Tu sĩ Việt Nam tổ chức lớp thiền tại Đại học Oxford

Thư viện trung tâm Đại học Oxford
Thư viện trung tâm Đại học Oxford
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thời lượng mỗi buổi thiền từ một tiếng đến một tiếng rưỡi. Thường thì mỗi buổi thiền bắt đầu bằng phần giới thiệu và hướng dẫn theo chủ đề của mỗi buổi, sau đó có vài phút để tập một số động tác yoga thư giãn cơ thể, tiếp đến thực hành bài tập thiền từ hai mươi đến ba mươi phút, và cuối cùng là phần vấn đáp.
Phần thảo luận, vấn đáp sau buổi thiền
Phần thảo luận, vấn đáp sau buổi thiền

Trời tối đen, mưa bay bay, lành lạnh. Một buổi tối không có gì đặc biệt so với những đêm đông khác ở Oxford, Anh Quốc. Nhưng tối nay, thay vì đi thẳng về nhà sau một ngày nghiên cứu vất vả tại thư viện Bodleian, Claire rẽ qua Broad Street vào Balliol Vollege, Đại học Oxford để tham gia lớp thiền tập từ 7h đến 8h tối mỗi thứ ba hàng tuần do Hội sinh viên Phật học Oxford (Oxford Buddhist Studies Society) tổ chức.

Sinh viên quốc tế quan tâm đến thiền

Claire là sinh viên đại học năm nhất chuyên ngành Sinh học tại Đại học Oxford. Cô tình cờ biết đến lớp thiền này khi tham dự Freshers’ Fair (Hội chợ chào đón tân sinh viên Oxford) diễn ra trong hai ngày trong tuần đầu tiên của năm học. Claire chia sẻ, ban đầu cô đăng ký tham gia chỉ vì tò mò, muốn trải nghiệm một lần cho biết về thiền vì có nghe qua nhưng chưa có cơ hội thực tập. Tuy nhiên, sau buổi đầu tiên, Claire đã nắm bắt được một số khái niệm và phương pháp thiền căn bản, cũng như cảm thấy thoải mái và thư giãn, nên Claire không những tham gia rất đều đặn mà còn giới thiệu với bạn bè của mình nữa.

Các bạn sinh viên tham gia lớp thiền đến từ nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Ban đầu chỉ hơn 10 bạn, đến nay có lúc hơn 30 bạn, ngồi kín cả phòng Massey Room, Balliol College, Oxford
Các bạn sinh viên tham gia lớp thiền đến từ nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Ban đầu chỉ hơn 10 bạn, đến nay có lúc hơn 30 bạn, ngồi kín cả phòng Massey Room, Balliol College, Oxford

Lớp thiền này được Sư cô Shi Farong và Đại đức Thích Nhuận Tú - tu sĩ Việt Nam, đồng nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học (DPhil in Buddhist Studies) Đại học Oxford, trực tiếp tổ chức và hướng dẫn từ tháng 4 năm 2023.

“Lớp được mở ra chủ yếu dành cho các bạn sinh viên ở Oxford muốn tìm hiểu và trải nghiệm thêm về đạo Phật, đặc biệt là thiền tập. Những phương pháp thực tập thiền căn bản giúp cho các bạn nuôi dưỡng chánh niệm, từ bi và tỉnh giác, từ đó có được bình an nội tại và phần nào giúp giảm bớt căng thẳng do môi trường học tập nghiên cứu vô cùng áp lực ở Oxford”, Đại đức Thích Nhuận Tú cho biết.

Ban đầu chỉ có hơn mười bạn tham gia, đến nay có lúc hơn ba mươi sinh viên, ngồi kín cả phòng seminar Massey Room tại Balliol College, Đại học Oxford.

Thời lượng mỗi buổi thiền từ một tiếng đến một tiếng rưỡi. Thường thì mỗi buổi thiền bắt đầu bằng phần giới thiệu và hướng dẫn theo chủ đề của mỗi buổi, sau đó có vài phút để tập một số động tác yoga thư giãn cơ thể, tiếp đến thực hành bài tập thiền từ hai mươi đến ba mươi phút, và cuối cùng là phần vấn đáp. Các thiền sinh được nghe giảng và thực hành những bài tập thiền chánh niệm cơ bản như theo dõi hơi thở, quan sát cảm giác, cảm xúc, và các tâm hành, thiền tâm từ (metta), thiền tâm hỷ (mudita).

Các bạn sinh viên đăng ký tham gia Hội Sinh viên Phật học Oxford trong ngày Freshers’ Fair
Các bạn sinh viên đăng ký tham gia Hội Sinh viên Phật học Oxford trong ngày Freshers’ Fair

Khi được hỏi rằng liệu có những khó khăn nào trong quá trình mở lớp thiền tại Đại học Oxford không, Đại đức Thích Nhuận Tú cho biết: “Cũng có một số khó khăn nhất định trong việc hướng dẫn thiền vì các bạn sinh viên tham gia đến từ nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau thuộc các trường thành phần (Colleges) của Đại học Oxford. Có bạn đã thực hành thiền từ nhiều năm, có bạn lần đầu tiên tiếp xúc với thiền.

Do đó, mỗi khi có bạn nào mới đến thì các thầy cô phải giới thiệu sơ lược lại những khái niệm và phương pháp căn bản cho các bạn đó. Thêm vào đó, vì đa phần các bạn sinh viên không phải là Phật tử hoặc lần đầu làm quen với Phật giáo, nên các thầy cô phải cố gắng sử dụng ngôn ngữ phổ thông, đơn giản và dễ hiểu nhất, chỉ dùng những thuật ngữ Phật giáo khi nào thật sự cần thiết”.

Các bạn trẻ thực hành ngồi thiền
Các bạn trẻ thực hành ngồi thiền

Sức hút của lớp thiền từ tiếng nói người trong cuộc

Suyen Hu, Giám đốc của một nhà xuất bản tại Oxford, đang chuẩn bị theo học chương trình Thạc sĩ Phật học (MPhil Buddhist Studies) Đại học Oxford:

Khi còn nhỏ ở Đài Loan, tôi đã nghe bố mẹ nói về thiền và tôi tưởng rằng thiền là những buổi lễ hay sinh hoạt tôn giáo chỉ dành cho người Phật tử. Do đó, trước khi vào lớp thiền đầu tiên, tôi hình dung rằng tôi sẽ được hướng dẫn đọc hoặc tụng kinh gì đó như những gì tôi thường thấy trong chùa ở Đài Loan. Tuy nhiên, khi được các thầy cô hướng dẫn, tôi nhận ra rằng lâu nay mình đã có nhiều ngộ nhận về thiền. Và qua mỗi lớp thiền, tôi được hiểu thêm về thiền cũng như về Phật giáo.

Suyen Hu

Suyen Hu

Trong buổi thiền đầu tiên, ban đầu tôi nghĩ rằng làm sao mình có thể thở nổi trong căn phòng với toàn người lạ như vậy. Nhưng khi thực hành bài tập thiền thì tôi đã có thể tập trung vào hơi thở và bắt đầu cảm thấy thư giãn. Và lạ thay, đến cuối buổi thì cơn đau lưng kéo dài nhiều năm cũng đã biến mất. Trong buổi thiền thứ hai, tôi bị đau đầu cả ngày hôm đó nhưng sau buổi thiền, cơn đau đầu cũng đã giảm đi. Tôi dần nhận ra rằng trong mười lăm hay hai mươi phút thiền cũng có thể mang lại những lợi ích và tác dụng bất ngờ.

Bây giờ, tôi thường tự nhắc nhở mình quay về hơi thở mỗi khi tôi cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, và phương pháp theo dõi hơi thở này giúp tôi bình tĩnh lại chỉ trong vài giây. Điều đó rất hữu ích vì tôi đã ở trong tình trạng căng thẳng suốt nhiều năm qua và hầu như quên mất hơi thở của chính mình. Thật là một phúc lành khi tôi đã học được cách quay về với hơi thở của mình, để có thể hít vào thật sâu và thở ra một cách tự nhiên”.

Asang Wankhede, Nghiên cứu sinh tiến sĩ luật (DPhil in Law) Đại học Oxford:

Asang Wankhede

Asang Wankhede

Bản thân tôi đã thực hành thiền từ lâu, nên đối với tôi, phần giảng pháp đầu buổi thiền và thảo luận cuối buổi có lẽ mới mẻ và thú vị hơn. Tôi rất ấn tượng về chuyên môn và khả năng giảng giải Phật pháp bằng tiếng Anh một cách gần gũi và dễ hiểu của các thầy cô. Nhờ vào mỗi bài giảng trước khi đi vào thực hành, tôi cảm thấy mình hiểu và gắn kết với sự thiền tập của mình hơn.

Trong phần thảo luận cuối buổi thiền, các thầy cô lắng nghe những chia sẻ của các bạn về sự trải nghiệm của mình trong lúc thiền, cũng như trong cuộc sống cá nhân và học tập, từ đó hướng dẫn các bạn những phương pháp cụ thể hơn cho từng bạn để các bạn áp dụng thiền tập và lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống của mình.

Thêm vào đó, lớp thiền cũng giúp tôi vượt qua sự lười biếng. Tôi đã thực tập thiền được vài năm nhưng bỏ giữa chừng vì tôi nghĩ rằng tôi không thực sự “cần” thực hành thiền. Tuy nhiên, khi tham gia các buổi thiền, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc hành thiền đều đặn mỗi ngày, bất kể là mình đã từng thực hành thiền bao lâu rồi. Giờ đây tôi đã hành thiền mỗi ngày trở lại và sự thành kính của tôi đối với thiền tập và Phật pháp cũng tăng trưởng thêm.

Tumen, Học viên đang theo học chương trình Thạc sĩ Chính sách công cộng (Master of Public Policy) Đại học Oxford:

Tumen

Tumen

Tôi đã thực hành thiền từ trước khi nhập học tại Oxford. Nó giúp tôi bình tĩnh và suy nghĩ rõ ràng hơn. Tôi rất vui khi biết có buổi thiền hàng tuần do Hội Sinh viên Phật học Oxford tổ chức. Tôi tham gia tất cả các buổi trong học kỳ Michaelmas để thoát mình ra khỏi sự hối hả hàng ngày ở Oxford, tìm cho mình một khoảng thời gian yên bình.

Từ những bài giảng và lần thực tập thiền, tôi hiểu rõ hơn về sự vận hành tâm thức của mình. Nó luôn luôn lang thang, lo lắng về tương lai hoặc suy nghĩ về quá khứ. Mặc dù điều này không nhất thiết là xấu, nhưng đôi khi chúng ta quên rằng đang sống trong hiện tại. Do đó, việc chú ý đến môi trường xung quanh và bản thân rất là quan trọng. Chỉ hai mươi phút thiền chánh niệm cũng có thể giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tâm thần của chúng ta. Cho nên, không có gì là lạ khi có nhiều người bận rộn nhất trên thế giới thực tập thiền để giúp họ làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn.

Một khoảnh khắc ấn tượng nhất trong các buổi thiền là khi tôi được giảng rằng chúng ta cũng có thể thực tập thiền chánh niệm trong khi ăn. Đó quả là một khám phá thú vị đối với tôi. Kể từ đó, tôi cố gắng trở nên chánh niệm hơn trong khi ăn uống.

Hội Sinh viên Phật học Oxford được thành lập bởi nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật học tại Đại học Oxford vào tháng 4 năm 2023 với tâm nguyện lan tỏa lời dạy của Đức Phật đến với cộng đồng sinh viên tại Đại học Oxford một cách rộng rãi hơn, không chỉ bó buộc hạn hẹp trong không gian nghiên cứu hàn lâm học viện. Hơn nữa, các hoạt động chính đều có sự tham gia của các vị xuất gia, một hình ảnh hiếm gặp trong môi trường học thuật của Oxford. Do đó các bạn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Phật giáo theo một cách truyền thống hơn.

Hiện số thành viên đăng ký vào Hội Sinh viên Phật học Oxford hơn ba trăm. Đại đức Thích Nhuận Tú - tu sĩ trẻ của Việt Nam hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học (DPhil in Buddhist Studies) Đại học Oxford, cũng là một trong những người sáng lập, điều hành Hội.

Trong học kỳ Michaelmas này, Hội có hai hoạt động chính. Ngoài những buổi thiền, Hội còn tổ chức các buổi seminar nghiên cứu kinh văn Phật giáo. Học kỳ vừa rồi, Fu Chong, nghiên cứu sinh tiến sĩ Triết học Phật giáo (DPhil Buddhist Philosophy) Đại học Oxford, hướng dẫn tác phẩm Phật Quốc ký do ngài Pháp Hiển soạn, và Đại đức Thích Nhuận Tú đảm trách phần kinh điển Phật giáo như kinh Tâm từ (Metta Sutta) và kinh Phước lành (Maṅgala Sutta), Bát-nhã Tâm kinh (Heart Sūtra).

Trong học kỳ Hillary tới, Hội sẽ có thêm các hoạt động như: (1) Viếng thăm chùa, tự viện ở Oxford và London; (2) các buổi thuyết trình chủ đề: “Phật giáo và các vấn đề xã hội”; (3) và chiếu phim Phật giáo vào tối thứ Sáu hàng tuần tại Wolfson College, Đại học Oxford. Tất cả các hoạt động trên đều miễn phí. Các chi phí liên quan đều nhờ vào sự đóng góp hảo tâm của các thành viên của Hội.

Được biết, Đại học Oxford là một trong những nơi có truyền thống nghiên cứu Phật học lâu đời nhất trong các nước Âu-Mỹ và cũng hiện là một trong những nơi có môi trường nghiên cứu Phật học sôi nổi, uy tín và chất lượng hàng đầu thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày