Tu sĩ trẻ dấn thân: Ưu tư và kỳ vọng

Trường mầm non Sen Vàng do Ni sư Như Nguyệt, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thành lập
Trường mầm non Sen Vàng do Ni sư Như Nguyệt, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thành lập
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Làm sao để tu sĩ trẻ có đủ điều kiện dấn thân, chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng và làm sao để Phật giáo phát triển tiềm năng, đáp ứng nhu cầu hoằng pháp, trị liệu cho giới trẻ - đó là điều được chư Ni, giảng viên công tác trong lĩnh vực giáo dục quan tâm.
Ni sư Thích nữ Như Nguyệt

Ni sư Thích nữ Như Nguyệt

Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: “Mong muốn chư tôn đức quan tâm nhiều hơn đến ngành giáo dục mầm non”

TP.HCM có 144 cơ sở giáo dục mầm non do tôn giáo quản lý, trong đó có 3 cơ sở của Phật giáo. Hiện 3 trường mầm non do chư Ni mở gồm: Họa Mi, do Ni trưởng Huệ Từ, Chánh Thư ký Phân ban Ni giới Trung ương thành lập; Trường Kiều Đàm do Ni trưởng Nguyên Thuận thành lập, có 5 lớp học, diện tích mỗi lớp học 65m2, phục vụ 220 trẻ từ 18 tháng tuổi đến 6 tuổi học bán trú tại trường; và Trường Sen Vàng do chúng tôi thành lập.

Thiết nghĩ TP.HCM lớn và năng động đi đầu trong cả nước, với dân số gần 9 triệu người, người theo đạo Phật khoảng 1.164.930, số trường mầm non Phật giáo như thế là quá ít. Công tác giáo dục mầm non chưa được Ni giới quan tâm đúng mức, nhất là tại TP.HCM, trong khi đây là mô hình giáo dục không thể thiếu được trong xã hội, vì trẻ em là nhân tố rất quan trọng trong xã hội ở tương lai.

Năm 2014, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phân ban Ni giới Trung ương liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khóa đầu tiên 2015-2019 khoa Giáo dục mầm non. Kết quả tốt nghiệp 49 vị và được đào tạo chuyên ngành hiệu trưởng, nên các sinh viên này chỉ cần thời gian kinh nghiệm thì đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một cơ sở mầm non.

Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là cơ sở vật chất. Để các Ni sinh có chỗ thực hành những gì mình đã gặt hái được trong quá trình đào tạo, các trường mầm non của Phật giáo nói chung và TP.HCM nói riêng cần xây dựng cơ sở để mở trường mầm non đạt chuẩn, xây dựng các mô hình tiêu biểu.

Công tác tại Học viện Phật giáo, là Trưởng khoa của ngành giáo dục mầm non, con hiểu được những khó khăn gặp phải. Tại TP.HCM muốn mở trường mầm non, vấn đề cơ sở vật chất là chính, nếu dùng cơ sở các chùa để mở thì không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục. Nếu mua đất hay nhà thì giá cả nhà đất quá cao, không đủ kinh phí. Đây là những hạn chế và trở ngại chính trong công tác giáo dục mầm non. Một hạn chế khác, GHPGVN nói chung chưa có quy định nào khuyến khích mở trường mầm non hoặc có hệ thống từ Trung ương đến địa phương, nên số trường mầm non của Phật giáo còn quá hạn chế.

Thế nên, để ngành giáo dục mầm non của Phật giáo hiện diện nhiều hơn trong đời sống, con đường này cần sách lược cụ thể, quá trình hợp tác và chỉ đạo của GHPGVN, của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Từ thiện xã hội Trung ương, cũng như Phân ban Ni giới Trung ương và TP.HCM.

Tiến sĩ Lương Thị Thu Hường

Tiến sĩ Lương Thị Thu Hường

Tiến sĩ Lương Thị Thu Hường, giảng viên khoa Lý luận Chính trị, Đại học Giao thông Vận tải, giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Ngoại giao, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: “Tu sĩ trẻ nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết năng lực”

Nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Tôn giáo học, Viện Khoa học xã hội từ năm 2017, và từ năm 2020 đến nay dạy cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, con nhận thấy tiềm năng của chư Ni trẻ TP.HCM là rất lớn và điều con quan tâm là giải pháp gì để chư Ni phát huy được năng lực, đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, khi mà xã hội đang rất cần đến kiến thức và thực hành của chư Ni.

Tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng xã hội, ở nhiều đối tượng khác nhau, con nhận thấy con người đang phải đối mặt với tình trạng thân bệnh và tâm bệnh lên tới kịch điểm, đặc biệt là người trẻ, học sinh, sinh viên. Họ đang đối mặt với bệnh stress. Trong tình hình hiện nay, không thể dùng những liều thuốc trị liệu nhẹ như trước kia, mà cần những liệu pháp điều trị mạnh hơn, sâu hơn, trong đó thiền là một phương pháp hữu hiệu.

Tháng trước khi tham gia khóa tu Vipassana ở một tịnh xá, có rất nhiều sinh viên, người trẻ tham gia, nói rằng “em có đi các khóa tu mùa hè, có đến chùa buổi tối để tụng kinh, nhưng em vẫn muốn có các khóa thiền và sự thật là chính các quý thầy, cô, các tu sĩ biết được vấn đề của xã hội hiện đại để có phương pháp thích ứng trị bệnh tâm lý cho mọi người”.

