Ước vọng hồi sinh Phật viện Ðồng Dương

Từng được các nhà khoa học đánh giá là di tích cực quý còn sót lại của Vương quốc Chămpa xưa, được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) xếp hạng cấp quốc gia từ năm 2000 nhưng nay di tích Phật viện Đồng Dương (thôn Đồng Dương, Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) chỉ còn là một bãi hoang tàn đổ nát. Trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn của di tích lịch sử có từ thế kỷ thứ IX này, một hội thảo cấp quốc gia vừa được tổ chức với mong muốn sẽ phục dựng lại di tích.

Phật viện xưa...

Theo nội dung tấm bia đá tìm thấy ở Đồng Dương, năm 875, vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại khu vực này một tu viện Phật giáo đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra - Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara).

Tính quy mô và sự bề thế của tu viện được thể hiện rõ qua nội dung ghi trên bia cũng như trên các tác phẩm điêu khắc mà các nhà khảo cổ học người Pháp khai quật được vào các năm 1901 - 1902. Theo đó, sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương đã được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), đương thời được xem như một trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Với giá trị văn hóa - lịch sử to lớn đó, ngày 21/9/2000, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) đã ban hành Quyết định số 16/2000/QĐ-VH xếp hạng Phật viện Đồng Dương là Di tích quốc gia.

Tuy nhiên, trước sự tàn phá của thiên nhiên và sau nhiều năm chiến tranh, khu di tích này đang trong tình trạng rất thê thảm. Cả một Phật viện uy nghi trong lịch sử hiện chỉ còn lại vài dấu tích trong đó có một mảng tường tháp cổng mà nhân dân địa phương gọi là “tháp Sáng” cùng với nền móng một số công trình và đồ trang trí kiến trúc.

Thế nhưng, ngay cả những dấu tích ít ỏi còn lại cũng không được chăm nom, bảo vệ đúng mức. Toàn bộ khu di tích chưa được khoanh vùng bảo vệ. Bản thân tháp Sáng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ nhiều năm nay, người dân trong xã đã tự ý trồng keo lá tràm vào tận chân tháp. Một số người cho rằng dưới chân tháp có vàng nên kéo đến đào bới khiến tháp nghiêng sang một bên.

Những thanh gỗ chống đỡ tháp đã mục nát từ lâu, lại bị thêm những cành keo lá tràm áp vào nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Những tượng linh vật bằng đá bị vứt chỏng chơ bên đường, bị cây bụi bao phủ kín, đó là chưa kể một số linh vật đã bị người ta lấy trộm. Ngoài ra, một số phiến đá với những hoa văn cổ cũng bị khuân đi cách xa vị trí ban đầu hàng chục mét, nằm lăn lóc dưới rừng keo.

Ông Trà Tấn Hợi (50 tuổi, thôn Đồng Dương), ở gần khu di tích cho hay: “Lâu lắm rồi không thấy cơ quan chức năng nào quan tâm tới di tích này. Nếu cứ để như thế này e rằng vài năm nữa con cháu chúng tôi sẽ không được nhìn thấy di tích trên quê hương mình”. Còn ông Trương Văn Việt - nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc nói: “Xã đã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7 - 8 năm rồi, giờ đã bị mối mọt cả. Không biết khi nào thì đổ. Mấy cái cột đổ là tháp Sáng đổ, Phật viện Đồng Dương chắc chỉ còn trong dĩ vãng”.

Ước vọng hồi sinh Phật viện Ðồng Dương ảnh 1

 Những thanh đà chống đỡ tạm bợ đang bị mục nát cùng thời gian.

Ước vọng trở thành Di sản văn hóa thế giới

Trước thực trạng cấp bách đó, ngày 17/8 vừa qua, một cuộc hội thảo với chủ đề “Giải pháp bảo tồn di tích Chăm Phật viện Đồng Dương” đã được tổ chức với sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu và khảo cổ học hàng đầu trên toàn quốc. Tại hội thảo, các chuyên gia đều đánh giá cao công trình Phật viện Đồng Dương cả về giá trị văn hóa lẫn giá trị lịch sử, khảo cổ.

Theo nghiên cứu của giáo sư Trương Quốc Bình - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phật viện này là khu di tích tiêu biểu bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa trong khu vực Đông Nam Á. Nếu được tiến hành khảo cổ, trùng tu, bảo tồn bài bản, khoa học, đảm bảo tốt tính trung thực, nguyên vẹn thì di tích này sẽ có đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thứ 3 tại Quảng Nam trong thời gian tới.

Tận mắt chứng kiến và khảo sát Phật viện Đồng Dương, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phải thốt lên: “Cứu vãn trùng tu Mỹ Sơn đã tưởng là khó khăn hơn cả, thách đố ghê gớm các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế. Thế nhưng với Đồng Dương, công việc xem ra còn khó khăn gấp bội phần”.

Theo ông Hoàng Đạo Kính, nhiệm vụ cấp bách lúc này là cứu vãn cho được, giữ gìn cho được mọi vết tích, mọi thành phần và từng mảnh vụn của Đồng Dương, không để mất mát thêm và quan trọng là không để sai lệch thêm. Đồng Dương phải được nhìn nhận là một phức hợp di tích, bao gồm các yếu tố vật chất của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị, tín ngưỡng - dân dụng, điêu khắc...

Sẽ dần trả lại cho Phật viện Đồng Dương sự lộng lẫy như thời vàng son của nó - Đó là một tham vọng đầy khó khăn nhưng hy vọng với quyết tâm của mình, các cấp lãnh đạo, quản lý của Trung ương và địa phương cùng các chuyên gia kiến trúc, khảo cổ sẽ chung tay phục dựng thành công di tích lịch sử vĩ đại và quý giá này!  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày