Nói đến người già lặn lội chài lưới trong thơ Đường không thể không nghĩ đến hai bài thơ Ngư ông và Giang tuyết lưu truyền hậu thế của Liễu Tông Nguyên (773-819). Trong những ngày cả nước hướng về một nghìn năm vua nhà Lý dời đô về Thăng Long (1010), đọc lại thơ văn Lý-Trần, chúng tôi đọc từng câu từng chữ bài thơ Ngư nhàn của một nhà sư, thi sĩ đời Lý, đó là Không Lộ thiền sư.
Dương Không Lộ (?-1119) tên thật và năm sinh không rõ, chỉ biết ông là người làng Hải Thanh (còn gọi là Thiên Thanh) thuộc lộ Thiên Trường, đời Lê thuộc trấn Sơn Nam hạ, tỉnh Nam Định ngày nay. Tiểu sử của ông được chép trong các bộ sách nổi tiếng như: Lĩnh Nam chích quái, An Nam chí lược, Lịch triều hiến chương loại chí và Nam Ông mộng lục. Tổ tiên của Không Lộ làm nghề chài lưới, đến đời ông mới bỏ nghề, đi tu và là thế hệ thứ chín dòng thiền Vô Ngôn Thông. Các chùa mà Thiền sư Không Lộ đã từng sống là Nghiêm Quang (?), Chúc Thành (Bắc Ninh) và Hà Trạch (?) (Có tài liệu nói Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một). Không Lộ chuyên sâu nghiên cứu Thiền tông và Mật tông. Ông kết thân với Thiền sư Giác Hải (?-?), người cùng quê. Cũng như Không Lộ, thuở nhỏ sư Giác Hải làm nghề chài lưới, coi thuyền là nhà, luôn luôn lênh đênh trên sông nước. Hai vị sư thường ngao du, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên hữu tình. Không Lộ sống thanh bạch, giản dị, điềm đạm và không màng danh lợi theo đức tính của người tu hành. Không Lộ hiện còn hai bài thơ trữ tình ngắn hay về lời và sâu về ý rất nổi tiếng xưa nay - đó là bài "Ngôn hoài" và "Ngư nhàn" (Cái nhàn của ông chài). Sau đây là bài "Ngư nhàn" của Thiền sư Không Lộ:
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên Nhất thôn tang giá nhất thôn yên. Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán, Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền. (Trời xanh nước biếc muôn trùngMột thôn sương khói một vùng dâu đay. Ông chài ngủ tít ai lay, Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền).
(Kiều Thu Hoạch dịch thơ)
Đầu đề bài thơ được Thơ văn Lý-Trần dịch là "Cái nhàn của làng chài". Câu cuối có chữ "tuyết" (Tuyết mãn thuyền) nên xuất xứ của bài thơ còn nghi vấn, nhưng nếu liên hệ với bài "Ngôn hoài" thì bài thơ này mang phong cách thơ của Không Lộ là người Thiên Trường nên có thể thấy cảnh trong hai bài thơ của Không Lộ là cảnh của lộ Thiên Trường tỉnh Nam Định thời xưa với cảnh thôn chài ven sông bình yên, hữu tình và con người "tình quê lai láng chẳng hề vơi". Bài "Ngư nhàn" thuộc thơ thất ngôn tuyệt cú, chỉ có 28 chữ nhưng hay về lời và ý, có đủ yếu tố tình, cảnh, thi, nhạc và họa theo phong cánh thi pháp của thơ Đường - Tống. Cũng là đề tài ông chài đánh cá như bài thơ Giang tuyết của Liễu Tông Nguyên đời Đường, nhưng cảnh vật và con người trong bài thơ của Không Lộ vẫn có nét độc đáo riêng. Đầu đề bài thơ chỉ có hai chữ (Ngư nhàn). Bài thơ có 4 câu, mỗi câu một ý làm nổi bật ba đặc điểm cơ bản của thi pháp thơ ca cổ điển, đó là con người, không gian và thời gian nghệ thuật. Câu thơ đầu (phá) tả cảnh thiên nhiên đẹp, rất ấn tượng, có cái xa xăm vạn dặm của dòng sông xanh và cảnh mênh mông bát ngát của bầu trời. Câu thơ có hai điệp từ (vạn lý) và hai từ đối (giang-thiên) tác giả miêu tả như một bức tranh về dòng sông, bầu trời để nói lên sự thanh bình, yên ả của thôn chài miền quê châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Các từ "vạn lý", "thanh giang" thường thấy trong thơ xưa nay lại hiện lên trong bài thơ trữ tình bình dị của một nhà sư và thi sĩ đời Lý. Nếu cảnh của câu thơ đầu là cảnh lớn, bao quát thì cảnh của câu thơ sau (thực) là cảnh nhỏ, cụ thể và gần gũi của thôn chài ở ven sông với dâu đay nhuốm đầy mây khói. Từ "một thôn" (nhất thôn) lặp đi lặp lại tưởng chừng khô khan lại trở nên rất có ý nghĩa, miêu tả đặc điểm nổi bật của thôn chài. "Một thôn dâu đay" chỉ việc nông tang. "Một thôn mây khói" nói lên sự an lạc ở nơi đây. Bút pháp miêu tả chấm phá sơ sài của tác giả tạo nên một bức tranh thiên nhiên, thôn quê đời Lý. Tiếp theo hai câu thơ về "cảnh" là hai câu thơ về "người" (luận, kết). Cảnh của hai câu thơ trên là cảnh của thôn ven sông. Con người ở hai câu thơ dưới là ông già chài lưới trong chiếc thuyền nhỏ bồng bềnh trên sông đang giấc ngủ trưa mà không có người gọi. Ông già say sưa ngủ có thể là cả buổi đánh bắt mệt nhọc và cũng có thể là vì khí hậu mát mẻ, thời tiết trong lành trước cảnh sông nước, mây trời bao la. Hình ảnh ngư ông được miêu tả chân thật, sống động và tự nhiên, ca ngợi con người yêu lao động và thiết tha với cuộc sống đời thường. Câu thơ chỉ có 7 chữ mà miêu tả hai con người nghệ thuật là ông già đánh cá (ngư ông) và người khác (nhân). Tứ thơ "ông chài ngủ say" (ngư ông thuỵ trước) ngon giấc không hề hay biết mà không ai gọi (vô nhân hoán) vừa đối vừa hay. Từ trạng thái "tĩnh" câu thơ chuyển sang trạng thái động với từ "gọi" (hoán) làm tăng thêm giá trị biểu cảm của thi phẩm. Từ cách tả màu sắc, đường nét, bài thơ chuyển sang âm thanh do con người tạo nên làm tăng ý nghĩa cuộc sống và cảnh vật khi có con người. Câu cuối của bài thơ (kết) là câu thơ hay, tứ thơ độc đáo được dồn nén ở các câu thơ trên và bỗng nhiên bị bứt phá ở câu thơ cuối với tứ thơ "tuyết đầy thuyền" (tuyết mãn thuyền) trong cảnh "buổi quá trưa" (quá ngọ).
Không gian là thôn chài ven sông, thời gian là ban ngày, cụ thể là buổi trưa, nổi bật là hình ảnh ông chài cần cù lao động, lạc quan yêu đời, thiết tha với cuộc sống chài lưới ven sông.
Cùng đề tài và cùng nhân vật với bài Giang thuyết của nhà thơ đời Đường Liễu Tông Nguyên, miêu tả một ông già câu cá với cảnh "thuyền trơ trọi" (cô chu), "nón lá rối bời" (thôi lạp), cô đơn "một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh" (độc điếu hàn giang tuyết), cùng vất vả và lao động lặng lẽ, dãi dầu, nhưng ông chài (ngư ông) trong bài Ngư nhàn của Thiền sư Không Lộ thanh thản và lạc quan hơn. Ông già câu cá (lạp ông) trong bài thơ của Liễu Tông Nguyên đơn độc, chịu đựng và rất tội nghiệp. Cùng là ông già đánh cá và cũng câu cá, nhưng cái nhìn, cảm xúc và cách miêu tả của Thiền sư Không Lộ và Liễu Tông Nguyên khác nhau. Một người là một nhà sư sinh ra từ thôn chài làm kẻ tu hành (Thiền sư Không Lộ), một người là tiến sĩ, làm Hiệu thư lang, giám sát ngự sử (Liễu Tông Nguyên), nên cách nhìn cuộc sống và con người của họ sẽ khác nhau. Thiền sư Không Lộ chỉ để lại hai bài thơ ngắn (Ngôn hoài và Ngư nhàn), nhưng chứng tỏ ông là một nhà sư, một thi sĩ có tài, giàu cảm xúc và bút pháp thơ ca điêu luyện, góp một tiếng thơ riêng cho thơ Thiền đời Lý mà hôm nay chúng ta được đọc.