Văn hóa học đường sa sút - Điều không thể xem thường

Văn hóa học đường sa sút - Điều không thể xem thường
Giác Ngộ - Đã có một thời gian dài chúng ta không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức mà chỉ lo đối phó với cái nghèo, chỉ lo làm kinh tế, làm giàu. Chúng ta không ngờ rằng những thành quả kinh tế có được không thể bù đắp cho tương lai con em chúng ta. Những thành quả khiêm nhường ấy cũng sẽ bị phá hoại bởi những hành vi tiêu cực mà con em chúng ta gây ra do sự băng hoại đạo đức, tha hóa nhân cách...

Dư luận xã hội hiện đang hoang mang, lo lắng trước tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày một gia tăng, giới trẻ thiếu lý tưởng sống, thiếu sự định hướng, không biết đánh giá và chọn lọc khi tiếp thu những luồng văn hoá mới, nhận thức lệch lạc về những giá trị sống. Sinh viên học sinh rơi vào rượu chè cờ bạc, tình dục, ma tuý, chạy theo lối sống hưởng thụ, thực dụng đến mức sa đọa, bị tha hóa. Thanh thiếu niên thích tụ tập, chia băng nhóm, phe đảng, thường gây gổ và đánh nhau, đua xe, phóng nhanh vượt ẩu, chạy xe nẹt pô lạng lách gây mất trật tự an toàn giao thông công cộng, xem thường tánh mạng và tài sản của người khác. Do nghiện game mà rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách dẫn đến các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, ngỗ nghịch bất hiếu với ông bà cha mẹ, bỏ bê việc học v.v… Biểu hiện văn hóa không còn khi ngay cả học sinh nữ cũng chửi thề văng tục và thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đối xử với nhau bằng những hành vi bạo lực, côn đồ.

Văn hóa không chỉ có nghĩa là tri thức, kiến thức khoa học, mà còn là biểu hiện văn minh trong các sinh hoạt xã hội. Học đường là môi trường giáo dục văn hóa, đạo đức, trường học nào cũng nêu tiêu ngữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” (học lễ độ, phép tắc, cách ứng xử trước, sau đó mới học văn hóa, kiến thức). Vì thế những biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức hình thành và phát triển một cách tự nhiên, công khai đã khiến cho mọi người băn khoăn lo lắng. Cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội đều phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, phải hết sức quan tâm và có những biện pháp giáo dục con em mình.

Những đứa trẻ không hiểu gì những câu chửi thề, nói tục nhưng vẫn cứ nói vì bắt chước cha mẹ chúng hoặc những người lớn xung quanh. Một phần không nhỏ người lớn và trẻ em xem những câu nói tục và chửi thề là những câu nói đầu môi một cách tự nhiên không ngượng miệng. Nó trở thành thói quen, nhưng là một thói quen xấu. Nếu hiện tượng này chỉ xảy ra trong giới lao động nghèo ít học thì còn có thể châm chước khoan dung, đằng này lại xảy ra ngay cả trong môi trường giáo dục, trong chốn học đường, nơi truyền trao và tiếp thu nền văn hóa, đạo đức.

Nhà trường không thể nói những câu thiếu trách nhiệm: “Chúng tôi chỉ quản lý học sinh trong phạm vi nhà trường thôi, ra khỏi trường chúng tôi không còn trách nhiệm dạy dỗ nữa” hay “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm truyền trao kiến thức, còn dạy dỗ cách giao tiếp, ứng xử là việc của cha mẹ các em” v.v… Các bậc làm cha mẹ cũng không nên phó thác tất cả trách nhiệm dạy dỗ con em mình cho thầy cô: “Chúng tôi đã gửi con vào trường cho thầy cô dạy dỗ, con của chúng tôi hư hỏng là do thầy cô không giáo dục tốt”. Con em chúng ta tiếp thu nền học vấn, giáo dục ở nhà trường đồng thời cũng tiếp thu nền giáo dục của gia đình và xã hội. Người xưa đề cao tầm quan trọng nền giáo dục gia giáo song song với nền giáo dục học đường. Vì ông bà cha mẹ là những người gần gũi con cái, tiếp xúc nhiều với con cái nên dễ truyền trao những kinh nghiệm, hiểu biết và nhất là tình cảm đạo đức. Tuy nhiên, giáo dục trong gia đình thôi thì chưa đủ, cần có một hệ thống giáo dục toàn diện, hoàn chỉnh từ cơ bản đến chuyên sâu, mở rộng, đó là nền giáo dục phối hợp giữa nhà trường và gia đình, xã hội. Mục tiêu hướng đến của nhà trường là giáo dục và đào tạo con em chúng ta trở thành những con người có đầy đủ tri thức, đạo đức và hữu ích cho xã hội, đất nước. Do đó nếu thiếu sự giáo dục của gia đình hoặc sự giáo dục của nhà trường thì nền giáo dục con em chúng ta bị khiếm khuyết.

Giữa nhà trường và gia đình phải có sự liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Tình trạng ngày càng nhiều học sinh trốn học, cúp tiết, bỏ nhà đi hoang, nói tục chửi thề, thường gây gổ đánh nhau, quậy phá, vô lễ với thầy cô giáo… đều do sự hời hợt thiếu quan tâm dạy dỗ của gia đình và nhà trường, thiếu sự chú ý đến giáo dục văn hóa, đạo đức ứng xử, xem nhẹ những giá trị truyền thống như tôn sư trọng đạo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm… Đã có một thời gian dài chúng ta không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức mà chỉ lo đối phó với cái nghèo, chỉ lo làm kinh tế, làm giàu. Chúng ta không ngờ rằng những thành quả kinh tế có được không thể bù đắp cho tương lai con em chúng ta. Những thành quả khiêm nhường ấy cũng sẽ bị phá hoại bởi những hành vi tiêu cực mà con em chúng ta gây ra do sự băng hoại đạo đức, tha hóa nhân cách. Tệ nạn ngày một gia tăng, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hình thức tiêu cực, ngay cả trong ngành giáo dục, y tế và trong bộ máy công quyền.

Hiện nay tình trạng bạo lực học đường và thanh thiếu niên phạm tội đang ở mức báo động, giới trẻ nhận thức lệch lạc về những giá trị sống, gia đình và nhà trường lo lắng, cả xã hội đều ưu tư. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng dễ dàng nhận thấy nhất đây là hậu quả của sự thiếu quan tâm giáo dục văn hóa, đạo đức cho thế hệ trẻ, cùng với sự thiếu kiểm soát các loại hình văn hóa mới và những nguồn tư tưởng xấu có tính độc hại len lỏi vào trong sách báo, tạp chí, băng đĩa, một số chương trình truyền hình và thế giới mạng internet.   

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày