Văn hóa và giao lưu thời Đinh - Tiền Lê – Lý

Văn hóa và giao lưu thời Đinh - Tiền Lê – Lý
Sau những trang thơ đằm thắm tiễn đưa các thiền sư Giao Châu khi rời Tràng An (Kinh đô Trung Hoa) về nước, các thi sỹ thiền sư Trung Hoa còn tìm đến tận những nơi tu hành của các thiền sư Việt trên đất Việt để giao lưu, kể cả phải vượt qua núi cao rừng thẳm.

Trong “Kiến văn tạp lục” học giả Lê Quý Đôn đã ghi lại được những trang thơ quý giá ấy bằng Hán tự của thi sĩ, thiền sư Trương Tịch, đời Đường, tặng Nhật Nam Tăng:

“Núi thẳm một mình ẩn
Cửa tùng đôi cánh gài
Lá chuối biên kinh cũ
Bóng mây rụng áo dài
Lật đá khơi ngòi giếng
Xoi rừng tỉa giống gai
Khi gặp khách Nam Hải
Tiếng Mường biết hỏi ai?”
(Thượng tọa Mật Thể dịch)

Ngôn ngữ bất đồng Hán, Việt (Mường) làm sao mà trò chuyện? Cố nhiên là phải bút đàm. Nhưng với các thiền sư đã đạt tới đẳng cấp “vô ngôn thông” thì cứ gì phải tiếng nói, văn tự! Nhìn cành tùng cài cửa đã cảm được cốt cách. Nhìn lá chuối rừng, làn mây sương, đã như thấy những trang kinh hiển hiện. Nhìn gai rừng, ngòi giếng chốn hoang vu là thấy được mạch nguồn!...
Cảm động biết bao khi thiền sư Thẩm Thuyên Kỳ thời Võ Hậu đã tự nhận là đệ tử đi tìm thiền sư Vô Ngại Thượng Nhân tận chùa Sơn Tĩnh, Cửu Chân (Thanh Hóa) để yết kiến với bài thơ mang tiêu đề đầy kính trọng: “Yết Cửu – Chân Sơn – Tự Vô – Ngại – Thượng – Nhân”.

Thượng tọa Mật Thể dịch:
“Phật xưa sinh ở Tây Thiên
Mà nay xuất hiện ở miền Nhật Nam
Thoát vòng phiền não cõi phàm
Thảnh thơi dưới núi già – lam một tòa
Ngọn khe chóp núi lân la
Hương là cổ sát đá là thần ao
Chim xanh chực, vượn trắng dòm
Sớm mai giảng kệ chiều hôm tham thiền
Mấy từng mây quấn đá chen
Dây leo chân vách, hoa lên mặt đầm
Thiên nhiên sẵn thú tuyền lâm
Rừng phơi áo giặt, suối dầm nước hương.”

Còn có thể viết thế nào mà vừa chi tiết, cụ thể, lại vừa tiên phong đạo cốt hơn về chỗ ở của một đấng chân tu như những dòng thơ trên? Bút pháp của thiền sư Trung Hoa này đã đạt đến độ huyền diệu. Thế nhưng sự khiêm cung của ngài trước Vô Ngại Thượng Nhân – vị thiền sư đất Cửu Chân – người mà ngài nhận là sư phụ, mới chân thành tha thiết làm sao!
“Phận hèn học kém đáng thương
Tiếc vì chưa hiểu Y – Vương thế nào
Hổ - Khê một bữa may sao
Đầu non đổ xuống cây cao một cành!”
Cảm được cái bóng mát của đại thụ trí tuệ trước Vô Ngại Thượng Nhân như Thẩm Nguyên Kỳ hẳn ông ta cũng phải có phẩm cách của một đại thụ “cây cao một cành” trong tương lai, hay có thể, ngay trong hiện hữu, giữa những bậc “nhìn nhau trông mặt cả cười”!
Và quả thật như thế. Khi sứ thần nhà Tống là Lý Giác sang ta, đã tỏ lòng kính trọng tặng thơ Hoàng đế Lê Đại Hành: “Ngoài trời lại có trời soi rạng/ Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầu” (ý là ngoài trời (vua) Trung Hoa ngời sáng, lại có trời (vua) Việt ngời sáng, như trăng trời lại gặp trăng nước in bóng nước trong xanh); Khuông Việt đại sư (Ngô Chân Lưu) đã thả một bài Từ tặng lại:
“… Đường muôn ngàn dặm trải phong ba
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam Hà
Gió thuận buồm hoa về cửa khuyết
Một chén quan hà dạ thiết tha…”

Ồ thì ra trước những chính giáo, trước những mối giao lưu hòa thuận, trước đích thực văn hóa, văn hiến, “Thiên hạ (thế giới) vốn đại đồng, mà khác nhau chỉ là tiểu dị”! Trước những trang Đường thi, Tống thi, Việt thi ấy, con người hiện lên thật thương mến, hiền hòa. Có ai ngờ những vần thơ giao lưu thân tình, đầm ấm ấy, Lê Quý Đôn đã trích lại từ sách “Loại hàm anh ngữ” của Trung Hoa! Chắc hẳn khi viết những dòng thơ tặng các thi sĩ, thiền sư, Hoàng đế nước Việt, với tấm lòng ấy, các thi sĩ, thiền sư, sứ thần Trung Hoa không thể không đọc những áng thơ Việt đáng để tâm đắc, tri ân.
Không tâm đắc, tri ân sao được: “Mộc Trung nguyên hữu hỏa/ Nguyên hỏa phục hoàn sinh/ Nhược vị mộc vô hỏa/ Toản toại hà do manh” (Khuông Việt quốc sư, thái sư).
Thượng tọa Mật Thể dịch:
“Trong cây vốn có lửa
Tia lửa mới sáng lòa
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát sao bừng ra?”
Ấy là lửa. Còn tiếng gió, tiếng sáo, tiếng tiêu? Cũng len lỏi cả những ngóc ngách của vũ trụ, cuộc đời và mong manh như ánh trăng, mà có lúc đã rời được cả… núi!
“Theo gió tiếng tiêu luồn bụi trúc
Theo trăng trái núi dịch đầu tường”

(Viên Chiếu thiền sư)
Cũng lửa, cũng hoa, cũng ngọc, nhưng nghĩ và cảm thế nào trước việc đời, việc đạo để Ngộ Ấn thiền sư có thể viết nên: “Diệu tính hư vô bất khả phan/ Hư vô tâm ngộ đắc hà nan/ Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận/ Liên phát lô trung thấp vị can”; Ngô Tất Tố dịch:
“Hư vô tinh ấy làm sao hiểu
Riêng bụng hư vô hiểu được thôi
Trên núi ngọc thiêu màu vẫn nhuận
Trong lò sen nở sắc thường tươi.”
Ngọc bị thiêu đốt màu vẫn không đổi thay. Mỏng manh như cánh hoa sen đưa vào lò lửa có thể cháy, nhưng cái sắc tươi hằng có, hằng sống của nó lại như đượm vào sắc lửa hồng. Đấy chính là sự bất hoại, bất tử của chân ngã, bản lĩnh, cái “dĩ bất biến” để “ứng vạn biến” trong cuộc đời và vũ trụ (tiểu ngã và đại ngã)…
Chỉ có niềm tin ấy, Thiền Lão thiền sư mới có thể trả lời Đức vua Lý Thái Tôn khi vãn cảnh chùa Trùng Minh (Tiên Du, Bắc Ninh) sau những luận bàn thế sự: “Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh/ Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”, nghĩa là: “Trúc biếc hoa vàng đâu có ngoài ta/ Mây trắng, trăng trong chính là ta hiện ra vậy”…
Và chỉ có niềm tin vào sự trong sáng, minh tuệ ấy mới có thể nhìn đời một cách bình tĩnh: “… Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Mãn Giác thiền sư). Ngô Tất Tố dịch:
“… Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày