Từ ngọn cỏ đến ngôi sao

GN Xuân - Núi cao là một tứ thơ bất tuyệt trong cổ thi. Lên núi, lên cao, là để gần trời xa đất, xa những phiền muộn, tục lụy, danh lợi nhỏ nhen của cuộc đời. Vì vậy mà chùa ngày xưa thường xây trên núi, trên cao. Sư ở trên cao, thi nhân lên núi thăm sư thường để lại những bài thơ thoát tục. Cõi trời đất và cõi nhân gian khác nhau, Lý Bạch nói thế. Và có lúc ông cũng lên cao, xa đất gần trời, để làm thơ.

Vấn dư hà sự thê bích sơn

Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn

Đào hoa lưu thủy điểu nhiên khứ

Biệt hữu thiên địa phi nhân gian

Hỏi ta sao ở núi xanh

Cười mà không đáp dạ mình thảnh thơi

Hoa đào theo nước suối trôi

Cõi riêng trời đất khác đời nhân gian.

loi len Yen Tu.JPG
Lối lên Yên Tử - Ảnh: Nguyên Hải

Nhưng có thật ông thi sĩ nào lên núi cao cũng thấy dạ mình thảnh thơi như ông sư? Thiếu gì ông lên cao vẫn thấy dưới thấp, thấy lòng vẫn vấn vương những chuyện dưới ấy, không dứt ra được. Thì đấy, lấy Đỗ Phủ làm ví dụ, và lấy ngay bài thơ có nhan đề tiêu biểu “Đăng cao” (Lên cao) ra làm chứng. Bài thơ thường được xem như trong số những bài thơ hay nhất làm ở cuối đời của ông.

Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai

Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi

Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ

Bất tận trường giang cổn cổn lai

Vạn lý bi thu thường tác khách

Bách niên đa bệnh độc đăng đài

Gian nan khổ hận phồn sương mấn

Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi

Tản Đà dịch:

Gió mạnh, trời cao, vượn rúc sầu

Bến trong, cát trắng, lượn đàn âu

Lào rào lá rụng cây ai đếm

Cuồn cuộn sông dài nước đến đâu

Muôn dặm quê người thu não cảnh

Một thân già yếu bước lên lầu

Khó khăn ngao ngán bao la nỗi

Rượu uống không ngon chóng bạc đầu.

Có gió mạnh, trời cao và cả vượn hú thì chắc là ông lên núi chứ không phải chỉ lên lầu. Có chỗ còn ghi rằng ông làm bài thơ khi lên thăm chùa trên núi Hoàng Sơn. Và ông thấy gì khi lên cao? Gió thổi, bến nước, cát trắng, chim bay, lá rụng, sông dài, nước trôi cuồn cuộn, ngàn cây bát ngát. Cảnh ấy quen quá trong cả trăm bài thơ. Sắp chữ cho khéo thì thơ hay. Sắp chữ vụng thì thơ dở. Nhưng nếu đừng xét chữ mà chỉ xét cảnh thì cảnh ấy đâu có gì lạ: Đỗ Phủ lên cao để nhìn thấy những cảnh mà ai cũng thấy, bởi vì, cũng như mọi người, ai lên cao cũng để nhìn dưới thấp.

Và cũng quen thuộc nữa trong cả trăm bài thơ: nhìn dưới thấp để nhìn vào lòng. Nhìn xuốngnhìn vào. Tứ thơ quá quen. Chưa nhìn vào, cảnh đã nhuốm buồn vì tiếng vượn “khiếu ai”, rúc sầu, và lá mùa thu đã “tiêu tiêu hạ”, rụng xào xạc. Nhìn vào, ôi bi đát! Cô đơn, đất khách, già bệnh, khổ hận, gian nan, lận đận suốt đời, đến bạn thân là rượu mà cũng phải từ giã. Lên cao để thấy buồn thêm, vậy thì lên cao làm gì?

Câu hỏi của tôi có vẻ ngớ ngẩn và cách đọc thơ của tôi có vẻ bất kính. Tôi xin nhận tội, nhưng tôi đọc cổ thi mà cứ nghĩ đến tân thư. Tôi nghĩ đến một đoạn mà có người cho là của Einstein tuy tìm nguồn gốc không ra, có thể là một thư riêng. Đoạn ấy như sau:

“Một Con Người chỉ là một phần tử, giới hạn trong thời gian và không gian, của một Toàn Thể mà ta gọi là “Vũ Trụ”. Vậy mà con người đó tự xem cá nhân của mình, tư tưởng của mình, những tình cảm của mình như là một đối tượng riêng biệt. Đó là một thứ ảo tưởng thị giác, ảo tưởng nhốt ta vào trong ngục tù, bởi vì ta chỉ thấy những ước muốn của ta, chỉ gửi thương mến đến những ai gần gũi ta nhất. Ta có bổn phận phải thoát ra khỏi những giới hạn chật hẹp đó và mở lòng ra cho tất cả mọi sinh vật và cho toàn thể thiên nhiên vốn tráng lệ nhiệm mầu. Không ai có khả năng đạt được mục tiêu đó một cách toàn vẹn, nhưng những cố gắng của ta để vươn tới đích đó góp phần giải phóng ta và mang lại cho ta an lành ở bên trong”(1).

Đứng ở đâu để dễ nhìn thấy con người là một phần tử của Vũ Trụ, dễ thấy cõi trời đất và cõi nhân gian không riêng biệt nhau như Lý Bạch làm thơ? Đứng ở đâu để Lý Bạch quên mình là Lý Bạch, Đỗ Phủ quên mình là Đỗ Phủ? Ở trên cao! Giữa mây xanh trên trời và non nước bao la chung quanh, con người là gì nếu không phải là hạt bụi, là ngọn cỏ? Và nếu đứng ở đấy ban đêm nhìn sao, phải chăng ta cũng chỉ là một chấm nhỏ giữa trùng trùng chấm sáng? Einstein nói thêm, không khác gì ông sư: muốn biết giá trị thực sự của một người, phải tự hỏi tới mức nào và vì mục đích gì người ấy giải thoát ra khỏi cái ngã của mình (2).

Nhưng nhập làm một với Vũ Trụ không phải là để cưỡi hạc tiêu diêu trong cõi gió trăng! Khi không còn nặng trĩu với cái ngã phân biệt nữa thì ta mới hết u sầu. Thì mới thấy tráng lệ nhiệm mầu nơi mọi vật, từ ngọn cỏ đến ngôi sao, từ cánh diều trên cao đến con trùng dưới đất. Thì thấy ta nơi tất cả, thấy tất cả nơi ta.

Thấy Vũ Trụ trong một Hạt Cát

Thấy Trời nơi một Bông Hoa Dại

Nắm Vô Biên trong lòng bàn tay

Và Vô Tận trong một khoảnh khắc.

Đó là thơ của W. Blake (3). Tưởng như đọc một bài thơ thiền. Và cũng như một bài thơ thiền, bài thơ nhỏ sau đây của F. Thompson (4):

Mọi vật

Gần hay xa

Đều đan kết với nhau

Một cách thần bí

Bởi một sức mạnh bất diệt

Cho nên ta không thể ngắt một bông hoa

Mà không làm rộn một ngôi sao.

Thơ Đỗ Phủ có hay đến bao nhiêu cũng chỉ gợi được tình mà không gợi được ý tưởng như một bài thơ thiền. Thơ Đỗ Phủ đi xuống, đi vào. Thơ thiền đi vào, đi lên. Từ dưới đất bay lên trời rồi lại từ trên trời bay xuống đất. Bởi vì, nếu ý tưởng không bay được lên cao thì không bao giờ thấm hiểu được những bí mật nhiệm mầu nơi những cỏn con thầm lặng trong thế giới chung quanh con người. Bởi vậy, cũng như một bài thơ thiền nữa, tôi đọc, trong tinh thần ấy, vài đoạn trong bài thơ sau đây của Baudelaire, có nhan đề y hệt Đỗ Phủ, “Lên Cao” (Elévation):

Vút trên sông hồ, vút trên thung lũng

Trên núi, trên rừng, trên mây và biển cả

Vượt cả mặt trời, vượt cả thinh không

Vượt cả tầng trên của dải ngân hà.

Đó là ý tưởng của nhà thơ bay lên trong khổ thơ đầu. Và đây là hai khổ thơ cuối:

Trên những chán chường, trên bao phiền muộn

Trĩu nặng cuộc đời ảm đạm sương mù

Sung sướng thay ai cất mình vỗ cánh

Bay ngất cao vào vùng sáng vô ưu

Sung sướng thay những cái đầu tư tưởng

Như chim sơn ca bay vút trời xanh

Rồi sà cánh xuống cuộc đời và hiểu

Ngôn ngữ của hoa và của những lặng thinh.

Rồi sà cánh xuống cuộc đời... Bởi vì trong núi vốn không có Phật, sư trên chót vót Yên Tử đã nói như vậy với Trần Thái Tông. Đã là vua, thì Phật ở trong dân. Lấy tâm ấy mà nhìn thì cũng hiểu cả vũ trụ, hiểu cả cái nói lẫn cái im, hiểu từ ngôi sao đến ngọn cỏ. Và hiểu rằng ta cũng là sao.

Bởi vậy, lạ thật, mỗi khi tôi lên núi, lên đồi, nhất là đứng chon von trên đèo cao, dù ở trong nước, dù ở xứ người, bài thơ bay đến trong đầu tôi không phải là của ông thi bá họ Đỗ họ Lý nào, mà là thơ của Bà Huyện Thanh Quan học từ lúc nhỏ, ai cũng thuộc, nhất là hai câu cuối:

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Lúc nhỏ, tôi hiểu câu cuối như hiểu Đỗ Phủ: tình riêng ta với ta, là tình giữa tác giả với tác giả. Bây giờ, đứng trên đèo, tôi quên hết chuyện riêng của bà, quên cả chuyện riêng của tôi, quên luôn tiếng cuốc áo não trong bài thơ, chỉ còn thấy trước mắt và trên cao trời, non, nước. Tôi muốn hỏi thơ: giữa trời, non, nước bao la ấy, ta nghĩ đến ta làm gì, còn ta đâu nữa mà nghĩ đến? “Ta với ta” với ai ở trên cao, nếu không phải với Vũ Trụ bao la?

Cao Huy Thuần

_________________

(1) Trích dẫn trong Pierre Hadot, La philosophie comme manière de vivre, Albin Michel, 2001, trang 264.
|(2) Einstein, Comment je vois le monde, trích bởi Pierre Hadot, trang 265.

(3)
(4) Như trên, trang 276 và 278

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày