Vận nước xoay vần lúc an bình

Nắng hửng lên đôi chút, vòm trời đỡ xám xịt hơn trước và dòng sông trôi đã ánh lên lấp lóa khi những mái chèo nhịp nhàng khua trên mặt nước. Sư Vạn Hạnh đã bắt đầu cuộc thủy trình của mình như vậy...

Vua Đinh Tiên Hoàng đón nhận sự kiện hoàng thứ tử Đinh Toàn cất tiếng khóc chào đời trong cung Trường Xuân cũng không lấy gì làm hân hoan, náo nức cho lắm. Vì thật ra nhà vua không phải người hiếm muộn con trai. Cái bóng lừng lững, oai vệ của Hoàng Thái tử Nam Việt Vương Đinh Liễn đã che khuất sự hiện diện của cậu em trai mới được sinh ra này.

Ra đời sai thời vụ??

thaprua.jpg
Ảnh minh họa: vqvn.com

Thuở mới dấy nghiệp, Đinh Liễn đã từng theo cha khi ấy chỉ là gia tướng của Trần Minh Công, chịu đựng mọi gian nan, hiểm nguy, rong ruổi trận mạc,đánh nam dẹp bắc… Bấy giờ có loạn “12 sứ quân”, đất nước ly tán, trăm họ lầm than, khốn đốn trong cơn binh lửa do các sứ quân xưng hùng xưng bá, cát cứ đất đai, giết tróc lẫn nhau tranh giành quyền lực, gây nên.

Đinh Bộ Lĩnh tài năng, sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược khác đời, một phen xuất binh dẹp loạn, đánh đâu thắng đấy, mười hai sứ quân lần lượt bị khuất phục, thật không hổ danh “Vạn Thắng Vương”. Trong sự nghiệp hiển hách đó, Tiên Hoàng không thể không nhắc đến công lao của Thái tử Đinh Liễn. Tiên Hoàng cũng có ý truyền ngôi cho Thái tử mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống.

Ta hãy trở lại với ông hoàng nhỏ Đinh Toàn mới ăn đầy tháng trong cung Trường Xuân. Thời bấy giờ, thông thường cứ mỗi lần con vua cháu chúa sinh ra, ngoài mớ tã lót bọc lấy cái thân hình hài nhi đỏ hỏn, da dẻ còn nhăn nheo, bao giờ cũng được phủ thêm một lớp hào quang của huyền thoại.

Những huyền thoại này có khi do chính triều đình cố ý “sáng tác” ra rồi hoang truyền trong dân. Hoặc, dân chúng tưởng tượng, tô vẽ nên tùy theo mức độ thiện cảm của họ dành cho những đứa trẻ siêu phàm này.

Nào là, khi mang thai những ông hoàng, bà chúa tương lai ấy, hoàng hậu nọ, phi tần kia không nằm mơ thấy mình nuốt mặt trời hay mặt trăng vào bụng thì cũng được thần nhân báo mộng sắp sinh quý tử… Nào là, khi mới sinh ra, trên thân thể những “vĩ nhân oe oe” đó đã có những dấu hiệu khác thường, nếu không phải là những nốt ruồi son trên lưng thì trong lòng bàn tay cũng có sẵn chữ “Vương”…

Ngược dòng lịch sử, ta thấy, Nho và Lão đã được phương bắc dụng công truyền bá ở xứ này từ khá sớm nhưng lại không sâu rễ bền gốc và thấm nhuần trong sinh hoạt và đời sống tâm linh dân gian bằng một thứ Phật giáo đã được bản địa hóa và bình dân hóa từ hơn nghìn năm. Ấy là chưa kể đến một loạt các nhà sư thuộc các hệ phái khác nhau cùng phật tử đã trở thành những dũng sỹ quả cảm trong công cuộc giành tự chủ cho đất nước.

Việc các vương triều non trẻ từ triều Ngô và bây giờ, triều Đinh, thừa nhận vai trò độc tôn của Phật giáo như một điểm tựa vững chắc về tinh thần và ý thức quốc gia là quá hiển nhiên và dễ hiểu. Bởi lẽ đó, các nhà sư dù theo hệ phái nào cũng có chung một mối quan tâm là vận mệnh và sự hưng thịnh của Đại Cồ Việt.

Cha - con bất hòa?

Cuộc đàm đạo càng thêm phần phấn khích khi thiền sư già Pháp Thuận xuất hiện khá bất ngờ trong chùa Bà Ngô. Thiền sư cũng thuộc phái Tì-ni-đa-lưu-chi nhưng lại là đàn anh của sư Vạn Hạnh và là bạn vong niên của Lê Hoàn.

dinhtienhoang.jpg
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Webshots.com)

Nhìn cặp lông mày dài rủ xuống và bộ râu trắng như cước của thiền sư Pháp Thuận, Lê Hoàn nể trọng, nghĩ thầm "Nếu không phải là kẻ tu hành, giờ này thiền sư hoàn toàn có quyền mãn nguyện, ngồi trên sập gỗ lim kê giữa nhà hay trên một chiếc ghế bọc gấm đỏ, đón nhận những lời chúc thọ của con cháu, thân bằng, quyến thuộc, bè bạn nhân lễ mừng “lục tuần đại khánh” của mình.

Vị cao tăng này học rộng, giỏi thơ văn, từng trải việc đời, có thừa tài kinh bang tế thế nhưng lại không chịu ràng buộc mình bằng chức tước của triều đình. Ta chỉ ước sao thỉnh được Người vào cung bệ kiến hoàng thượng, sắp sẵn kế sách ứng phó với Tống triều."

Năm ngoái, sau khi Nam Việt Vương Liễn đi sứ về, chúng cho ngay sứ sang vừa phong cho hoàng thượng làm Giao Chỉ Quận Vương lại phong cho Liễu làm Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ An Nam Đô Hộ, dù lời chế kèm theo đã biện bác :

“Họ Đinh đời đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hóa Trung Hoa,thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang,bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức “tỉnh phú”. Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu?”

Bây giờ vua Tống lại sai Hồng Lô Tự Khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu bọn Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt Vương Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương, cái chức hai năm trước đã phong cho hoàng thượng.

Cả hoàng thượng lẫn Nam Việt Vương tính đều cương mãnh, quả đoán liệu sự tấn phong dồn dập của Tống triều dành cho Hoàng Thái Tử có gây nên những lấn cấn nào đó trong quan hệ cha con, vua tôi không?Và đằng sau những ưu ái này của Tống triều có giấu ẩn ý thâm hiểm nào chăng?

Dường như nhìn xuyên qua ý nghĩ của Lê Hoàn, vị sư già điềm tĩnh hỏi: - Thưa quan Thập đạo, bần tăng nghe nói sứ Tống sang ta sách phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm Giao Chỉ Quận Vương, không biết hư thực ra sao?

Lê Hoàn giật mình: - Đúng vậy, thưa đại sư.

Pháp Thuận ngẫm nghĩ một lúc, giọng đượm vẻ ưu tư: - Hoàng thượng dù đã lên tuổi “tri thiên mệnh” nhưng khí thế còn phương cương, uy vũ còn đầy tràn, Nam Việt Vương là con đích trưởng, bản lĩnh hơn người lại chưa vấp phải lỗi lầm gì, kể ra việc nối ngôi cửu ngũ không chóng thì chày cũng thành tựu. Chỉ hiềm có những việc đến không đúng thời vụ…

Thiền sư ngập ngừng dừng lại, mọi người đều hiểu ngầm những gì mà thiền sư Pháp Thuận e ngại không nói thành lời. Một rừng không thể có hai Chúa Sơn Lâm, một nước không thể có hai Đấng Nhân Chủ. Phải chăng Tống triều hành xử như vậy là muốn gây hiềm khích giữa cha con, vua tôi Đại Cồ Việt?

Khuông Việt đưa mắt nhìn Vạn Hạnh, nhà sư trẻ biết Tăng thống đại sư chờ đợi gì ở mình. Về độn số, Pháp Thuận và Vạn Hạnh đều nổi tiếng không kém gì nhau. Nhưng tâm thế hiện giờ của Vạn Hạnh đang xao xuyến, làm sao đủ linh mẫn và sáng suốt để khỏi phụ lòng vị Tăng thống?

Thư Thăng Long 0 giờ ngày 24/7/2009

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày