Tuân thủ năm giới, bình an cho chính mình, cho gia đình và xã hội

NSGN - Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh vật chất phát triển tột bậc. Nhiều người thường dùng đủ cách để có tiền càng nhiều càng tốt và sự giàu có được coi là thước đo cho sự thành đạt được nhiều người ngưỡng mộ. Từ cách sống chỉ nghĩ đến tiền, người ta không từ chối thủ đoạn nào để lừa đảo, phản bội, giết hại nhau…, nhằm thu được nhiều tiền của cho mình.

Đối trước tình trạng đạo đức con người trong xã hội tuột dốc thê thảm, hơn bao giờ hết, năm giới cấm mà Đức Phật đã truyền trao cho hàng Phật tử tại gia đã là những chuẩn mực đạo đức đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi người hoàn thiện bản thân mình và xây dựng được gia đình hạnh phúc. Hơn thế nữa, năm giới cấm còn là công cụ đắc lực cho việc thiết lập xã hội ổn định, bền vững, bình an.

Thật vậy, gia đình là tế bào của xã hội. Cá nhân, gia đình và xã hội có sự cộng sinh hỗ tương mật thiết với nhau. Phật tử tuân thủ năm giới Phật dạy, chắc chắn có được cuộc sống an vui và ảnh hưởng cho gia đình được bình an, góp phần làm cho xã hội ổn định.

Vì vậy, không phải chỉ Phật tử, mà bất cứ xã hội nào muốn được an bình, cũng cần có nhiều công dân tuân theo năm giới là năm tiêu chuẩn đạo đức theo Phật dạy, vì đó là nền tảng vững chắc, lợi ích, tạo nên sự kết hợp hài hòa, tốt đẹp giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Mỗi người sống hiền hòa, gia đình mới an vui và xã hội mới được an bình.

ducphatthuyetphap.jpg

Đức Phật dạy muốn được an lạc, giải thoát trên thế gian đầy cạm bẫy hiểm nguy, phải tu giới. Ngài nói rõ rằng mọi người đau khổ, không được giải thoát, vì không có trí tuệ, không biết, nên phạm nhiều sai lầm. Để giúp chúng ta ngăn ngừa việc sai lầm, Đức Phật đưa ra một số quy tắc gọi là giới. Ngài khuyên chúng ta tu tập, phải tôn trọng giới luật như giữ gìn tròng con mắt.

Năm giới là năm điều căn bản ngăn cấm giúp người Phật tử tại gia sống an vui, phiền não, tội lỗi không tác hại được thân tâm và nhờ đó, gia đình được hạnh phúc, xã hội cũng được ổn định, vì xã hội là sự kết hợp của nhiều gia đình.

Giới cấm thứ nhất mà Đức Phật dạy là không được sát sanh, phải tôn trọng sự sống của muôn loài. Phạm tội sát sanh nặng hay nhẹ, tùy theo đối tượng bị sát hại là loài người hay loài vật.

Nếu là loài người, còn phải xét đến tư cách, địa vị của người bị sát hại. Nếu tính từ trên xuống, việc giết hại Phật bị xếp vào tội phạm giới sát nặng nhất. Thật vậy, Đức Phật tiêu biểu cho người trí tuệ bậc nhất, đóng góp nhiều lợi ích cho cuộc đời. Vì vậy, việc sát hại một người cao quý nhất, cần thiết nhất đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm  mất mát, làm thiệt hại lớn lao cho nhân loại.

Kế đến, nếu sát hại những bậc Thánh nhân là những người tài giỏi, đạo đức chỉ đạo thế gian, hoặc giết hại thầy dạy, cha mẹ nuôi dưỡng. Người đó đã phạm tội ngũ nghịch, một loại tội phạm nặng nhất bị ngăn cấm trong giới sát sanh.

Tiếp theo tội ngũ nghịch là tội giết người bình thường, những người không thuộc hàng Phật, Thánh nhân, thầy dạy, cha mẹ. Đối với tội giết người này được coi là nặng hơn tội giết loài vật; vì mạng sống con người cao hơn thú vật.

Không giết hại, con người được bình an trong cuộc sống, trong giấc ngủ không gặp ác mộng. Và trong xã hội, sẽ không có những cảnh giết người đáng kinh hoàng mà thực tế đã xảy ra, chỉ vì xung đột nhỏ, như va quẹt xe trong giao thông. Và quan trọng hơn nữa, nhờ giữ gìn giới cấm sát sanh, tôn trọng sự sống của mọi người, mầm mống chiến tranh được triệt tiêu. Sự bất an, sợ hãi và hận thù không còn trong tâm trí của mọi người, tạo nên thế giới hòa bình, an vui.

Dưới một nấc nữa, người Phật tử tại gia không giết hại các loài thú vật. Hành động tôn trọng sự sống của những loài thấp kém hơn phát xuất từ tâm từ bi của người đệ tử Phật. Tu tập tâm từ bi không cho phép người Phật tử tại gia hủy hoại mạng sống của bất cứ loài nào, huống chi là giết hại chúng để thỏa mãn thú vui ích kỷ. Ngoài ra, trong kiếp luân hồi sinh tử vô tận, mọi người liên tục mang đủ các loại thân hình trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, trời, người. Với tầm nhìn hạn hẹp không quá đường chân trời, làm sao thấy được những chúng sanh đã từng có quan hệ bạn bè, quyến thuộc thân thích với mình như thế nào.

Đối với việc cấm sát hại thú vật, ngày nay các nhà khoa học trên thế giới cũng quan tâm kêu gọi mọi người hãy tôn trọng sự sống của muông thú. Vì sự hiện hữu hỗ tương cộng tồn của muông thú trong môi trường sống của loài người là điều quan trọng cần thiết, cho nên việc săn bắn giết hại nhiều thú vật ở một số vùng, đã gây tác hại không ít đến vấn đề mùa màng và môi sinh của con người.

Đó là một số quy định theo đạo Phật về vấn đề sát sanh, nếu giết hại loài người cho đến loài vật đều phạm tội. Tuy nhiên, ở thời đại chúng ta ngày nay, thiết nghĩ cần hiểu ý nghĩa sát sanh một cách rộng hơn. Nó có liên quan đến vấn đề môi sinh. Sát sanh là tiêu hủy sự sống. Từ định nghĩa này, có thể nói rằng những người hủy hoại môi trường sống đã phạm tội sát sanh. Thí dụ những người phá rừng, phóng thải chất hóa học, hay những chất cặn bã độc hại vào sông hồ, biển, hoặc trong không khí… Những việc làm như vậy gây ra sự ô nhiễm không khí, làm ô nhiễm môi trường sống của mọi người. Nó làm mất cân bằng sinh thái, đưa đến bệnh tật, tử vong, hay rút ngắn tuổi thọ của con người. Họ đã gián tiếp giết người và giết một số lượng lớn.

Giới cấm thứ hai mà Đức Phật dạy là không được trộm cắp, phải tôn trọng tài sản của công và của người khác. Người đệ tử Phật hiểu sâu sắc rằng tài sản, của cải hưởng được, đều là kết quả của phước báo đã tu tạo trong quá khứ, hoặc việc làm trong hiện tại một cách chính đáng.

Ngoài ra, những vật sở hữu của mọi người ở trên cuộc đời này cũng không có gì là vững chắc, vì nó có thể bị năm thứ tai họa làm tiêu tan. Đức Phật gọi đó là giặc năm nhà: nước cuốn trôi, lửa đốt cháy, giặc đánh cướp, bị tịch thu và con cái hư hỏng phá hủy.

Như vậy, của cải tạo được một cách hợp pháp còn không giữ được, huống gì là của phi pháp. Trong dân gian thường nói rằng của phi nghĩa vào cửa trước ra cửa sau. Người trộm cắp tất nhiên chẳng ai dám tin dùng, gần gũi. Làm thế nào họ có được đời sống yên ổn, an vui. Nếu mọi người đều sống lương thiện, không có những vụ trộm cắp, cướp của giết người, bòn rút của công, chắc chắn gia đình họ được an vui, mà còn góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn của công không bị thất thoát, tạo dựng xã hội bình an, phát triển.

Giới cấm thứ ba mà Đức Phật dạy người Phật tử tại gia là không được tà dâm, phải tôn trọng hạnh phúc gia đình của mọi người. Giữ được giới hạnh này, cuộc sống gia đình của chính họ sẽ được hòa thuận, an vui, hạnh phúc, tâm trí sáng suốt.

Có thể nói quan niệm về tình yêu, hôn nhân, theo Phật dạy, rất tiến bộ. Giữa vợ chồng phải có tình yêu, có sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng  nhau, có trách nhiệm với nhau. Trong xã hội hiện đại, xảy ra không ít những gia đình đổ vỡ, mất hạnh phúc, đưa đến ly thân, ly dị, ngoại tình, sát hại nhau, đã ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều cho xã hội. Điều này khiến cho người ta nhận ra được giới cấm thứ ba mà Phật dạy, sau hơn hai mươi lăm thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị tốt đẹp.

Giới cấm thứ tư là không nói sai sự thật. Đạo Phật là đạo trí tuệ. Người Phật tử cần trang bị hiểu biết sáng suốt, đúng đắn. Tất nhiên khi chưa thấy đúng, thì cũng đừng dùng lời nói bóp méo sự thật, phải biết tôn trọng sự thật. Thực tế cho thấy người có mưu mô xảo trá đến đâu, với thời gian cũng không thể nào che giấu được sự thật. Người nói dối, lời nói không đi đôi với việc làm, chẳng còn giá trị. Không ai dám tin tưởng họ, vì thế mọi sinh hoạt và phát triển của chính họ cũng đã bị bít lối. Gia đình có thành viên dối trá dễ dàng dẫn đến sự xung đột, bất  hòa và chia ly. Xã hội có nhiều người nói một đàng làm một nẻo, khiến cho người dân mất niềm tin, chán nản, không tích cực đóng góp cho sự đi lên của xã hội, tất nhiên chẳng những xã hội không thể phát triển, còn dẫn đến sự băng hoại ở nhiều lãnh vực hoạt động.

 Ngoài ra, tu theo tâm từ bi của Phật, người Phật tử tại gia tập cho khẩu nghiệp của chính mình được trong sạch, bằng cách không mắng nhiếc; không nói lời độc ác; không nói lời làm tổn thương danh dự người khác. Tu tập tâm trí sáng suốt, tôn trọng sự thật, người Phật tử tại gia không thể nói thêm bớt, bịa đặt; không nói lời gây chia rẽ làm mất đoàn kết trong tổ chức, trong bạn bè. Người giữ được giới cấm thứ tư dễ dàng được tin tưởng, kính nể và tạo thành hình ảnh tiêu biểu của xã hội đạo đức.

Giới cấm thứ năm mà Đức Phật dạy là không được uống rượu. Thật ra, tự bản chất rượu không có tội, nhưng nó là nguyên nhân tạo ra bốn tội trên và nhiều tội khác. Nhất là rượu làm mất hạt giống trí tuệ, nên Đức Phật không cho uống rượu. Tác hại của rượu ngày nay đã quá hiển nhiên. Rượu gây ra bệnh xơ gan, ung thư gan, làm mất trí nhớ, rối loạn thần kinh và dẫn đến nhiều bệnh tật, biến chứng khác. Như vậy, người uống rượu thì cơ thể bệnh hoạn, tinh thần bị suy sụp, tổn giảm, không còn sáng suốt và sanh con dễ bị dị tật.

Rượu độc hại hơn thuốc độc, vì thuốc độc chỉ giết một mạng người. Trong khi rượu tiêu hủy hạt giống trí tuệ, tiêu diệt giới thân huệ mạng của con người trong nhiều đời, họ trở nên si mê, ngu muội. Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta thấy có những kẻ phạm pháp giết người phải uống rượu để không còn bình tĩnh, không sáng suốt, mới dám liều lĩnh làm chuyện ác.

Trong năm giới cấm kể trên, có thể phát nguyện giữ từng giới một, không nhất định phải giữ đủ năm giới một lần. Quý Phật tử có thể chọn một giới để giữ trước, giữ giới từ tâm cho đến hành động bên ngoài, cố gắng đánh cho gục một tên giặc trong chính bản thân mình.

Từ thuở nhỏ, tôi nghĩ giới sát sanh quan trọng, nên cố gắng giữ giới này. Trong ba tháng an cư, tôi không đi ra ngoài, sợ đạp chết các loài côn trùng. Giữ giới cho đến giới thể thanh tịnh từ trong lòng, ý sát hại chẳng những không còn, mà đổi thành ý nghĩ hộ mạng cho chúng sanh và hành động bảo vệ chúng sanh.

Trên thực tế, chúng ta thấy những người làm nghề sát hại sinh vật cũng muốn bỏ nghề, nhưng nghề với nghiệp dính liền nhau. Có nghiệp mới sanh ra nghề, nên cũng không dễ bỏ nó. Vì thế, người Phật tử tại gia muốn đổi nghề, phải sám hối cho tiêu hết nghiệp.

Giữ trọn một giới, quý Phật tử đã có năm vị thần hộ mạng. Người giữ đủ năm giới một lượt chứng tỏ họ đã tu nhiều đời. Hiện đời họ mới được sáu căn thông lợi, ba nghiệp thuần hòa; đời sau họ được sanh về cõi nhân thiên.

Hàng Phật tử tại gia giữ đúng giới luật mới thực sự là đệ tử Phật. Trái lại, quy y và phát nguyện giữ năm giới, mà sinh hoạt hàng ngày chẳng giữ gìn một giới pháp nào cả, chỉ là Phật tử giả danh, hình thức.

Tôi mong rằng hàng Phật tử tại gia đã phát tâm thọ Tam quy, nguyện giữ năm giới, hãy tinh tấn dũng mãnh sống theo khuôn mẫu của Đức Phật chỉ dạy. Được như vậy, mới xứng đáng là người con Phật hộ trì Chánh pháp Như Lai còn mãi trên thế gian, để lợi lạc cho chúng hữu tình, xây dựng được gia đình hạnh phúc và góp phần kiến tạo xã hội an vui, bình ổn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày