Tưởng niệm ngài Ajahn Chah

GN - Phật tử Malaysia đã lấy ngày 17-12 hàng năm để tưởng nhớ, tri ân Thiền sư Ajahn Chah...

Thiền sư Ajahn Chah (17-6-1918 - 16-1-1992) là một trong những bậc thầy vĩ đại trong thời hiện đại của Phật giáo Thái Lan nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Ngài là người đã thành lập tu viện Phật giáo Quốc tế đầu tiên tại Thái Lan dành cho những vị tu sĩ nói tiếng Anh đến tu tập, đó là Tu viện Pah Nanachat, hay còn gọi là Tu viện Quốc tế ở rừng (International Forest Monastery). Thầy Sumedho đã hỗ trợ trong việc thành lập tu viện với tư cách là vị trụ trì đầu tiên của tu viện. Thiền sư Ajahn Chah đặc biệt được tôn kính bởi những đóng góp, cống hiến của Ngài trong việc phát triển pháp tu theo “truyền thống ở trong rừng của Phật giáo Thái Lan” (Thai Forest Tradition) ở bên ngoài Thái Lan.

ajahnchah (3).jpg

Tượng Thiền sư Ajahn Chah trong bảo tàng ở Thái Lan

Sự kiện năm này là một trong ba sự kiện quan trọng đươc tổ chức tại Malaysia, và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng vì nó đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày Thiền sư Ajahn Chah qua đời. Lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 12 tại Trường SJK (C) Yuk Chai Taman Megah,  Petaling Jaya. Các vị Tăng sĩ từ Vương quốc Anh, Canada, Australia, New Zealand, Thái Lan… và Malaysia đã đến tham dự buổi lễ.

Thiền sư Ajahn Chah sinh ngày 17 tháng 6 năm 1918 tại một vùng thôn quê gần Ubon Ratchathani, Đông bắc Thái Lan. Gia đinh ngài nhiều đời làm nông. Tuân theo truyền thống văn hóa của người Thái, năm 9 tuổi ngài đã vào chùa tu học. Nhờ 3 năm tu học trong chùa mà Ngài biết đọc và biết viết. Thế rồi Ngài trở về nhà sống đời sống của người bình thường để đi làm công việc đồng áng phụ giúp gia đình. Một thời gian sau thì Ngài vào chùa tu học trở lại, và ngày 16-4-1939 thì Ngài được thọ giới Tỳ-kheo, trở thành một người tu sĩ đích thực. Đến năm 1946, sau khi thân phụ của Ngài qua đời, Ngài đã xin rời khỏi tu viện đang sống để trở thành một vị du tăng khổ hạnh. Trong số những vị thầy dẫn dắt cho ngài Ajahn Chah lúc bấy giờ có ngài Ajahn Mun, một thiền sư nổi tiếng thuộc truyền thống ở trong rừng. Ngài Ajahn Chah đã sống trong những hang động, trong những khu rừng và những khu nghĩa địa trong thời gian theo học với các thiền sư thuộc truyền thống ở trong rừng.

Truyền thống tu tập ở trong rừng của Phật giáo Thái Lan là một trong những chi nhánh của Phật giáo Nguyên thủy, được thực tập ở Thái Lan, Miến Điện và Sri Lanka. Truyền thống này đề cao việc thực tập thiền định, xem đấy là trọng tâm trong đời sống tu tập. Một vị tu sĩ theo truyền thống ở rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật mà Đức Phật đã dạy. Họ thực tập hạnh khất thực, chỉ ăn một bữa trong ngày (ngọ thực), ngủ dưới gốc cây hoặc là ở trong rừng rậm hay là ở những bãi tha ma. Họ sống đời sống độc thân và không cất giữ tiền của.

Sau nhiều năm làm du tăng khổ hạnh, ngài Ajahn Chah quyết định trồng những gốc cây ở một khu đất trống gần nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài, và năm 1954, Tu viện Nong Pah Pong đã được thành lập trên khu đất ấy. Đây là nơi Ngài đã giảng dạy những thủ thuật cơ bản của thiền tập cho mọi người. Dần dần, Ngài đã thu hút được nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, nhiều giới khác nhau theo học với Ngài. Đến năm 1966, một vị tu sĩ phương Tây đầu tiên là thầy Ajahn Sumedho đã đến tu học với Ngài. Năm 1975, Tu viện Pah Nanachat (International Forest Monastery) được thành lập và thầy Ajahn Sumedho đảm nhiệm vai trò của vị trụ trì. Đây là tu viện đầu tiên ở Thái Lan do một vị tu sĩ phương Tây làm trụ trì và tu viện này nhắm đến việc giảng dạy thiền cho những người phương Tây.

Hiện tại thì Tu viện Nong Pah Pong có hơn 250 chi nhánh trên khắp đất nước Thái Lan và có hơn 15 tu viện liên kết, 10 trung tâm tu học dành cho người cư sĩ ở trên thế giới.

Thiền sư Ajahn Chah viên tịch vào ngày 16-1-1992 trong sự thương tiếc của hàng triệu người. Có hơn một triệu người đã đến tham dự lễ tang của Ngài, trong đó có cả gia đình hoàng gia Thái Lan. Ngài đã để lại một gia sản quý báu cho hậu thế, đó là những bài pháp mà Ngài đã giảng, những người đệ tử do Ngài đào tạo và những tu viện do Ngài trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày