GN - “Trời nắng thế này thì tranh thủ phơi thuốc, kẻo nữa trời mưa thì tiếc lắm…” Sư cô TN.Huệ Giác nói với đôi tay thoăn thoắt trên những vạt thuốc giữa cái nắng gắt của tháng 6…
13 năm gắn bó
Gắn bó với người nghèo vùng sông nước Cà Mau đã hàng chục năm qua, Tuệ Tĩnh đường Quan Âm cổ tự (phường 4, TP.Cà Mau) đã tồn tại và chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều đối tượng nghèo khó nhưng vẫn khiêm tốn, bình dị với cái tên Phòng khám từ thiện “chùa Phật Tổ”.
Sư cô TN.Huệ Phúc đang phân thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: H.D
Lương y Huỳnh Văn Minh cho biết, Tuệ Tĩnh đường ra đời do HT.Thích Thiện Tâm (đã viên tịch) khởi xướng hơn 13 năm trước từ những chứng kiến biết bao nhiêu người khó khăn phải gánh nặng trên vai chi phí thuốc thang mỗi khi bị bệnh. Từ những thấu hiểu và chia sẻ này, Tuệ Tĩnh đường Quan Âm cổ tự được thành lập với tôn chỉ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo quanh vùng.
Phục vụ tại Tuệ Tĩnh đường đã 5 năm qua, Lương y Huỳnh Văn Minh gắn bó những ngày tháng ở đây và chia sẻ biết bao khó khăn với bệnh nhân nghèo. Tuệ Tĩnh đường không chỉ khám bệnh, kê đơn bốc thuốc mà còn là chỗ dựa tinh thần của nhiều người. Họ đến mỗi khi bị bệnh và cảm nhận được sự tin cậy và lòng biết ơn từ những lương y và nhân viên ở đây.
Hiện tại, Tuệ Tĩnh đường do Sư cô TN.Huệ Giác điều hành, trực thuộc Ban TTXH THPG Cà Mau do Sư cô TN.Diệu Chánh làm Trưởng ban. Sư cô Huệ Giác cho biết, nhiều tu sĩ, lương y, nhân viên ở đây qua 10 năm gắn bó, phục vụ không ngại vất vả, hết lòng điều trị bệnh tật cho những người nghèo. Đó cũng là cách để rèn luyện bản thân, thể hiện tấm lòng của mình với tha nhân, là lương y như từ mẫu.
Mỗi người góp công, góp sức
Như một “Phòng khám đa khoa”, bệnh nhân đến đây đều được khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu, giác hơi…điều trị theo phương pháp Đông y. Theo lương y Huỳnh Văn Minh, đa số bệnh nhân đến từ các huyện của tỉnh Cà Mau, nhiều bệnh nhân đến từ các vùng sâu vùng xa của miền sông nước nên bệnh thường là “bệnh bốn mùa”: đau nhức, thoái hóa xương cốt, cột sống, cảm mạo, thương hàn, viêm gan siêu vi B, phong thấp... Đặc biệt, Tuệ Tĩnh đường điều trị rất hay bệnh viêm gan siêu vi B, bệnh này đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân bởi lẽ phải uống thuốc từ 4 đến 6 tháng mới khỏi.
Công việc vất vả hàng ngày của quý Sư cô tại Tuệ Tĩnh đường - Ảnh: H.D
Lương y Huỳnh Văn Minh cho biết, những trường hợp này nếu mình không đủ sự kiên trì, không đủ tâm, lòng kiên nhẫn để đồng hành cùng bệnh nhân thì cũng khó mà giúp họ được. Vì vậy tại Tuệ Tĩnh đường, tất cả mọi người, từ các vị lương y như: SC.Huệ Phúc, SC.Huệ Giác, Huỳnh Văn Minh, y sĩ Hà, nhân viên Tuyền… đều là những người tận tâm, tận tình gắn bó với công việc từ thiện ý nghĩa này cho dù hàng ngày phải trải qua rất nhiều vất vả.
Không chỉ lo khâu khám bệnh, bốc thuốc, châm cứu… mà các công đoạn thủ công đòi hỏi nhiều công sức như: chặt thuốc, phơi, sấy, bào các loại nguyên liệu tươi cũng do chính tay các sư cô, lương y và nhân viên tự làm.
Hàng ngày tuy bệnh nhân không quá đông, chỉ khoảng 30 người đến khám bệnh nhưng Tuệ Tĩnh đường bốc khoảng 250 thang thuốc cho cả những bệnh nhân cũ và mới. Do đó, lượng thang thuốc bốc ra mỗi tháng hàng ngàn thang, là con số không phải nhỏ. Với lượng thuốc thang bốc ra hàng ngày thì nguyên liệu tươi cũng không phải ít, đòi hỏi nhiều công sức của mọi người.
Thế nên ở đây, nguồn thuốc được bà con Phật tử cũng như nhân dân quanh vùng tự tìm và mang đến chùa, người góp công người góp sức. Công sức ấy được góp nhặt từ nhiều tấm lòng và sự tận tâm chia sẻ của những người con Phật không quản ngại khó nhọc.