Thiền trong trường đại học

Ni sư Thích nữ Huệ Dâng hướng dẫn sinh viên những điểm cơ bản về thiền tập
Ni sư Thích nữ Huệ Dâng hướng dẫn sinh viên những điểm cơ bản về thiền tập
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là một trong những chuyên đề nằm trong chuỗi chương trình “Đồng hành cùng sinh viên”, do Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư (thuộc Phân ban Ni giới T.Ư) tổ chức, diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (cơ sở TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Hướng dẫn thiền cho 500 sinh viên

Chương trình “Đồng hành cùng sinh viên” diễn ra với chuỗi các sự kiện trao học bổng, dạy thiền, gian hàng 0 đồng, ẩm thực chay, dành cho sinh viên đang theo học tại các trường trong khối Đại học Quốc gia TP.HCM. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Phân ban Ni giới T.Ư dạy thiền, giao lưu, chia sẻ với sinh viên - sự kiện diễn ra ngay tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Các bạn sinh viên được hướng dẫn những phương thức loại bỏ stress bằng chánh niệm
Các bạn sinh viên được hướng dẫn những phương thức loại bỏ stress bằng chánh niệm

Chia sẻ với báo Giác Ngộ, Ni sư Thích nữ Huệ Dâng, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư kiêm Trưởng Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử, Trưởng ban Tổ chức chương trình cho biết, việc hướng sự quan tâm đến giới trẻ, đặc biệt sinh viên là điều Ban Tổ chức luôn đặt lên hàng đầu, vì đây là “nguyên khí” của quốc gia, đầu tư vào giáo dục cũng là thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

“Trong dịp tôi về đây làm việc, thầy Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đặt vấn đề và cho biết hiện tại rất nhiều em sinh viên stress, căng thẳng và nhiều áp lực trong việc học, làm thêm, nhiều chông chênh. Có nhiều em bỏ học, học sa sút, có cả những em muốn tự tử đã được nhà trường ngăn kịp thời. Điều đó thôi thúc tôi thực hiện chương trình ‘Đồng hành cùng sinh viên’, trong đó có buổi pháp thoại, hướng dẫn các bạn về thiền”, Ni sư Thích nữ Huệ Dâng chia sẻ thêm.

Những giây phút ngồi thiền lắng đọng, điều chỉnh hơi thở, lắng nghe tiếng lòng nội tại
Những giây phút ngồi thiền lắng đọng, điều chỉnh hơi thở, lắng nghe tiếng lòng nội tại

Tại hội trường, Ni sư Thích nữ Huệ Dâng đã cùng các bạn sinh viên giao lưu, chia sẻ về những câu chuyện trong đời sống. Qua đó, Ni sư từng bước hướng dẫn các bạn những phương thức loại bỏ stress bằng chánh niệm, hướng dẫn các sinh viên thực hành thiền buông thư và thở đúng phương pháp.

Tham gia chương trình, sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh, khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM bày tỏ: “Hôm nay với em không chỉ là một buổi lễ trao học bổng, mà thông qua những chia sẻ của Ni sư, em tìm thấy được liệu pháp cho chính mình. Những giây phút ngồi thiền lắng đọng giúp em điều chỉnh được hơi thở, lắng nghe tiếng lòng nội tại. Em dần dần làm chủ được suy nghĩ trong chính mình. Nút thắt trong lòng em cũng từ đó được gỡ bỏ, cảm xúc tiêu cực, áp lực học tập, đau thương được xoa dịu phần nào. Em có thêm phần lạc quan hơn với cuộc sống”.

Ban Giám hiệu nhà trường, sinh viên chào đón chư Ni
Ban Giám hiệu nhà trường, sinh viên chào đón chư Ni

Học bổng Kiều Đàm Di đến với sinh viên vượt khó

Có mặt tại hội trường để chuẩn bị nhận học bổng, bạn trẻ Cái Thị Huyền Trân, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang xúc động chia sẻ: “Cảm xúc của em hiện đang rất hồi hộp và vui sướng vì đây là lần đầu tiên em nhận được học bổng 5 triệu - số tiền lớn như vậy. Suất học bổng đầy ân tình này của quý Ni sư trao cho em đó chính là tia hy vọng giúp em đến gần hơn với tương lai tươi sáng”.

Chư Ni trao học bổng "Đồng hành cùng sinh viên"
Chư Ni trao học bổng "Đồng hành cùng sinh viên"

Bên cạnh đó, Huyền Trân cũng đã có những chia sẻ thêm về hoàn cảnh của mình. Trân sống với ông bà nội từ khi mới sinh ra. Ba Trân do bệnh nặng rồi mất, còn mẹ, sau khi sinh con vài tháng đã quyết định để lại cho ông bà nội nuôi. Ông bà nội là nguồn động viên lớn khiến Trân nỗ lực, cố gắng và phấn đấu trên con đường học tập.

“Em không thể nào quên những khoảnh khắc khi nội đứng chờ cửa để đón em từ trường về nhà, những đồng tiền lẻ chắt chiu từng chút từ việc bán tạp hóa mà nội dành để lo trang trải chi phí sinh hoạt, một phần nội dành để cho em đi học. Gia đình nhỏ của em chỉ có ông nội, bà nội và em nương tựa đùm đọc nhau để sống. Từ đó, em càng thấu hiểu được tình cảm yêu thương của nội, em càng ý thức rõ bản thân phải cố gắng học hành hơn nữa”, Huyền Trân cho biết.

Với suất học bổng được nhận, cô sinh viên vượt khó hào hứng cho biết kế hoạch sử dụng số tiền học bổng cho việc học, để nâng cao kiến thức ngôn ngữ tiếng Anh và kỹ năng Tin học.

Ni sư Thích nữ Huệ Dâng trao học bổng Kiều Đàm Di đến các sinh viên vượt khó
Ni sư Thích nữ Huệ Dâng trao học bổng Kiều Đàm Di đến các sinh viên vượt khó

Trần Đức Giỏi, sinh viên năm nhất khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM đã bày tỏ niềm vui mừng của mình: “Đây là lần thứ 3 em được nhận học bổng và là lần đầu tiên nhận từ Phật giáo. Có đôi lần em muốn bỏ cuộc vì áp lực, vì những nỗi lo toan, nhưng em đã cố gắng đi đến được như ngày nay là vì có sự động viên của gia đình và những tấm lòng nhân ái. Em rất biết ơn về buổi nhận học bổng này, đây là nguồn động lực to lớn để em có thêm nghị lực phấn đấu và theo đuổi ước mơ của mình, vững tin trên con đường học vấn phía trước”.

Tiến sĩ Phan Thanh Định
Tiến sĩ Phan Thanh Định

“Học bổng không chỉ là kinh phí giúp các sinh viên trang trải những khó khăn mà hơn hết thảy, đó là tấm lòng của các Ni sư dành cho các bạn sinh viên. Điều này thực sự có ý nghĩa, vì nó hàm chứa một lối sống rất tuyệt vời đó là ‘tốt đời, đẹp đạo’. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Phân ban Ni giới T.Ư để các em sinh viên có điều kiện phấn đấu vươn lên”

TS.Phan Thanh Định,

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV

Thạc sĩ Trần Nam
Thạc sĩ Trần Nam

“Khi tiếp đón quý sư để chuẩn bị cho chương trình thì bản thân chúng tôi cũng có rất nhiều cảm xúc. Bởi vì chúng tôi nhận ra, hiện nay dù cho sinh viên trong bối cảnh thuận lợi nhất định nhưng có rất nhiều khó khăn, nếu không có sự chia sẻ của cộng đồng thì rất khó để vượt qua.

Ví dụ như những khó khăn liên quan đến sức khỏe tinh thần, những giải pháp giúp các em cân bằng về tâm lý hay những hoạt động hỗ trợ các em sinh viên khó khăn bằng những học bổng, để giúp các em vượt khó. Cho nên, khi chúng tôi thông báo chương trình, chỉ trong thời gian rất ngắn 500 sinh viên đăng ký rất nhanh và điều này chứng tỏ chương trình có sức hút rất lớn, có ý nghĩa về mặt cộng đồng hết sức cao cả. Chúng tôi rất cảm kích trước tấm chân tình, sự tổ chức và chung tay của Phân ban Ni giới T.Ư”

ThS.Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên,

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và hỗ trợ người học,

Trường Đại học KHXH&NV

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày