Từ thiện cũng có năm bảy đường

GN - HỎI: Tôi đang làm việc cho một công ty tư nhân có người chồng nắm giữ tài chính, còn người vợ thì phụ quản lý. Tôi biết người vợ cấu kết cùng kế toán (kê khai gian lận) để lấy tiền của chồng tiêu xài riêng. Điều làm tôi lưu tâm nhất là một phần số tiền đó được người vợ mang đi làm từ thiện. Tôi muốn hỏi, theo quan điểm Phật giáo, người vợ làm như vậy thì có gọi là trộm cắp không? Và những đồng tiền lấy từ công sức của người khác rồi lại đem đi làm từ thiện, như vậy có được xem là việc tốt? Giả như người đó mang tiền ấy cúng chùa thì nhà chùa có nhận không? Kính mong quý Báo trả lời giúp tôi. Vì sự việc này kéo dài lâu rồi mà tôi không biết hỏi ai. Xin trân trọng cảm ơn.

(NGỌC NGUYỆT, nguyennguyet0185@gmail.com)

tuthien.jpg


Vật dâng cúng (vật cho) không thanh tịnh thì phước báo
sẽ ít hơn rất nhiều so với việc cúng dường thanh tịnh - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Ngọc Nguyệt thân mến!

Theo quan điểm Phật giáo, trộm cắp có nghĩa là lấy của không cho. Từ những vật lớn như vàng bạc châu báu cho đến những vật nhỏ như cây kim ngọn cỏ, nếu người không cho mà lén lấy thì gọi là trộm cắp. Dù tài sản gia đình có tính “của chồng công vợ” nhưng nếu không được chồng đồng thuận cho phép mà vợ tìm cách rút tỉa, lén lấy tiền bạc để tiêu xài riêng, đó là trộm cắp.

Đối với vấn đề “những đồng tiền lấy từ công sức của người khác rồi lại đem đi làm từ thiện, như vậy có được xem là việc tốt?”, chúng ta cần phải xem xét kỹ nhiều phương diện của gia đình ấy mới có thể trả lời xác đáng.

Thứ nhất, nếu gia đình này có đặc điểm là người chồng quản lý tài chính hoàn toàn, tuy giàu có mà keo kiệt không lo cho vợ con chu đáo; giàu mà không biết nhường cơm sẻ áo cho người nghèo, không thích làm phước để dành cho tương lai v.v… Trong trường hợp này, vì lo cho bản thân, con cái; vì thương người muốn giúp đỡ họ nên người vợ tuy có hành vi trộm cắp nhưng do hoàn cảnh là chính, còn bản chất và động cơ thì không đến nỗi quá xấu xa.

Thứ hai, người vợ này do lòng tham mà trộm cắp của chồng để ăn xài, tiêu pha thỏa thích. Tuy có đi làm từ thiện nhưng với hình thức là chính, cho đi nhằm thỏa mãn tự ngã chứ không phải vì thật sự thương người. Việc làm thiện này dù sao vẫn tốt hơn không, nhưng nếu cân phân cho rạch ròi thì “lợi bất cập hại”, tội nhiều hơn phước. Đức Phật cũng từng dạy, bố thí mà người cho không thanh tịnh (tham lam, gian dối, danh lợi), vật cho không thanh tịnh (trộm cắp) thì khó có phước báo, chẳng lợi ích gì nhiều. Thực tế hiện nay, về hình thức các phong trào từ thiện phát triển rầm rộ thật đáng mừng, nhưng làm thiện vì mình hay vì người thì chỉ người trong cuộc mới biết. Nếu làm từ thiện mà vì mình thì vẫn tốt hơn không nhưng phước đức thực sự chẳng được là bao.

Trong trường hợp người ấy đem số tiền trộm cắp (phi pháp) cúng chùa, nếu nhà chùa biết được đó là tiền “bẩn” thì chắc chắn sẽ không nhận. Nếu không biết (mà đa phần thì không biết) thì nhà chùa tùy duyên tiếp nhận để làm các việc thiện bình thường. Nhưng như đã nói, vật dâng cúng (vật cho) không thanh tịnh thì phước báo sẽ ít hơn rất nhiều so với việc cúng dường thanh tịnh, như pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày