Vận hành Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư từ 1-7

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các trang thiết bị phục vụ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: TTX
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các trang thiết bị phục vụ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: TTX
0:00 / 0:00
0:00
Hai dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Bộ Công an xây dựng thành công, công bố vận hành từ 1-7.

Tại lễ tổng kết sáng 22-6, Thứ trưởng Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết sau khi hai dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư lần lượt vào tháng 3-2020 và tháng 9-2020, Bộ Công an đã xác lập cơ chế chỉ huy, chỉ đạo triển khai thực hiện từ Trung ương tới cơ sở.

Quá trình triển khai hai dự án, Bộ đã chỉ đạo lồng ghép tối đa để bảo đảm đồng bộ, tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.

"Đây là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc", Thứ trưởng Ngọc nói.

Bộ Công an cho hay hai hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Trong khuôn khổ hai dự án, đến nay Bộ đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc từ ngày 18-6. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với đó, từ 1-3 đến nay, lực lượng công an toàn quốc đã thu nhận được trên 54 triệu hồ sơ để cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử (đã cấp 19 triệu thẻ), hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trước một tháng so với kế hoạch.

"Công tác bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế hệ thống, bảo đảm đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4; đường truyền và các phương án bảo mật đã được bố trí từ Trung ương đến cấp xã", Trung tướng Ngọc nói.

Thứ trưởng Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ảnh: Gia Chính

Thứ trưởng Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ảnh: Gia Chính

Ngoài ra, Bộ Công an đã chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND các địa phương Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; phối hợp với Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng đã triển khai thử nghiệm kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết nối với 33 tỉnh, thành để xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết 236 thủ tục hành chính. "Việc thử nghiệm kết nối thành công đã chứng minh sự sẵn sàng của cơ sở dữ liệu này, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử", lãnh đạo Bộ Công an khẳng định.

Phát biểu tại lễ tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc công bố chính thức, đưa vào hoạt động Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là điểm nhấn quan trọng, "một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại".

Thủ tướng đánh giá, hai dự án sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp.

Ông yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hai hệ thống, bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên; tránh tình trạng "cát cứ" thông tin, cơ sở dữ liệu...

"Nghiên cứu, triển khai ứng dụng để khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ nhu cầu quản lý của lực lượng Công an, mà còn phục vụ các mặt công tác quản lý Nhà nước và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.

Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử...

Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9-2020 với tổng mức 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm sản thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.

Thẻ gắn chip có nhiều điểm mới so với căn cước cũ, gồm việc bổ sung chip điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin dữ liệu cá nhân, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn - Tranh Phật giáo Trung Quốc

Tám ngọn gió đời

GNO - Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đợi nắng

GNO - Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con

“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Thông tin hàng ngày