Vài nét về truyền thống khất thực trong đạo Phật

Giác Ngộ - Trì bình khất thực (ôm bát đi xin ăn) là một trong rất nhiều hình thái tu tập của người tu theo đạo Phật do Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni khai sáng. Hai ngàn năm trăm năm qua, truyền thống tu tập này vẫn được duy trì và đã trở thành một bộ phận góp phần thể hiện sắc thái đặc thù của Phật giáo trên khắp năm châu.

Do đâu đạo Phật chủ trương đi khất thực? Quan điểm của Đức Phật Thích Ca, theo sử sách ghi chép, là nếu con người muốn tu tập đạt đến cứu cánh như mong muốn, trước hết cần phải dẹp bỏ lòng sân si ngã mạn (sự nóng giận, ngu muội, tự tôn và khinh thường kẻ khác), mà cách thức tốt nhất để diệt trừ lòng tự tôn không gì hơn là chấp nhận làm kẻ-đi-ăn-xin-của-mọi-người. Tuy vậy, giáo lý đạo Phật cũng cho rằng, bằng cách này, người tu sĩ Phật giáo cũng gián tiếp tạo ruộng phước công đức cho người cúng dường vật phẩm được sống an lạc đời này và hưởng nhiều sự vui sướng ở đời vị lai.

Hinh27_resize.JPG

 Khất thực là một nét đẹp trong đời sống tu tập của hàng xuất gia

Nhưng dù nhìn nhận hiện tượng sự việc này dưới góc độ nào đi nữa - khoa học hay tâm linh - thực tế hình ảnh này đã xuất hiện và lưu truyền từ những bước chân đầu tiên của Đức Phật và giáo đoàn của Ngài trên những nẻo đường Savatthi (Xá Vệ), Benares (Ba La Nại)… của xứ Ấn Độ xưa đến những nơi mà đạo Phật du nhập vào trong quá trình truyền bá sau này.

Đặc biệt, một số nước ở khu vực Đông Nam Á mà Phật giáo là quốc giáo không còn xa lạ gì với truyền thống khất thực này của chư Tăng. Đa phần dân chúng ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào v.v… theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), hay còn gọi là Phật giáo Nam tông, với chủ trương khất thực độ nhật (xin ăn sống qua ngày). Người ta đã quá quen mắt với hình ảnh mỗi sáng sớm, hàng đoàn chư Tăng trẻ, đi thành dãy dài, tỏa xuống các khu phố hoặc xóm làng thôn ấp, im lặng thọ nhận sự dâng cúng thực phẩm của tín đồ đang rất kính cẩn quỳ lạy dưới đất và sau đó các sư lầm thầm chúc phúc cho họ. Hình ảnh này cũng gây sự ngạc nhiên và thích thú cao độ cho các du khách đến từ phương Tây, nơi cuộc sống thực dụng đang chiếm lĩnh mọi thượng tầng văn hóa, không còn chỗ cho những cái đẹp về tâm linh ngự trị.

Riêng tại miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, tu sĩ thuộc hệ phái Nam tông Nguyên thủy hoặc hệ phái Khất sĩ vẫn chủ trương duy trì hình thức khất thực độ nhật. Thời điểm sau này, do nhiều nguyên nhân khách quan, người ta đã không còn nhìn thấy hình ảnh này nữa. Đâu đó trên đường phố, đôi lúc ta bắt gặp vài vị sư thanh thản trên đường khất thực, tuy nhiên về sau hiện tượng này xem chừng bị pha trộn, bị lợi dụng thật giả khó lường!

Tóm lại, truyền thống trì bình khất thực của Phật giáo, dù được nhìn nhận dưới góc độ nào đi nữa, thì sự có mặt bền bỉ gần 2.500 năm qua của nó vẫn là nét văn hóa tôn giáo-tín ngưỡng làm đẹp thêm cuộc sống vốn lắm nỗi thăng trầm này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày