Từ nội dung thảo luận trong khóa bồi dưỡng trụ trì

GN - Chưa một hội nghị sinh hoạt nào của Giáo hội có được không khí thảo luận khá sôi nổi như trong các buổi thuyết trình suốt gần một tuần của khóa bồi dưỡng trụ trì lần đầu tiên do Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh tổ chức vừa rồi.

Nhiều câu hỏi thiết thực đã được Tăng Ni học viên, là các vị trụ trì hoặc chuẩn bị cho công tác Phật sự trụ trì đặt ra. Hầu hết liên quan tới những ứng xử của Phật giáo, liên quan tới vấn đề ứng dụng giới luật trong bối cảnh xã hội hiện tại; quan niệm về mối liên hệ giữa Giáo hội, chính quyền, quần chúng; vấn đề tùy tiện trong việc thực hiện các nghi lễ - pháp sự cũng như pháp phục Phật giáo; hiện tượng cổ xúy sự huyền bí qua các pháp sự Mật tông có yếu tố nước ngoài, nặng tín ngưỡng, theo thị hiếu chuộng cái lạ, sự ban phát ơn phước, v.v... đã được Tăng Ni học viên nêu ra trao đổi tại hội trường.

1mt.jpg

HT.Thích Minh Thông giảng về Giới luật

Rõ ràng, những vấn đề đó lâu nay vẫn tồn tại trong đời sống Phật giáo, nhưng dường như chưa có một diễn đàn để Tăng Ni có thể thảo luận, chất vấn đối với chư vị giáo phẩm lãnh đạo, các vị có trách nhiệm quản lý, các nhà chuyên môn.

Sự sống là dòng vận động có ý thức. Phật giáo cũng không ngoại lệ. Điều đó càng đúng hơn đối với Giáo hội, tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử, kế thừa lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Giáo lý căn bản của Phật giáo là thống nhất, bất biến, nhưng phương thức diễn đạt cũng như ứng dụng trong đời sống thực tế lại uyển chuyển theo từng bối cảnh xã hội, cơ sở văn hóa, hoàn cảnh cụ thể.

Xã hội luôn vận động, nên sự ứng dụng cũng phải có những điều chỉnh phù hợp, và tất nhiên trong quá trình đó chắc chắn nảy sinh nhiều vấn đề, cả những vấn nạn lệch lạc, không phù hợp tinh thần Chánh pháp.

Khi những vấn đề, vấn nạn đó không được thảo luận để cùng làm sáng tỏ đúng, sai; phù hợp hay bất hợp lý... mà cứ âm ỉ, mạnh ai nấy làm theo cảm tính hoặc nương tựa sức mạnh thế tục, thiếu sự định hướng chung thì hậu quả phải nhận lấy là sự hỗn loạn, suy đồi, xa rời mục tiêu giải thoát, mất đi ý nghĩa thực sự của đạo Phật như lời Đức Phật đã dạy, giáo lý của Ngài dạy chỉ “thuần một vị giải thoát”, “vì lợi lạc cho số đông, vì hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người”.

Từ nhu cầu của Tăng Ni đã thể hiện qua các vấn đề thảo luận, từ kết quả rất tốt và kinh nghiệm quý báu về thể cách tổ chức qua khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 vừa qua, hy vọng không chỉ dừng lại ở đó, mà nó sẽ được phát huy hơn nữa trong việc tổ chức sinh hoạt, hội nghị của Giáo hội.

Nên chăng Giáo hội có chương trình tổ chức các hội nghị chuyên đề định kỳ dành cho Tăng Ni. Ngoài các phát biểu, thuyết trình xem như phần đề dẫn, giản lược phần báo cáo, nên dành thời lượng xứng đáng cho việc thảo luận, chất vấn về các vấn đề thực tiễn, thiết thực với đời sống Phật giáo, để Tăng Ni - chủ thể của các hoạt động Phật sự được nói lên những băn khoăn, thắc mắc của mình, theo đó, Giáo hội có những giải đáp cụ thể, nhằm định hướng cho con thuyền Giáo hội, sự phát triển của Phật giáo vận hành đúng hướng, dẫu đa dạng về pháp môn và phương thức hành đạo, nhưng vẫn không đi ngoài mục tiêu của Phật giáo.
Thích Tâm Hải

* Tin, bài liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày