Tung cánh rong chơi trời phương ngoại

GN - Nàng bỡ ngỡ nhìn lại đôi cánh trong suốt đẹp tinh khôi như ánh sáng. Trời xanh thăm thẳm, nàng là cánh mây duy nhất của hư không. Sử dụng đôi cánh mỗi lúc một thuần thục, nàng rong chơi trong tự do thuần khiết.

Hương của trăng sao và cỏ hoa thoang thoảng. Đến ngọn núi nguyên sơ rợp bóng tùng bách, nàng khẽ đáp xuống uống tách trà thơm. Mặc cho núi xanh khẩn khoản mời nán lại, nàng dịu dàng vỗ cánh bay đi, tâm không vướng mắc. Lên cao, cao mãi, nàng rùng mình chợt lạnh. Chỉ một thoáng hắt hơi, nàng thấy mình thành giọt nước thủy tinh trinh tuyền lóng lánh. Đôi cánh đã biến mất. Không một niềm tiếc nuối, nàng rơi xuống, lăn tròn hòa nhập với suối nguồn.

Nắm tay người bạn mới quen, một hòn cuội xinh xắn, dễ thương như đóa hoa rừng, nàng tung tăng lướt sóng đến một mặt hồ bát ngát. Một chiếc thuyền lãng đãng trong sương, văng vẳng tiếng đàn mười sáu dây thanh thoát. Cuộc rong chơi chấm dứt. Nàng mở mắt, đọc lại những dòng thơ nơi trang sách vẫn để mở trên bàn:

Trời đất liếc trông chừ, sao mênh mang

Chống gậy rong chơi chừ, phương ngoài phương

Hoặc cao cao chừ, mây đỉnh núi

Hoặc sâu sâu chừ, nước trùng dương.

HT.Thích Thanh Từ dịch

(Thiên địa thiếu vọng hề hà mang mang,

Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương

Hoặc cao cao hề vân chi sơn

Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương).

(Phóng cuồng ngâm, Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Phương ngoại phương. Một cõi ở ngoài các cõi? Chao ôi, chữ nghĩa văn tự có thể giải thoát bao nhiêu gông cùm ràng buộc đến thế sao? Những vần thơ phóng cuồng có thể hé mở cánh cửa của cõi mênh mông không tịch? 

Nàng mỉm cười gấp sách lại, cảm thấy hơi choáng ngợp như vừa khám phá một điều gì mới lạ. Ánh chiều lung linh phản chiếu trên mặt hồ những sắc màu kỳ diệu. Tâm bình an, nàng lặng lẽ đưa thuyền về bến cũ, nơi thời gian là ước lệ và không gian là sự sáng tạo của tâm thức thành chân trời bao la của tử sinh, sinh tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày