GN - Có những món quà tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có giá trị vô cùng ý nghĩa khi ta trao tặng cho ai là người đang cần.
Ông Hiên và những đứa trẻ lần đầu tiên biết chút hương vị Tết trung thu
Bừng sáng những nụ cười
Sau cơn mưa bão giữa tháng 8-2018 vừa qua, những con đường ở huyện Ia H’Drai (Kon Tum) có nhiều đoạn xuống cấp. Để vào được huyện này, từ TP.Kon Tum, chúng tôi phải đi đường vòng qua tỉnh Gia Lai, đi từ 6g30 sáng, đến 11g mới đến nơi. Hỏi ra mới biết, từ sáng sớm bà con đã lên đến đây, có người đi bộ gần 20km, có người băng rừng, có người đi xe máy đến.
Chị Nguyệt (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) cho hay, từ lúc được phát phiếu nhận quà, chị mong ngóng suốt và hôm nay, từ 10 giờ sáng chị đã có mặt. Tay ôm con chưa được hai tuổi, bụng đang mang bầu ở tháng thứ chín, chị Nguyệt trải lòng: “Mình nôn quá, nên lên sớm. Sáng này trời mưa, đi cực hơn trời nắng. Nghe nói quà có gạo, có bánh trung thu cho con nữa nên mừng lắm. Mình mừng mà cả đêm qua không ngủ, chỉ mong trời mau sáng, để đi nhận quà”. Vì đường xa, vì nóng lòng đi sớm, phải xốc con dậy từ lúc khuya nên con chị thiếu ngủ, đến nơi là ngủ gật trên tay chị. Nhìn thấy cảnh này, mọi người trong đoàn ai cũng vừa thương, vừa xót xa.
Thế nhưng, không khí trở nên tươi tắn, nụ cười vỡ òa trên gương mặt nhiều người khi chứng kiến chị Nguyệt được quý thầy trao quà. Chị Nguyệt đã thốt lên rằng: “Quà nhiều quá, quà nặng quá, con mừng quá ông thầy ơi. Quà còn nặng hơn con của con”. Bất ngờ khi nghe TT.Thích Duy Trấn nói: “Quà có 10 ký gạo, 1 thùng mì, 1 lít dầu ăn, hạt nêm, muối, đường, sữa, tập cho cháu đi học, bánh trung thu đón Tết, bánh, kẹo đủ hết và bao lì xì 50 ngàn đồng”. Chị Nguyệt nhìn phần quà, nói mà mắt rưng rưng: “Chưa bao giờ mình mua được cùng một lúc gạo, mì, bánh cho con. Có tiền mua gạo, mình đã mừng rồi. Gạo ăn nhín dữ lắm, thường nấu cháo với củ rừng. Chưa bao giờ trong túi mình có được số tiền lớn, 20 ngàn là dữ lắm rồi”.
Chị Nguyệt lên ngay kế hoạch: “Chiều nay nấu bữa cơm ngon. Có 50 ngàn này ra chợ mua trứng về chiên, gạo nhiều vầy chiều nay nấu cơm ăn một bữa. Sẽ nhắn người gọi chồng về nhà ăn cơm ngon, nghỉ bữa làm thuê. Con mình ăn cơm xong còn có bánh ăn, sữa uống. Tết Trung thu vầy quý hơn Tết đầu năm”. Từ chia sẻ của chị Nguyệt, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của chị như mạch nước ngầm đang chảy âm ỉ, lan tỏa. Vui hơn hết là bữa cơm chiều nay của gia đình chị chắc chắn sẽ ấm áp, đong đầy niềm vui, đúng nghĩa Trung thu là ngày Tết đoàn viên.
Không chỉ có người lớn vui khi nhận quà, mà trẻ con cũng vỡ òa hạnh phúc. Được mẹ chở đến nhận quà sau giờ tan học, em Lữ Siêu Hoàng, 8 tuổi, nhà ở thôn 1 (xã Ia Dom) luýnh quýnh chạy vội vào hội trường, vì sợ đoàn từ thiện về thành phố. Khi người lớn bảo em đi tìm thầy mặc áo vàng để được tặng quà, em tìm dáo dác. Và khi tìm được quý thầy, được tặng quà, em mừng rỡ. Trong lúc mẹ của em lựa áo quần cũ đem về dùng, ngồi giữ phần quà vừa được tặng, chốc chốc em cứ tháo cái bịch, lấy mấy quyển vở ra xem. Tiền lì xì 50 ngàn đồng, em cầm miết trên tay, ai hỏi đến em cũng khoe mình có tiền. Em Hoàng bẽn lẽn bảo: “Con sung sướng. Tập trắng đẹp quá, con thích nhất là tập. Con cũng rất thích bánh trung thu”.
Trước sự phấn khởi của người dân nhận được quà, ông Pờ Ly Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ia H’Drai cho biết: “Huyện Ia H’Drai được thành lập mới được ba năm (được tách ra từ huyện Sa Thầy), đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Nơi đây lại vừa trải qua trận mưa lũ. Ngày hôm nay, bà con được chia sẻ, được tặng quà, chúng tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đoàn từ thiện của Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư rất nhiều, đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Hòa trong niềm hạnh phúc của người dân địa phương, thầy trưởng đoàn cũng chia sẻ: “Chính vì sự thiếu thốn của bà con đồng bào dân tộc nghèo và những đứa trẻ có cuộc sống nhiều thiệt thòi vùng cao, mà mười lăm năm nay, Trung thu năm nào cũng phải đem 300 triệu đồng đến một trong các tỉnh thành Tây Nguyên, mang Tết Trung thu đến với bà con và các cháu nhỏ. Đường xa tôi chưa bao giờ ngại. Quà lúc nào cũng tươm tất, đủ nguyên liệu để người lớn và trẻ nhỏ ăn ngon, ăn đủ trong ngày rằm tháng Tám. 600 ngàn đồng một phần quà, với nhiều người số tiền này không đáng là bao nhưng với bà con nghèo nơi đây, có thể nói đó là tài sản và có thể giúp họ có được rất nhiều hạnh phúc”.
Không khí Tết Trung thu lan tỏa
Trên đường băng rừng di chuyển ra khỏi huyện Ia H’Drai, ven đường giáp ranh biên giới Campuchia, chúng tôi gặp những người già, trẻ nhỏ đi chăn bò, với gương mặt nhem nhuốc. Xe dừng bánh, quý thầy gọi lại tặng quà, chúc mừng Tết Trung thu đến người già, trẻ nhỏ. Họ đều mừng rỡ. Được cho tiền, ông Hiên, 58 tuổi cứ nắm lấy tay quý thầy không buông: “Mừng quá, lâu rồi chưa thấy tờ tiền”. Hỏi, đi chăn bò nhiều vầy, sao không có tiền. Nhoẻn miệng cười, ông Hiên nói: “Chăn bò đổi lấy cơm ăn. Một ngày chăn bò có hai bữa cơm, chủ cho ăn cơm chứ không có được trả tiền”.
Chị Nguyệt (xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai) và con nhỏ
Còn trẻ nhỏ, ánh mắt cứ ngơ ngác. Có em đã 12, 13 tuổi đầu nhưng không biết tờ tiền 50 ngàn đồng có trị giá như thế nào, có mua được bánh hay không? Chúng tôi lặng người khi nghe một em nhỏ nói: “Đó giờ không được xài tiền, không có ai cho nên không có cái để mua bánh. Tiền này mua được nhiều bánh không?”. Đó là lý do vì sao, khi biết 50 ngàn đồng có thể mua được nhiều bánh snack, có thể mua được mì gói, bọn trẻ rất mừng. Tất cả đều cho biết, dùng hết số tiền này đi mua bánh, mua thiệt nhiều bánh ăn cho đã một bữa, muốn ăn gì mua cái đó.
“Ước gì ngày nào đi chăn bò cũng gặp… ông thầy”, ông Hiên nói vậy, vài đứa nhỏ cũng nói theo. Chúng tôi hiểu vì sao họ có ước mơ như thế, bởi những người lao động lam lũ này, muốn được ăn no bụng chứ chưa nói đến ăn ngon, phải cố gắng rất nhiều. Bất kể là ngày mưa hay nắng, họ đều phải chăn bò thuê, dắt bò đi ăn, rồi canh từng con, có buồn ngủ cũng không dám chợp mắt.
Em Rin, 9 tuổi cho hay: “Ngủ gục cũng không dám, mình ngủ một cái là mất bò. Cũng không dám gửi bò cho mấy thằng chăn chung coi hộ, mất một con là làm công cả đời cũng không đền nổi”. Hỏi ngẫu nhiên một em, có muốn đi học không, em trả lời mà xót xa: “Con không muốn đi học; đi học, không đi chăn bò rồi lấy chi mà ăn”. Hỏi các em biết Tết Trung thu là gì không? Các em trả lời: “Bữa nay được cho bánh và tiền nên mới biết, lần đầu có Tết Trung thu, lần đầu có tiền”. Giữa cơn mưa lắc rắc, cái se lạnh của vùng núi rừng, nụ cười hồn nhiên hiện rõ trên gương mặt của bọn trẻ và cả người lớn đã sưởi ấm lòng người với nhau.
Xe lăn bánh ra khỏi vùng đồng bào dân tộc sinh sống, thầy trưởng đoàn trăn trở: “Có đi sâu vào vùng đồng bào dân tộc, mới cảm nhận được hết những thiệt thòi của những đứa trẻ. Có đến mới hiểu, có hiểu mới thương. Mình thấy 50 ngàn đồng ở thành phố nhiều người không mua đủ bữa ăn sáng, nhưng đến đây mua được nhiều thứ, người nghèo quý lắm. Đó cũng là lý do từ TP.HCM đến Kon Tum ngồi xe 14 tiếng đồng hồ, tôi sẵn sàng ngồi chứ không đi máy bay, là để dành tiền lên đây cho tụi nhỏ. Năm nay, tôi tặng 500 phần chứ năm sau, cố gắng cho hơn”.