HỎI:
Tôi hiện đang là sinh viên có niềm tin tưởng sâu sắc vào Phật pháp. Tôi đã chọn cho mình pháp môn tu tập là trì niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà hàng ngày. Hiện nay, tôi ở chung phòng với hai bạn khác. Trong đó, có một bạn là Phật tử cũng rất tin tưởng Tam bảo và thường xuyên trì chú Đại Bi, mỗi ngày năm biến, còn bạn kia thì không tin bất cứ tôn giáo nào.
Trước kia, khi người bạn không tin chưa dọn vào ở chung, ngoài việc trì niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà, tôi còn trì tụng thêm kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, kinh Chánh Pháp. Khi trì tụng các kinh điển đó, tôi cũng có thực hiện các nghi thức như quỳ lạy ảnh tượng của các vị Phật và chư vị Bồ tát.
Tuy nhiên, sau khi người bạn không tin tôn giáo kia dọn vào ở chung, có lần khi bạn đó ở nhà, tôi mở kinh Địạ Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trong máy lên nghe (mở nhỏ thôi) thì bạn đó nhăn nhó tỏ vẻ rất khó chịu và đau khổ. Sau lần đó, tôi không dám mở kinh hay tụng kinh khi có bạn đó ở nhà, vì tôi sợ bạn có thái độ không tốt, phỉ báng Chánh pháp sẽ mang tội. Thực lòng, tôi cũng cảm thấy không thoải mái khi phải canh chừng lúc không có bạn đó ở nhà mới mở kinh hay tụng kinh được.
Tôi muốn dù có bạn đó ở nhà hay đi vắng tôi cũng tụng kinh và niệm Phật được. Xin quý Báo cho biết, nếu cầm kinh và đọc nhỏ trong miệng mà bỏ qua việc lạy Phật thì có được không? Vì người bạn Phật tử kia mỗi tối vẫn ngồi bán hoặc kiết già, và cầm kinh A Di Đà đọc thầm từ đầu tới cuối rồi xếp kinh lại cất đi, không lạy Phật cái nào. Bạn Phật tử ấy nói quan trọng là tâm, với lại có đọc kinh là được. Tôi thì ngại rằng đọc kinh mà không lạy Phật sẽ thất lễ vì thiếu sót.
Cho tôi hỏi thêm một việc, một người bạn khác của tôi vừa được bạn bè rủ đi tới “thầy” của người đó để mở 6 cái luân xa, rồi tập thiền, tập những động tác như yoga để mở cái luân xa thứ 7. Bạn tôi nói rằng đó là tu tập theo Thiền tông của Phật giáo, bạn ấy xem như đã là đệ tử của “thầy”, nhưng lại không được đặt pháp danh. Tôi không hiểu lắm về vấn đề này. Cho tôi hỏi bạn tôi có phải đã quy y theo phái Thiền tông? Vì gần đây tôi có nghe nhiều giáo phái lợi dụng danh nghĩa Phật giáo mà thực chất là truyền bá tà đạo, không phải Chánh pháp của Đức Phật. Không biết bạn của tôi có sa vào con đường đó không?
(TRẦN NHẬT KHÁNH, trannhatkhanh2506@gmail.com)
ĐÁP:
Trong lộ trình tu học, đối diện một số nghịch duyên và trở ngại nhưng nếu biết phương cách chuyển hóa thì đôi khi chúng lại là động lực để chúng ta thử thách, trui rèn ý chí nhằm tu tập tinh tấn hơn. Trong hoàn cảnh là sinh viên, ở trọ cùng bạn bè mà bạn vẫn quyết tâm tu niệm được như thế là điều vô cùng quý hóa.
Bạn đang có lợi thế, vì phòng bạn có ba người mà hai bạn đã là Phật tử thuần thành, đều biết tu học, chỉ còn một bạn kia chưa có niềm tin tôn giáo mà thôi. Bạn ấy tuy chưa có tín ngưỡng nhưng vẫn tôn trọng niềm tin Phật của hai bạn, đó là điều đáng quý. Vì thế, trong quá trình sống chung, khi thể hiện việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo của mình, bạn cũng cần tôn trọng người khác.
Trước hết, bạn đã biết tu tập pháp môn Niệm Phật thì cứ như vậy mà hành trì. Niệm hồng danh Phật liên tục, càng nhiều càng tốt, niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Quan trọng là thiết lập được ít nhất hai thời khóa niệm Phật cố định trong ngày, tốt hơn cả là thời điểm trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Nơi “góc” riêng của mình trong phòng, đến thời khóa, bạn ngồi ngay thẳng âm thầm niệm Phật. Giữ tâm chánh niệm với danh hiệu Phật cho đến hết thời khóa.
Nếu muốn đọc kinh, cũng vậy, bạn ngồi ngay thẳng, thầm niệm Tam bảo rồi mở kinh đọc thầm. Khi đọc kinh, nhiếp tâm vào lời kinh, ghi nhớ sâu sắc lời Phật dạy để ứng dụng thực hành. Vì hoàn cảnh không cho phép nên bạn có thể tụng đọc kinh mà không lạy Phật, chỉ khởi tâm quán tưởng đảnh lễ chư Phật, Bồ tát là đủ. Khi muốn nghe kinh, băng đĩa thuyết pháp, niệm Phật hay nghe nhạc thư giản bạn cũng nên sử dụng tai nghe để giữ im lặng cho cả phòng.
Như vậy, bạn vẫn có thể tu tập một cách bình thường trong phòng, dù các bạn khác có ở nhà mà không ảnh hưởng hay trở ngại gì đến những người khác. Bạn cần tu tập tinh chuyên và sống thật lòng, hoan hỉ, bao dung với các bạn trong phòng. Chính sự chân thành và thảnh thơi của bạn sẽ góp phần chuyển hóa người khác, nhất là những người chưa hiểu hết giá trị của sự tu học.
Riêng người bạn theo học thiền mở luân xa, chúng tôi khẳng định rằng, thiền ấy là thiền của ngoại đạo, không phải là Thiền tông của Phật giáo.
Chúc bạn tinh tấn!