GN - Hiến chương của Giáo hội xác định hệ thống tổ chức của GHPGVN gồm 3 cấp, trong đó Ban Trị sự cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là quận, huyện) là cơ quan hành chánh, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội tại địa phương.
Do đó, khi Ban Trị sự cấp quận, huyện không làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình, thì chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng lên cả hệ thống tổ chức của Giáo hội.
Quang cảnh buổi làm việc về văn phòng hành chánh điện tử của BTS TP với BTS Q.Tân Phú - Ảnh: Hạnh Ý
Về phương diện hành chánh, Giáo hội đã 38 năm kể từ ngày hình thành, đã thành lập được Ban Trị sự cấp tỉnh phủ khắp 63/63 tỉnh thành cả nước, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn để tìm giải pháp. Đó là hiệu quả, chất lượng điều hành hoạt động chưa đồng đều cũng như tình trạng nhân sự kiêm nhiệm…, làm trở ngại cho việc thúc đẩy và phát huy được sức mạnh cả hệ thống của một tổ chức tôn giáo như Phật giáo, theo phương hướng đã đề ra.
Với TP.HCM, một trung tâm có số lượng Tăng Ni, tự viện nhiều và hoạt động sôi động nhất so với các tỉnh thành khác trong cả nước, 24/24 quận, huyện đã có Ban Trị sự, nhưng cũng không ngoại lệ.
Qua cuộc thăm, làm việc của đoàn công tác do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố cử, trực tiếp đến từng Ban Trị sự cấp quận, huyện để khảo sát và lắng nghe phản ánh thực tế, bên dưới sự bình yên đang ẩn các vấn đề liên quan tới quản lý Tăng Ni, tự viện và nhân sự kế thừa.
Một chuyện tưởng như không tưởng, đó là trụ sở, văn phòng làm việc của các Ban Trị sự quận, huyện đa số còn mang tính tạm bợ, cá biệt Ban Trị sự quận Phú Nhuận hiện văn phòng vẫn còn… treo, phải lưu động khi cần hội họp; trong khi đó, về nguyên tắc, gần 1.500 tự viện là giáo sản thuộc về Giáo hội. Việc để có được trụ sở văn phòng độc lập của các Ban Trị sự vẫn còn tiếp tục “treo”, lệ thuộc sự phát tâm và đồng thuận của các vị trụ trì các tự viện trên địa bàn.
Với nhân duyên đặc thù đó, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã chọn một giải pháp khác, đó là thúc đẩy thực hiện hành chánh điện tử, ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin vào việc quản lý, tiếp nhận, hỗ trợ, thông tin… cho các Ban Trị sự và cả Tăng Ni, Phật tử khi có nhu cầu.
Mô hình văn phòng hành chánh điện tử không phải là mới mẻ ở nước ta, mà đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng. Tính ưu việt của mô hình này đã được chứng minh: tiết kiệm không gian, nhân sự, chi phí vận hành, dễ dàng quản lý, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, kết nối nhanh, giảm những tiêu cực và phiền toái do yếu tố trung gian, tạo môi trường minh bạch và thân thiện…
Trong tinh thần duyên sinh, Phật giáo không phủ nhận các tiện ích ưu việt mang tính thời đại, do vậy, việc áp dụng hành chánh điện tử vào hoạt động của Giáo hội tại TP.HCM là lẽ đương nhiên, điều cần phải làm.
Thay đổi thói quen và tiếp nhận cái mới nào cũng gặp sự bỡ ngỡ, nhưng mô hình xây dựng văn phòng hành chánh điện tử này, nếu được áp dụng đồng bộ lên các Ban Trị sự quận huyện, sẽ giải quyết cho những khó khăn về cơ sở vật chất, không gian văn phòng vật lý như yêu cầu từ trước đến nay theo cơ cấu nhân sự và chức năng của nhân sự được chuẩn y sẽ được giảm tối thiểu tối đa, song vẫn đảm bảo tính hiệu quả nếu áp dụng đúng mức, phù hợp với đặc thù thực tế của TP.HCM nói riêng và Phật giáo ở nước ta nói chung.