Từ năm 2017 đến nay khi làm việc với quý sư cô trong các lớp học, con thấy hiện nay chư Ni trẻ có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều sư cô trẻ đã tốt nghiệp Học viện có tài năng và thừa khả năng đứng lớp (hay các khóa tu học) để chia sẻ kỹ năng sống cho giới trẻ, những bài học vượt qua căng thẳng, stress theo giáo lý Đức Phật nhưng họ lại không được thể hiện hay bộc lộ hết tài năng. Một trong những nguyên nhân mà hiện nay chư Ni trẻ đã và đang gặp khó khăn đó là, làm gì họ cũng phải được sự cho phép của sư phụ, thầy tổ. Nếu thầy, sư phụ của mình cho phép thì họ mới được nói ra điều đó. Và có lẽ chính điều này đã hạn chế một phần tài năng của các sư cô, không được và không dám bộc lộ hết ra.

Vì vậy, con rất mong chư tôn đức và các vị tiền bối tạo điều kiện, mở rộng cách nhìn để chư Ni trẻ được thể hiện tiếng nói và được thể hiện tư tưởng và hiện thực hóa năng lực của các sư cô, để quá trình hoằng pháp được hiệu quả và nhân rộng.

Một vấn đề nữa, khi vào Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM giảng dạy, con thấy ngạc nhiên là, Phật giáo có nền tảng vững chắc để có thể trị liệu tâm lý, nhưng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM cho đến nay vẫn chưa có khoa Tâm lý học trị liệu Phật giáo. Con thấy thắc mắc và xin đề xuất Ni trưởng, các chư tôn đức lên đề án để xây dựng, mở khoa Tâm lý học trị liệu Phật giáo.

Hơn 2.000 năm trước Đức Phật đã để lại những phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu rồi, bây giờ các tu sĩ vừa học, vừa có thể tự chữa lành cho mình, sau đó có thể chữa lành những tổn thương tâm lý cho những người khác. Và trong số những học viên đã, đang học tại Học viện Phật giáo, con thấy rất nhiều chư Ni trẻ có khả năng đó.

Vì thế, mong chư tôn đức quan tâm, đầu tư cho bộ môn Tâm lý học trị liệu Phật giáo cũng như cho khoa này, coi như đó cũng là một cách để phát triển tiềm năng cho chư Ni trẻ.

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Trưởng bộ môn Nhân học Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM: “Rất mong mỏi Phật giáo quan tâm đến thực hành tâm linh”

Tham gia nhiều sự kiện hội thảo do Phật giáo tổ chức, con nhận thấy Phật giáo TP.HCM đã và đang có đội ngũ Tăng Ni trẻ nhiều tiềm năng. TP.HCM ngày càng nhiều chư Tăng Ni tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ và có nhiều kiến thức sâu rộng. Tuy nhiên, rất ít vị tu sĩ trở thành “idol” trong giới trẻ, là địa chỉ để các em tìm tới để nương tựa, trị liệu tâm lý, định hình cho mình lý tưởng sống tích cực. Một phần lý do trong đó, con nghĩ Phật giáo đang thiếu điều kiện để tu sĩ có tiềm năng dấn thân, trong đó có lý do khách quan từ vị trụ trì, sư phụ chưa cho phép, chưa tin tưởng để tu sĩ trẻ hoằng pháp.

Thực tế cho thấy, nhu cầu trị liệu về tinh thần, chữa tâm bệnh của người dân rất cao, nhất là khi áp lực cuộc sống ngày càng nhiều, sau đại dịch Covid-19 nhiều mảnh đời khốn khó, những căng thẳng, stress lo âu trong con người rất lớn.

Bản thân con đang công tác trong ngành học về tôn giáo, thường xuyên phải hướng dẫn sinh viên đi thực tế, trải nghiệm trực tiếp về cách các tôn giáo hoạt động xã hội, đóng góp cho xã hội. Nhưng thật sự, tại TP.HCM đếm trên đầu ngón tay để tìm được một tự viện có thể tổ chức chia sẻ và giới thiệu bài bản với sinh viên về thiền, về trị liệu tâm lý. Trong khi đó nhu cầu được tìm hiểu, được trải nghiệm và được chữa lành bằng tâm linh, bằng giáo lý của Phật giáo rất nhiều.

Chúng con rất mong muốn chư tôn đức tại TP.HCM quan tâm xây dựng các mô hình tham vấn trị liệu về tâm lý, đem giáo pháp Đức Phật trị liệu tâm lý, và có trung tâm hướng dẫn thiền, do chư tôn đức đứng lớp hướng dẫn.

Cũng mong muốn Giáo hội tạo điều kiện nhiều hơn để tu sĩ trẻ dấn thân, phục vụ cộng đồng, đóng góp nhiều hơn cho xã hội ở lĩnh vực mà hiện nay nhu cầu xã hội rất cao - đó là ngành giáo dục.

Trong 144 cơ sở mầm non tôn giáo ở TP.HCM, Phật giáo chỉ có 3, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Sư bà Tịnh Nguyện mong muốn là có nhiều trường mầm non của chư Ni để dạy đạo đức và giữ gìn truyền thống văn hóa. Với lượng tín đồ tại TP.HCM hiện nay hơn 6 triệu, trên dưới 1.500 cơ sở tự viện, con tin rằng nhu cầu của người dân mong muốn được gửi con đến trường mầm non Phật giáo học cũng rất nhiều. Nhu cầu được học Phật, được hưởng thụ nếp sống tâm linh Phật giáo không chỉ có ở thế hệ lớn tuổi, trung niên, người trẻ, mà đặc biệt ở lứa tuổi mầm non. Không ít các lễ hội, sự kiện quan trọng của Phật giáo, các lễ cầu siêu, người lớn dẫn theo con trẻ đến tham gia, càng cho thấy rõ điều đó.

Mong lắm thay Giáo hội, chư tôn đức sẽ quan tâm nhiều hơn đến nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của Phật tử TP.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày