“Vẫn quyết liệt với tình trạng kiêm nhiệm trong Giáo hội”

GN - Trước thềm Hội nghị thường niên kỳ 3, khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) sẽ diễn ra vào các ngày 10 – 11-1-2019 tại Văn phòng Ban Thường trực HĐTS GHPGVN phía Nam (thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM), phóng viên Giác Ngộ có cuộc trao đổi với TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS.  


TT Duc Thien.JPG

TT.Thích Đức Thiện

Nói về ý nghĩa của hội nghị này, Thượng tọa cho biết: 

- Hội nghị thường niên của HĐTS GHPGVN nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động Phật sự của các Ban, Viện T.Ư, của các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đánh giá kết quả thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2018, nhiệm vụ nào đã hoàn thành và nhiệm vụ nào chưa hoàn thành cùng những tồn đọng; Chỉ ra những nhân tố tích cực hoàn thành các Phật sự đề ra, đồng thời phân tích những nguyên nhân, hạn chế của các chương trình Phật sự chưa đạt được. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế đề ra phương hướng hoạt động Phật sự cho năm 2019, trong tổng thể mục tiêu phương hướng nhiệm kỳ VIII (2017-2022) mà Đại hội VIII đã đề ra. 

Chư tôn đức Ban Thường trực HĐCM, Ban Thường trực HĐTS, toàn bộ thành viên HĐTS, đại biểu tiêu biểu của các Ban, Viện T.Ư, khách mời các Ban, Bộ ngành T.Ư, MTTQVN và TP.HCM. Hình thức tổ chức Hội nghị thường niên HĐTS năm nay có nét mới, dự kiến Ban Tổ chức sẽ gửi tài liệu báo cáo tổng kết Phật sự năm 2018 và phương hướng hoạt động Phật sự năm 2019 của GHPGVN về lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố nghiên cứu trước và sẽ có những bổ sung, đóng góp ý kiến tại hội nghị được thực tiễn hơn.  

Thượng tọa đánh giá về hoạt động Phật sự của Giáo hội trong năm đầu của khóa VIII như thế nào? Và thực tế còn có những vướng mắc, khó khăn tồn đọng nào chưa được giải quyết không? 

- Năm 2018 là năm đầu Giáo hội triển khai thực hiện Nghị quyết và chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự do Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8, nhiệm kỳ 2017-2022 đề ra với 9 mục tiêu lớn được cụ thể hóa bằng 45 điểm trải rộng tất cả các lĩnh vực thuộc các Ban, Viện T.Ư. Có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo tối cao của Ban Thường trực HĐCM, sự chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, Ban Thường trực HĐTS đã điều hành các hoạt động Phật sự có hiệu quả và thực sự đi vào chiều sâu. Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ 6 tại Đại hội VIII đã được triển khai ở tất cả các BTS GHPGVN tỉnh, thành phố và các địa phương trong cả nước.

Công tác nhân sự, nội quy hoạt động của các Ban, Viện T.Ư đã được sớm kiện toàn và đi vào hoạt động, thúc đẩy các công tác Phật sự chuyên ngành. Một số Ban, Viện đã triển khai chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự một cách khoa học, đặt ra kế hoạch thực hiện theo lộ trình chi tiết như: Ban Thông tin-Truyền thông T.Ư đã triển khai cụ thể hóa chương trình mục tiêu nhiệm kỳ; Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và hội thảo chuyên đề theo định hướng chương trình hoạt động Phật sự của Đại hội VIII; Ban Tăng sự T.Ư đã tổ chức triển khai việc thực hiện Nội quy Ban Tăng sự đã được tu chỉnh cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý Tăng Ni, tự viện trong bối cảnh hiện nay.

Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư đã bắt đầu triển khai công tác đào tạo ở bậc sau đại học, tiến sĩ Phật học tại các Học viện Phật giáo VN; Công tác từ thiện xã hội của toàn Giáo hội đạt thành tích tốt; Ban Văn hóa T.Ư tiếp tục triển khai 4 đề án lớn về lĩnh vực văn hóa Phật giáo; Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư đã làm tốt công tác đối ngoại của Giáo hội, tham gia các sự kiện Phật giáo quốc tế, kiện toàn và thành lập mới các tổ chức Phật giáo của Giáo hội tại nước ngoài, nổi bật là được trao quyền đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại nước ta.

Công tác nghi lễ Phật giáo được trang nghiêm tại các Đại lễ Phật đản, Vu lan, và các Đại lễ như kỷ niệm 1.000 năm ngày viên tịch của Quốc sư Vạn Hạnh, 710 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết- bàn… Viện Nghiên cứu Phật học VN đã tập trung triển khai cụ thể công trình Đại tạng kinh VN, tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông… Các hoạt động kinh tế, tài chính, công tác pháp chế, kiểm soát đều đạt hiệu quả tốt. 

Tuy nhiên còn một số tồn đọng đó là chưa giải quyết dứt điểm công tác tổ chức Giáo hội tại một số địa phương như: Hải Phòng, Phú Yên… Việc giải quyết và xử lý các công tác ở một số địa phương chưa tốt để xảy ra việc đơn thư kiện tụng như Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của Giáo hội.

GN980 (2 of 3).jpg

Hội nghị sinh hoạt Giáo hội 2017 tại Văn phòng II TƯGH - Ảnh: Bảo Toàn

Nếu phải đánh giá và bình chọn 5 thành tựu của Giáo hội và những tồn đọng cụ thể trong năm đầu của khóa VIII, quan điểm của Thượng tọa như thế nào? Đó là gồm những gì? 

- Theo tôi, 5 thành tựu nổi bật của GHPGVN trong năm 2018 đó là: 1. Thành tựu về mặt Giáo dục Phật giáo: Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho GHPGVN đào tạo hệ thạc sĩ, tiến sĩ Phật học tại các Học viện Phật giáo Việt Nam; 2. Thành lập Ban Điều phối GHPGVN tại CHDCND Lào; 3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoằng pháp và truyền thông Phật giáo tại Đại lễ Phật đản 2018, thực hiện cầu truyền hình trực tiếp Đại lễ Phật đản trong cả nước tại các thành phố lớn, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ…; 4. Tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm ngày viên tịch của Quốc sư Vạn Hạnh và 710 năm ngày viên tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông; 5. Tiếp nhận đăng cai lần thứ 3 Đại lễ Vesak Phật đản LHQ 2019 tại Việt Nam. 

Tôi cũng nhận thấy GHPGVN còn có 5 tồn đọng, đó là: 1. Việc chiếm giữ con dấu xảy ra tại BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên tiền nhiệm đến nay chưa giải quyết được; 2. Tình trạng gia tăng đơn thư khiếu kiện vượt cấp và mâu thuẫn phát sinh tại một số BTS GHPGVN địa phương; 3. Sinh hoạt của Tăng Ni trẻ và ý thức của Tăng Ni trẻ trong việc gìn giữ niềm tin, hình ảnh của đạo Phật, của GHPGVN còn kém; 4. Chưa có sự quan tâm đúng mức của GHPGVN đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên trong việc phát triển tổ chức Phật giáo, quy y tín đồ Phật tử và thu hút giới trẻ; 5. Còn một số vấn đề trong chấp hành nội quy, quy định của Giáo hội tại một số Ban Trị sự địa phương. 

Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc liên ngành về công tác tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, địa phương và GHPGVN nhằm hỗ trợ cho công tác tổ chức của GHPGVN. Thượng tọa có thể cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức sự kiện quan trọng này như thế nào? 

- Được sự chấp thuận của Ban Bí thư T.Ư, của Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành T.Ư, đồng thời được sự chấp thuận của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ (ICDV) ngày 22-9-2018 về việc GHPGVN chính thức đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Hà Nam. Công tác chuẩn bị cho việc tổ chức sự kiện đối ngoại quan trọng này đã được Giáo hội tiến hành ngay sau đó. Ngày 11 – 13-10-2018, Hội nghị lần thứ nhất giữa ICDV và GHPGVN đã họp tại Hà Nội để thống nhất về thời gian, địa điểm, nội dung chương trình, khách mời… 

Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất quan tâm tới sự kiện Vesak LHQ 2019. Thủ tướng coi đây không chỉ là sự kiện đối ngoại quan trọng của GHPGVN mà là sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2019. Thủ tướng đã chủ trì phiên làm việc với các Bộ, ngành T.Ư như: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Ban Tôn giáo Chính phủ, GHPGVN và các địa phương: Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Hòa Bình để nghe báo cáo và Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ và địa phương giúp đỡ GHPGVN tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ 2019. 

Đến nay, GHPGVN đã thành lập Ban Tổ chức Quốc gia GHPGVN và các Tiểu ban chuyên môn thực hiện công tác tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019; hoàn thiện đề án tổng thể Đại lễ Vesak LHQ 2019 trình Thủ tướng Chính phủ; Chủ động có các đề xuất với các Bộ, ngành T.Ư và các địa phương các công việc cụ thể để giúp đỡ GHPGVN; Đã làm việc và thống nhất với ICDV về khách mời, đã gửi giấy mời viết bài tham luận và giấy mời tham dự Đại lễ tại Hà Nam; Thường xuyên giám sát các đơn vị thi công và chủ đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ các công trình phục vụ tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Tam Chúc, Hà Nam; Chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị lần thứ hai với ICDV vào ngày 26 – 27-1-2019 tại Hà Nội.

Với hai lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam, được sự quan tâm của cả hệ thống GHPGVN, của chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, của Thủ tướng Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành T.Ư, tôi có niềm tin chắc chắn GHPGVN sẽ tổ chức lần thứ 3 thành công đặc sắc Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Tam Chúc, Hà Nam. Tôi rất mong chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử VN trong và ngoài nước nhất tâm tham gia sự kiện trọng đại này.

GN980 (1 of 3).jpg

TT.Thích Đức Thiện cho rằng tình trạng kiêm nhiệm nhiều chức danh trong Giáo hội như hiện thấy "là do tồn tại của quá trình vận động đổi mới, vừa cần sự phát triển, vừa cẩn sự ổn định, đoàn kết, hòa hợp"

- Ảnh: Bảo Toàn

Thưa Thượng tọa, với một số buổi sinh hoạt của Giáo hội, có ý kiến cho rằng chủ trương của Giáo hội trong việc cơ cấu nhân sự tham gia HĐTS, các ban ngành Trung ương, như chủ trương là rất quyết liệt không để tình trạng kiêm nhiệm ảnh hưởng tới chất lượng công tác được phân nhiệm, giao phó. Tuy nhiên, thực tế sau khi cơ cấu nhân sự chủ chốt, thì không như vậy, mà tình trạng kiêm nhiệm vẫn rất phổ biến. Tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội tại Văn phòng II TƯGH, có đại biểu nêu lên trường hợp một vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp, kiêm lãnh đạo các Ban, ngành quan trọng của Trung ương, lại kiêm tới Trưởng ban Trị sự tới 4 tỉnh; cũng có trường hợp một vị lại kiêm Phó ban Trung ương, vị trí lãnh đạo chủ chốt, tới 4-5 Ban, đó là chưa kể những trách nhiệm quan trọng tại địa phương. Thượng tọa nhìn nhận vấn đề này như thế nào? 

- Chủ trương là quyết liệt, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS chỉ đạo quyết liệt không để tình trạng kiêm nhiệm nhiều và trong tương lai vẫn phải quyết liệt thực hiện để nâng cao chất lượng công tác Phật sự. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tồn tại trong việc kiêm nhiệm nhiều chức danh như đã nêu là do tồn tại của quá trình vận động đổi mới, vừa cần sự phát triển, vừa cần sự ổn định, đoàn kết và hòa hợp. Hơn nữa, Đại hội ở các địa phương được tổ chức trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc, việc một chư tôn đức kiêm nhiệm làm Trưởng ban của nhiều hơn một Ban Trị sự, hay đến bốn Ban Trị sự như đã chỉ ra là do yêu cầu thành lập các Ban Trị sự tại miền núi phía Bắc, nơi mà Phật giáo còn chưa phát triển, nơi không có một ngôi chùa nào như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Do đó đòi hỏi trách nhiệm của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội dấn thân, phát tâm, có uy tín làm Phật sự. Vấn đề này sẽ được GHPGVN chú ý trong nhiệm kỳ tới và cần có kế hoạch về nhân sự ngay từ bây giờ. 

Từ khi mạng xã hội bùng nổ, nhiều thông tin không tốt liên quan tới người tu sĩ Phật giáo, thực hư khó kiểm chứng. Có ý kiến cho rằng dường như Giáo hội chưa có sự quan tâm đúng mức tới ảnh hưởng từ những thông tin này, và có ý kiến cho rằng Giáo hội nếu có xử lý thì cũng chỉ xử lý mang tính đối phó, rượt đuổi và bị động. Với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Thượng tọa có thể chia sẻ quan điểm của Giáo hội về vấn đề này? 

- Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội. Giáo hội đặc biệt quan tâm tới thực trạng này trong điều hành hoạt động Phật sự. Đặt vấn đề đến việc “chưa có sự quan tâm đúng mức” thì hoàn toàn không đúng. Chúng ta không thể có định lượng để cho biết thế nào là đúng mức và chưa đúng mức. Thực tế, Giáo hội đã hết sức chú trọng đến việc sử dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội trong tất cả các hoạt động Phật sự. Đồng thời, Giáo hội đã thành lập các bộ phận chuyên môn nhằm quản lý, xử lý các thông tin liên quan đến hình ảnh Giáo hội, hình ảnh tu sĩ Phật giáo kịp thời và hiệu quả thông qua Tổ Thông tin truyền thông của Văn phòng II TƯGH và nhóm chuyên môn cộng sự của Phật sự online. 

Xin chân thành cảm ơn Thượng tọa.
Tin liên quan:
H.Diệuthực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày