Tu sĩ trẻ dấn thân - Kỳ 3: Lớp học sân chùa cho đồng bào Khmer

Lớp học chữ Khmer cho Phật tử và các sư tại chùa Tông Kim Quang - Ảnh: Như Danh
Lớp học chữ Khmer cho Phật tử và các sư tại chùa Tông Kim Quang - Ảnh: Như Danh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đều đặn mỗi buổi tối, sau giờ tụng kinh tại chùa Tông Kim Quang (ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), Phật tử đồng bào Khmer đều nán lại, háo hức vào lớp học chữ.

Lớp học này được chùa Tông Kim Quang mở gần 2 năm nay để giúp bà con người Khmer có thể nói và viết đúng tiếng dân tộc mình. Lớp học còn là cầu nối lan tỏa văn hóa dân tộc, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng người Khmer với đồng bào các dân tộc khác.

Rủ nhau về chùa học chữ

Biết đọc và viết chữ Khmer là nguyện vọng của rất nhiều đồng bào đang sinh sống ở xã An Bình. Thế nên ngay khi biết Đại đức Châu Hoài Thái, trụ trì chùa mở lớp dạy chữ Khmer, nhiều người đã về chùa đăng ký học.

Bà Kim Thị Điệp 64 tuổi hào hứng kể với phóng viên báo Giác Ngộ: “Tôi là người Khmer mất gốc, không biết đọc và viết tiếng Khmer. Nhưng từ lúc sư mở lớp dạy cho chúng tôi, ngày nào tôi cũng chạy vô chùa, vừa học chữ, vừa tu học theo giáo lý Đức Phật. Học để tìm về gốc rễ của mình”. Bà Điệp còn dẫn theo cháu Sơn Thị Mai Thi, 7 tuổi và Phúc Khang 5 tuổi về chùa để “học thính” tiếng Khmer. Mong ước lớn nhất của bà là: “Sư Cả mở những lớp học cho các cháu nhỏ, để các cháu về chùa học, và cũng biết nói và viết tiếng Khmer”.

Chùa Tông Kim Quang là ngôi chùa Khmer đầu tiên được kiến tạo tại tỉnh Bình Dương. Dưới sự trụ trì của Đại đức Châu Hoài Thái, chùa Tông Kim Quang hướng đến trở thành trung tâm văn hóa của người Khmer, khơi dậy tinh thần đoàn kết, các giá trị đạo đức của Phật giáo Nam tông. Đây là nơi người Khmer học chữ viết, tiếng nói, học Phật pháp và giữ gìn những phong tục tập quán văn hóa dân tộc.

Chùa Tông Kim Quang hiện có hai lớp với 20 học viên, do chư Tăng chùa Tông Kim Quang và chùa Candaraṅsī (TP.HCM) giảng dạy.

Lớp học giúp cho các sư có đầy đủ kiến thức về Kinh, Luật, Luận gồm các môn lịch sử Đức Phật, Giới luật, Nghi lễ thiền môn, kinh tụng Pali, chữ Khmer, văn hóa Khmer để làm nền tảng cần thiết để hoằng truyền Chánh pháp; giúp cho Phật tử, người dân đến sinh hoạt tại chùa vừa có được kiến thức cơ bản về Phật giáo, vừa hiểu hơn về văn hóa, chữ viết của dân tộc. Lớp học ở chùa mở ra cũng hướng đến mục đích giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên người Khmer.

Gần 3 năm nay, từ khi có chùa Tông Kim Quang, đã thành thói quen, cứ hết giờ làm, chị Ngưu Thị Ánh (27 tuổi) lại lên chùa, phụ quét dọn, tụng kinh và sau đó là vào lớp học. “Bản thân là người Khmer nên rất khao khát biết nói, biết viết chữ Khmer. Từ khi có lớp học của chùa, tôi theo học đầy đủ, giờ thì nói tốt rồi”, chị Ánh cho biết. Chị Ánh giải thích thêm, niềm vui trong chị rất lớn vì trước đây nói chuyện với chính đồng bào cùng là người Khmer, dù chỉ một câu chị đều phải đệm một số từ tiếng Việt vì vốn từ Khmer ít. Từ ngày về chùa học và biết chữ Khmer, đi đâu chị Ánh cũng giới thiệu và rủ các bạn về chùa học cùng.

Ở lớp học này, biết chữ là niềm vui không của riêng ai. Sau 22 buổi học ở chùa, biết và viết thành thạo chữ Khmer, Hồng Hân (sinh năm 2008) hào hứng kể: “Em rất thích học chữ, mỗi ngày học ở chùa em biết thêm được nhiều từ ngữ mới. Ngoài học, biết chữ, em còn được quý sư giới thiệu về bản sắc văn hóa của người Khmer. Em học rất thích thú”.

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết với đồng bào Khmer Nam Bộ, chùa có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần, là nơi thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi bảo lưu các giá trị văn hóa tộc người. Chính vì vậy, trước đây, với cộng đồng người Khmer ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, việc không có ngôi chùa thực sự là một thiếu hụt trong đời sống tinh thần.

“Gần 3 năm nay, chùa Tông Kim Quang từng bước được xây dựng đã bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Chùa đã trở thành ngôi nhà chung để bà con có nơi gặp gỡ, thực hành văn hóa tín ngưỡng, gắn bó với cội nguồn văn hóa của dân tộc mình, cùng nhau học chữ Khmer và hỗ trợ nhau trong đời sống”, ông Lợi nhận định.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN quang lâm về thăm và tặng 1.000 bao xi-măng, sách tấn Đại đức Châu Hoài Thái xây dựng chùa Tông Kim Quang - Ảnh: Đăng Huy

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN quang lâm về thăm và tặng 1.000 bao xi-măng, sách tấn Đại đức Châu Hoài Thái xây dựng chùa Tông Kim Quang - Ảnh: Đăng Huy

Chủ động giới thiệu văn hóa tới người Khmer

Đại đức Châu Hoài Thái, trụ trì chùa Tông Kim Quang cho biết nhu cầu học chữ, tìm hiểu văn hóa của người Khmer tại huyện Phú Giáo rất lớn. Do đó, từ khi bắt đầu xây dựng chùa đến nay, nhà chùa lắng nghe và tìm cách phục vụ cho những nhu cầu chính đáng của người dân.

Không chỉ là lớp học chữ cho người Khmer, thông qua các lễ hội truyền thống với các lễ lớn Chôl Chnăm Thmây, Đônta, Dâng Y Kathina, Ok-Om-Bok, chùa Tông Kim Quang đã tái hiện không gian văn hóa từng lễ hội cụ thể, phân công chư Tăng thuyết giảng về ý nghĩa của mỗi buổi lễ để người dân địa phương vốn chưa biết về văn hóa Khmer và Phật giáo Nam tông sẽ thêm hiểu biết.

Nặng lòng với người dân Khmer tại địa phương, Đại đức Châu Hoài Thái thường xuyên đến các địa điểm có nhiều bà con sinh sống để hướng dẫn thực hành tín ngưỡng tôn giáo, thuyết giảng, cầu an, cầu siêu, tụng kinh chúc phúc các lễ cưới hỏi theo đúng truyền thống tộc người Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer. Chùa cũng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, tổ chức các đợt tặng quà cho các hộ dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, quà là nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống và các suất học bổng kịp thời để con em đồng bào dân tộc Khmer đến trường.

Nhờ chủ động sáng tạo trong cách tiếp cận giới thiệu văn hóa và tín ngưỡng của người Khmer đến bà con địa phương, trong 3 năm, Đại đức Châu Hoài Thái đã thu hút gần 60 hộ dân tham gia sinh hoạt thường xuyên trong tổng số gần 400 hộ dân người Khmer sinh sống tại huyện Phú Giáo. Bà con dần quen với các nghi lễ, biết đọc kinh, lễ bái Tam bảo, từng bước tiếp cận và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, về tinh thần yêu nước và lòng biết ơn - điều mà trước đây ông bà của họ đã thực hành thuần thục trong đời sống hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày