tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng, như vậy gọi là thức đối với ngoại (trần) bị tán loạn, tản rộng. Khi vị Tỷ-kheo nghe tiếng với tai... ngửi hương với mũi... nếm vị với lưỡi... cảm xúc với thân... nhận thức pháp với ý... Như vậy, này chư Hiền, gọi là thức bị tán loạn, tản rộng” (Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết). Đây là quan điểm tu là không để cho trần cảnh khuấy rối tâm, dao động tâm.

Tu tập là biết quán sát ba nghiệp thân, khẩu và ý để chuyển hóa chúng theo hướng thiện lành. “Nếu ngươi sắp hành động với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình mà làm hay vì người khác?... Với khẩu nghiệp, ý nghiệp cũng như vậy… Nếu nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và sẽ thọ lấy khổ báo… Nếu ý nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo”, (Kinh La Vân, Trung A Hàm).  Đây là quan điểm tu là quán sát ba nghiệp.

Tu tập cũng có nghĩa là biết cách ứng phó và giải quyết đối với những vấn đề xảy ra với mình. Không để vấn đề trở thành trầm trọng mà không giải quyết được. Biết hòa giải từ việc lớn thành việc nhỏ. Luôn chuyển hóa tâm không có tham, sân và si. Không tạo kẻ thù. Chuyển hóa đau khổ của mình và cho cả người khác.

Không phải tu là chỉ biết bản thân mình mà mặc kệ người khác đau khổ không giúp. Tu là không khoe khoang về mình, cho mình là tốt mà không nhận thấy cái hay, cái tốt của người khác cũng như chẳng nhận thấy cái dở của mình. Người tu càng sâu thì tâm hòa từ, hành động càng giản dị.

Luôn quán chiếu tất cả sự việc xảy ra theo quy luật nhân quả, nghiệp báo để chúng ta thay đổi quan điểm và hành động hợp lý là người biết tu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày